Xin chào! Là mình đây, và hôm nay mình sẽ bắt đầu series chia sẻ câu chuyện du học của mình. Ban đầu mình dự tính sẽ đi theo trình tự thời gian, bắt đầu với việc tại sao mình lại chọn Hà Lan là điểm đến cho hành trình đi tìm con chữ, hay tại sao mình lại du học ở thời điểm đã có gia đình và có công việc tương đối ổn định ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngẫm lại, mình thấy có lẽ mình nên bàn về chuyện nhà ở thì có lẽ hợp hơn.
Tại sao à? Vì đây là câu chuyện gắn liền với toàn bộ hành trình du học của mình. Nó đã đem lại cho mình rất nhiều cung bậc cảm xúc từ khi mình còn chưa đặt chân sang đất nước này. Và cho đến cả thời điểm hiện tại, khi mình sắp về nước (hy vọng thế đi), mình vẫn còn gặp một số rắc rối liên quan đến vấn đề nhà ở.
Câu chuyện của mình sẽ chia sẻ các thông tin về việc du học Hà Lan, một số kinh nghiệm mình đã có được kết hợp cùng câu chuyện của mình. Hy vọng, bạn nào có nguyện vọng du học ở Hà Lan sẽ tìm được các thông tin hữu ích cho bản thân. Nếu có bạn nào đã học ở Hà Lan rồi, hy vọng được nghe những chia sẻ của các bạn.
Photo by Nathan Cowley from Pexels

Hệ thống cho thuê nhà ở Hà Lan

Trước hết, mình sẽ nói qua về hệ thống cho thuê nhà bên này. Hệ thống cho thuê nhà có nhiều kiểu lắm. Do trường của mình không có khu ký túc xá (và theo mình biết thì hình như không có trường nào có ký túc xá cả), nên việc thuê nhà sinh viên phải tự xử lý. Trường có dẫn một số đường link trên website của trường về các đơn vị cho thuê nhà để sinh viên tìm kiếm.
Nói về các đơn vị trung gian cho thuê nhà (agency), thì bên này số lượng nhiều vô kể. Ở thành phố của mình là Tilburg, theo cái danh sách mà trường đưa cho đã có đến trên dưới 20 đơn vị rồi. Ở một số thành phố khác lớn hơn, số lượng này nhiều hơn.
Một nguồn khác cũng có thể giúp sinh viên quốc tế tìm được nhà là các nhóm trên Facebook. Khi search trên Facebook, có rất nhiều nhóm có thể giúp bạn tìm kiếm phòng ở. Nhiều lắm, vô kể, nhưng tìm tưởng không khó nhưng mà khó không tưởng.

Vấn đề là gì?

Để mà thuê được nhà trên các trang của agency thì phải cần có kiên nhẫn và may mắn. Nhiều trang yêu cầu người thuê nhà phải đăng ký và trả phí mới có thể liên hệ được với chủ nhà. Phí đó thực tế không rẻ, và không gì đảm bảo được bạn có thể tìm được phòng trên các trang đó đâu. Trả phí xong, mà để được chủ nhà trả lời thì còn đợi dài.
Còn trên Facebook thì sao? Để mình nói cho mà nghe: khó không tưởng luôn. Rất nhiều bài đăng cho thuê nhà, nhưng đa phần thì người đăng bài sẽ yêu cầu là người thuê phải là người Hà Lan, hoặc chí ít là biết tiếng Hà Lan. Nếu không có yêu cầu đó, thì họ cũng yêu cầu bạn phải đến trực tiếp xem nhà. Ô hay, tôi đang ở Việt Nam, chưa có nhà sao tôi sang xem được? Toàn những yêu cầu khó chơi.
Sẽ có nhiều bạn hỏi là tại sao lại có thể khó khăn đến vậy? Có nhiều lý do đấy. Thứ nhất, Hà Lan có quy định tương đối chặt về việc cho thuê nhà. Chủ nhà sẽ phải đăng ký với chính quyền là sẽ cho thuê thế nào, có sinh viên quốc tế không. Số lượng cho thuê thực tế sẽ phải đúng với số lượng đã đăng ký với chính quyền. Vì thế, đối với một số nhà không cho sinh viên quốc tế thuê, người đăng bài mới phải giới hạn chỉ cho sinh viên người Hà Lan thuê. Thứ hai, sinh viên quốc tế khi có chỗ ở rồi thì phải đăng ký chỗ ở với chính quyền thành phố nơi mình học. Một phòng chỉ đăng ký được cho một người. Một căn hộ nhỏ (studio) cũng chỉ có thể đăng ký được cho một người ở. Muốn đăng ký cho hai người ở thì phải tìm căn hộ lớn (apartment), nhưng giá tiền thì khá là đắt. Mình muốn tìm một chỗ ở cho hai người, một là mình để ở trong 6 tháng đầu tiên của năm học, sau đó vợ mình sẽ sang theo và ở cùng mình. Và hai bọn mình bắt buộc phải đăng ký chỗ ở cùng một địa chỉ. Vì thế, ở thời điểm mình sang trước, mình đã hy vọng có thể tìm được phòng nào đó cho mình ở để sau này vợ mình sang có thể vào ở cùng luôn.

Hành trình tìm nhà bắt đầu

Mình chính thức chốt khóa học vào tầm cuối tháng 4/2019 (do mình chờ kết quả học bổng), và bắt đầu tìm nhà từ thời điểm đó. Mình tìm tất cả các phòng nhìn ổn, sáng sủa và không có dòng “Dutch Only” (“Chỉ cho người Hà Lan thôi, lêu lêu”) trên Facebook từ tất cả các nhóm có thể, và hỏi rất rất nhiều qua Messengers (sau này đếm lại mình đã hỏi bao nhiêu nhà qua Facebook, thì con số đó là tròn 110). Hỏi thì nhiều vậy, nhưng nhận lại chả được bao nhiêu. Hơn một nửa số người đăng cho thuê nhà mình hỏi không hồi âm. Hai phần ba số còn lại trả lời là họ tìm người Hà Lan, không phải sinh viên quốc tế (sao mấy người không ghi luôn từ đầu đi???). Số còn lại, thì lại yêu cầu phải xem nhà. Mình cũng hỏi cả qua các trang của agency nữa, và kết quả không hề khả quan. Hỏi chủ nhà thì đa phần họ không trả lời mình đâu. Okay, tôi ổn...
À mà đặc biệt nhé, tìm nhà bên này không cẩn thận là cũng bị lừa đấy. Đã có vài trường hợp sinh viên quốc tế nhẹ dạ cả tin chuyển tiền nhà các thứ trước, xong bên “cho thuê nhà” cầm tiền đi luôn. Hoặc tệ hơn, lúc mình đã ở bên này rồi, mình còn biết là có bạn còn đến đây rồi mới biết là bị lừa cơ. Kiểu trả tiền xong, ký hợp đồng qua mạng, sang tận nơi để gặp chủ nhà lấy chìa khóa, và  Nên đừng tưởng là châu Âu hay Tây thì sẽ văn minh, đâu thì cũng có người này người kia thôi.

Chiếc phao cứu sinh đầu tiên

Một ngày nọ, mình tiếp tục lướt các nhóm trên Facebook để tìm nhà, thì thấy có một bài đăng của một anh bạn tên là Max Frambach, về việc tổ chức cắm trại cho các sinh viên chưa tìm được nhà ở thời điểm bắt đầu năm học mới. Anh bạn này đăng rất nhiều nhóm, và thông báo về việc tổ chức mà Max sáng lập, International Student Association of Tilburg (Hội sinh viên quốc tế Tilburg – I.S.A.T.), sẽ dựng trại cho 40 đến 45 sinh viên vô gia cư ở tạm để trong thời gian đó có thể tìm nhà. Đội tổ chức trại cũng sẽ hỗ trợ bọn mình tìm nhà. Thời gian của trại sẽ kéo dài từ 15/8/2019 đến 8/9/2019. Ba tuần cắm trại trước năm học mới? Nếu hết ba tuần mà chưa tìm được nhà, đội tổ chức trại sẽ tìm cách thu xếp chỗ ở, chẳng hạn như thuê nhà nghỉ hoặc khách sạn giá rẻ để bọn mình tiếp tục trú chân cầm cự.
Thật sự ban đầu mình bán tín bán nghi vì việc lừa lọc ở trên mạng là vẫn có. Hơn nữa, mình vẫn phải trả tiền để được cắm trại: 435 Euro cho ba tuần, gồm tiền thuê địa điểm khu cắm trại, tiền mua đồ cắm trại (mà sau đó mình sẽ được giữ luôn), một số khoản vui chơi như tổ chức đi xem phim chẳng hạn. Tiền ăn uống thì phải tự chi trả.
Thật sự phân vân luôn. Mình phải mò tận Facebook của anh bạn Max này (cũng hoạt động tương đối năng nổ trên Facebook), rồi tìm kiếm thông tin về cái tổ chức I.S.A.T. này nữa. Tổ chức này thậm chí còn rất mới, được thành lập mới vài tháng trước khi mình sang. Ngoài ra, mình phân vân là bởi mình thực sự không muốn trải nghiệm cắm trại lần đầu tiên của mình sẽ diễn ra bởi vì mình không tìm được nhà ở.
Mình vẫn cố tìm kiếm nhà ở trong vô vọng, và anh bạn Max thì liên tục cập nhật số liệu là còn bao nhiêu suất trống ở trại. Ngày qua ngày, và cái cảm giác thất vọng, chán nản tăng dần.
Cho đến một ngày, khi mà sự thất vọng đến đỉnh điểm, nó làm mình thật sự không chú tâm làm bất kỳ cái gì khác, thì mình đi đến quyết định: Mình sẽ cắm trại với tư cách người vô gia cư. Đấy thật sự, với mình, là một quyết định liều lĩnh. Vì bạn sẽ chỉ liên lạc với một anh bạn người Hà Lan từ Việt Nam, hoàn toàn qua Messengers và WhatsApp, chuyển tiền thì lại còn chuyển thẳng vào tài khoản của anh bạn này chứ không phải tài khoản của một tổ chức nào cả.
Với mình nó như là một canh bạc, và mình đánh cược niềm tin của mình vào một người xa lạ. Tuy nhiên, thực tế niềm tin đó cũng khá lớn (và lớn hơn mỗi ngày), sau khi mình được add vào nhóm các bạn cắm trại trên WhatsApp. Lúc mình vào thì đã có khoảng gần 30 bạn trong đó, và chỉ có 2 3 người là châu Á. Rất nhiều bạn trong nhóm đó từ châu Âu, mà đa phần là Đức. Mọi người cũng giống mình, cũng không thể tìm được chốn dung thân ở đất nước này. Đó cũng có thể coi là một niềm an ủi phần nào.
Hoàn tất chuyển tiền, mình hoàn tất các thủ tục còn lại để chuẩn bị lên đường.
15/8/2019, mình rời Nội Bài để đến với một miền đất mới, và cắm trại…

Hẹn gặp lại mọi người ở tuần sau, với câu chuyện về thời gian cắm trại của mình!