Cụm từ “Gen Z” đang bị truyền thông đóng khung và tiêu cực hóa?
Vậy khi "Gen Z" trở nên quá phổ biến và được giới truyền thông "ưu ái" thì có tạo ra những điều tiêu cực nào không?
Trong khoảng 2-3 năm đổ lại đây, cụm từ "Gen Z" đột nhiên trở nên hot hơn bao giờ hết, xuất hiện bao phủ gần như mọi nền tảng mạng xã hội và được các nhãn hàng dựa vào để tạo ra các content tiếp cận giới trẻ. Vậy khi "Gen Z" trở nên quá phổ biến và được giới truyền thông "ưu ái" thì có tạo ra những điều tiêu cực nào không?
"Gen Z" là gì?
Theo wikipedia, Thế hệ Z ( Generation Z ) là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ Millennials và thế hệ Alpha ( 1997 - 2012 ) và cũng là thế hệ đầu tiên được cho là lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ khi nhỏ. Sống trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, khi công nghệ và kỹ thuật phát triển một cách chóng mặt, Gen Z vì đó mà cũng đối mặt với những áp lực cũng như phải tiếp thu lượng kiến thức lớn để phục vụ cho công việc sau này.
Đọc thêm
Được truyền thông "ưu ái"
Không thể phủ nhận việc từ khóa #GenZ đã và đang gây sốt cộng đồng mạng và là cách thu hút sự chú ý của giới trẻ khá hiệu quả, nhờ đó mà hàng loạt các trend ra đời, các nhãn hàng cũng được dịp ghi dấu trong mắt giới trẻ nhưng có lẽ cụm từ này được sử dụng tràn lan đến mức có thể gán ghép vào bất kì content nào tưởng chừng như vô vị và không liên quan, ví dụ như "Gen Z hiện nay đọc sách gì?" hay "Gen Z bây giờ...". Đúng là ở độ tuổi này, giới trẻ hoạt động rất mạnh mẽ trên mạng xã hội, có nhu cầu chứng tỏ bản thân và luôn tìm kiếm 'a sense of belonging', khi nhìn thấy từ Gen Z họ sẽ tự động cá nhân hóa content đó và liên tưởng đến bản thân mình.
Điều này tưởng chừng như chẳng có ảnh hưởng gì nhưng những content ấy đang vô tình ( hay cố ý ) "đóng khung" suy nghĩ, cách nhìn nhận của công chúng về giới Gen Z và Gen Z về bản thân mình. Hiệu ứng đóng khung tâm lý được giới truyền thông áp dụng liên tục, nhất là trong thời đại mạng xã hội lên ngôi như hiện nay và Gen Z đang là một đối tượng lý tưởng cho việc này. Thông qua các công cụ như Facebook, Tiktok, Instagram hay Youtube, các định nghĩa hình mẫu, quan điểm đến hành vi của Gen Z đều có thể được dễ dàng tìm thấy, được lý giải một cách hấp dẫn, hài hước và đi vào lòng người.
Như lời Gamson William đã nói “Quá trình đóng khung của báo chí - truyền thông là gần như hoàn toàn ngầm ẩn, và được thừa nhận như là lẽ tất nhiên. Những người làm truyền thông lẫn công chúng đều không nhận ra rằng đây thực chất là một quá trình kiến tạo xã hội ( social construction ).”
Có thể thấy hình mẫu “Gen Z cơ bản” được đại chúng thừa nhận như lẽ đương nhiên gồm các đặc điểm như năng động, tự tin, sáng tạo, giỏi công nghệ, luôn hiểu rõ bản thân và biết mình muốn gì và với nhiều chút tham vọng trong máu, in hằn vào trong nhận thức (awareness) của đám đông, điều này tạo nên những kỳ vọng cao về giới trẻ cho các nhà tuyển dụng, thầy cô và cha mẹ. Vậy bên cạnh những định nghĩa tốt lành đó thì còn gây nên những bất lợi gì?
Phân biệt đối xử dựa trên khoảng cách thế hệ ( Generation Discrimination )
Có thể thế hệ Gen Y ( Millennials ) sẽ hiểu được điều này vì đây chính xác là điều đã từng diễn ra với Gen Y. Họ là những người được sinh ra trong thời kỳ chuyển giao thiên niên kỷ, là lớp trẻ đầu tiên được tiếp cận với công nghệ nên họ nhận được sự kỳ vọng cao hơn Gen X để có thể thích nghi với sự thay đổi này. Hầu như những đứa trẻ Gen Y đều đã được nghe câu nói :”Các con chỉ phải lo học thôi chứ hồi xưa ba mẹ khổ hơn nhiều.”, vì được sinh trong thời bình nên việc học được xem là ưu tiên hàng đầu, cũng chính vì thế mà tư duy trọng thành tích của bậc phụ huynh ra đời, họ xem điểm số như một thước đo cho sự giỏi giang của con cái, cộng thêm việc kiệm lời khen và thích so sánh với “con nhà người ta”, đã tạo nên một áp lực không hề nhỏ lên Gen Y đến mức bây giờ Gen Y được biết đến như một “thế hệ lo âu”.
Là một đứa trẻ Gen Z, tôi cảm thấy mình may mắn khi được tiếp cận công nghệ từ sớm và được hưởng nền giáo dục tiên tiến, mọi thứ dường như dễ dàng hơn trước nên việc đột phá hơn về tư duy được xem là đương nhiên. Đã không ít lần tôi được nghe câu “Gen Z đây sao?” hay “Gen Z có khác..”, dẫu biết đây là một lời khen nhưng vẫn như có một cục đá đè nặng lên mình. Sinh ra trong thời bình nhưng lúc nào cũng phải nghĩ đến việc đấu tranh để khẳng định mình, để trở nên khác biệt, là tất cả hoặc không gì cả. Điều này vô tình tạo nên một thế hệ căng thẳng nhất hiện tại, tỉ lệ trầm cảm ở các bạn trẻ đang vượt ngưỡng và gần một nửa các bạn trẻ Gen Z đang phải đối mặt với cảm giác tuyệt vọng, lạc lõng. Giống như những gì Gen Y đã từng trải qua.
Thực tế Gen Z là như thế nào?
Gen Z cũng như Gen Y hay Gen X cũng đều là những con người luôn tự hỏi bản thân :"Liệu mình có đủ..?" Tất nhiên không thể phủ nhận sự tài giỏi của các bạn trẻ nổi bật đã tạo động lực và cảm hứng “dám nghĩ, dám làm” cho thế hệ Gen Z. Nhưng đó có lẽ chỉ là bề nổi của vấn đề, thực tế vẫn còn rất nhiều các bạn trẻ đang chật vật để hiểu bản thân mình muốn gì, không đủ tự tin để phơi bày bản thân lên mạng xã hội, hướng nội và tự so sánh cũng như chịu áp lực đồng môn ( peer pressure ) mỗi ngày. Những lời nhận xét bị đóng khung bởi truyền thông như :"Gen Z mà không giỏi máy tính à?" hay “Gen Z mà idea chỉ đến thế thôi sao?” dù nhỏ nhưng có thể để lại những ảnh hưởng lớn đến tâm lý các bạn trẻ.
Tôi tin rằng mỗi người có một tiềm lực riêng và cần được khai thác đúng cách cũng như đặt vào đúng nơi để được bộc lộ tốt nhất, việc chạy theo những quy chuẩn xã hội hay tự ép mình để nhét vừa “cái khung” Gen Z năng động, cá tính là không cần thiết và mọi người nên chấp nhận sự thật rằng Gen Z cũng như bao Gen khác, không hoàn hảo và nhiều thiếu sót, đôi khi sẽ rất cứng đầu, cần đến sự kiên nhẫn và gọt dũa rất nhiều thì mới có thể tỏa sáng.
Bản phiên dịch bài viết sang tiếng Pháp của Duy Bùi :
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất