Chủ đề chính của bài này nói về cách lí luận, tức là ta, trong cô độc, đưa ra những nhận định theo đúng qui tắc trong luận lí học, chứ không nhất thiết cần một người khác để tranh luận, vậy trước hết nên phân biệt rõ giữa lí luận tranh luận. Tôi là người quan tâm đến lĩnh vực này từ quãng năm 2010, cũng như là người quan sát và tham gia (dù giờ chỉ tham gia những chủ đề do chính mình mở) nhiều cuộc tranh luận trên mạng, sau gần 10 năm quan sát, cái tôi thấy chỉ là thái độ của người tranh luận nay ôn hoà hơn xưa chút ít, còn điểm cốt tuỷ trong mỗi cuộc tranh luận là lí luận thì, đáng buồn thay, vẫn giậm chân tại chỗ.
Bài viết này không nhằm liệt kê ra những lỗi nguỵ luận mọi người thường gặp hay hướng dẫn mọi người cách lí luận đúng đắn, bởi chủ đề này đã quá nhiều và nhàm; lại càng không tham vọng nâng cao dân trí tranh luận, bởi với các đối tượng dốt thì dai ngu thì lâu con gâu gâu cũng khước từ thông não như quần chúng mạng thì tuyệt không còn ai đủ tự tin để nhận kèo này nữa hết các bạn ạ.
Bài viết này đơn thuần đi tìm lí do sâu xa khiến chất lượng tranh luận ở quần chúng tồi tệ, cái lí do nằm ở thứ chúng ta dùng hằng ngày: tiếng Việt.


I. MỞ ĐẦU



1. Ngôn ngữ định hình cách chúng ta tư duy

Năm 1940, trong một bài báo khoa học, cái tên Benjamin Lee Whorf nổi lên như cồn nhờ đưa ra một lí thuyết mới mẻ và thú vị về quyền năng mà ngôn ngữ ảnh hưởng đến tư duy của người dùng. Ông cho rằng mỗi dân tộc bằng mỗi ngôn ngữ của riêng mình mang lại cho họ cách hình dung về thế giới hoàn toàn khác nhau. Tức là nếu một ngôn ngữ nào đó không có từ để chỉ đến một khái niệm nào đó, thì người dùng ngôn ngữ đó không thể nào tư duy về khái niệm ấy được. Điểm này của Whorf là sai lầm và do đó lí thuyết của ông bị chê trách suốt cả thập kỉ. 
Người Đức có từ Schadenfreude để diễn tả niềm vui khi chứng kiến nỗi đau của người khác, sẽ thật hoang đường khi cho rằng ngôn ngữ nào không có từ để định danh cảm giác này thì người dùng sẽ không nắm được ý niệm về nó, người Việt chúng ta không có từ nào để gọi tên cảm giác này, nhưng hẳn ai cũng đã từng trải qua. Hay Treppenwitz là cảm giác khi không biết đối đáp sao giữa cuộc đấu láo với bạn bè, mà chỉ mãi đến khi xuống cầu thang ra về rồi thì mới nghĩ ra một câu đáp trả sắc sảo, kể cả khi người Việt chưa trải qua nhưng để nắm bắt ý niệm về cảm giác này thì hoàn toàn có thể.

Tuy thế nhưng lí thuyết của Whorf còn rất nhiều điểm khả thủ, hai mươi năm sau đó Roman Jakobson cho ta thấy rằng tuy ngôn ngữ không giới hạn ta được và không được tư duy về sự gì, nhưng nó gò ép tư duy ta vào một cái khuôn nhất định, hay nói cách khác là nó tạo ra lối mòn và chi phối thói quen tư duy của ta vào đó. Một câu được phát biểu theo tiếng Anh He hit me, và nếu tư duy theo tiếng Anh ta sẽ hiểu có thực thể, số ít, giống đực, dùng ngôi thứ ba đánh một thực thể khác, số ít, dùng ngôi thứ nhất, hành động đó đã xảy ra trong quá khứ. Không có biểu thị vai vế ai hơn ai trong câu trên cả, có thể là hiểu là bố đánh con, con trai đánh bố, kẻ thù đánh nhau, đều được. Nhưng nếu phát biểu câu trên theo tiếng Việt thì người nói không thể mập mờ như vậy được nữa vì chúng ta không có đại từ trung tính. Anh ấy đánh mình sắc thái rất khác Thằng đó đánh tao, và đặc biệt chú ý, khi Bố đánh con nghe cũng tạm chấp nhận chứ còn Con đánh bố thì cái bể phốt vỡ nhà họ sắp sửa chảy từ nhà ra Facebook rồi tập kết lại ở Cống14 đấy (điểm này tôi sẽ nói thêm mục dưới, ý là nói về sắc thái chứ không phải cái cống).

Nói tóm lại, nếu tư duy và nói bằng tiếng Anh thì trong thế giới khả niệm ta không cần bận tâm vai vế của hai người trong câu, dù trong thế giới khả giác là có vai vế, rõ ràng rồi, người Anh thì cũng sinh đẻ nên cũng có chia vai bố con chứ. Với tiếng Việt khi nói ra ta không phớt lờ vai vế trong câu được, thế giới khả niệm buộc ta phải đề cập thêm yếu tố ấy, đây là việc mà chính tiếng Việt bắt buộc ta phải làm vậy dù muốn dù không. Cạnh đó, tất nhiên người Anh nhận thức được Bố đánh con Con đánh bố là khác nhau như thế nào, nhưng họ không cần phải băn khoăn về điều đó và không cứ phải luôn luôn diễn tả trong đại từ nhân xưng của ngôn ngữ mình đến thế.
Đến đây ta đã làm rõ rằng ngôn ngữ có định hình cách ta tư duy, tuy nó không cấm được ta tư duy về một sự nào đó, nhưng nó lại nắn bẻ được tư duy của ta theo khuôn phép của nó. Và cái khuôn này rất vênh với vài lĩnh vực.

2. Những yêu cầu của lí luận

Lí luận là hoạt động tư duy theo những qui luật của môn luận lí học nhằm đưa ra suy nghĩ được coi là hợp lí. Khi tư duy không đi theo những qui luật thì đó là nguỵ luận, và sản phẩm được suy ra từ lập luận không hợp lệ không được coi là hợp lí. Môn luận lí học hình thức có 4 qui luật là qui luật đồng nhất, qui luật mâu thuẫn, qui luật bài trung và qui luật nhân quả.
    Qui luật đồng nhất: Một khái niệm cần được xác định và cần phải giữ nguyên nó chỉ là chính nó trong suốt quá trình lập luận. Ta cần giữ qui luật này để tránh sự lập lờ hoặc đánh tráo khái niệm.
    Qui luật mâu thuẫn: Trong cùng một sự vật, dấu hiệu, thời gian, mối quan hệ không được vừa khẳng định lại vừa phủ định. Tức là không thể cùng lúc chấp nhận cả hai ý tưởng khi chúng mâu thuẫn nhau trong toàn bộ các mặt sự vật, dấu hiệu, thời gian, mối quan hệ.
    Qui luật bài trung: Hai ý tưởng mâu thuẫn nhau luôn phải mang giá trị đối lập nhau, không bao giờ chúng vừa cùng đúng hoặc vừa cùng sai. Cái này đã xác định là đúng, thì cái được xác định là đối lập của nó sẽ phải là sai.
    Qui luật nhân quả: Một kết luận được rút ra chỉ được coi là chân thực khi có đầy đủ lí do chân thực liên kết trong một quan hệ tất yếu với nhau. Nghĩa là một kết luận chưa được chứng minh là đúng thì mặc định coi là không đúng, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người đưa ra kết luận.
Trên đây chỉ là sơ lược, để đi chi tiết vào nội dung của 4 qui luật thì cần nguyên một bài viết riêng mới đủ, do đó ở bài này tôi tạm dẫn sách xuống cuối để mọi người đọc thêm.[1]

Sẽ có người phủ nhận toàn bộ và hỏi rằng tại sao tôi phải theo những qui luật ấy khi lí luận, xin trả lời vì chúng là mối liên hệ giữa thế giới khả niệm và thế giới khả giác, liên hệ một cách tất yếu, ổn định, phổ quát và lặp đi lặp lại giữa các sự vật hoặc các mặt trong cùng một sự vật. Luận lí học hình thức nghiên cứu sự chi phối các hình thức của tư duy nhằm giúp ta dùng tư duy để phản ánh đúng mọi sự, chứ nó không phải thứ luật mà theo cũng tư duy đúng, mà không theo cũng tư duy đúng.
Chẳng hạn qui luật đồng nhất cho ta tư duy rằng quả táo là quả táo, chứ không phải quả cam, và chỉ nghĩ nó là cam thôi cũng là sai. Hay qui luật nhân quả cho ta tư duy đúng đắn rằng mọi sự trên đời luôn có mối quan hệ nhân quả tác động lẫn nhau. Không có nguyên nhân nào lại không dẫn đến kết quả tương ứng, cũng như không có kết quả nào không bắt nguồn từ một nguyên nhân. Một kết luận trơ trọi Trên đời này có ma mặc định coi là không đúng cho đến khi người nói chứng minh; còn nếu người nói chứng minh bằng cách nói Ai không chứng minh được trên đời không có ma tức là tôi đúng thì chính là ngụy luận vì nó không đi theo qui luật luận lí nào cả.
Có khác biệt nhỏ giữa nguỵ luận và nguỵ biện mà tôi thấy nhiều người dùng không chú ý. Nguỵ luận là khi ta lập luận không hợp lệ, việc lập luận này xuất hiện ngay từ trong suy nghĩ chứ không cứ phải phát biểu ra, hoặc xuất hiện khi người nói trình bày quan điểm một mình chứ không cứ phải khi đang tranh cãi. Còn nguỵ biện, với từ biện theo tiếng Hán là tranh cãi, tức là lỗi nguỵ luận xuất hiện trong lời nói ở một cuộc tranh luận. Nguỵ luận luôn xuất hiện trước nguỵ biện, vì suy nghĩ luôn xuất hiện trước lời nói.
Đến đây có lẽ tạm đủ phần mở đầu, hi vọng các bạn không vừa đọc vừa nhảy cóc, còn nếu đã nhảy cóc, vui lòng không kéo luôn xuống bình luận để gáy. Từ đây trở đi tôi sẽ nói về vấn đề chính: tiếng Việt.


II. TIẾNG VIỆT ẢNH HƯỞNG KHÔNG TỐT ĐẾN CÁCH TA TƯ DUY NHƯ THẾ NÀO



1. Tư tưởng phân chia vai vế ngấm quá sâu

Phần trên chúng ta đã biết trong lí luận chỉ thượng tôn những qui luật, các yếu tố như số tuổi của một người không quyết định được trình độ của họ. Trừ khi bạn chứng minh được rằng số tuổi là đồng nhất với trình độ thì mới có thể tiếp tục, bằng không đó là nguỵ luận.
Xem ảnh sau:

Câu trên có thể hiểu theo tam đoạn luận như sau: 
    Tiền đề 1: Để dịch văn chương cần giỏi.
    Tiền đề 2: Dịch giả trẻ là kém và già là giỏi.
    Kết luận: Để dịch văn chương cần dịch giả già
Tuy nhiên người nói chưa hề chứng minh được rằng Trẻ = kém và già = giỏi, mà chỉ cần 1 tiền đề sai là kết luận sẽ sai. Nhưng cách họ nói đã cho thấy tư tưởng ấy đã là một tiền đề đúng sẵn khỏi cần chứng minh, vấn đề là do đâu họ... Mà khoan...
Các bạn hết sức lưu ý, mỗi khi hết cái để chơi tôi lại lượn một vòng quanh những chủ đề liên quan đến mình xem thiên hạ gáy gì. Thường thì lượn được một vòng rưỡi là tôi từ tay trắng đã trở nên đủ ý tưởng viết một bài mới tinh rồi, thế mới tài chứ!
... Vấn đề là do đâu họ lại lấy tư tưởng trẻ = kém, già = giỏi là tiền đề? Câu trả lời nằm ở tiếng Việt và xa xưa hơn là văn hoá Việt. Là đất nước nông nghiệp, do đó văn hoá làng xã hình thành và bám rễ suốt lịch sử dân tộc Việt Nam, một trong nhiều đặc trưng của thứ văn hoá ấy là tư tưởng trọng xỉ (trọng người già). Tư tưởng trọng xỉ xuất phát từ cuộc sống lệ thuộc vào thiên nhiên và yếu kém khoa học của thời đó. Do sống bằng trồng trọt, miếng ăn của người Việt xưa nhờ cậy hết vào thời tiết; và do khoa học yếu kém nên khả năng dự báo hay nghiên cứu của người trẻ gần như bằng 0, trong khi người già thì được việc hơn vì họ sống đủ lâu để có kinh nghiệm (kinh nghiệm không đồng nghĩa với trí tuệ). Vậy nên rất dễ hiểu và cũng tất yếu phải như thế khi người xưa giữ rịt tư tưởng trọng xỉ.
Một nền văn hoá sống quần tụ  trọng-khinh rõ rệt sản sinh một thứ ngôn ngữ phải biểu thị rõ rệt những điều ấy. Nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra người Việt lấy cách xưng hô trong gia tộc để áp dụng lên toàn xã hội. Người xa lạ mà hơn tuổi ta thì nghiễm nhiên làm anh với chị, ngang tuổi chú bác thì gọi chú bác xưng cháu, ngang tuổi ông bà thì gọi ông bà xưng cháu. Người Việt coi xã hội với những con người xa lạ như một gia đình khổng lồ của mình. Mặc dù từng có bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho thấy người Việt ngày xưa xưng hô tao-mày (sắc thái bình đẳng) rộng rãi hơn bây giờ, nhưng tất cả nghiên cứu chỉ cho thấy đó là lối xưng hô giữa người ngang vai hoặc vai cao với vai thấp, chứ không phải cho vai thấp với vai cao, như con được xưng hô tao-mày với bố chẳng hạn. Trớ trêu thay, ngay cả đất nước lắm lễ nghĩa như Trung Quốc vẫn có đại từ trung tính là wǒ-nǐ/nín dùng để xưng hô với tất cả mà Việt Nam tuyệt chưa bao giờ có.[2]
Xưng hô với cả xã hội như xưng hô với người trong gia tộc, lợi thì có lợi, nhưng trong chừng mực bài viết này thì có hại. Điểm thứ nhất, lối xưng hô như thế đã đá phăng đi từ trong ý niệm về cái giá trị bình đẳng giữa người với người. Rõ ràng chú thì cao hơn cháu rồi, mục đích của các đại từ ấy chính là để phân cao thấp. Nhưng trong cuộc tranh luận, mọi người đều bình đẳng, vai vế cao thấp của mọi người chỉ xét bằng tiêu chí duy nhất: chất lượng lí luận (được xét theo qui luật luận lí). Đang tranh luận, thay vì nhìn vào lí lẽ, nếu mang tuổi ra khoe thì ít nhiều đều là nguỵ luận.

Một hình thức lấy tuổi tác đè lí lẽ kín đáo, trong khi bản thân xưng hô với người khác là cậu-tôi, thế rồi bắt người khác không được xưng hô như thế giống mình. Đây là lí do mà tôi nói rằng có thể thái độ tranh luận của quần chúng tốt lên nhưng chất lượng lí luận vẫn tồi tệ như xưa, vì trong ý niệm họ chưa bao giờ có sự bình đẳng.

Quả thật hình thức phân biệt tốt đẹp nhất trong một xã hội chỉ có thể dựa trên luật, luật và luật mà thôi. Trong cờ vua, kì thủ cao hơn là người chiến thắng đối thủ, mà xác định thắng hay thua chỉ có thể bằng cách chơi đúng luật, có đời nào hệ số Elo của tôi cao hơn anh chỉ vì tôi nhiều tuổi hơn anh không? Trong tranh luận, cao thấp phân biệt bằng lí luận và qui luật luận lí làm trọng tài. Trong đời sống, đó chính là pháp luật, và chẳng phải tự nhiên mà nơi duy nhất ở Việt Nam gạt bỏ mọi vai vế trong đại từ nhân xưng là toà án. Ai đời quan toà lại xưng hô rằng "Cháu kết án bác N năm tù giam vì bác phạm tội ấu dâm." hay "Chú kết án cháu vì cháu phạm tội giết người." không?

Điểm thứ hai, nếu để ý hơn nữa, chúng ta sẽ nhận ra đại từ chỉ ngôi thứ nhất của người Việt luôn tồn tại bằng cách sống nhờ sống dựa vào đại từ chỉ ngôi thứ hai, chứ nó không bao giờ tồn tại được độc lập. Đây là chủ đề chính của phần 2, mời các bạn hoan hỉ đọc tiếp.

2. Cái bản ngã không bao giờ được tồn tại độc lập

Nếu là người có tìm hiểu luận lí học và triết học bạn sẽ biết tầm quan trọng của cái tồn tại độc lập, tồn tại chỉ vì tồn tại, hay để tư duy thông suốt người ta nhiều khi phải tự tách mình ra khỏi mọi thứ để dùng lí trí một cách thuần tuý. Tiếng Việt về cơ bản không cho chúng ta điều kiện thuận lợi để nghĩ về điều đó. Hãy xem ví dụ giả định sau:
Bằng đấy à, tao đưa vợ con về ngoại mất 30 phút thôi, mày cứ ngồi chờ tí tao về ngay. Mẹ ạ, con dẫn vợ con con về thăm bên ngoại vài hôm nhé. Lê ơi, chuẩn bị đồ đạc xong chưa em? Đức, ra xe đợi bố trước đi!
Người đàn ông trong câu thoại trên nói chuyện với 4 người: bạn, mẹ, vợ và con, và cứ với mỗi người anh ta lại làm mỗi cuộc hoá thân khác nhau, xưng hô mày-tao với bạn để tỏ sắc thái thân mật và ngang hàng, mẹ-con khi nói chuyện với mẹ, anh-em khi nói chuyện với vợ, và bố-con khi nói chuyện với con. Đại từ ngôi thứ nhất của anh ta tuỳ vào người nói chuyện cùng mà biến hoá. Thế nếu chỉ còn lại một mình thì anh ta xưng như thế nào đây? Không thế nào cả là đáp án mà tiếng Việt cho chúng ta. Ngôn ngữ này không được cấu tạo cho những trường hợp tồn tại độc lập như thế.
Có thể các bạn sẽ nghĩ đại từ tôi đáp ứng được trường hợp này, nhưng không. Thứ nhất là nguồn gốc đại từ tôi xuất phát từ từ “tôi tớ”, “tôi đòi” – một từ mang sắc thái khiêm nhường.[3] Dù cho ngày nay đại từ này được khoác lên mình sắc thái khác và được dùng trong nhiều hoàn cảnh hơn nhưng nó vẫn chưa đủ để chạm đến mức trung tính, xưng với bố mẹ mà dùng tôi là hơi hỗn hào hoặc tỏ ra xa lánh, xưng với cô chú bác và ông bà cũng là hỗn hào vậy. Tương tự với tôi, đại từ ta, mình dù giờ đã được dùng rộng rãi, nhưng vẫn chỉ là sự nới ra chút ít chứ chưa bao giờ được trung tính như I tiếng Anh, je tiếng Pháp, wǒ tiếng Trung và v.v.
Phải chăng đây là lí do cho nền triết học gần như là không có trong lịch sử Việt Nam cũng như chất lượng lí luận tồi tệ của quần chúng bây giờ? Thậm chí ngay cả khi bây giờ chúng ta hiểu được ý niệm, thì việc trình bày ra bằng tiếng Việt vẫn gần như không thể.
Một dẫn chứng nữa, bốn trụ cột giáo dục được định danh như sau:
Learning to know: To provide cognitive tools required to comprehend the world and its complexities and to provide an appropriate and adequate foundation for future learning.
Learning to do: To acquire an occupational skill along with competence to deal with various situations and work in teams as well as contribute towards social and work experiences or involve courses alternating study and work.
Learning to live together: Develop an understanding of other people and appreciation of interdependence, learning to manage conflicts and respect for the values of pluralism, mutual understanding and peace.
Learning to be: To provide self analytical and social skills, to enable individuals to develop to their fullest potential psycho-socially, affectively as well as physically, for an all-round complete person.
Ba cái tên đầu tiên dễ dịch rồi: Học để hiểu biết, Học để lao động, Học để chung sống, nhưng cái cuối Learning to be dịch như thế nào đây? Có nhiều bản dịch về 4 trụ cột giáo dục, nhìn cách họ dịch phần diễn giải thì thấy rằng ai cũng hiểu cả, duy chỉ có dịch tên thì không truyền tải được ý niệm trong tiếng Anh. Sau đây là 4 phương án chính. Học để tồn tại: không đúng, tồn tại là bản năng, không cần phải học mới làm được. Học để sống: không đúng, sống thứ ta làm được ngay khi chào đời, không cần phải học mới làm được. Học để tự khẳng định Học để trưởng thành là các phương án dịch diễn đạt lại ý chứ không bám sát từ rồi, to be không có 2 nghĩa đó.
Ta phải hiểu Learning to be ý là học để trang bị cho mình khả năng tự hiểu mình mà không cần ai giúp (self-analysis) và kĩ năng xã hội, và để khơi dậy toàn vẹn các tiềm năng mà mình có. Self-analysis ở đây ý nói mỗi người nên tự nhìn vào mình để hiểu mình, vì người tây sợ rằng mình học nhiều mà không biết phản tư thì chỉ làm công cụ cho phương pháp giáo dục chứ không làm con người đúng nghĩa. Con người đúng nghĩa là phải “to be”, tức là hãy coi ta ở đây chẳng vì sự gì cả, thế thì ý nghĩa đời ta là gì và ta phải làm gì? Ta làm vì chính ta chứ không phải vì người khác hay hệ thống giáo dục sai khiến và lập trình ta.
Rất tiếc, tiếng Việt không tạo điều kiện cho con người suy tư khi còn một mình và “to be” khi dịch ra tiếng Việt là “là” và buộc phải có đối tượng đứng sau. Học để là là một câu sai ngữ pháp, nên trường hợp này không thể dịch đúng hết nghĩa của Learning to be được. Phương án dịch tôi đưa ra là Học để là chính mình, dù thêm đối tượng chính mình vào khiến câu giảm bớt triết lí đi.
Exodus 3:13: Then Moses said to God, “If I come to the people of Israel and say to them, ‘The God of your fathers has sent me to you,’ and they ask me, ‘What is his name?’ what shall I say to them?”
Exodus 3:14: God said to Moses, “I AM WHO I AM.” And he said, “Say this to the people of Israel: ‘I AM has sent me to you.’ ”
Chính câu Learning to be trên làm tôi nhớ đến một đoạn trong Kinh Thánh, lúc Chúa tự xưng trước Moses, Chúa đã tự gọi mình, ở bản dịch tiếng Anh, là I AM, ý muốn nói Chúa tồn tại chẳng phụ thuộc vào ai khác. Các bản dịch tiếng Việt dịch là Đấng Hiện Hữu.
be là động từ thường dùng trong tiếng Anh nên còn rất nhiều ví dụ khác.
He would try to be to Dorian Gray what, without knowing it, the lad was to the painter who had fashioned the wonderful portrait.
The Picture of Dorian Gray. Oscar Wilde.
Ví dụ từ quyển sách tôi đã dịch, Bức hoạ Dorian Gray của Oscar Wilde, về nội dung lẫn cấu trúc câu này không… À lại khoan…
Nói chung ví dụ thì nhiều các bạn ạ, các văn hào trong làng văn chương thế giới cũng nhiều không kém, nhưng mà nếu ví dụ về Oscar Wilde mà phù hợp thì tôi cứ ưu tiên dẫn Oscar Wilde trước đã, thế mới hay chứ! Điểm này cũng xin các bạn hết sức lưu ý cho.
… Về nội dung lẫn cấu trúc câu này không hề khó, cái khó là làm sao để diễn đạt trong tiếng Việt thật sát cả câu từ và cấu trúc câu kìa.

Hay 4 qui luật luận lí mà ở trên vừa nói đến, nó được diễn đạt như thế này trong tiếng Anh đây.
1. Everything that is, exists.
2. Nothing can simultaneously be and not be.
3. Each and every thing either is or is not.
4. Of everything that is, it can be found why it is.
Đều khá dễ hiểu khi tư duy theo tiếng Anh, nhưng theo tiếng Việt thì đòi hỏi một tâm hồn càng đọc ít… trinh thám và self-help càng tốt thì mới hiểu được (khi khác tôi chứng minh vụ này).

3. Tiếng Việt không khuyến khích nghĩ về cái không

Để nhiều người đọc hiểu thì tôi sẽ lấy ví dụ tiếng Anh, mặc dù những ví dụ như thế này tiếng Pháp hay các ngôn ngữ châu Âu khác cũng có. Cho ví dụ:
“What answer do you get?”
“I have no answer.”
Câu trả lời rất bình thường với cách nói trong tiếng Anh, nhưng sẽ như thế nào nếu tiếng Việt cũng nói thế.
“Có lời giải chưa con?”
“Con có không lời giải.
“Thất bại của Google dịch à?” “Dịch giả chưa sõi tiếng Việt hả?” “Ngu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt phỏng?” “Sao nghe trúc trắc quá, không xuôi tai gì hết bạn mình ơi?” là những nhận xét từ những phần tử lấy xuôi tai làm lẽ sống. Đúng rồi, chính là hai từ ấy: trúc trắc với xuôi tai, chúng được những kẻ ngu dùng nhiều đến nỗi khiến người khôn như tôi không tài nào hiểu nổi.
“I am no man.”, “I have no ideal.”, “He has no son.” cách nói này rất phổ biến trong tiếng Anh và cũng đồng nghĩa khi đặt lại bằng dạng câu phủ định như I am not man mà thôi, vấn đề chỉ là người dùng chọn cách nào họ thích. Nhưng tiếng Việt thì mẫu câu Tôi có không + danh từ là mẫu câu không chấp nhận được. Đây không chỉ là vấn đề sở thích, đây là vấn đề về cách tư duy.
Cái không là khái niệm quan trọng trong triết học, nó chỉ tồn tại trong thế giới khả niệm mà thôi, ở thế giới khả giác khi ta cảm giác về vật chất thì đơn vị nhỏ nhất của nó là một, cái không không dùng giác quan để biết được, lại càng không sở hữu được, nó là ý niệm mà ta chỉ nhận thấy thông qua thế giới khả niệm. Bằng cách nào đó mà có ngôn ngữ chấp nhận dùng cái không như vậy, trong khi tiếng Việt thì không và người Việt thì ruồng rẫy cách dùng mới mẻ này.
Đề thi Văn vào lớp 10 sau đây là một ví dụ về hậu quả mà tiếng Việt tác động lên cách suy nghĩ của người Việt.

Một người đã đọc đề trên và cho rằng đề thi có mục đích cho rằng giáo lí Phật giáo mặc định là có gợi một bài học nào đó cho học sinh. Nhưng không, với đề bài trên thì câu trả lời hoàn toàn có thể là “It taught me no lesson.” cũng hợp lệ, có điều “Nó dạy tôi không bài học.” là cách diễn đạt không chấp nhận được, còn nếu ta trả lời dạng phủ định “Nó không dạy tôi bài học.” thì thành lạc đề, bởi đề đã mớm lời là “gợi gì” – dạng câu khẳng định rồi.  
Tựu trung khi đọc đề, ý niệm về cái không gần như không xuất hiện trong tư duy người Việt. Họ đọc và luôn mặc định câu trả lời buộc phải là cái có chứ không phải cái không.
LORD CAVERSHAM. Can’t make out how you stand London Society. The thing has gone to the dogs, a lot of damned nobodies talking about nothing.
LORD GORING. I love talking about nothing, father. It is the only thing I know anything about.
Vở kịch An Ideal Husband. Oscar Wilde.
Hay một ví dụ khác về sự bế tắc khi diễn đạt. Khi dịch lời thoại của Lord Goring người dịch phải đáp ứng hai yêu cầu, thứ nhất là lặp lại cụm từ talking about nothing mà ông bố Lord Caversham đã nói, và thứ hai là phải tham chiếu đến câu nói nổi tiếng của triết gia Socrates “I know that I know nothing.” mà bản Việt hay dịch là “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả.”
Nếu dịch là Con thích không nói gì cả thì câu văn tiếng Việt bị mất đi từ nothing để liên kết đến It is the only thing ở câu sau, và tất nhiên mất luôn cả liên kết đến nothing I know that I know nothing của Socrates. Trong khi cách xử lí dễ hơn nhiều là diễn đạt kiểu Con thích nói không gì cả, tuy nhiên phương án này không được vì hai từ khoá vàng luôn chực chờ được gáy ra: trúc trắc không xuôi tai.
Chỉ vì vậy, nên đó mãi là trường hợp không dịch đúng được.


III. TỔNG KẾT



Tựu trung, ngôn ngữ không cấm được người dùng tư duy về một sự gì, nhưng lại tác động rất mạnh lên thói quen tư duy của người dùng. Nó đổ khuôn tư duy của người dùng, khiến người dùng tư duy theo lối mòn do nó vạch sẵn, và thói quen tư duy này rất tồi tệ khi dùng vào một số lĩnh vực.
Lĩnh vực đang nói đến ấy chính là khả năng lí luận. Tiếng Việt gây ra ít nhất 3 cái hại là:
1. Luôn để ý niệm về tôn ti xen vào suy nghĩ người dùng trong bất kì trường hợp nào cần đề cập đến đại từ nhân xưng.
2. Cái bản ngã của người dùng không bao giờ được tồn tại hoàn toàn độc lập.
3. Thói quen sử dụng ngôn ngữ không khuyến khích người dùng tư duy về cái không – một khái niệm quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là triết học.


IV. CHẶN HỌNG



Thật ra mục này đáng lẽ sẽ không cần đến mà bản thân tôi cũng không muốn viết, nhưng do bài này dài hơn hẳn các bài tôi viết trước kia, trong khi các bài trước kia thôi mà đã có nhiều người dài quá không đọc, cứ phản bác trước để tỏ ra ta đây cũng biết tranh luận, trong khi chẳng biết chút gì về qui luật luận lí cả, nên thôi bài này tôi viết để chặn trước.
Tham gia cuộc chơi mà không chơi theo luật thì cũng lố bịch như thể chơi cờ vua mà cho tốt nhảy luôn từ hàng 2 đến hàng 8 để ăn luôn vua đối phương vậy, rồi hềnh hệch cười với nhau và tự vuốt đuôi nhau là cao thủ. Nó lố bịch đến mức cười cũng là sai.

Nếu các dòng dưới có trùng với suy nghĩ của ai thì tức là suy nghĩ đó đã sai, và vui lòng không cần phải bình luận.
— Tác giả bài này ghét tiếng Việt, viết bài này để dìm tiếng Việt.
— Tác giả bài này cho rằng các thứ tiếng châu Âu là toàn hảo.
— Tác giả bài này viết bằng tiếng Việt, tức cũng tư duy bằng tiếng Việt, vậy thì toàn bộ bài viết của hắn là tự mâu thuẫn và sai.
— Tôi là người Việt tư duy bằng tiếng Việt mà vẫn hiểu những câu tiếng tây kia bình thường, vậy tức là tác giả sai.
— Nhìn Nhật, Hàn, Trung họ cũng có ngôn ngữ giống tiếng Việt mà họ lí luận tốt kia kìa.
— Bài này chỉ lôi những mặt xấu của tiếng Việt ra nói nên không khách quan.



Tham khảo:

[1] Giáo trình Logic học đại cương. Nguyễn Như Hải. NXB Giáo dục. 2007



TORNAD
11/6/2019

Chỉnh sửa 14/6: Sửa 3 lỗi chính tả và thêm 1 dòng mục IV. Chặn họng