Luận về việc viết.
Một bài luận về việc viết, về lịch sử chữ viết, ý nghĩa của việc viết, và kêu gọi mọi người ứng dụng cách viết tử tế của văn bản học thuật.
Lời đầu tiên
Kính chào quý độc giả,
Kỹ năng viết là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng bậc nhất mà chúng ta cần phải được trang bị trên hành trình phiêu lưu vô định, phát triển tri thức của đường đời. Voltaire từng nói: “Viết lách chính là hội họa của phát ngôn” (L'écriture est la peinture de la voix). Thật vậy, viết là công cụ hiệu quả để giao tiếp, giúp chúng ta có thể tiếp nhận và truyền tải thông tin. Đồng thời, viết cũng giúp ta có thể phát triển tư duy logic và khả năng trình bày bằng văn bản. Nó cũng góp phần cải thiện trí nhớ, khả năng sáng tạo và nâng cao sự mạch lạc, nhạy bén trong suy nghĩ. Khác với các kỹ năng khác, kỹ năng viết, đặc biệt là viết bằng ngoại ngữ như Tiếng Anh và mang tính học thuật cao, không thể có được một cách tự nhiên mà đòi hỏi sự kiên trì rèn luyện, mài dũa không ngừng.
Tôi đã lên ý tưởng nội dung của bài viết này từ tháng Ba năm ngoái. Tuy nhiên, vì có một số bế tắc trong việc nghiên cứu tư liệu, và cả trong tư duy của tôi, nên tôi không thể hoàn thành bài viết, cho đến tận thời điểm tôi bắt đầu gõ lại bài viết này (01/05/2023). Năm vừa qua, tôi đã tham gia Spiderum một cách ngẫu hứng, với niềm mong muốn được tiếp thu tri thức từ cộng đồng Spiderum mà tôi đánh giá có dân trí cao hơn so với Facebook, và tôi cũng đã không nghĩ rằng tôi sẽ gắn bó với Spiderum lâu dài như hiện nay.
Bên cạnh việc đọc bài, tôi cũng có tham gia viết trên Spiderum, với hy vọng truyền tải được tri thức đến với quý độc giả. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã viết được 17 bài, một con số không quá lớn để tự hào, ảo tưởng, và cũng không quá nhỏ để lan tỏa tri thức. Dù vậy, thật sự đáng tiếc rằng tôi cũng đã mắc phải một số sai lầm nhất định, về lỗi học thuật, lỗi khoa học và các lỗi vụn vặt khác, mà tiêu biểu là các bài đầu tiên của tôi. Sai lầm này xảy ra là bởi khi đó, tôi chưa đánh giá đúng mực tầm quan trọng và độ phổ biến của bài viết, và đáng trách hơn cả là việc tôi vẫn mang tư tưởng xem việc viết trên mạng là thú tiêu khiển. Vả lại, tôi chưa áp dụng các phương pháp luận khoa học một cách đúng đắn. Nay, rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, tôi đã ứng dụng lối viết học thuật khi viết trên Spiderum và viết một cách nghiêm túc hơn với lòng yêu tri thức thuần túy. Minh chứng rõ nhất cho việc này là hai bài viết đầu tiên của tôi trong năm 2023. Để tổng kết lại quá trình viết lách trên Spiderum, tôi đã tổng hợp lại các bài viết chất lượng của tôi vào series “Bài viết chọn lọc” trên trang cá nhân ở Spiderum. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến quý độc giả đã đóng góp, phản biện, và tham gia xây dựng tri thức học thuật cùng với tôi.
Mục đích của bài này, bên cạnh việc luận về việc viết, về sự phát triển tư tưởng nhân loại qua việc viết, về sự phát triển của chữ viết qua khái lược lịch sử chữ viết thì tôi còn muốn đưa ra lời kêu gọi đanh thép về việc viết một cách khoa học trên Spiderum, và tôi sẽ nói rõ hơn về điều này ở phía dưới.
Đó là một số chia sẻ ngắn của tôi, giờ hãy cùng bắt đầu vào nội dung bài viết.
Phần I: Luận về việc viết
1. Nhập đề
Trên Spiderum, theo như tôi quan sát được, có rất nhiều thể loại bài viết, từ xã luận, tiểu luận, bài phân tích, bình luận, nhật ký, hồi ký,... Trong đó, hai chủ đề thường xuyên nhất là Quan điểm - Tranh luận và Khoa học - Công nghệ. Tôi sẽ không đưa ra thảy mọi định nghĩa của các thể loại trên. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta cần lý thuyết để hiểu được ý nghĩa của “cơn bão thông tin” đến với chúng ta mỗi ngày. Trong Khoa học Chính trị (Political Science), lĩnh vực mà tôi hết sức quan tâm, Giáo sư Stephen M. Walt đã có một câu nói rất hay khi bình về sự coi khinh lý thuyết của những nhà hoạch định chiến lược:
Dù các nhà hoạch định chính sách là những người khinh thường “lý thuyết” nhưng họ cũng phải dựa vào những ý tưởng (thường không được nói ra) của riêng họ về việc thế giới vận hành như thế nào để đưa ra quyết định [...] Tất cả mọi người đều sử dụng lý thuyết dù họ có nhận ra điều đó hay không.
Câu nói này cũng đúng ngay cả với những người không chuyên về Khoa học Chính trị hay Triết học Chính trị. Theo tôi, cộng đồng viết lách hiện nay có hai lỗi cơ bản, đó là thiếu liêm chính khoa học và lỗi quy nạp ảo tưởng (Inductivist Illusion). Về lỗi thứ nhất, dường như nhiều người luôn có thái độ xem thường lý thuyết. Diễn ngôn thường dùng nhất của những phe phản tri thức là “chỉ có cây vàng của đời là mãi mãi xanh tươi” được trích dẫn từ kiệt tác “Faust” của Goethe. Họ thậm chí còn cho rằng lý thuyết “là cái gì đó chưa được chứng minh”, và “chỉ khi được chứng minh thì nó mới đạt đến mốc định luật” (?!) Vấn đề tranh cãi này liên quan đến Tri thức luận (Epistemology) trong Triết học, giữa Chủ nghĩa duy lý (Rationalism) và Chủ nghĩa duy nghiệm hay Chủ nghĩa kinh nghiệm (Empiricism). Tôi sẽ không đi quá sâu vào vấn đề này, vì bài viết này vốn không nhằm mục đích bàn luận về Tri thức luận. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên làm rõ một số khái niệm khoa học có liên quan, trước hết là để giải ảo các luận điệu thường dùng của những kẻ phản tri thức này, và biết rằng tại sao chúng ta cần lý thuyết khoa học trong viết lách.
Lý thuyết, cụ thể ở đây là lý thuyết khoa học, là một mệnh đề giải thích cụ thể về một hoặc một nhóm hiện tượng, hoặc là một phần của thế giới tự nhiên, chẳng hạn như Thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, và Thuyết tiến hóa của Charles Darwin.
Định luật là một mô tả về một hoặc một nhóm hiện tượng cụ thể. Khác với lý thuyết, định luật không hề giải thích hiện tượng, mà chỉ mô tả hiện tượng. Định luật vốn xuất phát từ thực nghiệm, nó xác định quy luật của tự nhiên, cứ theo khách quan, chân lý khoa học mà rút ra, không có một chứng minh duy ý chí nào ở đây cả. Trong khi đó, định lý là một hệ quả tất yếu nảy sinh. Hãy lấy động năng (Kinetic Energy) làm ví dụ. Khi đã có định nghĩa về động năng, công, lực, và những đại lượng khác, ta biết rằng độ biến thiên động năng bằng công của ngoại lực, và đây là một định lý, vì ta chỉ việc làm một số phép toán biến đổi để rút ra kết luận này mà không thông qua thực nghiệm. Cũng vì điều này mà Toán học không có định luật, mà có định lý.
Vì bản thân lý thuyết là một mệnh đề giải thích, nó không thể được chứng minh ngay tức khắc theo cách của định luật, tức là thực hiện đi thực hiện lại một thí nghiệm. Vì lý thuyết còn đưa ra những dự đoán về những hiện tượng chưa được quan sát, nên càng nhiều dự đoán được kiểm chứng thì lý thuyết càng được khẳng định. Thuyết tương đối của Einstein đã trải qua nhiều lần kiểm chứng, từ ánh sáng bị bẻ cong khi đi qua Mặt Trời, hiệu ứng thấu kính hấp dẫn, và sự uốn cong của không - thời gian được quan sát trong vũ trụ. Thuyết tương đối còn dự đoán được sự tồn tại của lỗ đen (Black Hole).
Về tiên đề, tiên đề là thứ mặc nhiên thừa nhận, dù nó có đơn giản đến mức nào đi nữa, nếu người ta muốn chọn nó làm điểm khởi đầu cho một lý thuyết. Tiên đề chỉ khác ở chỗ do chúng ta đặt lấy, thường là sự khái quát hoá một kinh nghiệm của con người, trong khi định luật do thực nghiệm, định lý do “suy diễn”.
Như vậy, lý thuyết, định luật, định lý, tiên đề có mối liên hệ mật thiết với nhau để cùng mô tả và giải thích thế giới tự nhiên, và chúng không phải là những cấp độ khác nhau.
Chúng ta cần những lý thuyết khoa học trong viết lách, đặc biệt là trong Kinh tế học, Khoa học Chính trị hay Xã hội học. Không những chúng ta có một cái khung để lập luận hợp khoa học, mà tự thân lý thuyết còn giúp ta viết để làm rõ suy nghĩ của ta, tổng hợp ý tưởng và truyền đạt chúng với người khác một cách khoa học. Nếu quý độc giả đơn thuần viết tự sự, hay miêu tả nhằm kể lại cuộc đời của mình, có lẽ quý vị không cần lý thuyết khoa học vì nó không thật sự cần thiết. Còn nếu quý độc giả viết để truyền đạt tri thức khoa học; để phân tích, phản biện, hoặc bổ sung một học thuyết hoặc một ý kiến; để giải thích những vấn đề nghiên cứu phức tạp; hoặc để công bố, phát triển nền tảng tri thức khoa học; nói chung là có sử dụng Khoa học trong đó, mà ở Spiderum đặc biệt nhiều những bài viết như vậy; thì lúc này quý độc giả cần phải sử dụng nền tảng phương pháp luận khoa học, lý thuyết khoa học làm khung sườn cho bài viết nhằm đảm bảo tính liêm chính khoa học. Rất đáng tiếc, ngay cả trên Spiderum, tôi hiếm khi thấy một bài viết đảm bảo tính học thuật, liêm chính khoa học, dù có dùng yếu tố khoa học trong đó, như tôi đã giải thích. Vấn đề này sẽ được nói kỹ càng hơn ở Phần II.
Tiếp đến, hãy bàn về lỗi thứ hai mà người viết, trong đó có cả tôi trước đây, thường mắc phải, đó là khái quát hóa, quy nạp tri thức một cách vội vã, ảo tưởng.
Sự quan sát và kinh nghiệm không bao giờ chỉ dẫn trực tiếp đến tri thức. Những “ảo tưởng quy nạp” (Inductivist Illusion), như cách gọi của nhà Nhân chủng học Claude Lévi-Strauss, là niềm tin có thể đạt được sự thật và sự giải thích thông qua tích lũy thật nhiều thông tin và khảo sát nhiều trường hợp thực tế. Nếu chúng ta thu thập thêm nhiều các dữ liệu và thiết lập thêm nhiều mối liên hệ giữa chúng, rốt cuộc chúng ta vẫn không thể tìm ra chúng ta biết được điều gì. Kết cục là chúng ta chỉ có thêm nhiều dữ liệu và các mối tương quan mà thôi, vì dữ liệu không tự nói lên ý nghĩa. Như nhà Triết học Ernest Nagel đã dẫn, “kinh nghiệm trực tiếp bản thân nó không phải là điều chắc chắn hay không chắc chắn, bởi vì chúng không khẳng định điều gì cả, nó chỉ là nó mà thôi. Nó không phạm lỗi gì, bởi vì nó không chứng minh điều gì ngoài sự xuất hiện của chúng. Cũng vì lí do đó, chúng không tạo ra sự chắc chắn nào cả” [1]. Dữ liệu, các thực tế, hay các mối tương quan không phải là tri thức chắc chắn. Chúng có thể là những câu đố một ngày nào đó sẽ được lý giải, hoặc chúng chỉ là những điều vặt vãnh không cần được lý giải gì cả. Số lượng các mảnh ghép tạo thành vấn đề là vô hạn, cũng như số lượng cách để chúng có thể kết hợp với nhau. Cả việc quan sát và thực nghiệm đều không thể được tiến hành với vô vàn những vấn đề và mối liên kết như vậy.
Nếu chúng ta đi theo con đường quy nạp, ta chỉ có thể giải quyết từng mảnh nhỏ rời rạc của vấn đề. Niềm tin rằng các mảnh nhỏ có thể được cộng dồn, rằng chúng có thể được xử lý như những biến độc lập mà tổng tác động của chúng có thể lý giải một phần nào đó sự vận động của biến phụ thuộc, chỉ là niềm tin mà thôi. Chúng ta không biết được cái gì nên được cộng dồn vào và chúng ta cũng không biết liệu phép cộng có phải là thao tác phù hợp hay không.
Có nhiều tác giả, mà chủ yếu là các tác giả viết trên mạng và cả giới báo chí, mắc phải lỗi quy nạp ảo tưởng, và hiếm khi tôi thấy các tác gia học thuật lớn mắc phải lỗi này. Việc dựa trên niềm tin rằng kiến thức bắt đầu với những điều chắc chắn và phương pháp quy nạp có thể tìm ra được chúng là một sai lầm. Thật vậy, chúng ta không bao giờ có thể nói một cách quả quyết, rằng một kết luận rút ra từ phép quy nạp sẽ tương ứng với thực tế khách quan nào đó. Điều chúng ta nghĩ là sự thật vốn tự nó là khái niệm phức tạp được xây dựng và chỉnh sửa qua nhiều thời đại. Sự thật đó được kết nối từ sự lựa chọn và sắp xếp các vật liệu có sẵn với số lượng vô tận. Như Giáo sư Kenneth Waltz đã viết, “Làm thế nào để chúng ta quyết định được vật liệu nào cần được lựa chọn và làm cách nào để sắp xếp chúng? Không một quy trình quy nạp nào có thể trả lời câu hỏi đó, do vấn đề rất lớn là làm sao quyết định được các tiêu chí mà dựa vào đó việc quy nạp có thể được tiến hành một cách hữu ích”. [2]
Viết Khoa học không chỉ để giao tiếp với người khác; nó cũng là một công cụ học tập hỗ trợ các nhà Khoa học cũng như sinh viên trong việc làm sáng tỏ suy nghĩ, tổng hợp ý tưởng và đưa ra kết luận.
Bài viết khoa học hỗ trợ việc xây dựng hiểu biết khoa học mới, vì nó cho chúng ta cơ hội để trình bày suy nghĩ của mình khi tham gia vào các hoạt động khoa học trong quá trình thực hành khoa học. Thực tế là bài viết diễn ra trong bối cảnh khoa học thực hành, có nghĩa là ta có thể rút ra từ những trải nghiệm trực tiếp thú vị, có ý nghĩa và có thể chia sẻ với người khác.
Phát triển ngôn ngữ cũng được hỗ trợ bởi văn bản khoa học. Phương thức sử dụng ngôn ngữ này cung cấp cho ta nhiều cơ hội để thể hiện và truyền đạt suy nghĩ. Viết Khoa học liên quan đến ta trong một hoạt động siêu nhận thức, tức ta phải xem xét các từ mà ta sẽ sử dụng để truyền đạt suy nghĩ, phản ánh và làm sáng tỏ khi ta tiếp tục. Quá trình phản ánh và làm sáng tỏ này có thể giúp ta phát triển ngôn ngữ khi tinh chỉnh tư duy khoa học của mình.
2. Về viết, khái lược nguồn gốc của chữ viết, và tầm quan trọng của chữ viết
Theo định nghĩa chung nhất, viết là “một hoạt động nhận thức liên quan đến các quá trình tâm thần kinh và thể chất, đồng thời sử dụng các hệ thống chữ viết để cấu trúc và dịch suy nghĩ của con người thành các biểu diễn bền bỉ của ngôn ngữ con người” [3]. Một hệ thống chữ viết dựa trên nhiều cấu trúc ngữ nghĩa giống như ngôn ngữ mà nó đại diện, chẳng hạn như từ vựng và cú pháp, với sự phụ thuộc bổ sung của một hệ thống ký hiệu đại diện cho Âm vị học và Hình thái học của ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, ngôn ngữ viết có thể có những đặc điểm khác biệt với bất kỳ ngôn ngữ nói nào có sẵn.
Kết quả của hoạt động này là “văn bản”, là một loạt các ký hiệu ngôn ngữ được ghi một cách vật lý, được chuyển giao một cách máy móc hoặc được biểu diễn bằng kỹ thuật số. Người tiếp thu văn bản được gọi là “người đọc” hay “độc giả”.
Hệ thống chữ viết là một phương pháp thể hiện trực quan giao tiếp lời nói dựa trên bộ chữ viết và một bộ quy tắc điều chỉnh việc sử dụng nó. Tuy cả ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói đều hữu ích trong việc truyền tải thông điệp, nhưng ngôn ngữ viết khác ở chỗ nó cũng là một hình thức lưu trữ và truyền thông tin đáng tin cậy hơn. Các hệ thống chữ viết đòi hỏi sự hiểu biết chung giữa người viết và người đọc về ý nghĩa đằng sau các bộ ký tự tạo nên một bộ chữ viết. Chữ viết thường được ghi trên một phương tiện lâu bền, chẳng hạn như giấy hoặc thiết bị lưu trữ điện tử, mặc dù các phương pháp viết trên các phương tiện không bền khác cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như viết trên bảng đen hoặc trên cát. Việc đọc một văn bản có thể hoàn toàn được thực hiện trong tâm trí như một quá trình bên trong bộ não, hoặc được thể hiện bằng lời nói.
Hệ thống chữ viết đầy đủ dường như đã được phát minh một cách độc lập ít nhất bốn lần trong lịch sử nhân loại. Theo đó, lần đầu tiên ở Lưỡng Hà (Iraq ngày nay), nơi chữ hình nêm được sử dụng từ năm 3400 đến 3300 TCN, và ngay sau đó là ở Ai Cập vào khoảng năm 3200 TCN. Đến năm 1300 TCN, chúng ta có bằng chứng về một hệ thống chữ viết hoạt động đầy đủ vào cuối triều đại nhà Thương ở Trung Quốc. Vào khoảng giữa năm 900 và 600 TCN, chữ viết cũng xuất hiện trong các nền văn hóa của Trung Mỹ. [4]
Theo học giả Ewan Clayton, quá trình viết chữ hình nêm tiếp tục được duy trì một cách ổn định trong 600 năm tiếp theo. Các đường cong đã bị loại bỏ, các ký hiệu được đơn giản hóa, và mối liên hệ trực tiếp giữa giao diện của các chữ tượng hình và đối tượng tham chiếu ban đầu của chúng đã bị mất. Trong cùng khoảng thời gian này, các biểu tượng, vốn ban đầu được đọc từ trên xuống dưới, đã được đọc từ trái sang phải theo hàng ngang (sự sắp xếp theo chiều dọc được giữ cho các cách phát âm truyền thống). Để phù hợp với điều này, các biểu tượng cũng được sắp xếp lại, xoay 90 độ ngược chiều kim đồng hồ.
Vào năm 2340 TCN, nền văn minh Sumer rơi vào tay quân đội của Sargon, Vua của người Akkadian, một người Semitic phía Bắc trước đây đã cùng tồn tại với người Sumer. Vào thời điểm này, chữ hình nêm, trong nhiều thế kỷ, đã được sử dụng song ngữ để viết tiếng Akkadian. Sargon, người mới nhất trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo rộng lớn của người Akkad, đã xây dựng một Đế chế chạy từ Lebanon ngày nay xuống tận Vịnh Ba Tư. Cuối cùng, có tới 15 ngôn ngữ sử dụng các ký tự lấy cảm hứng từ chữ hình nêm.
Tiếng Sumer vẫn tiếp tục là ngôn ngữ dùng cho học tập cho đến ít nhất là năm 200 TCN. Tuy nhiên, hệ thống chữ hình nêm, hệ thống được phát minh ra để ghi lại nó, đã tồn tại lâu hơn nó gần ba thế kỷ. Nó tồn tại như một hệ thống chữ viết cho các ngôn ngữ khác cho đến thời kỳ Cơ đốc giáo. Tài liệu cuối cùng có thể xác định được bằng chữ hình nêm là một văn bản thiên văn từ năm 75 CN.
Viết lách có nhiều mục đích khác nhau, đôi khi là xuất phát từ nhu cầu thực tế như trong nền văn minh Sumer, và đôi khi là cho những lý do khác. Nhu cầu căn bản để thể hiện bản thân thông qua viết lách là bởi vì chúng ta vốn dĩ sinh ra đã là những sinh mệnh có mối quan hệ xã hội được kiến tạo có chủ đích, và cần giao tiếp với nhau. Dù theo quan điểm nào, nhân loại đều mong muốn giao tiếp với nhau, vậy nên chúng ta cần ngôn ngữ, cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Ngôn từ truyền tải các thông điệp quan trọng, tức các thông tin có thể rất hữu ích, và thậm chí quan trọng hơn, là ngôn từ có thể khiến chúng ta cảm động sâu sắc.
Những khám phá mới đã đẩy lùi niên đại chữ viết ở Ai Cập gần với niên đại của Lưỡng Hà. Những khám phá về các cảnh nghi lễ được khắc trên quy mô lớn tại địa điểm nghệ thuật trên đá El-Khawy ở Ai Cập có từ khoảng năm 3250 TCN. Chúng hiển thị các tính năng tương tự như các dạng chữ tượng hình ban đầu. Một số biển báo khắc trên đá này có chiều cao gần nửa mét.
Từ năm 3200 TCN trở đi, các chữ tượng hình Ai Cập xuất hiện trên các bảng nhỏ bằng ngà voi được sử dụng làm nhãn hiệu cho đồ đạc trong lăng mộ của vị vua tiền triều đại Scorpion tại Abydos và trên các bề mặt nghi lễ được sử dụng để mài mỹ phẩm, chẳng hạn như Bảng màu Narmer.
Viết bằng mực bằng cách sử dụng cọ và bút sậy lần đầu tiên được tìm thấy ở Ai Cập. Chữ viết bằng mực này được biết đến trong tiếng Hy Lạp là hieratic (chữ viết của thầy tu), trong khi các chữ cái được chạm khắc và sơn mà chúng ta thấy trên các di tích chữ tượng hình. Các ký tự được chạm khắc và viết khá gần với niên đại. Điều này cho thấy rằng từ thời xa xưa, chữ viết ở Ai Cập có hai chức năng: Một là dùng trong nghi lễ, một chữ viết trưng bày (chạm khắc), hai là phục vụ chính quyền và đền thờ (viết).
Ở Trung Quốc, những ví dụ sớm nhất về chữ viết ở Trung Quốc được tìm thấy gần An Dương ngày nay, trên một nhánh của sông Hoàng Hà, cách Bắc Kinh 500 km về phía Nam. Tại đây, các vị vua cuối triều đại nhà Thương (1300 - 1050 TCN) đã thành lập kinh đô và sử dụng xương động vật để thực hiện các nghi lễ, tức giáp cốt văn. Trong nhiều thế kỷ, những mảnh xương đã được nông dân tìm thấy và chúng bị sử dụng trong Y học Trung Quốc. Mãi đến năm 1899, học giả Vương Ý Vinh (Wang Yirong) mới nhận ra các ý nghĩa của những ký tự được khắc trên bề mặt của số xương này. Đây là những ghi chép sớm nhất về nền văn minh Trung Quốc được tìm thấy cho đến nay, những chữ khắc này đã mở rộng kiến thức lịch sử và ngôn ngữ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.
Giáp cốt văn ghi lại những câu hỏi được đặt ra cho tổ tiên hoàng gia về các chủ đề đa dạng như luân canh cây trồng, chiến tranh, sinh nở và thậm chí cả đau răng. Cho đến nay, gần 150.000 mẫu xương như vậy đã được tìm thấy, chứa hơn 4.500 biểu tượng khác nhau, nhiều trong số đó có thể được xác định là tổ tiên của các Hán tự mà vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Ở Trung Bộ châu Mỹ cổ đại, những khám phá gần đây đã đẩy bằng chứng về chữ viết ở khu vực này, chạy từ miền nam Mexico đến Costa Rica, đến gần năm 900 TCN. Những khám phá này cũng đã mở rộng phạm vi của các nền văn hóa và ngôn ngữ mà chúng ta biết đã sử dụng chữ viết từ người Maya, Mixtec và Aztec để bao gồm cả người Olmec và người Zapotec trước đó. Những người ghi chép được cho là có địa vị cao. Các nghệ sĩ Maya thường là con trai của hoàng gia. Những người giữ sách Thánh, cơ quan ghi chép cao nhất, đóng vai trò là thủ thư, nhà Sử học, người viết phả hệ, người ghi chép cống phẩm, người sắp xếp hôn nhân, người điều hành các nghi lễ, và nhà Thiên văn học.
Qua việc khái lược lịch sử chữ viết cổ đại, chúng ta có thể thấy được sự phát triển của tư duy con người như thế nào. Nếu không có chữ viết, văn chương và tri thức khoa học có lẽ sẽ không phát triển mạnh mẽ như ngày nay, và sẽ không có những áng văn chương sống mãi với thời gian của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Shakespeare, hay Goethe. Nếu không có những văn hào, thi hào vĩ đại trên, thì nền văn minh chắc chắn sẽ lụi tàn. Thực vậy, ta tồn tại và phát triển phồn vinh với tư cách là một quốc gia là nhờ vào những văn bản quan trọng, đánh dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử, như Hiến pháp Mỹ, hay Bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Nếu không có những văn bản mang tính nền tảng về quản trị này, thì chúng ta sẽ sống trong một đất nước hỗn loạn và khó tránh khỏi việc tự hủy hoại mình. Những người soạn thảo các văn bản quan trọng này sẽ luôn được nhớ đến nhờ sự thông tuệ cũng như sự dụng tâm thành kính dành cho từng con chữ họ viết ra. Chữ viết là một trong những món quà quan trọng bậc nhất mà chúng ta có được. Khi ta không biết làm thế nào để biểu đạt bản thân trên giấy, hãy nhớ ta đã may mắn đến dường nào khi có được những lời dạy của các bậc tiền nhân, và có lẽ điều này sẽ truyền cảm hứng cho ta muốn lưu lại di sản viết lách của bản thân mình.
Phần II: Cách để viết học thuật và đảm bảo liêm chính khoa học
Văn bản học thuật là một thể loại văn bản được sử dụng ở trình độ giáo dục bậc cao (từ Đại học trở lên) và được dùng trong các lĩnh vực nghiên cứu, học thuật. Như tôi đã nêu ở Phần I, tôi kêu gọi chúng ta nên ứng dụng lối viết học thuật ngay trên không gian mạng khi chúng ta muốn tranh luận, phản biện, góp ý hợp logic, hoặc truyền đạt tri thức một cách đúng đắn cho người khác. Trong một cộng đồng tri thức như Spiderum, điều này càng trở nên cấp thiết hơn, vì chỉ văn bản học thuật mới cho thấy sự tử tế trong tư duy tri thức của một con người, vừa đảm bảo liêm chính khoa học vừa đảm bảo tính hàn lâm, khách quan cho bài viết.
Người viết sử dụng lối viết học thuật này nhằm mục đích truyền tải, giải thích những vấn đề hoặc chủ đề nghiên cứu phức tạp đến một lượng lớn người đọc. Thông tin phải được thể hiện một cách rõ ràng và dễ hiểu để cả người trong và ngoài lĩnh vực chuyên môn được đề cập trong bài viết đều có thể tiếp nhận được.
Sẵn tôi sẽ nói sơ qua về liêm chính khoa học. Liêm chính khoa học là một trong những nội dung cơ bản của liêm chính học thuật, với giá trị cốt lõi là sự trung thực, có tinh thần xây dựng, ngay thẳng trong các hoạt động học thuật, như nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, ghi chép tri thức,... Thuật ngữ liêm chính học thuật (Academic Integrity) đã được đem ra thảo luận từ rất lâu trên thế giới, và được cho là do cố Giáo sư Donald McCabe của Trường Đại học Kinh doanh Rutgers khởi xướng lần đầu tiên trong một báo cáo khảo sát với tiêu đề “Cheating in the Academic Institutions: A Decade of Research” (tạm dịch: Gian lận trong các tổ chức học thuật: Một thập kỷ nghiên cứu) đăng tải trên Tạp chí Ethics & Behaviors vào năm 2001. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khác xoay quanh vấn đề liêm chính học thuật đã được công bố.
Tuy liêm chính (Integrity) và học thuật (Academic) được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung, liêm chính học thuật có thể hiểu là sự ngay thẳng, trung thực, có tinh thần xây dựng, và có trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy. Như vậy, ta có thể định nghĩa liêm chính khoa học là cách hành xử ngay thẳng và trong sạch trong hoạt động học thuật, gồm các hoạt động liên quan đến học tập, giảng dạy, nghiên cứu, cũng như các hoạt động sáng tác, sáng tạo khác.
Như quý độc giả cũng biết, nền Khoa học vĩ đại của loài người sẽ không thể phát triển nếu bản thân các nhà Khoa học không trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm đối với những nghiên cứu của mình. Trên thực tế, việc nghiên cứu Khoa học luôn có tính kế thừa giữa các học giả thế hệ trước và thế hệ sau. Việc kế thừa này không đồng nghĩa với việc ngụy biện lấy tri thức của người khác thành của mình, mà không ghi nhận công lao cho người đó. Trung thực trong nghiên cứu khoa học là những giá trị nền tảng để các nhà Khoa học có thể tìm tòi, khám phá ra những tri thức mới cho nhân loại. Nếu thiếu đi những phẩm chất này, nghiên cứu khoa học có thể sẽ bị thụt lùi, vì những nền tảng tri thức đã lụi bại trong tay của những nhà Khoa học bất lương.
Nhìn chung, văn bản học thuật có các đặc trưng sau:
Dẫn nguồn một cách tử tế: Đây là yếu tố mà tôi cho là quan trọng nhất đối với văn bản học thuật. Việc trích dẫn giúp cho người đọc biết nơi người viết lấy thông tin, cho phép người đọc tìm hiểu thêm, cung cấp thông tin, ghi công trạng cho tác giả nghiên cứu, và bảo vệ tác giả khỏi việc bị đạo văn. Việc dẫn nguồn một cách tử tế chính là yếu tố cơ bản nhất của liêm chính khoa học.
Văn phong bám sát theo Chủ nghĩa hình thức (Formalism), trang trọng, hàm súc, đúng ngữ pháp, và đúng chính tả: Đây cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Mục đích của bài viết phải được thể hiện rõ ràng xuyên suốt, và từng luận điểm được đưa ra phải mang tính logic. Ngôn ngữ sử dụng trong bài viết phải mang tính học thuật, không sử dụng ngôn ngữ thông tục. Việc viết đúng chính tả hiển nhiên thể hiện sự tôn trọng của người viết đối với độc giả. Muốn người khác tiếp cận quan điểm hay câu chuyện của mình thì trước hết không tra tấn mắt của người khác đã. Cơ bản, có thể nói Chủ nghĩa hình thức là luật ngầm mà mọi nhà nghiên cứu phải tuân theo. Nó như một hệ thống, một bộ khung làm nền tảng cho những nghiên cứu chất lượng.
Đảm bảo tính khách quan cho bài viết: Thông thường, đối với văn bản học thuật, người viết sẽ dùng ngôi thứ ba thay vì ngôi thứ nhất để đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bài viết trên Spiderum có thể bỏ qua việc sử dụng ngôi thứ ba. Nhìn chung, quý vị chỉ cần đảm bảo tính không thiên kiến cá nhân, đảm bảo luận điểm được đưa ra phải được nhìn nhận từ nhiều góc độ, không mang ý kiến chủ quan, và không mang tính chất tuyệt đối là được.
Lập luận dựa trên dẫn chứng minh bạch, logic: Hạn chế việc đưa ra dẫn chứng mang tính chất trải nghiệm cá nhân trong văn bản học thuật. Dẫn chứng đưa ra cần phải được liên kết với mạch lập luận chính, tránh lạc đề.
Và còn nhiều những tiêu chí khác.
Thông thường, một văn bản học thuật trong nghiên cứu khoa học sẽ bao gồm các yếu tố như sau:
- Title (Tiêu đề): Tiêu đề của bài viết, cần có độ dài vừa đủ và phản ánh đúng nội dung được nghiên cứu. - Authorship (Tên tác giả): Liệt kê tên của những người thực hiện nghiên cứu và tham gia quá trình viết bài. - Abstract (Tóm tắt): Mô tả một cách vắn tắt vấn đề và kết quả của bài viết. - Keywords (Từ khóa): các từ khóa chính về nội dung hoặc chủ đề của bài viết. - Introduction (Đặt vấn đề) và Objective (Mục tiêu nghiên cứu): Cho biết vấn đề nghiên cứu là gì, giới thiệu các thông số và mục tiêu khi thực hiện nghiên cứu. - Methods (Phương pháp nghiên cứu): Cách nghiên cứu vấn đề, đối tượng được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu. - Discussion (Bàn luận): Giải thích, bàn luận, nêu ra ý nghĩa của kết quả. - Conclusion (Kết luận): phần này thường được ghép với Discussion. - Acknowledgements (Ghi nhận): Ghi nhận những người đã giúp đỡ cho tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu. - References (Tài liệu tham khảo): Liệt kê thông tin của các tài liệu được tham khảo và trích dẫn trong bài viết. - Appendix (Phụ lục): Những câu hỏi nghiên cứu, số liệu nghiên cứu sẽ được trình bày ở phần này.
Quý độc giả không cần phải viết chi tiết đầy đủ tất cả những bước này trên Spiderum, mà nên tuân thủ khi quý vị làm nghiên cứu khoa học ở môi trường học thuật hàn lâm. Tuy nhiên, tôi kêu gọi quý vị tuân theo đúng các nguyên tắc của việc viết một văn bản học thuật, như bốn nguyên tắc tôi đã nêu ra ở phía trên, và sáu bước phát triển một bài viết học thuật như tôi sẽ nêu ở phía dưới.
Một cách tổng quát, quy trình viết một bài viết học thuật bao gồm sáu bước như sau: Tìm kiếm và nghiên cứu thông tin (Discovery / Investigation), hình thành ý tưởng và lên dàn ý (Prewriting), soạn thảo (Drafting), kiểm duyệt (Revising), chỉnh sửa (Editing), và cuối cùng là trích dẫn nguồn (Referencing) [5].
Đối với bước đầu tiên, tìm kiếm và nghiên cứu thông tin, quý vị cần xác định vấn đề chính trong bài viết là gì, và tìm đọc các tư liệu thích hợp. Việc đọc thụ động thông thường đã không còn đủ để viết, mà quý vị cần phải phản biện, ghi chú những suy nghĩ, ý tưởng của mình trong suốt quá trình đọc. Hãy ứng dụng phương pháp Socrates để tự chất vấn mình. Quý độc giả có thể tìm tư liệu trên các trang báo uy tín, các trang công cụ tìm kiếm văn bản học thuật trực tuyến có thẩm định như Google Scholar.
Đối với bước thứ hai, hình thành ý tưởng và lên dàn ý, quý độc giả có thể sử dụng các phương pháp viết thích hợp, như Free Writing, Clustering, Outlining, và brainstorming để sắp xếp các ý tưởng thành một mạch lập luận logic. Quý độc giả cũng cần phải xác định rõ đối tượng độc giả mà quý vị muốn nhắm đến.
Đối với bước thứ ba, soạn thảo, quý độc giả cần bám sát vào nội dung được tạo ra trong bước lên dàn ý, và xem lại những ghi chú trong quá trình tìm kiếm và nghiên cứu thông tin để xây dựng và trình bày các đoạn văn thân bài một cách toàn diện.
Đối với bước thứ tư, kiểm duyệt, theo bài viết “The Writing Process” của Đại học Lynchburg, có hai cách kiểm duyệt là cục bộ và toàn bộ. Quá trình kiểm duyệt toàn bộ (Global Revision) là việc tìm kiếm những vấn đề về sự mạch lạc và sự phát triển tổng thể của cả bài, trong khi đó, quá trình kiểm duyệt cục bộ (Local Revision) là việc tìm kiếm những vấn đề cục bộ bao gồm sự rõ ràng trong câu đảm bảo tính mạch lạc của ý tưởng.
Đối với bước thứ năm, chỉnh sửa, quý độc giả cần đọc lại nội dung để chỉnh sửa lại những vấn đề liên quan đến ngữ pháp, chính tả, và dấu câu đã bị bỏ qua hoặc mắc phải trong trong bước kiểm duyệt.
Đối với bước cuối cùng, và cũng là bước quan trọng nhất, dẫn nguồn, quý độc giả cần phải có quy tắc định dạng dẫn nguồn thích hợp. Mỗi lĩnh vực, loại tài liệu khác nhau cần được định dạng theo một cách khác nhau. Thông thường, các bài viết học thuật về Khoa học sức khỏe, Khoa học Chính trị, Giáo dục, Nhân chủng học, Kinh tế học,... sẽ sử dụng quy tắc định dạng APA; Ngôn ngữ và các ngành Nhân văn khác sẽ thường sử dụng quy tắc định dạng MLA. Ở đây, tôi sẽ hướng dẫn quý độc giả về cách dẫn nguồn APA.
Quy tắc định dạng dẫn nguồn APA, viết tắt từ cụm American Psychological Association, là một hệ thống quy tắc trình bày tài liệu, văn bản học thuật được tạo ra để thiết lập một quy chuẩn sử dụng ngôn ngữ bởi một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ. Hiện tại, APA là phong cách được công nhận & sử dụng rộng rãi bởi các trường đại học và thế giới.
Cấu trúc chung của quy tắc định dạng APA: <Tên tác giả>, <Họ tác giả, có thể viết tắt> (Ngày xuất bản). “Tiêu đề tác phẩm nghiên cứu”. <Địa điểm nhà xuất bản>: <Tên nhà xuất bản>. Trang nếu như trích một phần. URL/DOI nếu lấy nguồn online.
Quý độc giả có thể tham khảo ảnh dưới để biết thêm:
Tôi thường thêm ngày truy cập (Accessed ngày tháng năm) vào để làm rõ hơn thời gian truy cập nguồn, qua đó thể hiện tính trung thực và liêm chính khoa học. Tôi có thể ví dụ một định dạng dẫn nguồn APA theo mẫu trên như sau:
Schacht, Richard (2012). “Nietzsche's Naturalism”. Journal of Nietzsche Studies. Penn State University Press. 43 (2): 185–212. doi:10.5325/jnietstud.43.2.0185. S2CID 169130060.
Phần III: Tổng kết
Bài viết luận về việc viết, cùng với sự phát triển của chữ viết và đưa ra lời kêu gọi viết tuân theo các nguyên tắc của một văn bản học thuật ở trên Spiderum.
Trong Lời đầu tiên, tôi giới thiệu vấn đề cũng như nêu lên một số sai lầm của tôi trong quá khứ khi tham gia viết trên Spiderum.
Ở Phần I, tôi bàn về việc viết. Phần này được chia ra làm hai mục, lần lượt là Nhập đề và Về viết, khái lược nguồn gốc của chữ viết, và tầm quan trọng của chữ viết. Trong phần Nhập đề, tôi chỉ ra hai vấn đề mà người viết hiện nay đang mắc phải, đó là lỗi thiếu liêm chính khoa học và lỗi quy nạp ảo tưởng. Trong phần Về viết, khái lược nguồn gốc của chữ viết, và tầm quan trọng của chữ viết, tôi nêu lên định nghĩa cơ bản liên quan đến việc viết, khảo sát bốn loại chữ viết của bốn nền văn minh, đồng thời chỉ ra ý nghĩa quan trọng của việc viết.
Ở Phần II, tôi đưa ra lời kêu gọi đanh thép về việc viết theo lối viết của văn bản học thuật. Tôi đưa ra bốn nguyên tắc, đó là (1) Dẫn nguồn một cách tử tế; (2) Văn phong bám sát theo Chủ nghĩa hình thức (Formalism), trang trọng, hàm súc, đúng ngữ pháp, và đúng chính tả; (3) Đảm bảo tính khách quan cho bài viết; (4) Lập luận dựa trên dẫn chứng minh bạch, logic. Tôi còn chỉ ra sáu bước viết một văn bản học thuật, lần lượt là: Tìm kiếm và nghiên cứu thông tin (Discovery / Investigation), hình thành ý tưởng và lên dàn ý (Prewriting), soạn thảo (Drafting), kiểm duyệt (Revising), chỉnh sửa (Editing), và cuối cùng là trích dẫn nguồn (Referencing). Cuối cùng, tôi đưa ra cấu trúc chung của quy tắc định dạng dẫn nguồn APA.
Tôi xin kết thúc bài viết này với một câu châm ngôn:
Để viết tốt, hãy thể hiện ý mình như người thường, nhưng suy nghĩ như người uyên bác.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 21/03/2022, hoàn thành vào 06/05/2023.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] Nagel, Ernest (1957). “Logic without metaphysics, and other essays in the philosophy of science”. Glencoe, Ill.: Free Press. p. 150. https://archive.org/details/logicwithoutmeta0000nage/page/150/mode/2up?view=theater. Accessed 25 March 2022.
[2] Waltz, Kenneth N. (1979). “Laws and Theories” (Chapter 1) in K. N. Waltz, “Theory of International Politics“. Addison-Wesley Pub. Co. pp. 1-17. Accessed 01 May 2023.
[3] Harris, Roy (2000). “Rethinking Writing”. Bloomington IN: Indiana University Press. Accessed 01 May 2023.
[4] Clayton, Ewan (2019). “Where did writing begin?”. The British Library Website. https://www.bl.uk/history-of-writing/articles/where-did-writing-begin#:~:text=Scholars%20generally%20agree%20that%20the,Southern%20Mesopotamia)%20and%20other%20languages. Accessed 02 May 2023.
[5] “The Writing Process”. The University of Lynchburg. www.lynchburg.edu/academics/writing-center/wilmer-writing-center-online-writing-lab/the-writing-process/. Accessed 03 May 2023.
Ngày 06 tháng 05 năm 2023,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất