Bắp có tên là Bắp. Bởi vì cái hôm Bắp về nhà, thứ nó ăn đầu tiên là mấy hạt bắp luộc, do bà Út, bà Ngoại đang ăn tiện tay thả cho nó.
Lúc ấy, Bắp vừa mới hai tuần tuổi. Nó đi còn chưa vững, chập chà chập chững, co ro run rẩy trước mọi con mắt đang đổ dồn về mình. Mọi người bàn tán, cười đùa trước sự xuất hiện đột ngột của một con cún lạ hoắc.
Con Bắp này là giống chó cỏ, không có gì đặc biệt. Toàn thân trắng muốt, riêng hai bên mắt được phủ một lớp lông màu nâu, kéo lên tận tới đỉnh tai. Hai cái tai thì lúc nào cũng vểnh lên, nhích sang bên trái, nhích sang bên phải, như thể đang nghe ngóng cái gì đó. Nhờ vậy, trông Bắp loắt choắt và thông minh hơn hẳn.
Bạn gái tôi nhận nuôi Bắp từ một người chị. Người chị này bận bịu công việc nên không thể nuôi thú cưng được nữa. Ở nhà bạn gái tôi thì lại nuôi một thằng em trai nhỏ ghiền game. Con Bắp được kỳ vọng như một tác nhân gây xao nhãng, khiến cu cậu rời mắt khỏi màn hình máy tính một chút.
Cứ như vậy, màn ra mắt của Bắp thành công mĩ mãn. Ai nấy cũng vui vẻ. Cười hà hà. Tất bật chuẩn bị chỗ cho thành viên mới. Nào ngờ đến cuối ngày, con Bắp ói hết đống hạt bắp nuốt trộng hồi chiều hôm đó. Cũng phải thôi, chó mới đẻ thì làm gì có răng để nhai, hạt bắp thì lại cứng ngắc, sao mà tiêu hóa. Khó khăn khi nuôi cún con mới chỉ bắt đầu từ đây.
Mấy ngày hôm sau, tôi và bạn gái tất bật đi mua lồng nhựa cho Bắp ở, sữa cho Bắp uống, áo cho Bắp mặc, dây cho Bắp đeo, nghiên cứu đủ loại mũi tiêm ngừa cho thú cưng. Vất vả và tốn kém ra phết đấy. Nhưng chăm lo cho một sinh linh non nớt là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Thời điểm đó, chúng tôi đều gặp khó khăn về tài chính nhưng không nề hà mỗi khi quyết định mua cho Bắp một món đồ chơi mới.
*
Bắp quậy như giặc. Cái sự quậy khi còn nhỏ thì rất dễ thương. Bạn gái tôi kể lại rằng, hằng đêm Bắp đều được bỏ vào trong lồng để đi ngủ, vậy mà sáng dậy thế nào cũng thấy nó đang nằm cuộn tròn ngay trên đầu mình, ngủ ngon lành. Quái lạ là cái thành lồng nó cao như vậy, sao mà con Bắp đi còn chưa vững lại nhảy qua được? Đến bây giờ, đây vẫn thuộc một trong những bí mật chưa được giải đáp về Bắp.
Lớn lên một xíu, Bắp bắt đầu chạy nhảy toán loạn, cắn xé đồ đạc, chọc phá người này đến người khác. Đến một lúc, mẹ của bạn gái tôi quyết định phải nhốt con Bắp ra ngoài sân. Không cho nó vào nhà nữa.
Mấy ngày đầu bị nhốt bên ngoài, Bắp buồn tiu nghỉu, mắt cứ xệ xuống, đầu nghiêng qua một bên không hiểu chuyện gì xảy ra. Mọi người chơi đùa bên trong nhà, để mặc Bắp một mình ngoài này, khác gì bỏ rơi Bắp đâu! Ấy vậy mà, riêng đôi tai luôn vểnh lên đầy háo hức của Bắp thì không có gì thay đổi.
Kể từ ngày bị nhốt ở ngoài sân, cái sự quậy của Bắp chuyển lên trên mấy sợi dây đang trói nó. Nó cắn. Nó xé. Nó giật. Nó xoắn. Trong vòng 6 tháng mà chúng tôi phải thay dây mới đến tận 4 lần. Cho dù là sợi dây được quảng cáo là lõi thép, tải trọng cao, hay quá to so với tạng người của Bắp, kết quả vẫn là tan tành sau hơn một tháng. Thành ra, tôi quả quyết với người bán hàng: “Con chó ở nhà giống chó dại lắm, thôi bán cho mình cái xích sắt đi!”.
Kể từ ngày xích bằng dây sắt, Bắp không làm gì được nữa. Thú vui của nó bây giờ chuyển sang nhảy lên nhảy xuống cái ghế bành bằng nhựa cũ nát, được đặt ngay bên cạnh. Những lúc không thực hành cái sự tăng động đó, nó lại nằm bẹp xuống, duỗi hai chân trước ra đằng trước, duỗi hai chân sau ra đằng sau. Cái đuôi vẫy qua vẫy lại, mông ngúng nguẩy, lưỡi lè ra thở hổn hển. Trông nó thoải mái đến phát ghét. Mấy lúc như vậy tôi phải ra phát một vài cái vào mông nó. Nó sẽ quay ngửa lại, chộp lấy cái tay tôi mà cắn lấy cắn để.
Bắp đã gần hai tuổi, lớn phổng phao. Việc nuôi Bắp trở nên khá nhàn. Nó đã đủ cứng cáp để chúng tôi không phải quá lo lắng. Nó cũng đã quen với cuộc sống mới, bị xích ở bên ngoài sân, lâu lâu tôi xuống dẫn đi dạo. Cứ êm đềm như vậy, một thời gian sau, bị cuốn đi bởi cuộc sống riêng, tôi quên bẵng đi Bắp. Tần suất xuống thăm thưa đi hẳn. Cho đến một ngày, bạn gái tôi thông báo:
— Bắp cắn cu Khoai, bị mẹ đập một trận rồi siết dây ngắn đi!
*
Vậy là Bắp cắn người. Bắp chính thức cắn người rồi. Tôi trầm ngâm, tủi thân giùm cho cái thân phận con Bắp.
— Tất nhiên là mày phải cắn người rồi Bắp. Mày là con chó mà. Mà chó không sủa, không cắn người lạ thì còn gì là con chó nữa? Tao biết. Nhưng, tại sao mày lại cắn người hả Bắp? Ngày nay có quá nhiều con chó bị tước đoạt quyền làm chó, bị cắt móng, bị tỉa lông, bị thiến hoạn, bị điều kiện hóa để trở thành một sinh vật phụ thuộc ý chí chủ nhân. Người ta đã quá đỗi quen thuộc với giống loài kì lạ đó rồi, thế nên người ta bất ngờ, hốt hoảng, kinh hãi khi phát hiện ra còn sót lại một con chó biết cắn người. Ôi, tao biết mày thích cắn xé mà. Cắn là cách mày kiếm ăn trong tự nhiên. Cắn là cách mày tự vệ khi gặp kẻ thù. Cắn là cách mày chơi đùa với bạn bè. Nhưng mà cắn tao thì được, tao bị xước tay một xíu rồi ngày mai sẽ lành. Mày lại cắn cu Khoai, tao biết có lẽ không phải hoàn toàn lỗi của mày đâu. Cu Khoai mới năm tuổi thôi, làm gì biết chơi với động vật. Hẳn là mày đọc nhầm một vài tín hiệu, tưởng rằng đó là hành vi đe dọa, nên mới hành động như vậy, đúng không? Suy cho cùng trong hai năm qua, mày toàn bị cột một chỗ thì làm gì được xã hội hóa đầy đủ, làm gì đọc được các tín hiệu xã hội, biết cách ứng xử với các đối tượng khác và cảm thấy an tâm khi bị vây quanh bởi người lạ. Tội nghiệp cho mày Bắp. Giờ mày lại bị nhốt chặt hơn nữa, cơ hội để mày học các kỹ năng của một con chó văn minh lại càng mỏng dần. Tội nghiệp cho mày.
Tôi chạy xe xuống thăm Bắp. Trông nó ngáo ngơ không hiểu chuyện gì xảy ra, cái đầu nghiêng sang một bên, mắt tròn xoe nhìn tôi buồn bã. Tôi len lén đến gần nới dây cho nó một xíu.
— Thật ra tao cũng giống như mày vậy đó Bắp. Tao lớn lên với nhiều xu hướng bạo lực bị dồn nén. Cái thế giới này người ta đề cao sự phi bạo lực như một mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối. Nhưng thường ý tưởng hay ho nào đến từ tầng lớp tinh hoa, những người hiểu được các sắc thái phức tạp của thực tế và vì vậy có các góc nhìn linh hoạt hơn, thì đến với tầng lớp đại chúng đều biến thành giáo điều cứng ngắc và tàn bạo. Thuyết tiến hóa trở thành thuyết ưu sinh. Xã hội dân chủ lý tưởng trở thành chính quyền chuyên chế tàn bạo. Giờ thì tầm nhìn về một thế giới phi bạo lực lại là bạo lực áp đặt lên những xu hướng nhất mực tự nhiên của con người. Hãy cho hai đứa trẻ tự chơi với nhau, không quá dăm phút là chúng sẽ bắt đầu động tay động chân, cào cấu cắn xé nhau. Nhưng như vậy thì người lớn làm gì? Người lớn ngăn chặn tiến trình chơi đùa và học hỏi xã hội tự nhiên của các đứa trẻ, không cho chúng tự do chơi đùa nữa, gò ép chúng vào các hoạt động có hướng dẫn và theo dõi sát sao. Cả tuổi thơ của tao đã ngán đến phát mửa các hoạt động sinh hoạt đội nhóm rồi. Cái gì mà giơ tay trái, giơ chân phải, rồi còn lại đọc vè đối thơ đố mẹo cơ chứ? Thật sự trên đời này có người nghĩ rằng các hoạt động này tốt cho sự phát triển của trẻ em hơn việc để cho chúng thoải mái chơi đùa, vật lộn, rồi đi đến thỏa thuận với nhau ư? Nhưng nói vậy thôi. Buồn thay, tao là một đứa trẻ hiểu chuyện. Tao nghe lời người lớn và đè nén những xu hướng rất tự nhiên trong mình. Tao trở thành con ngoan trò giỏi, và tự tủi hổ với các suy nghĩ, cảm xúc lệch chuẩn của mình. Ôi, tội nghiệp cho tao, Bắp à! Dù sao thì, nhờ như vậy mà tao tồn tại qua tuổi thơ một cách êm ổn. Tao được chứng kiến những đứa trẻ không thích nghi chứ! Chúng nó không biết cách gò nén các xung năng bên trong của mình, trưng ra ngoài các kỹ năng xã hội được chấp nhận hơn. Rồi chúng nó bị gì? Được thông cảm và dạy dỗ ư? Không! Chúng bị cô lập, bởi bạn bè, bởi thầy cô, bởi nhà trường và cả xã hội. Một đứa trẻ không biết cách ứng xử xã hội, lại bị cách li khỏi xã hội, thì hậu quả sẽ là gì? Người ta nói “từ nhà trường đến nhà tù” chẳng có sai. Tao tận mắt chứng kiến và cũng được nghe kể các câu chuyện về những đứa trẻ tiềm năng cao đi vào con đường như vậy rồi, Bắp à. Tao hoàn toàn không làm lố đâu. Có một vị giáo sư đại học hàng đầu thế giới nọ, tuổi trẻ cũng dính dáng vào nghiện hút, cũng trộm cắp, cũng đánh lộn, vào trại cải tạo đôi ba lần. Phải rằng đây là một đứa trẻ bất trị, vô phương cứu chữa, xứng đáng dành cả cuộc đời trong tù tội? Hay chỉ đơn giản rằng đây là một đứa trẻ có một gia đình không hạnh phúc, không biết giải quyết những cảm xúc tiêu cực dồn nén bên trong mình như thế nào, để rồi kết cục đành thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi phản xã hội? Tao tin rằng xu hướng bạo lực ở trẻ em cần được dạy để chúng chấp nhận và kiểm soát nó, chứ không phải trừng phạt, miệt thị và cô lập. Bởi vì bạo lực bị dồn nén sẽ trở thành những dạng thức bạo lực nguy hiểm hơn rất nhiều.
Tôi nhìn xuống Bắp. Có vẻ nó không hiểu gì. Thế là tôi vỗ mông nó mấy phát, bụp bụp. Nó nhẩy cẫng lên, đuôi vẫy tít tắp, táp lấy bàn tay tôi. Tôi để yên cho nó cắn. Hồi xưa, lúc mới học cắn thì Bắp cắn đau lắm. Nhưng tôi biết đấy là cách để nó chơi đùa lẫn thể hiện tình cảm, nên tôi không đánh đập hay mắng chửi. Tôi cứ để cho nó cắn, khi nào đau quá thì mới rụt tay lại. Bắp thông minh lắm. Sau đó, nó sẽ hiểu rằng hành vi vừa rồi của nó không vui và cũng chẳng thương. Nó sẽ điều chỉnh lại lực cắn. Rất lâu rồi, tay tôi không xuất hiện viết trầy xước hay vết bầm dập khi chơi với Bắp. Chỉ cần cho Bắp cơ hội học cách kiểm soát xung năng của mình, nó sẽ học được.
— Mày có thấy không? Ngày nay, người ta cấm trò chơi bạo lực. Cấm phim bạo lực. Cấm thể thao bạo lực. Cấm mọi hành động bạo lực. Cấm mọi cơ hội để xảy ra bạo lực. Bạo lực ở mọi dạng thức biểu hiện của nó đều bị triệt để cấm đoán. Tao không biết chuyện này là tốt hay xấu. Tất nhiên thì không gian công cộng của một xã hội nên là một không gian an toàn, nơi mà bạo lực bị giảm xuống mức tối thiểu. Nhưng trong quá trình làm như vậy, liệu chúng ta có đẩy ra rìa những đứa trẻ lớn lên với bản năng bạo lực cao? Nếu không có cơ hội bộc lộ và học cách kiểm soát bạo lực, thì những đứa trẻ đó phải làm sao để biết cách điều khiển nó? Đừng nói với tao là con người không có cái bản năng bạo lực. Chuyện đó giống như nói loài chó chúng mày là loài ăn chay vậy. Mày có ăn chay không Bắp? Bà Út cho mày ăn hằng ngày, mà bà Út lại là người ăn chay từ nhỏ, nên khẩu phần của mày phần lớn cũng là cơm và rau. Vậy thì mày có tiêu hóa được không Bắp? Hồi nhỏ, mày ăn vài hạt bắp mà đã phải nôn ọe hết ra vì không tiêu hóa được. Dạ dày của mày là môi trường axít cao mà. Nó được thiết kế để tiêu hóa thịt thà, chứ đâu được thiết kế để tiêu hóa cơm gạo. Rồi cũng vì vậy, mà mày tăng động như con quỷ khi phải tiêu hóa cơm gạo trong suốt hai năm qua. Đường huyết là nguồn năng lượng, cũng là thứ độc hại đang giết chết chúng ta. Nếu khẩu phần của mày có nhiều thịt thà một chút, tao nghĩ là tâm trạng mày sẽ ổn hơn đấy Bắp. Mày có đồng ý không?
Con Bắp bây giờ đã chuyển sang tư thế ngồi khoái chí của nó. Nằm bẹp dí, duỗi hai chân trước ra trước, duỗi hai chân sau ra sau, đuôi lắc qua lắc lại ngúng nguẩy. Nhìn thấy ghét. Tôi phát nó vài cái rồi bỏ vào trong nhà.
*
Dạo đó tôi quan tâm xuống chơi với Bắp nhiều trở lại. Thường là tôi sẽ mua thêm một nửa con gà quay, tôi và bạn gái rúc vào phòng riêng ăn trùm mền, sau đó mang xương ra cho Bắp ăn.
Trước đây tôi có cái nết ăn mà người ta gọi là “ăn chó chết”, tức ăn một miếng gà mà gặm hết từ da đến thịt, gặm nốt cả sụn và gân, cu chó hay cái mèo nào mà vớ được miếng xương tôi vừa mới ăn xong xả xuống thì chẳng còn gì để mút mát.
Có một đợt trước khi nuôi Bắp khá lâu, quán cà phê quen hồi đó của tôi có nuôi một con mèo hoang. Tôi và bạn gái lúc đó đang ngồi uống cà phê, thấy một con mèo nhỏ xíu bị cụt đuôi lết từng bước lặc lè ngoài sân quán, trông rất tội nghiệp. Mấy ngày sau, chúng tôi vẫn thấy con mèo đó lởn vởn. Thì ra nhân viên quán thấy nó tội quá nên thay phiên cho nó ăn mỗi ngày, còn góp tiền mua cho nó một cái dây đeo cổ. Tôi hồi đó mới tốt nghiệp nên ăn cơm gà xối mỡ hằng ngày, món này nó rẻ, nó ngon, mỡ tốt cho tâm trạng, chỉ có điều không tốt cho vòng hai. Thế là tôi thường mua một hộp cơm, chạy vào quán ngồi làm việc, khi nào đói sẽ ra ngoài sân ăn, tiện tay cho con mèo cáu kỉnh gặm xương thừa. Tôi học cách ăn bỏ mứa, gặm xương mà gặm không hết.
Một năm sau, con mèo nhỏ đó lớn lên, đi lang chạ, chửa hoang và đẻ ra hai con mèo nhỏ nữa. Thế là quán cà phê có đàn mèo ba con đi lon ton trong sân. Tôi thử cho mấy con mèo con ăn gà xối mỡ. Nhưng mà tụi mèo con này chưa học cách kiểm soát lực cắn của mình, vậy là tôi bị cạp một phát đau điếng. Tê tái. Đó là lần đầu tiên tôi biết mèo con cắn đau như thế nào. Buồn thay, một thời gian sau ba con mèo biến mất, không quay trở lại nữa. Trong điện thoại, tôi cũng chỉ còn giữ một tấm hình của con mèo mẹ đang lúc mang thai.
Nói chung là, áp dụng kỹ năng ăn uống không gọn gàng trong mối quan hệ trước với con mèo cáu kỉnh, tôi chừa lại một cơ số xương còn sót thịt cho con Bắp hung dữ này. Có vài đợt tôi còn mua cá hộp, hay mấy miếng ăn vặt được nặn hình cục xương. Lần nào Bắp cũng ngấu nghiến cắn xé chúng. “Mày hẳn phải sung sướng lắm nhỉ Bắp?”
Dạo gần đây, con chó nhà bà Ngoại mới bị ăn trúng bả chết. Thế nên bạn gái không cho tôi dắt Bắp đi dạo nữa. Bắp lại buồn hiu. Thế là tôi khóa cửa ngoài lại, khóa cửa trong lại, thả dây cho Bắp chạy nhảy xà quần khắp sân. Chơi mệt, nó lại nằm phè phỡn, duỗi hai chân trước ra trước, hai chân sau ra sau, đuôi lắc đều ngúc ngoắc. Tôi ngồi xuống quýnh Bắp mấy phát. Nó liền bật dậy, chụp lấy tay tôi mà gặm.
Bạn gái thấy Bắp quấn tôi quá, hờn dỗi hỏi:
— Sao Bắp thương Phi hơn Vân Anh? Trong khi Vân Anh nuôi Bắp từ nhỏ, chở Bắp đi bắt ve, dọn dẹp chỗ ở cho Bắp, thay nước cho Bắp uống, sai Tí Ti dọn cứt cho Bắp, rồi ngày nào đi làm về cũng vuốt ve Bắp.
— Tại Vân Anh không cho Bắp cắn đó! Con nít không chỉ cần người lớn chăm sóc và yêu thương. Con nít còn cần người lớn chơi rắn với nó, bởi đấy là cách chúng học được các giới hạn, phát triển các kỹ năng vận động, hiểu về cơ thể của mình, cảm nhận được các giác quan, biết được cơn đau có cảm giác ra sao, và đây lại là tiền đề quan trọng cho lòng thấu cảm sau này. Vân Anh phải đánh lộn với Bắp nữa.
Bạn gái tôi nhíu mày:
— Con nít nào ở đây? Bắp là chó mà! Sau này nuôi con phải dạy nó bám Phi như Bắp vậy á. Để nó không quấy rầy Vân Anh, rảnh tay!
Bấy giờ Bắp đã ngưng việc cắn tôi lại. Nó đang chuyển sang chế độ liếm láp bàn tay của tôi. Bạn gái đẩy tôi ra, thò chân vào để hưởng ké cái sự thân mật ấy.
----Surphi10, 06.05.2023
Carlo Carrà, Funeral of the Anarchist Galli (I funerali del anarchico Galli), 1910-11, oil on canvas, 198.7 x 259.1 cm (The Museum of Modern Art, New York)
Carlo Carrà, Funeral of the Anarchist Galli (I funerali del anarchico Galli), 1910-11, oil on canvas, 198.7 x 259.1 cm (The Museum of Modern Art, New York)
Chuyện/truyện cùng tác giả: