Mới đây Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội có đăng tải phóng sự "Tràn lan "rác" âm nhạc trên không gian mạng", khiến cuộc chiến khen chê lại một lần nữa nổi lên, giữa một bên "cổ hủ, lạc hậu" và một bên "lệch lạc", "gu âm nhạc nhảm nhí".
Nhạc Tlinh, Bình Gold hay Chi Pu không phải những thứ duy nhất từng bị gọi là rác, nhảm nhí, vô bổ. Trước đó là NTN Vlog, Thơ Nguyễn, Duy Nến, Hưng Vlog (Con trai Bà Tân Vlog), v.v ... Song theo mình, trừ tin giả ra thì không có nội dung nào đáng gọi là "rác" cả.
Ảnh minh họa: KHỀU
Ảnh minh họa: KHỀU

1. Tôn trọng sự khác biệt

Thế kỉ 21, internet thực sự không thiếu một thứ gì, chỉ trừ một thứ, là sự tôn trọng quan điểm của người khác. Những cuộc tranh luận trên mạng diễn ra hàng ngày, hàng giờ, xoay quanh 1001 chủ đề khác nhau: từ chuyện ăn thịt chó, LGBT, đến gu âm nhạc, nghệ thuật, cả chuyện bóc phốt hàng quán, drama showbiz, thậm chí là chính trị, kinh tế, tôn giáo, triết học v.v. Điểm chung là ở cuộc tranh luận nào cũng tồn tại những người cho rằng bất cứ ai không có cùng quan điểm với mình là "bọn ngu", "không biết gì", "lũ đạo đức giả", "bọn tiêu chuẩn kép", "phật online", "vô tâm", "vô giáo dục".
Họ không biết gì về nhau. Họ không biết đối phương bao nhiêu tuổi, trình độ văn hóa, học hàm học vị thế nào, xuất phát điểm từ đâu, đến cái tên, cái mặt họ còn không quan tâm. Nhưng họ dám chắc nịch khẳng định những ai cãi lại mình trong phần bình luận chỉ có thể thuộc 1 trong 2 loại: hoặc không hiểu biết bằng mình hoặc không đạo đức bằng mình.
Vậy quan điểm của mỗi người từ đâu mà có? Cho dù là vấn đề gì, quan điểm của mỗi người được hình thành từ trình độ học vấn, từ kinh nghiệm, vốn sống, từ nền văn hóa mà ta trưởng thành và sinh sống, từ gia đình, bạn bè, những người xung quanh, từ những điều nhỏ bé nhất mà ta tiếp xúc ở nhà, trên đường, ở chỗ làm, trên mạng xã hội, nói chung là trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong vòng tay của những người khác nhau, ở những gia cảnh và thời đại khác nhau, lớn lên từ những vùng miền, dân tộc, văn hóa khác nhau. Hàng ngày chúng ta gặp những con người khác nhau, làm những việc khác nhau và thấy những thứ khác nhau. Về cơ bản là, mỗi chúng ta đều sống những cuộc sống hoàn toàn khác nhau, kể cả song sinh đi nữa, cũng không thể giống nhau 100% được.
Chính vì vậy, góc nhìn của mỗi người về một vấn đề, chắc chắn là khác nhau. Nếu có 10 người cùng thảo luận trên một cái bàn, thì trên cái bàn đó tồn tại 10 cách nhìn khác nhau. Và nếu có 100.000 người thì trên cái bàn đó cũng tồn tại 100.000 cách nhìn khác nhau. Sẽ có những cách nhìn, mà nói sơ qua thì có vẻ giống nhau, nhưng khi đi phân tích đủ sâu, thì chắc chắn điểm khác biệt sẽ xuất hiện.
Nếu ở thời phong kiến, người ta coi chuyện "Trọng nam khinh nữ" là một lẽ hiển nhiên, đấng nam nhi lo đại nghĩa, phận nữ nhi thì sinh ra đã chịu tam tòng tứ đức. Ở thời hiện đại, điều này chắc chắn đi ngược với tiêu chuẩn xã hội. Điều gì đã thay đổi qua thời gian? Không phải cấu tạo sinh lý con người, mà đơn giản là tỷ lệ người đồng thuận với quan điểm trên đã thay đổi. Những ai có quan điểm ngược với số đông thì bị thời đại coi là ngu dốt hoặc vô đạo đức. Thế nhưng nhiều năm sau, họ có thể được ca ngợi như những người tiên phong, thức thời, là hình tượng tri thức, anh hùng.
"Bạn không ngu, không vô đạo đức. Bạn chỉ sinh nhầm thời." Mình vẫn hay nói vui như vậy. Mình tin rằng nếu tồn tại một vũ trụ song song, thì chỉ cần một sai lệch nhỏ bé trong dòng thời gian, tiêu chuẩn xã hội ở đó sẽ rất khác, thậm chí có thể trái ngược hoàn toàn với xã hội chúng ta. Ở đó loạn luân, ăn thịt người, vô thần hay vô chính phủ có thể mới là tiêu chuẩn mà số đông theo đuổi.

2. "Rác" mạng và chuyện đầu độc giới trẻ

Quan điểm của mỗi người khác nhau, nên tất nhiên, sở thích của mỗi người cũng khác nhau. Thứ bạn coi là "hay" sẽ khác thứ tôi coi là "hay". Thứ đó có thể là điều ngược đời nhất mà bạn có khả năng nghĩ ra. Thứ bạn coi là nhảm nhí, vô nghĩa, thậm chí kinh tởm, biến thái nhất, hoàn toàn có thể là sở thích của rất nhiều người khác.
Vậy dựa vào cơ sở nào mà ta có thể khẳng định sở thích của họ là "đồ bỏ"? Ta là ai mà có đủ tư cách, thẩm quyền khẳng định một sở thích nào đó là nhảm nhí? Họ cũng có những luận điểm, dẫn chứng của họ để khẳng định sở thích của chúng ta là vô nghĩa, ai có đủ tư cách để làm thẩm phán phân chia đúng sai? Tôi không có đủ tư cách làm vậy, và bạn cũng thế.
Bình luận trên dantri.com.vn (Bài viết <i>Dọn "rác văn hóa" -2021)</i>
Bình luận trên dantri.com.vn (Bài viết Dọn "rác văn hóa" -2021)
Trước đây mình cũng từng rất ghét các nội dung của NTN Vlog (và nhiều kênh tương tự). Mình cũng từng cho rằng đây là những nội dung vô nghĩa, không có mang chút giá trị nào cho xã hội. Nhưng rồi mình nhận ra có rất nhiều người xem và thích xem thể loại nội dung này. Mình là ai mà có thể đánh giá lối sống, học thức của những người xem này chứ? Vả lại, giúp con người ta giải trí cũng là tạo ra giá trị cho xã hội mà, chỉ là những người đấy không phải mình mà thôi.
Từ những luận điểm trên, mình cho rằng không có loại nội dung nào thực sự là "rác". Và giới trẻ không bị đầu độc, mà quan điểm của giới trẻ thay đổi. Có lẽ trong những thời đại trước, những người phụ nữ đầu tiên đi ngược lại quan niệm trọng nam khinh nữ, cũng vướng phải những ý kiến trái chiều từ xã hội, sẽ có những người nói những văn hóa phương Tây đã "đầu độc" họ.

Cảm ơn bạn đã chọn đọc bài viết. Mình vẫn còn là một đứa trẻ, vốn sống ít, kiến thức còn hạn hẹp và tay viết còn non nớt. Nếu thấy những sai sót trong bài, mong bạn có thể góp ý, mình sẽ cố gắng làm tốt hơn trong tương lai.