Người khen, kẻ chê; vậy chính xác, Gen Z là ai và là cái gì?

ĐỊNH NGHĨA "SÁCH GIÁO KHOA"

Gen Z là một cụm từ được nhắc tới cực nhiều trong vài năm vừa qua, đặc biệt là kể từ sự nổi lên của mạng xã hội TikTok, cả trên thế giới và Việt Nam. Gen Z, viết đầy đủ là Generation Z (Thế hệ Z) được định nghĩa là một nhóm người sinh ra từ 1997 đến 2012. Thế hệ này là sự nối tiếp của Millennials (Thế hệ Thiên niên kỷ - sinh ra vào tầm 1981 – 1996) và thường là con của Gen X (Thế hệ X – sinh ra vào tầm 1965 – 1980).
<i>Các thế hệ được gọi tên ở phương Tây [1]</i>
Các thế hệ được gọi tên ở phương Tây [1]
Các thế hệ được gọi tên thường đánh dấu một bước tiến nào đó trong lịch sử vào thời điểm họ sinh ra. Ví dụ rõ ràng và phổ biến nhất là thế hệ Baby Boomers (Bùng nổ Em bé), những người sinh ra ngay sau Thế chiến thứ hai trong khoảng thời gian phương Tây tái thiết và bùng nổ dân số (1946 – 1964). Họ thường là những người chịu ảnh hưởng lớn của sự đối đầu về mặt tư tưởng trong Chiến tranh lạnh, từ đó tạo nên cho mình những tư tưởng rất vững chắc, gắn liền căn tính của bản thân với tư tưởng của quốc gia, dân tộc mình.
“Khi tao tuổi mày, TV chính là sách.” “Được nhé, Boomer”
Và đúng, bạn đã nghĩ đúng rồi đó. Toàn bộ định nghĩa này là từ phương Tây, mà cụ thể là Mỹ.

BỐI CẢNH

Nếu tôi hỏi, Gen Z ở Việt Nam là ai, có thể bạn sẽ trả lời được. Nhưng nếu tôi hỏi, Boomer ở Việt Nam là ai, bạn sẽ nói thế nào?
Liệu họ có phải những người sinh ra trong giai đoạn 1946 – 1964? Nhưng lúc ấy Việt Nam đã hết chiến tranh đâu mà có bùng nổ em bé và tái thiết?
Đó chính là điểm yếu khổng lồ của hệ thống định nghĩa này. Chúng đến từ phương Tây, và hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh Việt Nam, ít nhất là đối với các thế hệ trước.
Tôi may mắn được tiếp xúc với tiếng Anh và Internet trong quá trình lớn lên, và được tiếp xúc với cách gọi tên thế hệ này khá sớm. Khi ấy, chiếu theo năm sinh, tôi thuộc Millennial, và cũng vừa hay thời gian ấy đang nở rộ “phong trào” Baby Boomers mắng Millennials và Millenials bật lại (dẫn đến sự ra đời của meme OK Boomer). Tôi cũng hóng hớt vào xem họ mắng nhau, với một nhận thức rõ ràng rằng mình thuộc phe nào. Thế nhưng, tôi không cảm nhận được cuộc tranh luận của họ liên quan gì đến mình và trải nghiệm của mình, bởi đơn giản, họ đang nói chuyện với nhau dựa trên định nghĩa của người Mỹ và trải nghiệm của người Mỹ.
Sau đó, tôi đọc được một nhận định này ở đâu đó (buồn thay, tôi đã quên là ở đâu), rằng ở Việt Nam chậm hơn ở Mỹ một thế hệ. Có nghĩa là, ai sinh năm 1981 – 1996 ở Mỹ thì là Millennial, nhưng ở Việt Nam thì là Gen X (Lưu ý, đây cũng chỉ là một nhận định, đi kèm với rất ít lập luận và bằng chứng. Hãy xem như nó chỉ là một suy nghĩ thú vị thôi nhé!). Đổi khung thời gian cũng là một ý hay. Nếu chiếu theo logic hết chiến tranh là Baby Boomer thì thế hệ từ 1975 trở đi có thể là Baby Boomer, theo sau đó là thế hệ Đổi mới 1986.

TOÀN CẦU HÓA

Trở lại với Gen Z. Vậy tại sao Gen Z là Gen Z? Hay Gen Z lại là Millennial? Đây chính là điểm thú vị. Tại sao không phải bất cứ thế hệ nào khác được xướng tên ở Việt Nam, mà lại là Gen Z?
Trở lại với định nghĩa Gen Z. Ở phương Tây, đây là thế hệ được đánh dấu bằng sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thế hệ “số”. Căn tính của Gen Z càng mạnh mẽ hơn khi đại dịch COVID-19 đến và tất cả chúng ta phải chuyển lên mạng. Gen Z giờ đây đã có những trải nghiệm khá khác biệt so với các thế hệ trước, và trải nghiệm đặc biệt nhất phải kể đến khả năng kết nối toàn cầu.
<i>Nhóm Facebook của Gen Z đến từ nhiều nước khác nhau, với đặc điểm chung là Zoom, meme và tự cách ly mùa dịch (self-quarantine)</i>
Nhóm Facebook của Gen Z đến từ nhiều nước khác nhau, với đặc điểm chung là Zoom, meme và tự cách ly mùa dịch (self-quarantine)
Mạng Internet, nơi mọi người có thể nói và nghe bất cứ ai, chính là thứ đã hòa chung thế hệ trẻ giỏi tiếng Anh ở Việt Nam và thế hệ trẻ phương Tây. Từ việc chia sẻ những trải nghiệm chung của họ về Internet, mạng xã hội đặc biệt là TikTok, việc học online…, Gen Z từ các nơi tìm thấy mối quan tâm chung và chia sẻ các tư tưởng với nhau.
Tôi cho rằng đó chính là đặc điểm nên được sử dụng làm định nghĩa Gen Z hiện tại. Bởi sự hòa nhập đa văn hóa, đa quốc gia, Gen Z là một thế hệ rất cởi mở và chấp nhận sự đa dạng khác biệt. Thậm chí, Gen Z còn được kỳ vọng là thế hệ sẽ kết thúc những vấn đề về phân biệt đối xử, như phân biệt chủng tộc, kỳ thị người LGBTQ+, bất bình đẳng giới… [2]
Vậy Gen Z ở Việt Nam thì sao? Điểm qua một số trang Facebook phổ biến dành cho Gen Z, tinh thần cởi mở và thách thức định kiến này cũng được thể hiện hoặc ngầm, hoặc rõ ràng. Nhưng nói vậy không có nghĩa là Gen Z ở Việt Nam không có những đặc điểm khác biệt với phương Tây. Như tôi đã nói, bối cảnh rất quan trọng. Gen Z Việt Nam "sống vội" và táo bạo, phát triển nhanh như nền kinh tế trẻ và sôi động hiện tại của Việt Nam.

“VƠ ĐŨA CẢ NẮM”

Vấn đề sẽ luôn hiện hữu khi mô tả một nhóm người nào đó với một đặc điểm chung, ấy là “vơ đũa cả nắm”. Quả thực là vậy, sẽ có người vỗ ngực nói ta đây Gen Z, cái gì ta làm cũng là Gen Z; và cũng sẽ có người dè bỉu rằng tôi Gen Z nhưng thấy cái bọn kia là tôi ngứa mắt (I’m not like other Gen Zs). Tôi thì cho rằng, định nghĩa một thế hệ bằng hoàn cảnh sống của họ cũng có những điểm hợp lý. Marx đã nhận định, hoàn cảnh lịch sử sẽ luôn luôn ảnh hưởng đến con người.
Men make their own history, but they do not make it as they please; they do not make it under self-selected circumstances, but under circumstances existing already, given and transmitted from the past. [3]
Tạm dịch: Con người tạo ra lịch sử, nhưng không phải thích sao thì tạo vậy; họ cũng không thể tự chọn hoàn cảnh cho mình, mà họ sẽ hành động dưới một hoàn cảnh có sẵn, kế thừa từ quá khứ.
Thế nhưng, vậy không có nghĩa là những người không cùng hoàn cảnh lịch sử với ta bị gạt ra lề. Có thể bây giờ trong vòng tròn của bạn, Gen Z là một điều quen thuộc, thậm chí phổ biến, các thông điệp, tranh luận về Gen Z là hiển nhiên; song có rất nhiều người ngoài kia, dù sinh cùng năm, lại không có cùng trải nghiệm về nền tảng số và bối cảnh như vậy. Điều đó không hề làm trải nghiệm của họ kém bạn, làm họ “lạc hậu” hay “không bắt kịp thời đại”. Ngược lại, chính sự đa dạng trải nghiệm mới làm nên một thế giới đa dạng như ngày hôm nay.

KẾT

Gen Z là cách gắn định danh cho một nhóm người sinh ra ở một khoảng thời gian nhất định và lớn lên trong một hoàn cảnh nhất định. Nó không đại diện cho toàn bộ người trẻ, và nó cũng không thể.
Hãy nhớ trước khi bạn khen hay mắng Gen Z, không phải là bạn đang làm điều ấy với một cái biệt hiệu, mà là với những con người cụ thể, có cảm xúc, trải nghiệm, suy nghĩ. Trong “cuộc chiến” thế hệ, ai cũng có phe của mình. Nhưng đừng để những nhãn hiệu ngẫu nhiên từ phương Tây ngăn chặn ta cảm thông, yêu thương nhau nhé!
A.
[3] Karl Marx (1852), The Eighteenth Brumaire of Louis Bonaparte.