Financial minimalism và chủ nghĩa tối giản
Unsplash.com Tính đến thời điểm hiện tại thì cũng đã hơn 2 năm mình quyết định theo đuổi chủ nghĩa tối giản . Quyết tâm sắp xếp...
Tính đến thời điểm hiện tại thì cũng đã hơn 2 năm mình quyết định theo đuổi chủ nghĩa tối giản. Quyết tâm sắp xếp lại cuộc sống hỗn độn của mình và khiến nó trở nên đơn giản nhất có thể. Bắt đầu bằng việc vứt bỏ tất cả đồ dùng thừa thải (mà hầu như là tất cả đồ dùng) và mình đã dành một khoản chi khá lớn để sắm sửa lại tất cả những gì mình cần với số lượng ít nhất có thể. Vì mua sắm không nhiều nên trong tâm trí của mình luôn ưu tiên cho chất lượng của đồ dùng lên hàng đầu. Mua cái gì cũng phải thật là tốt để có thể sử dụng lâu nhất có thể. Với suy nghĩ như vậy thì cảm tưởng mình sẽ có một cuộc sống vô cùng thoải mái trong tương lai mà không cần phải lo lắng quá nhiều về các khoản chi nữa. Nhưng mình đã lầm thực sự.
Đọc thêm:
Đúng như những gì mà tác giả của quyển sách "Lối sống tối giản của người Nhật", Sasaki Fumio đã nói. Chúng ta không thể dự đoán được tương lai và đặc biệt chúng ta không thể biết được cảm xúc của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Có thể lúc đó, vì tinh thần hừng hực khí thế và quyết tâm thay đổi cuộc sống hoàn toàn của mình mà mình đã có những bước đi quá sai lầm (mà mình không thể đi lại :((( ). Mọi điều mới mẻ luôn đem lại cho ta cảm giác hào hứng tạm thời nhưng nó không thể kéo dài mãi mãi được. Sự nguy hiểm của cảm giác quen thuộc luôn là vậy, những đồ dùng mình đã cho là tốt nhất và sắm sửa cho bản thân đã nhanh chóng không còn nhận được sự quan tâm của chủ nhân nó nữa. Mình nhanh chóng chán nản và bắt đầu tích trữ và mua sắm thêm. Thật khó để con người có thể hoàn toàn thay đổi bản thân trong một khoảng thời gian ngắn. Vào lúc đầu khi theo đuổi lối sống mới, vì không cần thiết phải mua sắm cho bản thân quá nhiều nữa. Thay vào đó, mình tiêu nhiều hơn cho sở thích của bản thân, chi tiêu nhiều hơn cho những cuộc gặp gỡ và dần dần nó trở thành thói quen chi tiêu vô cùng xấu. Chi tiêu một cách vô tội vạ và không có kế hoạch rõ ràng không ít lần khiến mình rơi vào tình trạng túng thiếu vào những ngày cuối tháng. Thời gian đầu thì vẫn còn có thể cứu vãn được tình hình cho đến khi mình dần cảm thấy nhàm chán với những gì mình đang có và bắt đầu mua sắm cho bản thân lại. Cộng với việc vẫn giữ cho mình thói quen chi tiêu không kế hoạch, tình hình tài chính của bản thân ngày một tệ hơn.
Không thể để tình trạng ấy cứ mãi lặp lại, mình quyết định nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân. Tự hỏi xem thời gian qua liệu mình đã thực sự sống có ý nghĩa và đúng như những gì mình đã từng theo đuổi chưa. Quả thực, trong cuộc sống của chúng ta, việc tự phản tỉnh chính mình là vô cùng quan trọng. Nó đã giúp mình nhìn nhận lại tình hình kịp thời và nhanh chóng trở lại trước khi đi quá xa khỏi đường đi bản thân đã vạch sẵn. Và đó chính là thời điểm mình tìm hiểu hơn về tài chính cá nhân và hoạch định rõ ràng cho kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm trong thời gian sắp tới.
Đọc thêm:
Rõ ràng là mình đã có điều kiện quá thuận lợi để theo đuổi Financial minimalism khi đang trong quá trình thực hiện lối sống tối giản, nhưng sự lạc lối đã làm mình bỏ qua cơ hội vàng đó. Nhưng không sao, ta bắt đầu làm lại từ đầu.
Sống một cuộc sống được tự do về mặt tài chính không hẳn là bạn phải kiếm thật nhiều tiền để chi tiêu cho những sở thích của mình mà là sống hạnh phúc với những gì mình đang có. Sống tối giản không đồng nghĩa với sống tiết kiệm nhưng sống tiết kiệm sẽ dễ dàng hơn bằng lối sống tối giản.
Chúng ta bắt đầu quá trình tu hành và thoát khỏi sự thống trị của đồ đạc lên chúng ta. Đồ đạc không còn là thước đo cho giá trị của người theo chủ nghĩa tối giản, do đó bạn không cần thiết phải chạy theo thời đại và mua cho mình những đồ dùng hiện đại nhất, đắt tiền nhất. Thay vào đó tăng giá trị nội tại của bản thân là cách tốt nhất để người sống tối giản khiến mình hạnh phúc hơn. Nhờ đó mà bạn đã có thể tiết kiệm được một khoản chi kha khá rồi đấy.
Minimalism không chỉ là việc giảm bớt đồ đạc mà điều quan trọng hơn hết đó là nhìn nhận ra điều gì là quan trọng nhất đối với mình. Người sống tối giản ngay cả các mối quan hệ cũng được họ giảm xuống đáng kể. Họ chỉ chú trọng đến vài mối quan hệ thực sự bổ ích và ý nghĩa. Điều này gián tiếp giảm thiểu được một khoản chi cho những cuộc gặp gỡ và chi phí duy trì mối quan hệ. Nếu bạn có 100 người bạn thì có muốn tiết kiệm như thế nào đi nữa thì thực sự cũng vô cùng khó khăn.
Đọc thêm:
Mục đích của Financial minimalism ngoài việc giảm thiểu áp lực từ chi tiêu lên cuộc sống của chúng ta mà còn là cách để có thể tiến tới tự do tài chính nhanh nhất có thể. Có nhiều cách để có thể tăng khoản tiết kiệm của bạn lên, thứ nhất là giảm chi tiêu và thứ hai là tăng nguồn thu nhập. Lối sống tối giản chắc chắn là phương tiện không thể tốt hơn để giúp bạn thoát khỏi nhiều sự sao nhãng trong cuộc sống cũng như công việc. Mình không chắc chắn là người sống tối giản có thu nhập tốt hơn những người bình thường hay không nhưng sự tập trung họ có được là một công cụ vô cùng hiệu quả để nâng cao năng suất làm việc của họ. Đây là điều khó có thể bàn cãi được. Làm việc tốt hơn, nhanh hơn chẳng phải là một trong những cách giúp bạn có được nguồn thu tốt hơn hay sao.
Sẽ không hề có vấn đề gì nếu bạn chọn minimalism hay materialism. Nhưng tìm kiếm được cho mình ý nghĩa của cuộc sống là điều mà ai cũng muốn hướng tới. Financial minimalism thật ra cũng chỉ là một trong số những lựa chọn và mình thấy rằng nó là cách rất tốt để chúng ta thực tập kiểm soát những ham muốn của bản thân và tiến tới một cuộc sống tự do và hạnh phúc đúng nghĩa.
Đọc thêm:
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất