Mình phải thừa nhận là với người Nhật, những điều tưởng như là lẽ thường tình trong cuộc sống đều được nâng tầm thành nghệ thuật hết. Từ cắm hoa, trồng cây, nuôi cá, chăm sóc da, pha trà cho đến... dọn dẹp cuộc sống hàng ngày như cuốn sách này vậy.
Mình cũng được một người bạn kể về cuộc sống du học bên đó. Với chị ấy, Nhật Bản ngập tràn những vẻ đẹp... tự nhiên. Những cánh đồng hoa đẹp mê hồn, những con đường đều có thể trở thành góc sống ảo, những dòng nước nóng bốc hơi từ dưới... ống cấp nước hay những con cá cảnh được nuôi ở... cống hai bên đường.
Người Nhật cũng có một lòng tự tôn rất cao, cao đến độ họ bị stress đến tự tử không phải vì làm nhiều việc quá mà vì... cảm thấy mình không còn giá trị cho xã hội. Đó là lý do vì sao đối tượng tự tử nhiều nhất không phải trong độ tuổi lao động mà ở độ tuổi về hưu.
Với những điều thú vị về đất nước này, kèm theo một vài recommends, mình quyết định lựa chọn cuốn sách.
Phải nói trước là mình hoàn không đọc cuốn sách để hướng tới lối sống tối giản. Mình đọc để hiểu hơn: Vì sao người Nhật cũng như nhiều nơi trên Thế giới lại ưa chuộng nó đến vậy?
#Nội_dung
Bạn đầu, mình cũng nghĩ đây là cuốn sách về... nghệ thuật vứt đồ. Làm sao để vứt đồ đi mà không day dứt, mua ít hơn mà không cần đắn đo. Rồi dần dần hướng đến một phòng ngủ thoáng đãng nhất, một tủ quần áo ít đồ nhất...
Nhưng không... cuốn sách còn nói lên nhiều điều hơn thế.
Vẫn xoay quanh 2 chữ "tối giản" nhưng không chỉ đơn thuần dừng lại ở đồ đạc. Cao hơn mức đó là sự tối giản trong suy nghĩ, trong tâm hồn, tối giản luôn cả những bộn bề và mối bận tâm mà một con người trong xã hội hiện đại bị bủa vây.
Đúng vậy, sống trong xã hội này, mỗi cá nhân chúng ta đều cần phải biết tự "giải toả" mình khỏi những mối lo toan hay sự so sánh trong cuộc sống. Bởi cơ bản là mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thay vì vậy hãy tập trung vào bản thân mình, tập trung vào thế giới của riêng bạn và làm cho nó tốt hơn ngày hôm qua.
"Lối sống tối giản của người Nhật"  cũng nêu ra những lý do vì sao chúng ta lại thích... tích luỹ đồ đạc đến vậy, rồi tại sao con người nên sống đơn giản cùng những ví dụ đầy tính khoa học. Bên cạnh đó là cách để chúng ta có thể từng bước đạt đến cuộc sống tối giản một cách dễ dàng hơn.
Thuyết phục hơn, cuốn sách đã chạm tới mục đích cuối cùng trong cuộc sống của mỗi con người và mối liên hệ của lối sống tối giản tới nó. Đó là hạnh phúc. 
#Giọng_văn
Không phải là một cuốn sách giáo điều, mọi lý lẽ của tác giả đều rất gần gũi, thuyết phục và dựa trên những dẫn chứng đầy khoa học. Qua cuốn sách, mình cũng biết thêm một vài điều thú vị và hay ho.
Ví dụ như Steve Jobs, ông ấy là một trong những tín đồ của lối sống tối giản. Đó là lý do vì sao Iphone lại chỉ có đúng một nút tròn trên chiếc điện thoại mà cũng đủ khiến nhiều người "phát cuồng".
Hay Messi là cầu thủ luôn có đường chạy ngắn nhất (so với trung bình 10km) trong mỗi trận đấu. Anh chỉ chạy khi cần và chọn lộ trình ngắn nhất để tiết kiệm sức lực.
Từ đó có thể thấy được "tối giản" xuất hiện ở rất nhiều nơi trong cuộc sống với những tác dụng của mình không chỉ về mặt tiền bạc.
Mình còn nhớ tác giả đã viết một câu khiến mình rất tâm đắc. Đại loại là:
Cảm giác thoả mãn từ những món đồ mới sẽ nhanh chóng nhạt nhoà đi. Đồ đạc cũng sẽ dần cũ. Chỉ có những trải nghiệm là sẽ mãi mãi thuộc về chúng ta, đi cùng năm tháng, không cần sức chứa mà lại chẳng ai vạy mượn được. Thế nên, dành tiền để đi trải nghiệm còn giá trị hơn là mua sắm linh tinh.
#Nhược_điểm
Cuốn sách nào cũng có điểm yếu mà. Chỉ là có phù hợp với bạn hay không thôi. 
Ở cuốn này, mình thấy đôi chỗ tác giả có hơi "tôn sùng" chủ nghĩa tối giản một cách... quá đà, một vài chỗ đọc xong cũng chưa hẳn đã khiến bản thân đồng ý. 
Chẳng hạn như mấy món đồ kỉ niệm... vứt đi cũng được vì nếu giá trị ở kỉ niệm thì cũng không cần hiện hữu, chụp lấy một bức ảnh của nó, nếu nhớ lôi ra ngắm là xong.
#Tóm_lại
Cuốn sách có đáng để đọc không? Có
Đọc xong có vứt được nhiều đồ đi không? Không
Có thay đổi được quan điểm không? Vừa có, vừa không
Quan điểm là do chính người đọc. Như bản thân mình, mình thấy khá tâm đắc về những quan điểm mang đến sự hạnh phúc. Hay việc cắt giảm đồ đạc sẽ khiến bản thân bớt sân si và so sánh hơn vì thực sự bản chất của hạnh phúc không đến từ những món đồ sở hữu.
Hạnh phúc không phải là có trong tay những thứ mình từng ao ước, mà là cảm giác luôn mong ước những vật mình đang có.
Công việc của tôi không phải là con người tôi
Số dư ngân hàng của tôi không phải là con người tôi
Chiếc xe tôi đi cũng không phải con người tôi
Chiếc ví của tôi cũng không phải con người tôi
Những giá trị đấy
Chẳng có quan hệ gì với tôi cả.