Giáo dục Việt Nam và phương Tây khác nhau thế nào? (Part 1)
Chào các bạn! Mình là du học sinh, may mắn được tiếp xúc với các nền giáo dục khác nhau (nhưng chủ yếu là các nước Tư Bản phương Tây)....
Chào các bạn! Mình là du học sinh, may mắn được tiếp xúc với các nền giáo dục khác nhau (nhưng chủ yếu là các nước Tư Bản phương Tây). Ở các nước này, môi trường học tập và mối quan hệ giữa học sinh với nhau rất khác so với Việt Nam khiến cho mình luôn đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác nhau này. Dưới đây là một vài suy nghĩ của mình về giáo dục cấp 3 ở VN và Canada.
Sự khác biệt đầu tiên giữa Việt Nam và Canada là ở chương trình học. Ở Việt Nam, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh được chia theo lớp và mỗi lớp học một số các bộ môn nhất định trong cả năm học. Nhìn chung, học sinh Việt Nam được học giống nhau trong cả cấp 3 (không tính các trường năng khiếu và trường chuyên). Trong khi đó, ở Canada và các nước phương Tây nói chung, các môn học ở cấp 3 do học sinh chọn, ngoại trừ một số môn bắt buộc vào năm lớp 9 và 10, còn lại từ lớp 11, 12, học sinh được hoàn toàn quyết định môn học mà mình sẽ học. Sự khác nhau trong cách thiết kế chương trình học dẫn đến những sự khác nhau về mặt xã hội, mối quan hệ, chất lượng học trong trường.
Lớp học và mối quan hệ trong lớp
Ở Việt Nam, lớp là đơn vị để nhà trường quản lí: thi đua giữa các lớp, giáo viên chủ nhiệm của lớp, hay thậm chí các giải thể thao cũng thi đấu giữa các lớp.Trong khi đó, đơn vị nhỏ nhất để nhà trường quản lí ở canada là học sinh. Nói một cách khác thì nếu coi tất cả học sinh là những viên kẹo cần được bảo quản thì với nhà trường ở Việt Nam, chúng được chia vào các lọ nhỏ hơn và gán mác, quản lí; còn với canada thì chúng được nhét vào 1 chiếc hộp to. Ở Canada, Mọi thứ liên quan đến học tập của 1 học sinh được giữ bảo mật, và chỉ có học sinh hay phụ huynh mới có thể biết. Hai học sinh học cùng lớp thậm chí không biết điểm của nhau và việc xem hộ điểm gần như là không có. Với hai kiểu phân chia này thì cách phân chia của canada khiến cho khoảng cách giữa học sinh và lãnh đạo nhà trường ngắn hơn so với ở Việt Nam. Khi học sinh gặp vấn đề gì, thay vì phải qua giáo viên chủ nhiệm ở Việt Nam, thì họ lên thẳng lãnh đạo nhà trường để ý kiến. Điều này giúp hạn chế việc giáo viên trù học sinh hay các giáo viên thông đồng với nhau để qua mặt nhà trường. Tính dân chủ trong hệ thống trường học ở Canada là cao hơn.
Điểm tiếp theo cũng là hệ quả của chương trình học và cũng là làm rõ cho cách phân chia học sinh chính là sự khác nhau trong khái niệm lớp của Việt nam và Canada. Ở Việt Nam, lớp học là của học sinh lớp đó, giáo viên phải đi từ phòng này sang phòng kia khi hết tiết. Các lớp học ở Canada thuộc sự sở hữu của giáo viên hoặc một số giáo viên dạy bộ môn đó, và học sinh phải di chuyển giữa các lớp khi hết tiết. Một lớp học ở Việt Nam như một gia đình vậy, chính vì gặp nhau hằng ngày, trải qua nhiều chuyện cùng nhau, nên giữa các học sinh trong 1 lớp học ở Việt NAm có sự gắn kết hơn so với Canada nơi mà lớp học chỉ là tập hợp của những người học cùng 1 môn. Một lớp học có 15 người nhưng học sinh thậm chí không biết ai ngoài giáo viên bộ môn. Bạn học, bạn cùng trường không có nghĩa là bạn bè. Tình đồng chí đồng đội cần có sự đồng cam cộng khổ để đạt được. Chính sự cá nhân hóa học tập trong trường học và chủ nghĩa cá nhân của phương tây đã không để chỗ cho tình bạn theo kiểu tình đồng chí đồng đội.
Các vấn đề về quan hệ bạn bè nói chung
Không những thế, ranh giới giữa những câu đùa thân mật và sự xúc phạm, phân biệt trong trường học phương tây rất mong manh. Tính đơn cử như từ “nigga”, nếu như những người da đen dùng từ này để gọi nhau, chửi nhau, thì mọi người sẽ cho đó là thân mật, không có vấn đề gì. Thế nhưng nếu như từ đó được phát ra từ một người da trắng thì kể cả người da đen nghe từ đó hiểu là đang đùa đi chăng nữa thì những người ngoài vẫn có thể nghĩ đó là một hành vi phân biệt chủng tộc. Vì vậy, luôn có một khoảng cách nhất định giữa những học sinh khiến cho mọi người khó mà thân thiết với nhau như ở Việt Nam.
Các vấn đề liên quan đến bắt nạt và bạo lực cũng khác nhau. Lớp học chính là một rào chắn, một ranh giới khiến cho các học sinh trong lớp gắn kết hơn. Hai học sinh có thể xung đột, cãi nhau, xô xát, nhưng “lớp” giúp dĩ hòa vi quý những xung đột có thể giải quyết được. Nếu như một học sinh ở Việt Nam bị bắt nạt, họ thường có vẫn có những người bạn đứng về phía họ khiến cho kẻ bắt nạt không thể một tay che trời. Nói như vậy không có nghĩa là bất đồng quan điểm, bắt nạt, hay bạo lực học đường không xảy ra. Chúng có xảy ra nhưng ở một mức độ và tần suất thấp hơn phương tây. Tôi từng tận mắt chứng kiến một giáo viên ở Canada nói với hai học sinh chuẩn bị đánh nhau rằng ra chỗ nào đó không phải khuôn viên trường mà đánh nhau để ông ta không phải chịu trách nhiệm. Hay trong giờ thể dục, một học sinh bị khiếm khuyết về mặt thể chất luôn bị các học sinh khác trêu chọc và giáo viên bộ môn không ngăn cản việc đó.
Thi cử và điểm số
Thi cử và điểm số là việc rất quan trọng đối với học hành. Nhiều người cho rằng điểm số ở phương Tây minh bạch và công bằng hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng theo tôi đó là một quan điểm sai lầm. Giáo viên bộ môn có toàn quyền quyết định điểm số của từng học sinh kể cả ở bài thi học kì. Cùng với việc cá nhân hóa giáo dục như đã đề cập ở trên khiến cho điểm số của từng cá nhân không được công bố khiến cho việc thiên vị, sửa điểm diễn ra dễ dàng hơn. Không những thế, cùng một bộ môn, các giáo viên khác nhau có cách chấm bài khác nhau. Như ở trường cấp 3 của tôi, có 4 lớp Tiếng Anh, trước bài thi cuối năm thì có 3 lớp có điểm tương đương nhau và một lớp điểm thấp hơn hẳn. Thế nhưng ở bài kiểm tra cuối cùng (đề giống nhau), lớp điểm thấp này có điểm số cao nhất trong bốn lớp. Sở dĩ lớp này được dạy bởi một giáo viên khó tính và dạy rất chi tiết, đầy đủ. Sự khác nhau về điểm số giữa các lớp trong một trường đã lớn như vậy, giữa các trường với nhau hay các vùng với nhau còn lớn hơn. Chính sự thiếu công bằng trong việc chấm điểm này khiến cho việc nộp hồ sơ vào đại học trở nên không công bằng khi mà đại học chỉ quan tâm đến điểm số chứ không quan tâm học sinh thực sự đã học gì. Có một sự tương đồng với vấn đề nêu trên ở Việt Nam là các địa điểm thi trung học phổ thông quốc gia khác nhau trông chặt và lỏng khác nhau khiến cho điểm số không thể hiện năng lực của thí sinh.
Quay lại cấp 3 ở Can, xét trong một trường với các giáo viên khác nhau thì có sự thiếu công bằng, tuy nhiên xét trong cùng một lớp, cùng một giáo viên, thì điểm số và đánh giá học sinh có sự công bằng khá cao. Điểm được vào máy và in ra, treo trên bảng tin của lớp mỗi khi kết thúc một phần học. Trên tờ giấy điểm này ghi rõ điểm thành phần và cách tính điểm của từng phần học. Học sinh có thể xem được điểm của những người khác nhưng không biết họ là ai (trừ khi biết mã học sinh của người khác) tại vì trên bảng điểm chỉ có mã học sinh chứ không có tên. Vấn đề xin điểm được hạn chế tối đa ở Canada. Phụ huynh, học sinh không được phép tặng quà cho giáo viên, giáo viên cũng bị cấm nhận quà từ học sinh. Giao tiếp giữa giáo viên và phụ huynh học sinh không nằm ngoài phạm vi trường học (không được đến nhà giáo viên). Ngoài ra, sự khác biệt văn hóa cũng khiến xin điểm ở phương Tây khó hơn. Người Việt Nam có văn hóa đến chơi nhà và đưa quà "của một đồng công một nén" để thể hiện sự kính trọng với người khác và giáo viên là một nghề rất đáng kính ở Việt Nam. Trong văn hóa phương Tây, họ coi giáo viên chỉ là nghề và văn hóa đưa quà, đến chơi nhà cũng khác biệt. Chính vì thế, phương Tây không có vấn nạn xin điểm như Việt Nam.
Nói về thái độ của học sinh trong giờ kiểm tra, học sinh phương Tây hiếm khi nhắc bài cho bạn học vì chủ nghĩa cá nhân của họ. Chính vì vậy, giám thị trông thi ở phương tây không khắt khe như ở Việt Nam. Lấy ví dụ như đi thi SAT ở Bắc Mỹ và ở Việt Nam. Những ai đã đi thi SAT ở Việt Nam thì đều biết rằng bạn không được giữa bất kì thứ gì không liên quan đến bài thi bên mình, có 2 giám thị trông thi rất gắt gao và ngay cả việc đi vệ sinh cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng ở Bắc Mỹ, điện thoại chỉ cần ở chế độ yên lặng hoặc để lên phía trên, cặp sách đặt dưới chân, đồ ăn nhẹ và nước uống được cho phép và có thể sử dụng nhà vệ sinh bất kì khi nào có nhu cầu. Còn ở Việt Nam, học sinh nhắc bài cho nhau là chuyện xảy ra thường xuyên. Có lẽ bởi vì chúng ta sống đặt tập thể lên trên cá nhân và chúng ta cũng thường được đối xử như một tập thể thay vì từng cá thể. Nên khi làm bài kiểm tra, nó trở thành kiểm tra một tập thể thay vì cá thể, chính vì vậy học sinh sẽ trao đổi bài với nhau.
Tạm kết
Nhìn chung thì sự khác nhau ở cấp 3 của hai nền giáo dục phần lớn nằm ở chủ nghĩa cá nhân và tập thể. Mỗi cách dạy lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó nên không thể nói cái nào ưu việt hơn cái nào. Bài viết này chưa đề cập sâu về nội dung học trong trường cấp 3 ở VN và Canada, bài viết sau tôi sẽ viết về nội dung học. Dưới góc độ của du học sinh muốn được học kiến thức, nếu bạn theo khoa học kĩ thuật thì đi du học cấp 3 sẽ giúp bạn làm quen với quy chuẩn (cách trích nguồn, viết báo cáo, v.v...) của cộng đồng khoa học quốc tế, còn nếu bạn theo nghệ thuật thì có lẽ du học cho bạn nhiều cơ hội phát triển hơn*.
*: I was a science student when I was in high school (I didn't take any art classes), so I'm not too sure about the last sentence. Most of my "du hoc sinh Vietnam" friend I knew in highschool pursued arts. They told me that in Western countries, arts is much more developed and there are much more opportunities.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất