Nếu bạn chưa từng nghe và tìm hiểu về lối sống tối giản thì ngay bây giờ mình sẽ giải thích ngắn gọn nhất về điều này:

Lối sống tối giản (Minimalism) là lối sống cắt giảm đến mức tối thiểu các vật dụng, nhu cầu, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết, với những sinh hoạt đơn giản. Như thay bằng sống trong ngôi nhà to với nhiều tiện nghi, người ta sẽ sống trong một không gian vừa đủ, với những vật dụng đơn giản. Thay vì mua sắm thật nhiều và tiêu thật nhiều tiền kiếm ra được cho việc mua quần áo, giày dép và trang sức thì chúng ta chỉ khoác lên người trang phục đơn giản. Thay vì tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào những món đồ trang điểm đắt tiền và hợp mốt, chúng ta không quan tâm tới vẻ hào nhoáng bên ngoài nữa.
Lối sống tối giản không chỉ áp dụng với những vật dụng, hình thức bên ngoài, sống tối giản còn là đơn giản hóa những thứ bên trong như suy nghĩ, tinh thần, để tập trung vào những vấn đề cần thiết, quan trọng trong cuộc sống.
Mình biết đến lối sống tối giản đã lâu, nhưng bước ngoặt quan trọng nhất để mình quyết định trở thành một người sống tối giản đó là sau khi đọc xong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” (Sasaki Fumio). Vậy mình đã bắt đầu sống tối giản như thế nào và có những thay đổi gì sau khi thực hành lối sống ấy?

Đọc thêm:

1. Dọn dẹp và bỏ bớt những vật dụng không cần thiết.

Điều đầu tiên và cần thiết nhất để bắt đầu trở thành một người sống tối giản đó là dọn dẹp lại nơi mình ở, bỏ đi những vật dụng không cần thiết, sắp xếp lại mọi thứ cho gọn gàng, ngăn nắp.
Mình tập trung dọn dẹp những vị trí sau:
- Bàn học (bàn làm việc): Bàn học của mình lúc nào cũng bừa bộn với rất nhiều sách vở, giấy tờ vứt ngập tràn trên mặt bàn và những nơi xung quanh. Ngày trước mình từng cố ngụy biện cho sự lộn xộn đấy bằng câu nói phổ biến “Những người bừa bộn thông minh và có khả năng sáng tạo cao hơn những người gọn gàng” (haha). Mình dọn dẹp bàn học bằng cách xếp lại sách vở, phân chia sách vở thành 2 loại, sách và sổ ghi chép, vở. Giấy tờ cũng bỏ hết đi những thứ không quan trọng, những thứ không dùng nữa, những thứ mình cứ nghĩ để đấy tới lúc nào đấy mình sẽ dùng nhưng “lúc nào đấy” chẳng là lúc nào cả. Mình thẳng tay vứt hết.

Khi dọn dẹp lại bàn học mình cảm thấy đấy là một nơi gọn gàng, sáng sủa hơn, mình muốn ngồi vào bàn hơn, và ngồi làm việc tập trung hơn vì không còn bị xao nhãng bởi những thứ lung tung khác. Chưa kể đến khi cần thứ gì, mình cũng sẽ biết vị trí của nó rồi, không mất thời gian tìm kiếm nữa.
- Tủ quần áo: Mình cũng như một bạn nữ bình thường khác với rất nhiều quần áo váy vóc…Từ khi quyết định sống tối giản, việc đầu tiên mình nghĩ đến đó là bỏ bớt đi và dọn lại tủ quần áo. Mình bỏ đi những bộ đồ mình không mặc nữa, thanh lý hoặc vứt bớt, những thứ còn mới nhưng vì một lý do nào đấy mình không mặc được, vì tiếc nên bọn mình cứ bỏ nó đó, với ý nghĩ, biết đâu đấy tới một lúc nào đấy mình sẽ mặc lại. Nhưng mà thật sự “một lúc nào đấy” là chẳng bao giờ cả. Bạn hãy tìm cách cho nó ra đi.
Nguyên lý 80/20 nói rằng, 80% thời gian mình chỉ thường xuyên mặc 20% đồ trong tủ quần áo của mình. Nếu bạn để ý một chút sẽ thấy rằng, điều đó hoàn toàn chính xác. Bước tiếp theo của dọn dẹp tủ quần áo là mình phân quần áo thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Đồ không mặc nữa
Nhóm 2: Đồ ít mặc hoặc đồ mình nghĩ rằng một ngày nào đấy mình sẽ mặc.
Nhóm 3: Đồ mình thường xuyên mặc, hoặc đồ mình rất thích
Nhóm 1 mình thẳng tay bỏ đi. Nhóm 2 mình cất gọn vào đâu đó, nếu sau 1 thời gian đủ dài mình thấy mình không hề có nhu cầu đụng đến chúng nữa, mình sẽ bỏ luôn. Nhóm 3 giữ lại.
Việc này xem ra rất khó khăn với các bạn nữ vì quần áo là một mối quan tâm đặc biệt quan trọng trong đời. Mình cũng đã dành hơn 20 năm cuộc đời để nghĩ về những thứ mình mặc, nhưng từ khi trở thành một người sống tối giản, mình đã thay đổi suy nghĩ của mình về điều này (bạn có thể đọc thêm về quan điểm của mình ở một bài viết khác về điều này ở đây: 
Từ khi dọn dẹp tủ quần áo, mình không mất thời gian nhiều để nghĩ xem hôm nay mình sẽ mặc thứ gì. Cân nhắc hơn trước khi mua một món đồ nào đấy, đỡ tốn tiền hẳn trong vấn đề quần áo, mình thấy cuộc sống dễ chịu hơn, đơn giản và hài lòng hơn. Mình không còn quan tâm chạy theo những mốt mới, những shop quần áo update mẫu mới hàng ngày. Mình hài lòng với những gì đang có, biết mình phù hợp với điều gì, mặc những gì mình thoải mái, là chính mình và yêu quý chính mình.
Tương tự quan điểm đó với mỹ phẩm, giày dép và những vật dụng khác, mình cũng dọn dẹp bớt. Như thế, mình thấy không gian sống của mình thoáng đãng hơn, gọn gàng ngăn nắp hơn. Tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Đọc thêm:

2. Dọn dẹp những thứ phi vật chất khác

Không chỉ việc dọn dẹp lại những thứ vật chất hữu hình, cuộc sống của chúng ta còn được bao quanh bởi rất nhiều thứ phi vật chất khác như không gian số, mạng xã hội, ảnh, video, kho lưu trữ trên laptop… Những điều đó thoạt nhìn có vẻ không quan trọng, nhưng chính chúng mới là thủ phạm lấy đi của bạn nhiều thời gian, tâm trí và sự tập trung cho những điều quan trọng khác.
Mình dọn dẹp và sắp xếp lại những thứ đó như sau:
- Điện thoại: Mình xóa hết những app không cần thiết, ít hữu dụng và ít dùng. Sắp xếp lại các app trên iphone bằng cách nhóm chúng vào một nhóm có cùng chức năng cho gọn gàng. Nếu nhiều app có những công cụ và tính năng tương đương nhau, như sửa ảnh thì có VSCO, Picart, Foodie,… thì mình xóa đi và chỉ giữ lại app mình thích nhất.
Nhạc trong zing sau bao năm tải vô tội vạ về máy, mình cũng xóa hết, giữ lại những bài yêu thích (giờ mình còn hơn 20 bài), bây giờ chúng ta có wifi gần như 24/24, nếu mình muốn nghe bài nào, mình có thể lên tìm kiếm để nghe ngay lập tức, thế việc gì phải lưu trữ trên điện thoại?
Tin nhắn, gmail, ảnh, video…mình cũng xóa đi gần hết, chỉ giữ lại những thứ quan trọng cần thiết.
- Laptop: Mình kiểm tra lại các folder trên laptop, 80% trong chúng là những folder mình không còn cần dùng nữa nhưng vì nhiều lý do cứ tích trữ lại, theo thời gian chúng nhiều lên và lộn xộn không thể tả. Mình xóa bớt đi, sắp xếp gọn gàng, năn nắp và khoa học hơn.
- Mạng xã hội: Facebook và Instagram là 2 mạng xã hội mình hay dùng nhất, mình tiến hành dọn dẹp lại chúng bằng cách:
Với Facebook, mình hủy kết bạn với những bạn bè lâu ngày không tương tác, không chấp nhận lời mời kết bạn của những người không quen biết. Bỏ theo dõi những bạn mình không quan tâm, nhưng không thể hủy kết bạn. Để chế độ ưu tiên với những người mình thấy những gì họ chia sẻ bổ ích đối với mình. Bỏ like những trang có nội dung mình không quan tâm, như báo lá cải, showbiz, bán hàng online…
Instagram mình cũng bỏ theo dõi những tài khoản của các bạn hot teen, các ca sĩ, người mẫu, người nổi tiếng…mà trước đây mình đã theo dõi.
- Không gian internet: Hạn chế thời gian cho các trang báo mạng, chỉ đọc lướt những bài cần thiết để nắm bắt tin tức, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn một vấn đề gì mình sẽ chủ động tìm hiểu từ những nguồn đáng tin cậy hơn. Ghé thăm thường xuyên những trang blog mà mình yêu thích. Không sa đà vào các trang bán hàng online khi không cần thiết, muốn mua gì thì lên tìm đúng món đồ đấy rồi thôi.

Đọc thêm:

3. Chọn các giải pháp đơn giản cho những công việc hàng ngày


Mình lấy ví dụ trong việc nấu ăn hàng ngày của mình:
Mình thường xuyên tự nấu ăn dù ở một mình. Ngày trước mình hay dành nhiều thời gian bày vẽ vào bữa tối, vì đó là bữa ăn mình có nhiều thời gian rảnh nhất. Mặc dù biết ăn tối nhiều và ăn no là thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng mình vẫn giữ thói quen nấu ăn bữa tối thịnh soạn, cầu kì nhất trong ngày.
Từ khi đi làm thêm công việc từ 6 - 8h tối, về nhà mình vẫn phải dành ít nhất 1h cho bữa tối. Mình cảm thấy điều đó thật lãng phí và muốn dành nhiều thời gian hơn cho những việc mình thích như đọc và viết vào mỗi tối. Thế là mình quyết định nấu ăn đơn giản nhất có thể. Vừa nạp ít năng lượng vào cơ thể, dạ dày cũng không phải làm việc nhiều sau 8h tối, vừa có thêm thời gian làm điều mình yêu thích.
Các bữa còn lại trong ngày mình cũng cố gắng nấu những món đơn giản, không tốn nhiều nguyên liệu và thời gian. Như rau củ thì luộc, vừa đảm bảo giữ được nhiều chất dinh dưỡng, vitamine, vừa giữ được vị ngọt tự nhiên của rau củ, đặc biệt không tốn nhiều thời gian.
Giữ tư duy đó áp dụng vào những công việc hàng ngày khác. Hãy luôn tìm cách tối ưu hóa thời gian dành cho công việc, nhưng vẫn cải tiến để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Đọc thêm:

4. Đơn giản hóa trang phục hàng ngày

Trang phục hàng ngày của mình chia làm 3 loại: Đồ đi làm, đồ đi chơi và đồ mặc ở nhà.
- Đồ đi làm: Mình có 2 áo đồng phục công ty phát, như vậy mình không cần thêm nhiều đồ đi làm cho những hôm không mặc đồng phục. Mình chỉ giữ lại 2 - 3 bộ đồ khác mặc vào những hôm không cần mặc đồng phục trong tuần. Đỡ tốn thời gian chọn lựa và suy nghĩ mỗi sáng xem hôm nay sẽ mặc cái gì.
- Đồ đi chơi: Chỉ một ít món đồ mình ưng ý, kiểu sáng basic để không bị lỗi mốt và chúng có thể kết hợp với nhiều loại trang phục khác.
- Đồ ở nhà: Mình giữ lại 2 chiếc váy ở nhà mà mình cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất khi mặc chúng. Điều đó làm mình không cần đắn đo xem nên mặc gì mỗi khi tắm xong, tốn thời gian lựa chọn trang phục ở nhà - một việc làm không cần thiết khi mình sống một mình.


5. Suy nghĩ đơn giản

Đây có lẽ là điều quan trọng nhất khi bạn bắt tay vào việc trở thành một người sống tối giản. Hiện nay, mình đã biết điều gì là quan trọng ở giai đoạn này trong cuộc sống của mình, vì vậy mình tập trung nhiều thời gian và tâm trí của mình vào điều ấy. Không để những chuyện khác làm xao nhãng hay ảnh hưởng đến mình nhiều như ngày trước nữa. Như việc làm hài lòng người khác hay việc ai đó nghĩ gì về mình.
Mỗi ngày mình cố gắng chọn ra 3 việc quan trọng nhất ngày hôm đấy và sắp xếp thời gian hoàn thành chúng.
Mình học cách nói lời từ chối cho những cuộc vui khác, những cuộc trò chuyện phiếm tốn thời giờ, những cuộc video call, chat nhóm vui vẻ nhưng không mang lại lợi ích gì. Và hạn chế thời gian cho mạng xã hội. Cuộc sống của mình đơn giản hơn,năng suất hơn và mình nhận ra rằng, chẳng điều gì thay đổi khi mình làm những việc ấy cả.
Mọi người có yêu quý bạn hay không là vì con người bạn, chứ không phải vì những lời đồng ý của bạn. Mình hiểu được rằng, thời gian là của mình, mình là người kiểm soát thời gian, nếu mình có thể kiểm soát được một ngày, thì mình sẽ kiểm soát được cuộc đời mình. Thời gian vô cùng đáng quý, đừng để nó trôi qua vô ích vì những điều vặt vảnh, không xứng đáng.


Mình luôn nghĩ rằng, mình luôn là người mới bắt đầu tìm hiểu và thực hành lối sống tối giản, nhưng bắt tay vào thu vén gọn gàng từ bàn làm việc, đến cuộc sống bừa bộn của mình, mình cảm thấy mọi chuyện diễn ra tích cực hơn, trơn tru hơn, mình biết hài lòng hơn về bản thân mình, và cảm giác rằng, mình đang từ từ điều khiển, sắp xếp được cuộc sống.
Mình nhận ra rằng, cảm giác hài lòng cũng tiệm cận với cảm giác hạnh phúc. Và mình vẫn hàng ngày cố gắng duy trì những thói quen tích cực với tư duy của lối sống tối giản, mình hi vọng bạn cũng sẽ bắt tay vào sắp xếp gọn gàng lại cuộc sống của mình và làm tăng thêm sự hài lòng - niềm hạnh phúc trong cuộc sống của chính bạn.