Hôm nay tôi đã có một cuộc trò chuyện khá nghiêm túc và thẳng thắn với sinh viên của mình.
Tôi thực sự gặp vấn đề với cách nhiều sinh viên của tôi ứng xử trong lớp, không chỉ kỳ này mà từ nhiều kỳ trước. Phải nói trong 7 năm đi dạy của mình, tôi không ngừng kinh ngạc về sự yếu kém và thiếu hụt về thường thức hay còn gọi là common sense của nhiều cô cậu học trò tuổi 18-20 của mình.
Một sinh viên xin đi vệ sinh vào đúng lúc đầu giờ khi tôi đang điểm danh dù trước đó có tới 20 phút giải lao cho việc này. Rồi một em khác, dù tôi đã dặn trên lớp nhiều lần về việc mang dây sạc máy tính vào ngày thi online và nhắn tin ghim trên group zalo nhắc nhở, vẫn tới lớp mà không hề sạc pin hay mang theo dây.
Một cậu sinh viên đi thẳng ra khỏi lớp lúc giữa giờ học mà không xin phép dù tôi đã từng nhắc việc đó với em ấy. Lát sau chính sinh viên đó bị tôi bắt gặp mở điện thoại chơi game dưới gầm bàn ngay khi tôi đang giảng bài dù quy định của lớp là không được dùng điện thoại làm việc riêng trong giờ học.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp khiến tôi thực sự á khẩu, không biết nên nói gì và làm gì với các em trong tình huống đó. Vì có những điều quá sức căn bản, và không nên phải nhắc nhở ở sinh viên Đại học đã qua 18 tuổi nữa.
Có thể tôi đã kỳ vọng quá cao ở các em, rằng dù đã trên 18 nhưng các em vẫn là trẻ con, vẫn là em bé của cha mẹ, của thầy cô, cần được dắt tay chỉ bảo từng đường đi nước bước, từng lời ăn tiếng nói chăng?
Thực ra tôi không ngại việc uấn nắn và chỉnh sửa cho sinh viên của mình, đó là một phần công việc của tôi với tư cách là giảng viên. Nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn về việc nhiều em không được dạy hay uốn nắn từ cấp dưới về những điều dù nhỏ nhặt nhưng quan trọng này.
Tôi luôn phải giải thích với sinh viên của mình rằng không phải cô muốn khó tính với các em. Nhưng có những thứ ngoài kiến thức và năng lực chuyên môn mà em cần chau dồi và rèn luyện, nó là kỹ năng giao tiếp cơ bản và thường thức về những điều nên làm và không nên làm trong những hoàn cảnh và tình huống cụ thể.
Chúng rất quan trọng với vì chúng ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của người khác về các em. Sự thực là có nhiều ứng viên khi đi xin việc không thua kém gì chuyên môn hay kinh nghiệm, nhưng có thể bị loại bởi vì cách cư xử không đúng mực, chưa nói là thiếu tinh tế.
Các cụ có câu "Thái độ hơn trình độ", mà cái thái độ đó lại được đánh giá từ những chi tiết rất nhỏ như lời chào, cách xưng hô và khả năng lắng nghe và thực hiện theo yêu cầu được giao.
Bản thân là một giảng viên, tôi thấy lo lắng về tương lai của sinh viên mình nếu các em tiếp tục giữ tác phong như vậy khi ra trường và bước vào xã hội. Các em sẽ chịu nhiều thua thiệt mà còn chẳng hiểu tại sao mình bị vậy trong khi bằng cấp mình có, chuyên môn mình không thiếu.
Câu trả lời có thể nằm ở thường thức xã hội mà các em chưa được gia đình, nhà trường rèn giũa hay tự bản thân trau dồi mà thôi. Thường thức xã hội nói thì cũng to tát nhưng cũng không phải là thứ không thể học nổi.
Tôi tin rằng có rất nhiều gia đình có gia giáo và nền nếp sẽ dạy dỗ phần này cho con cái rất cẩn thận từ nhỏ. Những đứa trẻ may mắn đó lớn lên có thể phần nào tự tin bước ra xã hội với thái độ hiểu chuyện và tác phong lịch sự đã trở thành lối sống của chúng.
Còn những đứa trẻ không có được sự dạy dỗ từ gia đình như thế thì có thể tìm được ở trường học và các thầy cô. Đương nhiên tôi hiểu không phải thầy cô nào cũng quan tâm đến việc uốn nắn học sinh của mình vì họ còn mải chạy đua thành tích và đảm bảo chất lượng học tập cho các em.
Tôi không trách các thầy cô bởi vì theo quan sát của tôi, nền giáo dục Việt Nam hiện tại vẫn quá đặt nặng mục tiêu tạo ra những cá nhân xuất sắc về học lực, nhưng ngày càng xem nhẹ việc rèn luyện ra những "con người" chân chính, chín chắn và trưởng thành, biết ứng xử phù hợp hoàn cảnh. Có thể bạn thấy tôi quá bi quan, nhưng rất tiếc trải nghiệm thực tế trong quá trình dạy học đã cho tôi cảm nhận như vậy.
Tôi mong các bậc cha mẹ hay thầy cô đồng nghiệp nào vô tình đọc được bài viết này sẽ suy ngẫm thêm về việc chú trọng rèn luyện cho con cái và học sinh của mình những kỹ năng sống cơ bản này, và đồng thời tôi cũng rất mong đợi những chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của tất cả mọi người.
Hiện tại, bản thân tôi vẫn đang cố gắng kiên nhẫn giải thích với sinh viên về những điều các em nên làm và không nên làm trong lớp học và tại sao. Hi vọng những nỗ lực này của tôi phần nào có thể hỗ trợ các em có thêm hành trang vững vàng hơn trong tương lai.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet