HỒI ỨC DU HỌC SINH – PHẦN 6 – HỌC VÀ HÀNH (KỲ 1)
Xin chào, và lại là mình đây. Nghĩ về khoảng thời gian học và sinh sống ở Hà Lan trong hơn một năm thật sự nó như một giấc mơ vậy....
Xin chào, và lại là mình đây. Nghĩ về khoảng thời gian học và sinh sống ở Hà Lan trong hơn một năm thật sự nó như một giấc mơ vậy. Và điều đặc biệt nữa là mình được trải nghiệm cuộc sống du học sinh vào một trong những năm đặc biệt nhất của nhân loại.
Phần này mình sẽ nói về việc học ở nước ngoài (ờ, đi du học thì cũng nên nói về việc học chứ xàm mấy phần liền rồi). Để nói về việc học thì mình có rất nhiều thứ muốn chia sẽ, nên mình sẽ chia thành hai kỳ.
Cho bạn nào chưa biết, thì có thể vào trang của mình để đọc từ phần đầu. Còn nếu lười quá (giống mình) thì mình để link ở dưới đây nhé:
Khó khăn
Quả thật là việc học ở nước ngoài không bao giờ là dễ dàng cả. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, mà trong đó vấn đề lớn nhất mà mình thấy là ngôn ngữ. Với những bạn cực kỳ xuất sắc thì vấn đề này sẽ nhỏ hơn những bạn khác. Bạn sẽ dùng tiếng Anh trong toàn bộ việc học, từ nghe giảng, làm bài thi, đọc tài liệu, trao đổi với giáo viên, với bạn cùng lớp. Đặc biệt là lúc thảo luận nhóm, kiểu mỗi người một ý, xong lại nói tiếng Anh kiểu mỗi người một ngữ điệu khác nhau, tốc độ nói cũng khác nhau.
Nhưng đi học như này mình mới để ý, là các bạn bên châu Âu (không tính Anh) mình gặp đa phần nói tiếng Anh rất tốt và dễ nghe, đặc biệc là mấy bạn ở Đức và Hà Lan. Một số nước thì tiếng Anh có vẻ sẽ khó nghe hơn do ngữ điệu của các bạn ấy, ví dụ như Ý hoặc Pháp. Nhưng nhìn chung mình được gặp các bạn nói tiếng Anh rất hay.
Mình có một tip khá hay (mình nghĩ cũng nhiều bạn áp dụng như mình), đó là ghi âm lại buổi học. Việc ghi âm thế này có nhiều lợi ích. Thứ nhất, bạn sẽ yên tâm hơn trong việc nghe giảng. Chẳng may trong một phút nào đó bạn bỏ qua hoặc lỡ mất một thông tin quan trọng, thì đoạn ghi âm bài giảng sẽ giúp bạn tìm lại được nội dung mình bị lỡ đó. Thứ hai, đến khi ôn thi, việc ghi âm sẽ giúp cho sinh viên hiểu hơn nội dung về một vấn đề nào đó, bởi vì trong lúc giảng bài, các giáo viên thường sẽ nói nhiều vấn đề khá hay và nhiều khi không được đề cập trong các tài liệu học. Và thứ ba, lợi ích này là với riêng mình còn không biết các bạn khác thế nào, đó là để giải quyết khó khăn về ngôn ngữ.
Mình nhớ đợt đó có một thầy giáo người Tây Ban Nha dạy bọn mình. Và mình thề luôn, trong hầu hết các buổi nghe giảng của thầy này, mình chỉ nắm được khoảng 40-50%, có hôm ít hơn. Thầy này có một ngữ điệu khá lạ, nói nhanh, rồi khẩu hình cũng không mở để cho người sinh viên như mình đoán xem thầy nói gì. Thật sự, mỗi buổi học với thầy này có muốn hiểu ngay trên lớp cũng khó, và dù có một số câu hỏi nhưng cũng không nghe được hết ý thầy là gì. Tuy nhiên, với việc dùng ghi âm, mình chỉ việc tập trung căng tai mà nghe trong đoạn ghi âm. Nếu không nghe rõ thì lại tua lại để nghe. Điều này giúp mình khá nhiều, đặc biệt là lúc mình ôn thi.
Chương trình học
Chương trình của mình là về Luật Kinh Doanh Quốc Tế. Ở thời điểm mình lựa chọn chương trình học, mình cũng đã tìm hiểu trước các môn sẽ được giảng dạy. Điều mình thấy ở chương trình là sẽ bao gồm một số môn truyền thống, nhưng cũng có các môn giảng dạy liên quan đến các nội dung về công nghệ mới trên thế giới hiện nay (ví dụ, công nghệ chuỗi khối - Blockchain, hay công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI). Và khi đi học thì những gì mình cảm nhận được là đúng như mong đợi của mình (thậm chí là hơn).
Đối với các môn truyền thống, bạn vẫn sẽ phải đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Nhớ ngày xưa đi học ở Việt Nam, được các giảng viên yêu cầu đọc bài trước, và mình chỉ làm điều đó trong năm thứ nhất đại học (vâng, cháu nó hồi đó còn ngoan). Sau này thì thích thì mình ngồi đọc, còn không đa phần là kệ thôi. Nhưng khi đã đi du học, không đọc trước thì nhiều khi khá là khó theo dõi trên lớp vì các giáo sư sẽ giảng giải và yêu cầu sinh viên trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung đã được yêu cầu nghiên cứu trước. Việc đọc tài liệu khá là khó nhằn, nhưng là một việc cần thiết. Đó cũng là một cách để chuẩn bị trước cho nội dung thi cuối kỳ. Đừng bỏ qua việc đọc trước nội dung bài nhé!
Đối với các môn về các công nghệ mới, thầy mình (cũng là giám đốc chương trình của mình) không yêu cầu đọc sách. Chỉ cần nghiên cứu trước một số bài viết mà thầy gửi trước buổi học, sau đó đến nghe giảng và trao đổi. Ngoài ra, đối với các môn đó, nội dung bài tập cũng khác biệt: có một bài bọn mình phải làm video, rồi viết blog, viết thuật toán, tạo trang web. Vâng, tôi đi học luật, và được làm những nội dung như vậy. Mặc dù nhiều lúc mình cũng nghĩ: "Mình làm cái quái gì thế nhỉ?", nhưng suy cho cùng, đấy là sự sáng tạo cần thiết, vì thực tế, nghề nào sau này cũng cần có những kỹ năng liên quan đến công nghệ. Một cách tiếp cận mới, nhưng với mình khá là hứng thú, giúp mình có cái nhìn tổng quan hơn về những thứ xảy ra xung quanh mình.
Hành nhau lúc ôn thi
Ôn thi lúc nào cũng là việc khiến chúng ta khó khăn. Và nếu bạn học ở nước ngoài, thì việc đó cũng sẽ khó khăn hơn bội phần. Đợt mình học, từ tuần cuối tháng 11 đến hết ngày 10/12, gần như mình chỉ có học, học và học. Thời điểm đó học kỳ 1 của mình có 2 môn tổ chức thi trên lớp, và 1 môn là take-home exam. Đề thi cho take-home exam bọn mình sẽ được biết trước một tuần, còn 2 môn thi trên lớp bọn mình sẽ thi theo hình thức là open-book exam, tức là được mang tài liệu vào mà nghiên cứu.
Nghe có vẻ ngon ha? Thi ở nhà, xong lại được mang tài liệu vào phòng thi.
Ô, không, ngon thế thì nói làm gì. Nói về take-home exam trước nhé! Bọn mình biết đề trước một tuần, đề thi là làm bài nghiên cứu vụ việc (case study). Độ dài của vụ việc? Theo trí nhớ không đầy đủ của mình thì khoảng chừng gần 400 trang tài liệu. Bọn mình có 1 tuần, phải đọc và nghiên cứu đám tài liệu đó. Nhưng vấn đề nhiều tài liệu đọc là một chuyện, mình phải đồng thời chia thời gian ra để ôn thi các môn khác nữa.
Với hai môn thi trên lớp, thì mình nhận ra là dù có mang tài liệu thì tài liệu mang vào phòng thi phải là những gì cô đọng nhất mà mình có thể hiểu về nội dung mình đã học. Còn không, dù bạn có mang sách vào phòng thi, thì bạn cũng không thể có đủ thời gian để mà mày mò xem cái chỗ mình cần xem để trả lời bất kể việc các giáo sư, giáo viên có "ngầm" giới hạn cho bọn mình biết là phải ôn và chuẩn bị tập trung những nội dung gì. Không thể đủ thời gian đâu (và thực tế lúc mình thi thì điều đấy đã được chứng minh).
Thế nên giai đoạn ôn thi cực kỳ quan trọng. Thứ nhất, bạn phải biết cách phân bổ thời gian để có thể đồng thời vừa làm bài thi ở nhà, mà vẫn có thể ôn thi cho các môn khác. Thứ hai, chiến lược ôn thi là vô cùng quan trọng. Dĩ nhiên, đọc lại tài liệu là việc cần làm, nhưng đọc lại xong thì phải tóm tắt được nội dung chính của bài đó. Tất cả để đảm bảo là trong phòng thi, cái ghi chú và tóm tắt mà bạn đã chuẩn bị chính là thứ duy nhất bạn có thể và có thời gian để dựa vào mà làm bài thi cho tốt.
Mình nhớ khoảng thời gian đấy thật sự là điên rồ. Ngày mà bọn mình phải nộp bài thi take-home exam, mình và cậu bạn cùng nhà thức đến 5h sáng để nộp bài. Đêm đấy vẫn phải ngồi mà trao đổi, mà nghiên cứu thêm để mà hoàn chỉnh bài thi. Lúc nhấn gửi xong thì thật sự kiệt sức, mắt mờ luôn, nhưng sáng vẫn phải lên trường sớm để nộp bài thi bản cứng.
Mình vẫn nhớ là mấy bạn cùng nhà mình đợt đó đều bảo bọn mình là "Tao không bao giờ cho con tao học luật" 😂 Thôi thì chịu thôi, đã theo thì phải cố mà theo. À, nhưng mà không phải ngành luật là không có cái hay của nó nhé, mình sẽ đề cập trong một bài viết riêng về việc ngành luật có gì.
Nhớ về khoảng thời gian đó thật sự là quá nhiều điều để nói. Xin hẹn mọi người ở kỳ tiếp theo liên quan đến quá trình học và hành của mình ở nước ngoài.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất