Tôi viết bài này sau (chỉ) một tháng đi bốc vác, nên nếu có gì không phải mong mọi người chiếu cố qua, tất cả những gì dưới đây đều là quan điểm cá nhân của tôi.
Nói sơ qua về tôi một chút, tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình trung lưu bình thường, nhưng được cái là cháu "đích tôn" của cả họ nội ngoại nên tôi được chiều chuộng không khác gì một "quý tử". Không bao giờ phải động tay động chân vào việc gì, chỉ việc xuống ăn cơm rồi đứng dậy, việc cắm cơm và rửa bát đã có người khác lo. Tất cả những việc khác trong nhà tôi cũng chẳng bao giờ phải động tay động chân vào bất cứ thứ gì.
Bố tôi đã từng nói với tôi:
"Đồng tiền rất khó kiếm được, bố mẹ đã phải cố gắng rất nhiều để cho con một cuộc sống đầy đủ như bây giờ. Nên con phải biết quý trọng đồng tiền. Quý trọng công sức lao động của mọi người."
Tôi luôn nghĩ mình hiểu điều đó, hiểu rất rõ là đằng khác, không phải nó quá rõ ràng sao ? Thế nhưng, sau khi đi bốc vác, tôi chợt nhận ra những gì mình nghĩ mình từng hiểu chỉ là về mặt ngữ nghĩa của câu từ, chứ không phải là ý nghĩa của điều bố nói.
Tôi nghĩ (nhắc lại đây chỉ là ý kiến chủ quan cá nhân của bản thân tôi, nếu có gì sai sót mong mọi người thông cảm), ngày nay chắc hẳn cũng có nhiều bạn trẻ khác cũng giống như tôi, chẳng bao giờ phải động tay động chân vào việc gì, dù là nhỏ nhất chứ đừng nói đến những công việc chân tay nặng nhọc. Chính vì lẽ đó mà khó để tôi cảm thấy thật sự biết ơn và trân trọng những gì mình đang có.
Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy phải biết ơn qua những câu truyện cổ tích, những bài học trong SGK ngay từ lớp 1, lớp 2, bởi (như sgk nói) chúng ta đã rất may mắn mới có được những thứ này. Câu nói này dễ hiểu, thật sự dễ hiểu, chí ít là về mặt ngữ nghĩa. Nhưng tôi dám chắc rằng, sẽ có nhiều bạn trẻ chưa hiểu điều này như tôi.
Trước đây tôi có đi làm giáo viên dạy ngoại ngữ, đến lúc đó tôi vẫn thấy đồng tiền cũng "không nặng như bố mẹ hay nói", bởi tôi thấy công việc cũng khá dễ chịu. Đến lớp, dạy 8 tiếng xong đi về hàng ngày. Về đã có cơm bà nấu, ăn xong lên phòng nằm chơi điện thoại, cuối tháng nhận lương, cuộc đời vấn đẹp, đồng tiền vẫn dễ kiếm - Đó là suy nghĩ của tôi hồi đó.
Đã có lần tôi được theo bố lái container đi làm, và tôi đã được chứng kiến những người phải bốc hàng từ trong container ra ngoài kho dưới cái nóng 35-40 độ vào mùa hè. Nhìn những ông bà 50-60 tuổi, mồ hôi mồ kê đầm đìa, áo ướt sũng đến nỗi gần như nhìn xuyên qua được chở từng xe rùa hàng ra ngoài, bốc vác để kiếm thêm tiền nuôi gia đình ở cái tuổi xế chiều. Khi thấy cảnh đó, tất nhiên tôi cũng rung động, nhưng vẫn chưa đủ, trong đầu tôi lúc đó chỉ là cảm giác thương cảm cho những người phải vất vả ở trong container để kiếm được vài trăm nghìn cả ngày hôm đó, chứ tuyệt nhiên chưa có được sự trân trọng dành cho công sức lao động.
Giờ đây, sau khi đi bốc vác để kiếm tiền, tôi mới hiểu được sức nặng của đồng tiền là như thế nào. Nó đủ nặng để đè cho cái lưng dưới của tôi đau nhức, cả người mệt mỏi vào sáng hôm sau. Nhưng, điều đó là xứng đáng, xứng đáng với bài học tuyệt vời nhất về lòng biết ơn mà tôi được dạy từ khi đi học tới giờ. Học tôi trân trọng từng xu từng cắc mà tôi đã vất vả lao động để có được, trân trọng những gì mình đang có. Trước giờ tôi chưa từng phải làm việc nặng nhọc bao giờ, nên thật sự việc này giống như bị đi tù đày khổ sai ở một nơi hẻo lánh nào đó vậy, nhưng vì lẽ đó, tôi mới nhận ra sự yếu đuối của bản thân mình. Tôi đã được bao bọc quá nhiều trong sự nuông chiều của gia đình, để rồi giờ đây tôi mới hiểu được những gì dành cho mình đều là bao mồ hôi, công sức, những tháng ngày làm việc vất vả của bố mẹ, với mong muốn sau này tôi có được một cuộc sống tốt hơn.
Hãy tin tôi, hãy đi làm gì đó chân tay và về nhà lúc nữa đêm với cái bụng rống tuếch, cơ thể kiệt sức trong một căn phòng có mình bạn, và bạn vẫn phải ép bản thân dậy để nấu một bữa cơm để lấy sức sáng mai tiếp tục công việc. Tôi đảm bảo rằng bữa cơm với gia đình tiếp theo của bạn sẽ rất đáng nhớ.
Những từ ngữ như "trân trọng", "biết ơn" là những từ trừu tượng và khó giải nghĩa. Tất nhiên bạn có thể xem nghĩa của những từ đó trong từ điển tiếng Việt, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể thật sự hiểu được thế nào là trân trọng, thế nào là biết ơn mà bạn phải trực tiếp tìm cách để trải nghiệm đó. Những trải nghiệm như vậy có tác dụng hơn hàng ngàn lời nói, đọc hàng trăm cuốn sách được viết bởi những nhà văn xuất sắc nhất nói về "biết ơn" và "trân trọng".
Có những người khác, họ bắt buộc phải đi làm vất vả để lo cho bản thân, lo cho gia đình của họ, đến nỗi không còn thời gian chăm chút cho bản thân. Sau khi đi bốc vác, tôi nhận ra mình vẫn còn rất may mắn khi không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai, vẫn còn được bố mẹ che chở.
Đi bốc vác để hiểu sự quý giá của thời gian. Hãy đi lao động chân tay, để hiểu được 4 tiếng bốc vác và 4 tiếng lướt MXH nó khác nhau như thế nào. Einstein đã nói điều này không thể chí lí hơn như sau:
Khi bạn tán tỉnh một cô gái đẹp, một tiếng trôi qua như 1 giây. Khi bạn ngồi trên một đống than nóng, một giây dài như một giờ. Đó chính là "tương đối".
Hãy hiểu rằng thời gian không chờ một ai cả, và thời gian cũng là một trong số ít những thứ bình đẳng giữa người với người. Nếu bạn đi làm thuê, có thể hiểu ông chủ (người trả lương cho bạn) đang mua thời gian của bạn bằng tiền của họ. Vì vậy, hãy cố gắng dùng thời gian của mình sao cho hợp lí, tôi viết điều này cũng là để nhắc nhở chính bản thân mình.
Chắc hẳn các bạn cũng đã nghe câu này rồi:
Rảnh rỗi sinh nông nổi.
Câu này tôi thấy đúng, ít nhất là đối với tôi. Khi tôi ở nhà và không có gì làm, tôi sẽ suy nghĩ hàng trăm chuyện trên trời, hàng nghìn chuyện dưới biển và điều đó đôi khi làm tôi tự thấy căng thẳng. Điều đó không chỉ lãng phí thời gian mà còn tự tạo ra cho bản thân nhưng mối lo không đáng có (hay còn gọi là overthinking). Và tệ hơn nữa, những mối lo này sẽ ảnh hưởng đến kết quả làm việc của tôi và tệ nhất là làm tôi trì hoãn việc hành động của bản thân. Nếu bạn cũng gặp phải vấn đề này, đừng lo, tôi có cách giải quyết. Các bạn đoán đúng rồi đó, hãy đi bốc vác. Tôi tin chắc đi bốc vác sẽ giải quyết được 70% những vấn đề bạn đang gặp phải trong cuộc sống. Làm đầu óc của bạn minh mẫn hơn, gạt bớt đi những chi tiết bạn tự thêm thắt vào trong đầu của mình. Hãy coi bốc vác (làm việc chân tay nói chung) giống như tản bộ đi dạo trong công viên nhưng được tiêm steroid vậy, hiệu quả hơn nếu làm trong thời gian dài. Có một nhà khoa học nào đó đã nói:
Tôi nghĩ ra được nhiều ý tưởng khi đi dạo hơn là trên bàn làm việc.
Hãy thay thế "đi dạo" bằng "bốc vác", bạn sẽ thấy hiệu quả hơn bất ngờ.
Và cuối cùng, nếu bạn thấy cuộc sống quá nhàm chán, hãy đi bốc vác. Hãy lao động ở mức thuần thúy nhất, bạn sẽ không chỉ được trả tiền mà còn hiểu ra được nhiều vẻ đẹp khác của cuộc sống mà bạn đã từng nghĩ là điều hiển nhiên và luôn hiện hữu. Bạn sẽ học được những bài học hay hơn, thực tế hơn tất cả những gì bạn đã được học từ Đạo đức 1-7, GDCD 8-12. Sau buổi bốc vác đầu tiên, tôi đã lập tức hiểu được giá trị của đồng tiền, và điều đó chắc chắn sẽ thay đổi cách dùng tiền của tôi, cũng như cách tôi nhìn những thứ mà bố mẹ đã dành cho người con của họ. Có những thứ, bạn phải thật sự trải nghiệm nó thì mới hiểu được, những gì tôi nói, hay bạn nghe bất kì ai nói ở bất cử đâu, sẽ chẳng có ích gì nếu bạn không thật sự đặt mình vào hoàn cảnh đó. Xin lỗi mọi người vì khả năng viết văn của tôi chưa đủ để truyền tải những gì tôi muốn nói, nhưng,
Hãy sống, hãy biết ơn.
Thêm một chút lan man, tôi đọc khá nhiều những cuốn sách khác nhau, và mỗi lần đọc tôi đều nghĩ rằng mình hiểu những gì tác giả muốn truyền tải, 100%. Nhưng, tôi nghĩ, kể cả chúng ta có khả năng đồng cảm cực kì sâu sắc, chúng ta cũng chỉ hiểu được nhiều lắm là 50-60% những gì chúng ta chưa trực tiếp trải qua. Nên tôi nghĩ, những ai đọc được bài viết này mà chưa từng lao động chân tay, hãy thử lao động như vậy một lần đi, rồi bạn sẽ thấy cuộc đời, xét cho cùng, như bác Lại Văn Sâm đã nói, đáng yêu lắm !
(Mình muốn up vid đó lên đây nhưng hình như spiderum không cho up vid thì phải)