"Chị ơi, anh trai của em mất rồi"
Tôi bật dậy khi đọc được dòng tin nhắn giữa buổi chiều ngày Trung Thu. Người nhắn là T., cô bé học sinh lớp 8 mà tôi đang đồng hành hỗ trợ với vai trò tình nguyện viên cho một Quỹ khuyến học.
Tôi gắn bó với T. mấy tháng nay qua các cuộc gọi điện hỏi thăm, động viên tinh thần và đôi lần gặp gỡ. Em là một cô bé có nghị lực phi thường giữa một hoàn cảnh gia đình đặc biệt, không có cha, sống cùng người mẹ đau ốm thường xuyên và người anh trai bị bại liệt. Thậm chí gần đây, bà ngoại em mới đột quỵ. Hai mẹ con phải thay phiên nhau chăm anh và sang đút cơm cho bà.
Tuy vậy, T. luôn học giỏi xuất sắc và cực kỳ năng nổ hoạt động ngoại khoá. Em tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi, được bằng khen của Chủ tịch nước về tấm gương vượt khó và là niềm tự hào của các thầy cô, là niềm hi vọng duy nhất của mẹ.
Trong thời gian ngắn đồng hành cùng T., tôi luôn khâm phục nỗ lực và tinh thần lạc quan hiếm có ở em. Nhưng thực sự phải nói tôi cũng choáng váng về những thử thách mà cuộc đời liên tục đặt ra cho T. và mẹ. Việc bà ngoại - người đã chăm sóc 2 anh em từ nhỏ, bị đột quỵ tháng trước đã làm em rất buồn. Tôi chỉ có cách động viên T. gắng gượng đỡ đần mẹ chăm sóc bà hết mức có thể.
Đến hôm qua khi nhận được dòng tin nhắn kia, tôi lặng người vì biết rằng một thử thách tinh thần khủng khiếp khác lại ập tới với T. và mẹ. Anh trai của T. sinh ra đã bại liệt và liên tục phải chịu những cơn đau đớn vật vã trong vài năm gần đây. Có những lúc anh đau tới mức ngất lịm đi, khiến 2 mẹ con vô cùng hoảng sợ.
Hàng ngày, ngoài việc học, T. luôn giúp mẹ bón cơm cho anh, trông anh, ngồi chơi với anh. Dù anh không nói được, nhưng có anh vẫn là một niềm vui với T. Em chăm sóc anh với tất cả tình yêu thương và sự dịu dàng được truyền từ mẹ, dù chuyện đó không hề dễ dàng với một đứa trẻ.
Sau 21 năm đầy khó nhọc, anh trai T. đột ngột trút hơi thở cuối cùng đúng vào ngày Trung Thu, ngay khi T. vừa vui vẻ đi dự một cuộc thi tài năng của xã về đến nhà. Dù biết sức khoẻ của anh vốn không tốt, nhưng có vẻ cả 2 mẹ con T. đều chưa sẵn sàng để anh ra đi. Nghe tiếng nấc nghẹn của mẹ trong điện thoại và sự im lặng của T. khi tôi gọi điện lại là đủ hiểu.
Ngay hôm sau, tôi sắp xếp thời gian chạy xe máy 2 tiếng từ Hà Nội về với T. và cô. Nhìn thấy di ảnh với nụ cười ngây ngô trên ban thờ, nhìn thấy 2 mẹ con đứng cúi đầu bên cạnh, tôi rớt nước mắt. Ôm lấy T. và cô, tôi biết rằng mình không cần nói nhiều lời. Tôi chỉ mong họ biết rằng tôi và các anh chị của Quỹ luôn ở đây đồng hành cùng gia đình, đặc biệt trong những giây phút khó khăn như vậy.
Mẹ tôi từng dặn tôi không được đến dự lễ tang, vì sợ mắt tôi có bệnh sẽ không tốt khi ở những nơi có khí lạnh như vậy. Tôi cũng biết vậy, nhưng lần này tôi nhất định phải gạt nỗi sợ đó sang một bên, vì tôi biết T. cần người ở bên cạnh hơn bao giờ hết. Chính mẹ tôi cũng từng dạy rằng cần giúp đỡ người khác trong lúc họ yếu đuối nhất. Và bây giờ là 1 lúc như thế.
Không phải tôi tỏ ra anh hùng hay gì, nhưng tôi tin rằng nỗi đau của T. lúc này lớn hơn bất cứ thứ gì khác, và chắc chắn là lớn hơn nỗi sợ của tôi. Vì vậy, với mong muốn chia sẻ với T. và mẹ em, tôi không chần chừ mà leo lên xe. Nếu không đến với T. lúc này, tôi không còn mặt mũi nào để tự nhận mình là người đồng hành của em trong thời gian tiếp theo. Tôi biết lương tâm của mình chính là vậy.
Không hiểu sao thời gian gần đây, tôi liên tục phải chứng kiến nhiều đau khổ và bất hạnh xảy đến với những người quanh mình. Anh họ tôi gọi điện báo con gái anh vừa phát hiện bị ung thư máu cấp tính, phải nhập viện hoá trị ở bệnh viện gần nhà tôi. Một người bạn Đại học nhắn tin báo bố bạn ra đi sau thời gian trị bệnh gan. Và giờ là chuyện này.
Ngẫm lại, tôi luôn thấy thực sự bối rối trước câu chuyện như thế. Khi mà những người bên cạnh mình chật vật trước những nỗi bất hạnh ập đến như vũ bão, không hề báo trước và sẵn sàng quật ngã con người ta không thương tiếc. Điều đó làm tôi nhớ đến 1 câu trong Đạo Đức Kinh mà tôi từng đọc "Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm". Có thể đó là 1 cách nhìn rất bi quan về thế giới, nhưng đáng tiếc đôi lúc bạn sẽ khó tránh khỏi phải cay đắng thừa nhận nó là sự thật.
Vậy chúng ta có thể làm được gì trước sự thật ấy, trước những bất hạnh ấy? Tôi nghĩ rằng rốt cục chỉ có thể cắn răng chịu đựng, chấp nhận và học cách kiểm soát những thứ mình có thể kiểm soát cũng như buông bỏ nhưng thứ phải buông bỏ.
Nếu những bất hạnh có một ý nghĩa gì đó, chắc chúng dạy cho ta bài học về sự vô thường, về sự khiêm nhường trước cuộc đời, trước số phận. Đồng thời đó cũng là bài học về tình nhân ái, về việc ta có thể làm gì cho nhau trong những lúc khủng hoảng tồi tệ đó.
Bạn thân của tôi từng chỉ ra một điều mà tôi rất tâm đắc, rằng con người cần nhận ra rằng họ giống nhau nhiều hơn là khác biệt trong những cơn đau khổ tột cùng. Và đó là lý do để chúng ta càng nên xích lại gần nhau, đưa tay ra giúp đỡ nhau thay vì ghét bỏ hay vùi dập nhau. Chính vì "trời đất không có lòng nhân", mà lòng nhân của chính mỗi chúng ta trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Suy cho cùng, đó là câu trả lời tốt nhất tôi có vào lúc này cho câu hỏi "Làm gì trước bất hạnh của người khác?"
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất