Tôi có một năm tách biệt khỏi xã hội, phục vụ cho việc phản tư, những giao tiếp của tôi với con người dừng lại ở mức độ rất cơ bản, chỉ trao đổi khi có việc rất cần thiết hoặc đi mua lương thực phẩm, một vài lần (trong cả một năm) hiếm hoi có đi cùng bạn bè thì tôi cũng rất ít nói, chủ yếu nghe và cười.
Một năm trước, lúc tái hòa nhập với xã hội (tôi quay lại trường đại học), cộng thêm covid, trừ đưa ý kiến lúc làm việc nhóm, tôi phát hiện mình rất khó hòa vào cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng tôi cũng có nói vài câu nhưng sẽ làm đám đông im lặng, như một quả rắm vậy, và đặc biệt tôi không cảm nhận được tính “giao tiếp” ở người xung quanh, họ đang làm cái gì đó khác. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi gõ vào ô tìm kiếm “Giao tiếp là gì?”, cũng như đọc và học lại cách nói chuyện, thứ đáng ra bạn đã phải thành thạo từ năm 6 tuổi.
Cho đến gần đây khi tôi bắt đầu tiếp xúc với nhiều người, thường là người lớn hơn tôi, có những người khá thành công, cả cô giáo cũ của tôi (có nhờ tôi tư vấn về chọn trường đại học). Tôi nhận ra khả năng giao tiếp của tôi không có (nhiều) vấn đề, thậm chí là tôi còn nói rất tốt và lôi kéo đối phương nói chuyện rất lâu (cao điểm là lần nói chuyện, bàn luận từ 10h đêm đến 6h sáng, và có thể sẽ còn tiếp tục nếu chúng tôi không buồn ngủ). 
Khi đã có dữ liệu để so sánh, tôi thấy được vấn đề tại sao bản thân không thể nói chuyện và hòa nhập tốt ở môi trường đại học. Bỏ qua yếu tố nội tại như tính cách, sở thích,... Tôi nghĩ có một cơ số lí do, về nhiều mặt trong giao tiếp, mà nó không đến từ tôi, mà cụ thể sẽ được nói ở bên dưới. Với những tư duy này, tôi tin có thể giúp bạn có được những cuộc nói chuyện sâu sắc hơn, cũng như các mối quan hệ có ý nghĩa hơn.

1. Quá nhiều "hài hước"

Trước hết, nhấn mạnh đây là bối cảnh giao tiếp hàng ngày nhé, tức là một người mới quen bất kì, hay nhóm bạn,... không nói tới chuyện kinh doanh, gặp đối tác,...Thì, hài hước là tốt, nó giúp bôi trơn cuộc trò chuyện. Vừa giúp truyền tải thông điệp bạn muốn, vừa giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, có hai vấn đề là: 
Một, từ bao giờ mọi thứ chỉ xoay quanh bởi hài hước thế? Cuộc trò chuyện không có gì ngoài đùa, hài (nhảm), nói cái gì, làm cái gì vui vui đi. Tôi không nghĩ chúng ta có nhiệm vụ phải trở nên “vui vui” hay cố gắng làm cho nhau hài hước, nếu bạn đến để xem tôi diễn hài, nếu tôi làm tốt điều đó, tôi sẽ tổ chức show có bán vé. Đó không phải là giao tiếp. Như tôi đã trình bày, hài hước là “CHẤT BÔI TRƠN”, bôi trơn cho cái gì? Cho câu chuyện, cho mối quan hệ, khi mọi người đã thoải mái thì đó là lúc chúng ta có thể cởi mở để chia sẻ thế giới quan của mình ở nhiều lĩnh vực, tùy vào mức độ đồng điệu, cũng như độ sâu, thầm kín của câu chuyện, nó quyết định các bạn sẽ trở thành dạng mối quan hệ nào đối với nhau. Vậy nếu lỡ nói gì ra người ta ghét mình thì sao? Vậy thì cả hai không nên dành thời gian cho nhau chứ sao. Trừ trường hợp bạn có mục đích gì khác, thì bạn dở. Còn nếu đây là giao tiếp để xây dựng mối quan hệ thường ngày như bạn bè, người yêu,... thì cố diễn để người kia thích mình là hành động ngu ngốc.(bạn diễn được tới bao giờ?)
Hai, hài nhiều thì vừa không hài, vừa sáo rỗng. Hài hước có rất nhiều kiểu:
+ Dad joke: chắc tôi không cần giải thích thêm.
+ Kể chuyện: kể chuyện hài. Tôi thấy kiểu này khá là khó áp dụng vì dẫn vào câu chuyện làm sao cho mượt đã khó, việc xây dựng tính bất ngờ của nó càng khó hơn (vì mọi người đã mong chờ một câu chuyện cười).
+ Hài trending: “Dậy đi ông cháu ơi”, “Géc gô”,...Tôi cực ghét kiểu này, nhiều đến mức tôi sẽ còn nhắc lại nhiều lần.
+ Hài tình huống: nắm bắt tình huống và câu chuyện, phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng người.
+ Hài trí não: lâu lâu gáy một câu không phải ai cũng hiểu nhưng hiểu thì chắc chắn là tri kỉ, châm biếm, trào phúng, bên cạnh tiếng cười thì còn nhiều tầng ý. (đỉnh)
Chắc sẽ còn nữa, nhưng tôi sẽ tập trung vào ý chính. Trong từng đó lựa chọn để đùa, người ta vẫn lạm dụng kiểu thứ hai (do dễ sài, vứt não đi cũng sài được, mà phần lớn là vứt não thật). Một lần tôi đi cà phê làm việc và do quên tai nghe, thế là tôi bị phơi nhiễm bởi mớ hài trending, cụm “heathy và balance” lặp lại liên tục ở anh bạn bàn bên, ngày càng rõ vì tiếng cười của bạn anh dần ít đi. Chuyện là anh spam, nhưng theo tôi đánh giá độ hài hước của anh không tăng theo số lần anh nhắc lại cụm từ trendy đó, ngược lại, nó khiến anh ngày càng nhạt và sáo rỗng. Nếu không phải là bạn bè mà một người mới gặp, ví dụ như tôi, tôi sẽ cảm thấy anh là cái thùng rỗng tuếch vọng lại mấy thứ nhảm nhí trên mạng xã hội.
 Ừ thì bạn nên hài, nhưng lỡ có mà không hài thì cũng đừng cố. Hài chỉ nên là gia vị, có một chút để món ăn ngon hơn, còn nếu không thể có gia vị đó, thì nên tập trung vào việc chăm sóc và tìm kiếm nguyên liệu, để không cần nêm nếm thì cũng đủ để trở thành một món ăn hảo hạn (cụ thể sẽ nói ở phần 2).

2. Tính nội dung của con người, thế hệ “tiktok sống”

Việc giao tiếp về cơ bản là trao đổi thông tin, lượng thông tin này đến từ kinh nghiệm, trải nghiệm, thứ bạn thấy được, đọc được,...Sau khi trải qua giải mã, phân tích, phiên dịch thì trở thành nội dung của bạn, trở thành những cái có chiều sâu hơn, thậm chí thành “hỏa chí” của đời người. Không trải qua quá trình chuyển hóa trên, nó chỉ là học vẹt không hơn không kém. Bản thân tôi cho rằng nội dung của con người quyết định mức độ thú vị của họ, (một số) cụ nói chuyện nó cuốn là vì thế, thêm combo đi nhiều đọc nhiều thì lại càng chúa tể, vì nội dung của họ quá sâu sắc và phong phú.
Người trẻ thường có ít kinh nghiệm, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn không có nội dung, chẳng qua là bạn chọn như vậy - bạn chọn xem tiktok. Có rất nhiều vấn đề với tiktok, đồng ý nó giải trí, nhưng giải trí tới vô cực, giải trí tới chết. Nó quá nhanh, quá tiện, bạn không phải nghĩ và cũng chẳng cần phải đắn đo nên chọn xem video nào. Kết hợp với 2 vấn đề ở phần “hài hước” phía trên, tiktok trở thành kẻ hủy diệt giao tiếp. Vì không có nội dung nên mọi chuyện dừng lại ở việc giải trí cho nhau, nói chuyện phiếm (mà chủ yếu là từ tiktok), và cái giải trí cũng không đâu khác chính là kiểu hài spam mấy câu trendy. “U là trời, hong bé ơi, giờ chị phải đi làm thử thách 6 ngày 6 đêm cắt tóc tô mi xiao mi, géc gô”. Tôi không nghĩ một người có nội dung thực sự sẽ tìm kiếm những thứ như thế ở một cuộc trò chuyện. Sẽ có bạn nói rằng:"Không, Billy à! Tiktok có #LearnOnTiktok mà". Ồ, vậy bạn có thể trả lời tôi là bạn đã học được gì từ đó không? Bạn có chủ động chọn bấm vào hashtag đó hay bạn sẽ chỉ lướt và sẽ đâu đó gặp được một video gắn mác “học tập”? Bạn tốn bao nhiêu thời gian và lượng “kiến thức” bạn nhận lại có xứng đáng? Bạn không có quyền quyết định mình sẽ nhận được gì tiếp theo mà phó mặc cho thuật toán, nên tôi khá chắc bạn không nhận lại được gì đủ sâu. Những thứ bạn tiếp nhận đó chỉ ở mức thông tin, nó không đọng lại, mau chóng bị chèn lên bởi một thông tin khác, cũng như không đủ nhiều để biến thành kiến thức thực sự của bạn.
Thay vì những con người có nội dung, tôi nhìn thấy những cái “tiktok sống”, từ cùng một lò luyện, nói những thứ sáo rỗng tương tự nhau. Ở trên tôi đã chỉ ra cái tệ hại của việc spam, thì nhiều “tiktok sống” thậm chí cho hẳn mấy câu trendy và trong hệ thống từ ngữ giao tiếp của mình, tức họ định nghĩa bản thân là người vừa nhạt nhẽo, vừa sáo rỗng, dù tôi khá chắc dự định ban đầu là khiến mình “thú vị”.

3. Sự giao tiếp quá nhiều kĩ năng và kĩ thuật

Một điểm khá hay ở tiếng Việt là khả năng truyền tải linh hoạt và hàm chứa nhiều cảm xúc. Bạn có thể thấy ở thơ, văn tiếng Việt, vẫn luôn có sự bay bổng, mượt mà nhất định, sự hài hòa của thanh âm, vần điệu cũng như sự tự do trong sắp xếp và sử dụng từ ngữ. Đừng nghĩ là tôi ủng hộ cách nói chuyện văn vở sến súa, thứ gì nhiều quá cũng sẽ thành kệch cỡm. Việc thể hiện được cảm xúc trong lời nói làm bạn trở nên con người hơn, tiếng Việt quá phù hợp để làm điều này. 
Thời buổi bây giờ không khó để tìm ra một video hướng dẫn giao tiếp, cách giao tiếp hay, nói chuyện hấp dẫn, lum la, đây là kĩ năng, kĩ thuật khi giao tiếp. Tôi nghĩ các đã bạn xem dạng video đó nhiều, nhưng trái lại tôi cảm nhận các bạn giao tiếp rất thiếu tính con người. Cơ bản là muốn nói hay thì phải có chuyện, tức là bạn phải là người có nội dung, tùy vào dung lượng kiến thức ở lĩnh vực bạn đang trao đổi mà từ đó sẽ có cách giao tiếp cho phù hợp. Lĩnh vực mình biết ít thì mình hỏi từ chung chung, rồi nắm bắt hỏi thêm, liên kết đến lĩnh vực khác,... Còn nếu biết nhiều thì bàn luận, trao đổi, cốt để cả hai có thêm thông tin từ nhau,  xóa bỏ những điểm mù cho nhau, thêm kiến thức. Những công cụ sẽ giúp giải quyết những “khoảng lặng chết chóc”, ý niệm được truyền tải trơn tru, để người kia không thấy bị bỏ rơi trong cuộc hội thoại,... Bản chất công cụ chỉ để công việc năng suất và hiệu quả hơn, không có công việc đó thì công cụ tồn tại vô nghĩa. Chỉ khi hiểu được mục đích của giao tiếp, bạn mới biết cách sử dụng công cụ có chủ đích, tới đó mới có thể xét đến tính hiệu quả.
Vấn đề của nhiều bạn hiện tại là chỉ tập trung vào học kĩ thuật mà cốt lỗi là nội dung thì lại không có. Nội dung vốn đã nghèo nàn (vì chỉ xem tiktok), nói chuyện thì chỉ biết dùng kĩ năng, kĩ thuật, nhiều bạn thường sẽ lúng túng, ngồi bày vẽ ra chuyện để hỏi (thực sự cũng không muốn biết), không trao đi được gì, cũng không nhận lại được chi, tất cả chỉ là những tương tác rất hình thức.

4. Tư duy vai vế

Tôi là một người khá là “có quan điểm”, thời còn đi học tôi từng “bật” các giáo viên, một lần với một giáo viên hướng dẫn, vì đuối lý thầy áp đặt uy quyền lên tôi với lí do là tôi “thái độ”, về sau tôi đạt giải nhất toàn tỉnh ở cuộc thi đó, chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm của tôi. Lần khác bật giáo viên văn, vì cô có làm mấy thứ hơi “rườm rà”, nhưng sau cùng chính giáo viên đó đã cho tôi cơ hội được phát biểu đại diện cho khóa của mình lúc tốt ngiệp (em rất biết ơn!). Tôi có thể nói chuyện được rất sòng phẳng (về mặt quan điểm) với nhiều đối tượng, nhiều người trong phạm vi 5 tuổi đổ lại hoàn toàn ổn nếu tôi xưng tôi - ông, hay thậm chí tao - mày, phần vì chúng tôi đã quen, phần vì về mặt tranh luận, bàn luận, các ý kiến được xếp hạng bởi tính đúng đắn của nó.
Việt Nam khi xưa là đất nước nông nghiệp, sống nhờ trồng trọt, lại yếu về khoa học nền vừa lệ thuộc vào thời tiết, vừa không có khả năng nghiên cứu để dự báo. Từ đây những người lớn có kinh nghiệm hơn (không có nghĩa là thông minh hơn) vô cùng được coi trọng, và lũ trẻ được cho là “non xanh”. Tư tưởng này ăn sâu và đi vào ngôn ngữ, cụ thể là hệ thống đại từ sặc mùi vai vế, tuyệt nhiên không có những từ trung lập, bình đẳng để xưng hô (tương tự như I - you), vì thế mà trong giao tiếp, người lớn hơn dễ dàng áp đặt uy quyền, còn người trẻ hơn thì luôn thấy lép vế, đúng thì vâng dạ, không đúng thì cũng im, làm trái là hỗn.
Hiện tại thì đã khác, hoàn toàn dễ dàng đạt được bất cứ tri thức nào và lĩnh vực thì đa dạng chứ không chỉ xoay quanh nông nghiệp nữa. Vì vậy tôi thấy khá khó chịu khi nhiều bạn vẫn giữ tư duy cũ, trong lớp đại học có nhiều bạn học lớn tuổi hơn (tôi là một trong số đó), nhưng vẫn đang trong một lớp mà, đồng ý về mặt lễ nghi, xưng hô vế dưới là không sai, nhưng trong tâm thức bạn vẫn cho mình là nhỏ bé, non xanh, yếu kém hơn. Cứ giữ tư duy này ở mọi môi trường, mối quan hệ, bạn dễ khiến mình bị coi thường. Để giải quyết vấn đề này thì vô cùng đơn giản, một khi bạn đã nhận thức được vấn đề kiểu gì cũng có cách giải quyết. Tôi nghĩ bạn không nên đổi cách xưng hô “sòng phẳng” giống tôi làm ở trên (thế thì khá hỗn đấy), cứ giữ cách xưng hô lễ phép song song với việc tư duy rằng vị trí của mọi quan điểm đều công bằng, và thước đo đánh giá tính đúng đắn của nó không phải là tuổi tác (nói ra cũng để biết đúng sai thế nào mà sửa, im im còn dễ bị u đầu hơn). Ngược lại, đối với những người nhỏ hơn, cũng nên tạo môi trường kích thích tư duy bình đẳng, để họ tự tin đưa ra ý kiến của bản thân, nhiều khi chính từ họ mà chúng ta thấy được sai lầm của bản thân. Ví dụ như tôi với em mình, chúng tôi xưng với nhau bằng “Tay” ( Tay A đi đâu đấy?, Tay B nấu cơm nha!), tôi cũng không yêu cầu vâng, dạ, ạ quá nhiều, thậm chí tôi còn ghét nghe nó, đối với tôi cứ “oke a” là được rồi.
Vừa trên là những “trăn trở” của tôi đối với việc giao tiếp, mà chủ yếu là ở thế hệ của tôi (GenZ), phản ánh từ những người xung quanh tôi. Chia thành nhiều phần nhưng nó cũng chỉ xoay quanh một vấn đề chính, một vấn đề cốt lõi, là hãy trở thành một người có nội dung thực sự. Mặc dù vì những tư duy này phần nào khiến tôi không hòa nhập được với phần đông bạn đồng lứa, nhưng đổi lại tôi có những mối quan hệ chất lượng, với tư duy tiến bộ và những những cuộc trò chuyện rất có giá trị, tôi cũng chẳng cần bận tâm phải trở nên thú vị hay cố để giải trí cho ai, diễn nông diễn sâu. Tôi không cho là tôi đúng, cũng không chỉ ai sai, đơn giản là đưa ra quan điểm một cách sòng phẳng như tôi vẫn thường làm, rất vui nếu nó giúp ích được cho bất kì ai, nhưng nếu thấy sai sót, lỗ hổng thì giúp tôi “trám” lại nhé.
Các bài viết truyền cảm hứng cho tôi: