-------------------------------------------------------------------------
Bài viết nhằm đả kích các biểu hiện tiêu cực của tâm lý đám đông, trong đó có "body-shaming" và sự trỗi dậy khủng khiếp của ngành công nghiệp thẩm mỹ, nơi mà chỉ có mối quan hệ khách hàng - doanh nghiệp mà không phải bệnh nhân - bác sĩ. 
Bài viết sẽ xoay quanh các luận điểm chính sau: 
-Body-shaming dẫn đến phẫu thuật thẩm mỹ.
-Quan niệm về vẻ đẹp phụ thuộc vào sự phát triển của thế giới vật chất và tinh thần.
-Quan niệm về vẻ đẹp thời nay thật ra chỉ là một trò đùa của ngành công nghiệp thẩm mỹ.
------------------------------------------------------------------------------

1. Body-shaming rốt cuộc là gì?

Tôi xin tạm định nghĩa Body-shaming như sau:
Body-shaming, gọi một cách thô thiển là "Miệt thị cơ thể" là hành động châm chọc, đả kích một cá nhân, hay nhóm người nào đó dựa trên các đặc điểm cơ thể. 
Một ví dụ body-shaming điển hình. 
Body-shaming có thể được biểu hiện thông qua lời nói, hoặc cử chỉ. Đối với ví dụ lời nói, quá dễ dàng để các bạn nhận ra phải không? Còn đối với cử chỉ, việc bạn trông thấy một người có thân hình bất cân đối, bạn nhăn mặt trợn mắt, bạn cười mỉa, bạn ghé vào tai đứa bạn thân bên cạnh để xầm xì, ấy cũng chính là body-shaming. 
Vừa qua trong một topic liên quan đến chủ đề "Những câu nói đau lòng nhất bạn đã từng nghe là gì?" tại Quora Việt Nam, tôi có thể ngẫu nhiên tổng kết được rằng các câu nói liên quan đến body-shaming chiếm đa số. Trong đó có một câu nói rất đặc biệt, dẫn đến sự ra đời của bài viết ngày hôm nay:

Từ chủ ngữ và vị ngữ của câu nói, các bạn có thể đoán được rằng người nói câu nói này có quan hệ như thế nào với nạn nhân chứ? Theo như lời nói chua xót mà tôi có cảm giác như cô bé vừa khóc vừa gõ phím, thì lời nói này xuất phát từ chính người mà cô bé cho là bạn thân. Câu nói làm tôi giật mình, giật mình vì mối liên hệ giữa Body-shamingPhẫu thuật thẩm mỹ nó đang càng ngày càng khăng khít hơn, ở một xã hội mà lời nói có thể được truyền đi càng lúc càng dễ dàng bởi các phương tiện liên lạc xã hội. 

Bài viết khác của tác giả:

2. Cái tên quái dị "Phẫu thuật thẩm mỹ".

Trong cụm từ "Plastic surgery" mà chúng ta vẫn hay dịch sang tiếng Việt là "Phẫu thuật thẩm mỹ", thì chữ "plastic" xuất phát từ một động từ trong tiếng Hy Lạp cổ với hàm nghĩa "tạo hình". Sau công nguyên, trong từ điển tiếng La-tin có nhắc đến từ này dưới dạng "plasticus", và đến thời Phục Hưng thì mọi người hay gọi là "plastique".
Vậy tức là về mặt từ ngữ, ngữ nghĩa, khái niệm "Phẫu thuật tạo hình" đã bị bẻ trại đi một cách kinh khủng, và biến thành cái mà người Việt Nam ta hay gọi chung là "Phẫu thuật thẩm mỹ".
Các bạn không tin ư? Vậy xin hãy lưu ý rằng kỹ thuật "plastic surgery" lần đầu tiên được ghi nhận trong văn kiện y học "Edwin Smith Papyrus" được viết vào khoảng 3000-2500 BC thời Ai Cập cổ đại với nội dung đề cập đến việc tạo hình lại chiếc mũi đã gãy. Còn ca "plastic surgery" đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử là một ca tạo hình mũi được thực hiện tại Ấn Độ vào khoảng năm 800 BC bởi một bác sĩ người Ấn Độ.
Văn kiện thể hiện phương pháp phẫu thuật tạo hình mũi của người Ấn Độ, nguồn Wikipedia.
Tại sao lại là mũi? Vì vào thời cổ đại, vũ khí tự vệ của con người vốn rất thô sơ, và chủ yếu là cận chiến. Trong cận chiến, thì mũi là bộ phận dễ chịu thương tổn nhất, vậy nên việc mất mũi do gươm, đao, hay gãy toàn bộ sống mũi do va đập là điều dễ hiểu. Một lý do nữa, bản án "cắt mũi" là một trong những phương pháp xử lý tội phạm phổ biến nhất vào thời đại này. 
Nhiệm vụ của "plastic surgery" là xử lý tạo hình lại bộ phận rất quan trọng này của con người, là cửa ngõ của toàn bộ hệ hô hấp. Việc tạo hình này vừa là để bệnh nhân không bị nhiễm trùng với vết thương hở, vừa bảo vệ an toàn cho hệ hô hấp; thậm chí việc tạo hình này mang tính chất sống-còn ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt.
Vậy cuối cùng, ở đâu đẻ ra cái tên "phẫu thuật thẩm mỹ" quái dị này?! Thế nên kể từ giờ, tôi xin phép đặt cụm phẫu thuật thẩm mỹ trong ngoặc kép, như một sự châm biếm. Còn các bạn thắc mắc về cái tên "Cosmetic surgery"? Xin thưa, đó cũng chỉ là một cái tên quái thai được đẻ ra cho ngành công nghiệp này thôi.

3. Bản chất của cái đẹp - cái xấu

Điều gì khiến bạn nhìn vào một người và phán quyết rằng họ đẹp hay xấu? Tiêu chuẩn của bạn là gì? Từ đâu có cái tiêu chuẩn đó?
Câu trả lời của tôi là: trừ bỏ đi tất cả những bias về cái đẹp được tạo nên bởi môi trường (Phần này đề cập sau), thì mỗi cá thể con người, kể cả một đứa bé cũng có thể nhận biết được cái gì đẹp. 
Hay nói một cách khác, bản năng của con người là nhận biết được cái gì thuận mắtkhông thuận mắt, hay là nguy hiểm không nguy hiểm. Tất cả mọi thứ tồn tại trong tự nhiên đều có lý do của nó. Hình thái của động, thực vật phản ánh bản năng sinh tồn của chúng. Mời các bạn xem hình ảnh sau đây: 

Bạn thấy nhìn hình ảnh nào dễ chịu hơn? Xương rồng gai góc hay bụi hoa ngát hương? Hình tam giác nhọn hoắt hay hình tròn?
Tạm thời bỏ qua yếu tố giúp giữ nước của lá xương rồng, thì việc ở khu vực sa mạc với mật độ cây quá thưa thớt, xác suất bị tấn công của cây xương rồng là cao hơn hẳn các khu vực có thực vật mọc rậm rạp (như hình bên phải). Chính vì lẽ đó mà hình thái của cây xương rồng buộc phải như vậy. Và cũng chính vì lý do cây xương rồng thể hiện ra sự nguy hiểm của mình, nên với bản năng, loài người cũng sẽ đánh giá loại thực vật này là nguy hiểm và tránh xa chúng. Do đó mà những người có khuôn mặt xương xẩu, cằm nhọn,... vẫn luôn bị xem là có nét xấu, bởi vì khuôn mặt họ gợi nhớ đến bản năng tránh né vật nhọn của loài người. 
Bên cạnh hình thái, yếu tố tỷ lệ cũng có thể quy vào bản năng của con người. Các bạn hẳn đã từng nghe qua về tỉ lệ vàng với con số 1.618, hoặc tỉ lệ theo dãy số Fibonacci 0,1,1,2,3,5... Những tỉ lệ này vẫn được dùng xuyên suốt trong nghệ thuật kể từ thời đại Hy Lạp, Ai Cập cổ cho đến tận ngày nay. Từ đâu mà có tỉ lệ này? Tỉ lệ này vốn thực chất là những con số của tự nhiên mà ra cả. Hình xoắn ốc tỉ lệ vàng vốn lấy từ mặt cắt của bất kỳ con ốc nào trong tự nhiên. Dãy số Fibonacci hoàn toàn đúng với số lá trên một cái cây, số cánh hoa trên một bông hoa, tỉ lệ giữa các bộ phận trên cơ thể người, heo, bò, gà, chó,... 
Hình xoắn ốc tỉ lệ tại đền Pathenon thực chất lấy từ mặt cắt ngang của một cái vỏ ốc.
Nói trắng ra, tất cả những gì là tự nhiên, thuộc về tự nhiên, ắt nhìn sẽ thuận mắt, sẽ dễ chịu. Dần dà người ta đem những cái thuận mắt ấy mà suy tôn nên thành "cái đẹp". Còn những cái mà người ta phán quyết là xấu như trong body-shaming? Thật ra chỉ là tỉ lệ của họ "phi tự nhiên" mà thôi. Chính cái điều ấy mới đáng được tôn trọng, đáng được tôn vinh, như tìm được cỏ 4 lá trong một rừng cỏ 3 lá vậy. Cỏ 4 lá với số lá lệch tiêu chuẩn tự nhiên trong dãy Fibonacci lại được xem là cỏ may mắn, vậy hà cớ gì những người có tỉ lệ phi tự nhiên lại chịu số phận hẩm hiu như vậy? Câu hỏi này, tôi xin mời các bạn tự trả lời. 

4. Trò đùa mang tên vẻ đẹp

Quan niệm vẻ đẹp qua từng thời kỳ
Đầu tiên mời các bạn nhìn vào hình và nhận xét các điểm giống và khác nhau của 2 biểu tượng của vẻ đẹp. Một cái ở thời đại Phục Hưng, và một cái ở 2018.

Lý giải về lý do của sự giống nhau, đó vẫn là bản năng của con người khi luôn thiên vị các bộ phận mấu chốt liên quan đến vấn đề sinh sản của phụ nữ. Ngực to sẽ cho nhiều sữa, trong khi mông to và hông to lại chứng tỏ người phụ nữ có khả năng sinh sản cao. Quan niệm vẻ đẹp này từ xưa đến nay vẫn không thay đổi, vì bản năng sinh sản của con người vẫn không hề thay đổi. 
Còn lý do dẫn đến sự khác biệt, là vì vào thời nay việc lao động chân tay, làm nông nghiệp không còn phổ biến đối với phái nữ nữa. Thay vào đó người phụ nữ thường làm những công việc nhẹ nhàng, không cần đến khối cơ bắp và lượng mỡ để chống lại cái lạnh nữa. Đây là một minh chứng cho việc quan niệm vẻ đẹp thay đổi dựa trên sự thay đổi của cấu trúc ngành nghề và sự phát triển của thế giới vật chất. 

Một ví dụ khác nữa, trong ảnh là Marilyn Monroe, một biểu tượng của cái đẹp vào thập niên 20s-80s. Dĩ nhiên nếu bây giờ một cô gái có thân hình như Marilyn cũng sẽ bị mọi người chê bai là "xôi thịt" và đi thi hoa hậu kiểu gì cũng bị ném đá rào rào. Nhưng xin hãy xem lại quan niệm, mức độ tư duy nhận thức và đời sống vật chất vào thời đó, bạn sẽ hiểu tại sao Marilyn Monroe đẹp. 
Vào thời chiến loạn, thời kinh tế khó khăn, mọi người quan niệm rằng chỉ có những người có tiền, có cái ăn đầy đủ họ mới mập mạp được thôi. Nên cứ mập mạp, "xôi thịt" là tự khắc đẹp và sang chảnh. 
Còn vào thời đại 2018, khi mà cái ăn đều đã được các chính phủ phân bố đầy đủ, thì chỉ có những kẻ nào dư dả tiền bạc và thời gian mới có thể đi tập thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, và có được một cơ thể săn chắc không mỡ thừa mà thôi. Vào cái thời đại mà nóng có máy lạnh, lạnh có hệ thống sưởi, thì mỡ không còn tác dụng nữa rồi. 
Thế nhưng, để tạo nên các beauty trends đầy nhựa, dạng như "vòng 3 cực khủng", cằm nhọn, mắt phượng,... ngành "công nghiệp thẩm mỹ" chỉ đơn giản là chi một số tiền ra để những nhân vật với biểu tượng giàu sang thay đổi thân thể của họ dựa trên các tiêu chí ấy thôi. Nói một cách khác, chỉ cần một người nổi tiếng thực hiện "phẫu thuật thẩm mỹ" và quảng cáo cho trend, hoặc quảng cáo cho một "bệnh viện thẩm mỹ" nào đó, thì tự nhiên chi tiết thẩm mỹ đó sẽ được suy tôn thành cái đẹp. 
Và kể từ đó, các khái niệm như "phẫu thuật thẩm mỹ", "môi Angelina Jolie", "cằm Kim Tae Hee", "Mông Nicki", ... ra đời và ngày một biến thái hơn. Cứ một vài hôm là lại một trend ra đời, nổi lên dựa vào tâm lý đám đông, và thiết lập một hệ tư tưởng bệnh hoạn mang tên "Vì cái đẹp"

Căn bản, tất cả chỉ là một trò đùa của truyền thông, trò đùa của đồng tiền mà thôi.


5. Body-shaming: cần câu cơm của ngành công nghiệp thẩm mỹ

Chính vì các trend được tạo nên bởi "ngành công nghiệp thẩm mỹ", hệ tư tưởng mới thiết lập, và dần dà những cái đẹp hiện nay đều sẽ bị đạp đổ bằng body-shaming, và bị thay thế bằng những xu hướng nửa vời, dăm bữa nửa tháng. Nếu hiện nay là mốt mũi thẳng tắp, thì liệu có ai chắc chắn rằng trong tương lai "ngành công nghiệp thẩm mỹ" không đẻ ra một trend gọi là "mũi zig-zag"? Hay là "mũi lượn sóng"? Mũi thì hiện giờ chưa có, chứ lông mày thì hiện giờ đã có những trend này rồi đấy
Crazy Eyebrows Trends, nguồn account Illumistica, Youtube.
Chính những cái trend vớ vẩn này, được sự chống lưng của cả ngành công nghiệp bạc tỉ, mà những người xưa nay vốn luôn tự tin vào vẻ đẹp của mình cũng có thể bị lung lay bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên bạn có tìm cả ngày cũng chả thấy họ chê bất kỳ một nét nào đâu, họ không dám chê, vì chắc chắn chê sẽ dẫn đến hiệu ứng đảo chiều dư luận. Cách họ làm khéo lắm, thay vì dìm một bên, họ chỉ việc nâng bên còn lại lên cao chót vót, và để đám đông thực hiện phần còn lại của công việc. Một người nói, bạn không tin? Ổn thôi, 100 người, 1000 người thì sao? Hôm nay bạn vẫn chưa tin? Vậy hẹn bạn ngày mai, ngày kia, năm này tháng nọ nhé.
Body-shaming càng nhiều, "ngành phẫu thuật thẩm mỹ" càng ăn nên làm ra, nên họ dại gì tổ chức chiến dịch chống Body-shaming? Cái họ làm là đứng sau tấm màn nhung hào nhoáng đẩy mạnh Body-shaming, để rồi họ xuất hiện như một vị thần cứu thế, cứu sống một mạng người, mà biểu hiện cụ thể nhất là những show truyền hình như thế này:
Hình ảnh thực tế của show truyền hình Let Me In - Hàn Quốc
Cuối cùng tôi nên gọi đây là một cô gái nào đó của Hàn Quốc với tên riêng đầy đủ, hay là Park Jiyeon bản sao, hay là Kim Tae Hee bản sao?!

Kết luận

Body-shaming là thứ ngụy biện, là thứ công kích thấp kém và bệnh hoạn nhất của loài người, xuyên suốt các thời đại, xuyên suốt các nền văn hóa.
Nói đến đây, hẳn có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng: "Ồ, nếu vậy thì rõ ràng sự phân biệt đẹp xấu là bản năng lựa chọn bạn tình của con người qua phương pháp so sánh đối chiếu, vậy body-shaming nó cũng là bản năng con người rồi còn gì! Thế thì sao mà loại bỏ được body-shaming?!". Đúng! Cảm giác xấu-đẹp, sự so sánh đối chiếu bề ngoài này chính xác xuất phát từ bản năng lựa chọn đối tượng sinh sản của loài người, nói cách khác đó chính là natural selection (sự chọn lọc tự nhiên). Nhưng Body-shaming là sự so sánh lộ liễu được bộc lộ qua phương tiện ngôn tự hoặc phi ngôn tự (verbal or non-verbal language), là biểu hiện tiêu cực thứ phát từ bản năng mating của loài người. Về mặt cơ bản, bản năng so sánh là không thể loại bỏ được chừng nào loài người còn tiếp tục sinh sản, nhưng biểu hiện tiêu cực thứ phát Body-shaming vẫn có thể được tiết chế bằng cách tuyên truyền. Ví dụ: một cô gái lựa chọn bạn tình cho mình, thay vì cô nhận xét rằng anh A quá xấu xí so với anh B, cô chỉ việc đơn giản là giấu kín sự so sánh trong mình rồi dắt anh B đi chơi thú nhún -> lợi ích win-win, 1 cặp được tác thành và người còn lại không có tổn thương tâm lý quá sâu nặng. 
Vì lẽ đó,
Cái mà những nạn nhân của Body-shaming cần không phải là những lời khuyên "phẫu thuật thẩm mỹ", mà là những người bạn biết trân trọng vẻ đẹp của họ. 
Bác sĩ mà những nạn nhân Body-shaming cần không phải là "bác sĩ thẩm mỹ", mà là bác sĩ tâm lý, người sẽ chỉ cho họ cách chống lại Body-shaming, chống lại biểu hiện tiêu cực trong tâm lý. 
Cái mũi đẹp mà bạn cần, là cái mũi tự nhiên không qua dao kéo đã đi cùng bạn trong suốt những năm qua, không phải cái "mũi Kim Tae Hee", "mũi Brad Pitt", hay cái "mũi lượn sóng" được tay "bác sĩ" nào đó vẽ nguệch ngoạc nên trong lúc giải toả nỗi buồn trong WC.
Theo thông tin mà tôi tham khảo từ một số "bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ", thì có nhiều nơi họ chơi chiêu hay lắm nhé, để các khách hàng không bao giờ mở miệng khiếu nại được. Cái hay ở đây, là họ đứng đằng sau tạo trend, rồi tự khách hàng vì cái trend đó mà tìm đến với "bác sĩ thẩm mỹ", tự khách hàng yêu cầu được "phẫu thuật thẩm mỹ", và hệ quả xấu đẹp tự chịu (trừ trường hợp biến chứng nhiễm trùng do kỹ thuật). Loáng thoáng đâu đó có cái bản hợp đồng dài loằng ngoằng với dòng chữ "khách hàng tự chịu trách nhiệm về kết quả đẹp/xấu hậu phẫu" viết bé xíu... Đời đúng là mông lung như một trò đùa.
Thế nên là:

Đối với tôi, tất cả mọi người đều đẹp. Tôi đẹp, bạn cũng đẹp. Vợ tôi đẹp, vợ bạn cũng đẹp. Đừng vì những gì nhất thời,những yếu tố ngoại tác mà huỷ hoại đi nét tự nhiên quý giá nhất của mình.


P/s: Vợ ơi em dẹp ngay dùm anh mấy cái group tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ với... Trong mắt anh, em luôn đẹp.
-----------------------------------------------------------------
A.B Wallace, University of Edinburgh, The history and Evolution of Plastic Surgery, Journal of the Royal Medical Society. Link available at: http://journals.ed.ac.uk/resmedica/article/download/435/718/ 

Wikipedia, Plastic Surgery. Link available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Plastic_surgery 
Image from https://images.google.com 
----------------------------------------------------------------------------
28/05/2018, Nguyễn Bảo Trung chấp bút.
Đọc thêm: