Nghi vấn về bằng Tiến Sĩ của nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết là bằng thật hay bằng giả đã xuất hiện trên MXH mấy ngày qua và được các tờ báo chính thống đưa tin.
Chuyện là một chuyên gia giáo dục tại Anh đã không tìm thấy tên của NS Bạch Tuyết và luận án Tiến Sĩ của bà trong danh sách của Học Viện Kịch Nghệ Hoàng Gia Anh (Royal Academy of Dramatic Art - RADA). Để chứng minh cho điều mình nói, vị này còn đưa link cho cộng đồng mạng tự check. Cuối cùng, vị này kết luận: NS Bạch Tuyết chỉ có chứng nhận khen thưởng của RADA chứ không phải là cựu sinh viên hay được cấp bằng Tiến Sĩ của RADA. Một chuyên gia khác, tiến sĩ Điện ảnh và Truyền thông Luke Robinson của Đại học Sussex (Vương Quốc Anh) nhận xét rằng “sự việc này khá kỳ lạ”; ông khẳng định “Học viện Kịch nghệ Hoàng gia (RADA), không bao giờ cấp bằng Tiến sĩ (PhD), ngay cả ở thời điểm hiện tại hay vào năm 1995.” Ngoài ra, NS Bạch Tuyết cũng chưa thực hiện thủ tục xin cấp giấy công nhận giá trị văn bằng tiến sĩ của bà tại VN.
Gần 30 năm nay, NS Bạch Tuyết đã mang cái danh tiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực cải lương, một lĩnh vực ít có tiến sĩ. Ngoài việc đi hát, đạo tạo nghệ sĩ trẻ, bà còn là gương mặt quen thuộc trong dàn BGK của các cuộc thi lớn về hát cải lương, vọng cổ… Nếu cái bằng tiến sĩ của bà đúng có vấn đề thì đó là sự sụp đổ của một idol trong lĩnh vực cải lương. Sự việc này vẫn chưa ngã ngũ, đang chờ trường RADA lên tiếng, nhưng nó khiến tôi nhớ về một số vụ scandal khác liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ…

Vụ bằng tiến sĩ Phật học của nhà sư Thích Huệ Thuận

Vào giữa năm 2024, khi hình ảnh ông Minh Tuệ đang viral trên khắp các mặt trận truyền thông ở VN thì trên mxh xuất hiện một người tự xưng là sư Thích Huệ Thuận đã công kích ông Minh Tuệ rất gay gắt, cho rằng ông Minh Tuệ đang tu sai, phá đạo.
Trước sự công kích này, luật sư Hoàng Duy Hùng lên tiếng bảo vệ ông Minh Tuệ.
Sư Huệ Thuận lên clip nói Hoàng Duy Hùng kém hiểu biết về đạo Phật nên mới bênh vực một người như Minh Tuệ; sư Huệ Thuận khẳng định mình có bằng tiến sĩ Phật học lấy ở Ấn Độ nên hiểu biết đúng đắn hơn và mời luật sư Hoàng Duy Hùng tới cốc của Huệ Thuận để trà đàm, phân tích rõ ràng phải - trái, đúng - sai.
Luật sư Hoàng Duy Hùng nhận lời mời trà đàm và hứa sẽ công khai livestream buổi trà đàm lên mxh. Hoàng Duy Hùng tiết lộ một phần nội dung của buổi trà đàm là sẽ hỏi sư Huệ Thuận hai câu hỏi cơ bản về Phật học, nhưng sư phải trả lời bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hindi (thứ ngôn ngữ mà Huệ Thuận dùng để viết luận án tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ). Luật sư Hùng cho rằng "vàng thật thì không sợ lửa", sư Huệ Thuận đã khoe đã làm luận án tiến sĩ Phật học ở nước ngoài nên hai câu hỏi đó sẽ không làm khó được sư.
Kết quả: sư Huệ Thuận lỗi hẹn, đóng cốc, bỏ trốn, nhưng không quên dán trước cửa cốc một loạt câu chửi.
Đến đây, có lẽ cộng đồng mạng đã có thể tự kết luận về tấm bằng bằng tiến sĩ Phật học của sư Thích Huệ Thuận.
Trên mạng có thông tin nói rằng sư Huệ Thuận không có bằng phổ thông, trước đây hành nghề chạy xe ôm, sau này mượn áo nhà tu để kiếm kế sinh nhai, không phải là một tu sĩ thuộc GHPGVN vì không thỏa mãn một số điều kiện. Tuy nhiên, thông tin này cần được GHPGVN ra văn bản xác nhận. Hiện tại, sư Thích Huệ Thuận vẫn khoác áo nhà tu và lên clip chửi người khác ra rả trên MXH, thậm chí là lập đàn tế sống những người không đồng quan điểm với sư. Cái “tổ chức tu Phật hợp pháp tại VN” có vẻ rất nhanh nhảu ra văn bản trong vụ việc của ông Minh Tuệ và Tu viện Minh Đạo, nhưng bỗng nhiên "câm điếc" một cách khó hiểu trước những hành vi của một người tự xưng là sư Thích Huệ Thuận.

Vụ việc của Ms Ruby Ngọc Anh trong lĩnh vực dịch thuật

Một vụ việc khác cũng liên quan đến bằng cấp là vụ việc của Ms Ruby Ngọc Anh trong lĩnh vực dịch thuật. Trong hai năm qua (2023, 2024), Ms Ngọc Anh chiêu sinh ồ ạt cho các khóa học online về dịch thuật, hình thành một cộng đồng gọi là "Cộng đồng biên, phiên dịch kỷ nguyên 4.0". Ms Ngọc Anh giới thiệu rằng đã tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ HN, có gần 20 năm làm trong lĩnh vực phiên dịch, từng làm cho Ngân hàng thế giới, làm trợ lý cấp cao cho các tổng giám đốc Ngân hàng, làm trong một dự án trị giá 250 triệu đô, dịch sách, làm CEO trung tâm đào tạo phiên dịch... Các video quảng bá về các lớp dịch thuật của Ms Ngọc Anh thường được lên xu hướng trên Tiktok. Tuy nhiên, các khóa học này bị nhiều học viên phản ánh là học phí đắt, dạy lan man, kém chất lượng, không thực hiện đúng cam kết...
Phóng viên của báo Giáo Dục đã đóng vai một người có nhu cầu học, liên hệ với Ms Ngọc Anh để hỏi về các khóa học dịch thuật. Ngọc Anh tư vấn rất nhiệt tình, nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp biên lai, văn bản cam kết từ phía người dạy thì Ngọc Anh hoàn toàn không có. Phóng viên tiếp tục đề nghị Ngọc Anh gửi thông tin về bằng cấp, trình độ ngoại ngữ thì Ngọc Anh không đồng ý. Nếu đã là “vàng” thật thì sợ gì “lửa”. Đến đây, có lẽ cộng đồng mạng đã có thể tự kết luận về mức độ uy tín của Ms Ruby Ngọc Anh.
Nhắc đến câu thành ngữ “lửa thử vàng”, tôi lại nhớ đến một chuyện khác…

Vụ việc liên quan đến Hương Mysheo

Hồi năm 2020, nổi lên một loạt scandal liên quan đến những thầy cô chuyên luyện thi IELTS có những hành vi gian dối về điểm IELTS của bản thân. Hàng loạt giáo viên bị học viên đòi show chứng chỉ IELTS để họ check thật giả. Không ít giáo viên phải hoàn tiền và sủi mất tăm để “né phốt”. Một nữ giáo viên chuyên luyện thi IELTS tên là Hương Mysheo đã tránh né việc show chứng chỉ IELTS bằng cách khẳng định cô đã chuyển hướng sang ngành lập trình. Kể từ đó, tên tuổi của Hương Mysheo trong làng IELTS gần như biến mất. Cho đến gần đây, Hương Mysheo xuất hiện trên mxh khoe mình làm developer cho Apple, thu nhập 500 triệu/tháng. Lập tức cô bị mấy ông dev xịn dí “lửa” bằng một loạt câu hỏi về kiến thức lập trình. Hóa ra là “vàng xi”.
Những tấm ảnh cap màn hình trên đây từng lan truyền trong cộng đồng dev như một câu chuyện hài.

Nghi vấn về cái mác “chuyên gia tâm lý” của cô Nguyễn Thị Lanh

Cách đây mấy tháng, một số người bức xúc vì cô Nguyễn Thị Lanh xuất hiện trên VTV với cái mác "chuyên gia tâm lý". Họ cho rằng những bằng cấp của cô Lanh về lĩnh vực tâm lý chỉ là những chứng chỉ lấy từ các tổ chức tư nhân nước ngoài, chỉ cần cô đóng tiền và tham gia một khóa học kéo dài vài buổi cho tới vài tuần là được cấp chứng chỉ. Tóm lại, họ muốn hỏi VTV rằng VTV căn cứ vào đâu để gọi cô Lanh là chuyên gia tâm lý.
Hiện tại Việt Nam chưa có hiệp hội nghề nghiệp hay luật lệ quản lý về giấy phép hành nghề tâm lý trị liệu, nên xuất hiện rất nhiều nhà trị liệu “tự xưng”, nhà chữa lành “tự phong”, chuyên gia tâm lý “giả cầy”… Những người này chỉ cần học một vài khóa đào tạo ngắn ngày về tâm lý của một tổ chức tư nhân nào đó (với tên gọi có vẻ rất uy tín “Viện X”, “Học viện Y”, "International College of...") là họ có thể tự coi mình là "chuyên gia" và kiếm tiền nhờ cái mác "chuyên gia" ấy (mở khóa học, nhận các ca chữa lành, khai vấn...)
Nếu VTV mời lên sóng truyền hình quốc gia một chuyên gia tâm lý pha-ke để phỏng vấn thì tôi cũng không lạ. Vì nhiều “chuyên gia rất có vấn đề” đã từng là khách mời của VTV rồi. VD: Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh (vị thầy cúng từng lập đàn đuổi covid bằng cháo đậu xanh với phi thuyền giấy hồi mùa dịch 2020), Dr. Pepper (chuyên gia tâm lý lấy bằng tiến sĩ phake ở nước ngoài), Phan Quỳnh (giáo viên luyện thi IELTS dính phốt giả điểm IELTS)…
Tôi từng tìm kiếm tên cô Lanh trên mạng, biết cô là Thạc sĩ khoa học giáo dục, nhưng không tìm được thông tin cô lấy bằng thạc sĩ ở đâu, luận văn thạc sĩ của cô viết về đề tài gì. Tôi biết một người từng đi học cô Lanh; sau đó, người này có một số biểu hiện mà theo tôi là "bất ổn": thường xuyên ngồi một mình thực hành cái mà cô Lanh gọi là "nói chuyện tâm thức", "gửi thông điệp vào vũ trụ", "tiếp nhận thông điệp vũ trụ", và... "biết ơn vũ trụ".
Vì sao tôi xem những dấu hiệu trên là bất ổn? Bọn thầy bà ngày xưa thao túng người khác bằng ý Chúa, ý Thượng Đế, ý Mẫu, ý trời, ý của Đấng Toàn Năng... Còn bọn thầy bà ngày nay thì hành nghề có vẻ khoa học hơn: tự xưng mình là “chuyên gia tâm lý”, "chuyên gia trị liệu" và đang làm theo thông điệp của VŨ TRỤ. Ủa alo, các vị đã là "chuyên gia" rồi thì sao không có năng lực tự quyết và tự chịu mà phải lệ thuộc vào một thế lực nào đó?
Không riêng gì cô Lanh, dường như việc cộng tác cùng “VŨ TRỤ” trong quá trình trị liệu tâm lý đang là trend trong cộng đồng các “chuyên gia” chữa lành, khai vấn hiện nay:
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, những chuyên gia tâm lý nào mà nhắc nhiều đến "vũ trụ" thì chúng ta nên cảnh giác. Vì họ không ăn học đầy đủ nên đưa ra những cách giải quyết vấn đề rất tâm linh, những lời khuyên thiên kiến, cảm tính, tào lao, phản trị liệu, không có cơ sở lý luận, không có phương pháp luận, càng chữa thì thân chủ càng “rách”… rồi đổ trách nhiệm lên "vũ trụ", nhưng tiền của bạn thì họ đút túi, không rõ họ chia chác với "vũ trụ" theo tỉ lệ nào, nhưng tôi thấy có vẻ rất ngon ăn! Việc này cũng không khác gì gã thầy ông nội nào ở chùa Ba Vàng bảo vong cần tiền, và thầy chỉ biết thu tiền theo "yêu cầu của vong".
Bên cạnh VŨ TRỤ, thì mấy gã "VỊ THẦY BÊN TRONG", TAROT, REIKI, THÔI MIÊN HỒI QUY, TẦN SỐ RUNG ĐỘNG… cũng là những “đối tượng” được các “chuyên gia” tâm lý - chữa lành ưa thích cộng tác.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), ở các nước phương Tây, nhà tâm lý trị liệu chỉ được nhận thân chủ khi có bằng cấp chính quy, tối thiểu là bằng thạc sĩ cùng số giờ hoạt động, thực hành nhất định; "Một cử nhân tâm lý chính quy muốn hành nghề trong lĩnh vực tham vấn trị liệu phải có số giờ làm việc bắt buộc, cần trải qua quá trình tập sự, học lên cao hơn hoặc có những chứng chỉ hành nghề khác mới đủ khả năng trở thành chuyên viên, chuyên gia tâm lý."
(Chú thích cho ảnh trên: Không hề có chuyện một người cầm “chiếc” chứng chỉ của tổ chức International College of Clinical Hypnotherapy Practitioners có được sau vài tuần đi học thì thành chuyên gia và tương đương với trình độ của cử nhân 4 năm đại học “nhé ạ”.)

Tạm kết

Trong thời đại mxh hiện nay, việc "phông bạt" năng lực chuyên môn xảy ra nhan nhản, nhưng tựu chung lại, tôi thấy có ba cách phổ biến nhất là khoe bằng cấp, khoe chỗ làm (chức vụ), khoe thu nhập. Sau đây là một số kinh nghiệm “thử lửa” của cá nhân tôi (xin các bạn đóng góp thêm trong comment bên dưới):
- Ông nào khoe tự do tài chính rồi mở lớp dạy đầu tư như Hieu TV thì bảo ổng show chi tiết các khoản mục đầu tư của ổng ra, biểu đồ tăng trưởng qua từng năm (để biết số tiền kiếm được từ vài chục ngàn đô tăng kiểu gì lên cả triệu đô)... để chứng minh cho cái triết lý đầu tư của ổng.
- Khứa nào dạy copywriting như minhxinchao thì bảo nó show các agency mà nó từng làm việc, thời gian làm việc ở đó bao lâu, các content mà nó từng làm cho các nhãn hàng là gì...
- Các thầy cô dạy IELTS hay TOEIC như kientran, Phan Quỳnh, Phan Ngọc Quốc, Ngọc Bách thì bảo show chứng chỉ tiếng Anh không che mã số để người ta check var.
- Mấy chuyên gia tâm lý, chữa lành như Nguyễn Thị Lanh, Dr Pepper thì bảo họ công khai ảnh chụp bằng cấp... Nếu cái list chứng chỉ, bằng cấp của họ “lạ” quá thì bạn vào các group chuyên về tâm lý để hỏi xem cái list chứng chỉ đó đi học bao lâu thì có.
- Cảnh giác với những coach khoe từng làm cho những tập đoàn lớn (Apple, Vingroup, Seedcom...), làm cố vấn cho chính phủ: có gì chứng minh cho thông tin đó không? Làm trong thời gian bao lâu hay chỉ vào làm một vài tháng thì bị sa thải vì năng lực kém?
- Cảnh giác luôn với nhưng chuyên gia khoe ảnh đứng trên sàn TEDx, lên VTV, đứng chụp với người nổi tiếng, lên báo nổ được đi Mỹ theo diện nhân tài (EB1A, EB1B)… vì trong số đó không thiếu bọn lừa đảo, sống ảo, nói phét.
Nói chung, trước khi mua sản phẩm gì thì bạn có quyền thắc mắc về chất lượng sản phẩm và uy tín của người bán. Họ là người bán thì họ phải có trách nhiệm giải đáp những thắc mắc chính đáng của người mua, kể cả trong lĩnh vực mua bán kiến thức, kỹ năng. Quan trọng là khi bạn hỏi thì họ có dám show bằng cấp, chứng chỉ, thành quả công khai hay là sợ show ra sẽ bị dân cư mạng bóc phốt, check var. Có ý kiến cho rằng việc đòi “người bán kiến thức” phải chứng minh năng lực là "không hay chút nào", đi ngược lại với tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Ý kiến của user PhuongClark trong bài viết “IELTS - MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CỦA KINH DOANH GIÁO DỤC NHƯNG THẬT GIẢ LẪN LỘN” trên Spiderum
Ý kiến của user PhuongClark trong bài viết “IELTS - MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CỦA KINH DOANH GIÁO DỤC NHƯNG THẬT GIẢ LẪN LỘN” trên Spiderum
Theo tôi, việc này không tổn hại gì đến tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, ngược lại, nó còn làm tăng giá trị tinh thần ấy lên. Vì trò sẽ yên tâm hơn về năng lực và đạo đức của người thầy, và người thầy ý thức được mình là người bán kiến thức chứ không "bị" lầm tưởng mình là người "ban ơn", đi “bố thí” kiến thức. Tôi xin nhắc lại: “vàng thật thì không sợ lửa”. Ông nào bà nào ú ú ớ ớ đưa ra mấy cái lý lẽ lấp liếm, không muốn chứng minh năng lực, trình độ thì… đáng tin hay không tùy các bạn.
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/can-bang-cap-the-nao-de-hanh-nghe-tam-ly-tri-lieu-185231214151300212.htm
https://baomoi.com/tien-si-o-anh-noi-ve-bang-tien-si-gay-tranh-cai-cua-nsnd-bach-tuyet-c50845615.epi
https://giaoduc.net.vn/xuong-tien-vi-tin-gv-tiktok-nguoi-hoc-nga-ngua-voi-lop-online-cua-ba-ngoc-anh-post245042.gd