Khi cuộc sống của cả thế giới bị đình trệ vì sự xuất hiện của Coronavirus, đất nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch chết người đang dần hồi sinh. Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những tuần qua, các thành phố trên toàn quốc đang dần trở lại đời sống gần như bình thường. Người dân hết cách ly và lại đi dạo trong công viên hay thậm chí còn vào nhà hàng và quán cà phê. Các công ty lại tiếp tục làm việc và mọi người bắt đầu trở lại công sở, mặc dù chính quyền đã cấm khách quốc tế để ngăn chặn các ca nhiễm từ nước ngoài. Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ Apple đóng cửa các cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới—trừ Trung Quốc.
Liệu Trung Quốc có trở thành một điểm sáng khi các nền kinh tế khác chật vật chống chọi với virus trong những tháng tiếp theo? Và khi cuộc khủng hoảng kết thúc, liệu Trung Quốc có trở lại là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy thời vận của các công ty đa quốc gia một lần nữa? Đây có lẽ là hy vọng của những người đã ngợi ca sự hà khắc và khả năng ứng phó với virus có vẻ hiệu quả, trong khi lại quên đi hay đã tha thứ cho nỗ lực kém cỏi ban đầu của Trung Quốc nhằm che đậy sự bùng phát dịch bệnh. Tuy vậy, thực tế có vẻ sẽ khác xa hy vọng đó. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng hai-chữ-số hàng năm, nền kinh tế Trung Quốc—đặc biệt là lĩnh vực tiêu dùng đã từng tăng trưởng vượt bậc—đang đi vào giai đoạn đình trệ kể cả khi đã phục hồi sau sự sụp đổ do ảnh hưởng của virus corona.

TẦNG LỚP NGHÈO ĐÓI Ở NÔNG THÔN

Dự đoán nghiệt ngã đó có lẽ là điều rất bất ngờ sau hai thập kỷ tăng trưởng phi thường. Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, đẩy các ngành công nghiệp trước kia vẫn được nâng đỡ vào thế phải cạnh tranh, và khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước buộc phải phá sản. Trong một thập kỷ tiếp theo sau đó, đầu tư nước ngoài tăng vọt từ 47 tỷ đô lên đến 124 tỷ đô. Hàng trăm triệu người Trung Quốc từ nông thôn bỏ ruộng trong thời kỳ này, trở thành nongmingong—“những nhà nông làm công nhân”—và cùng với những nhân viên doanh nghiệp nhà nước bị sa thải lao động trong các nhà máy định hướng xuất khẩu mới. Những thay đổi đó đã tạo ra một làn sóng năng suất mới mạnh mẽ và, cùng với những cải cách trước đó đã tạo ra thị trường nhà đất đô thị, dẫn đến sự gia tăng tài sản cá nhân nhanh chóng. Đến năm 2012, tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc đã tăng lên đến 182 triệu người. Theo dự đoán của công ty tư vấn McKinsey & Company, tới năm 2022, khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ được xếp vào tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Tuy nhiên, chỉ riêng sự phát triển của tầng lớp trung lưu không thể đảm bảo cho tương lai của Trung Quốc. Theo tìm hiểu của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các vùng thành thị Trung Quốc hầu như đã tiêu dùng hết hạn mức của họ. Tăng trưởng kinh tế tương lai phải xuất phát từ việc thúc đẩy các thị trường thứ cấp và tìm ra khách hàng mới từ nội địa, không chỉ từ các khu vực duyên hải vốn đã hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng trong hai thập kỷ vừa qua. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách tăng cường tiêu thụ trong nước, như một phần trong kế hoạch chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và nợ công thành một nền kinh tế phụ thuộc vào sức tiêu dùng của nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa chỉ rơi vào khoảng 40% GDP trong những năm gần đây, thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới, khoảng 60%.
Thay vì trở thành những người tiêu dùng mới như kỳ vọng của nhiều người, cư dân nông thôn Trung Quốc—bao gồm cả vài trăm triệu người đã di cư đến các thành phố— lại trở thành tầng lớp đói nghèo. Tổng thu nhập tăng, nhưng những người dân có gốc gác nông thôn kiếm được không bằng một nửa mức thu nhập hàng năm của người thành phố. Khi các ngành công nghiệp được tự động hóa và nhu cầu lao động giảm, những người nông thôn lại phải vật lộn chuyển sang các nghề khác: làm dịch vụ, làm thời vụ, hay về quê kinh doanh.

Thay vì trở thành những người tiêu dùng mới như kỳ vọng, cư dân nông thôn Trung Quốc lại trở thành tầng lớp đói nghèo.

Các chính sách hạn chế bắt nguồn từ những năm 1950 gây cản trở cho người nông thôn. Hệ thống hộ khẩu Trung Quốc, hukou, đã từng là phương pháp đảm bảo lượng nông sản phong phú giá thành rẻ cho toàn quốc khi đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn bó buộc phúc lợi xã hội của người dân với nơi họ sinh ra, thay vì nơi họ sống. Vì thế, dân di cư không được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đàng hoàng với giá cả phải chăng, hay con cái họ cũng không được hưởng một nền giáo dục tốt ở thành phố sở tại. Thay vào đó, họ phải đến các phòng khám tư chất lượng dưới trung bình, và cho con cái theo học trường tư đắt đỏ với chương trình học nghèo nàn. Vô hình trung, hộ khẩu khiến những người di cư phải giảm lương vì họ gặp khó khăn khi dàn xếp lợi ích của mình với chủ doanh nghiệp. Một chính sách từng đảm bảo nguồn cung lao động ổn định giá rẻ cho mô hình kinh tế “Phân xưởng của Thế giới” Trung Quốc, giờ đây lại cản trở những công nhân di cư trở thành người tiêu dùng trung lưu. Hộ khẩu cũng khiến cho người dân nông thôn phải dành ra một phần lớn tiền lương để chi cho các khoản khám chữa bệnh đột xuất, học phí, và tiết kiệm hưu trí. Số tiền tiết kiệm đó ngăn họ chi tiêu như những người thành thị và làm giảm mức tiêu dùng chung. Điều đó lý giải nguyên nhân khiến chỉ số tiết kiệm quốc gia của Trung Quốc rất cao (khoảng 45% GDP, trong khi chỉ số trung bình thế giới chỉ vào khoảng 20%).
Number of poor people declined by two thirds in China

Trẻ di cư có tỷ lệ bỏ học cao hơn nhiều so với bất kỳ đứa trẻ Trung Quốc nào khác. Giáo dục tiểu học cho nhóm đối tượng này là chưa đủ và các em buộc phải trở về nông thôn để học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhiều em cảm thấy lạc lõng khi phải sống một mình ở các tỉnh và theo học ở các trường nội trú khổng lồ. Vì những vấn đề đó, chỉ có khoảng ¼ lực lượng lao động Trung Quốc tốt nghiệp phổ thông, theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Stanford, ông Scott Rozelle. Nhiều trẻ di cư không thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn của các công việc mang lại thu nhập khá.
Hệ thống sở hữu đất quá lỗi thời, cũng ra đời từ thời Mao Trạch Đông, càng gây thêm khó khăn cho quá trình dịch chuyển xã hội của người nghèo ở nông thôn Trung Quốc. Đối lập với bất động sản thành thị có thể cho thuê hoặc mua bán theo giá thị trường, nhà đất nông thôn được “sở hữu chung”. Người di cư và nông dân không thể cho thuê hay bán nhà đất của họ vì mục đích phi nông nghiệp. Điểm khác biệt này góp phần làm cho đất nước từng được biết đến chủ nghĩa quân bình nay lại trở thành đất nước bất công nhất thế giới. Theo các nhà kinh tế học Thomas Piketty và Gabriel Zucman, tỉ lệ tổng tài sản của 1% người Trung Quốc giàu có nhất đã tăng từ 15% (1995) lên đến 30% (2015). Tỉ lệ hợp nhất này gần bằng với Nga, nơi 1% dân số giàu nhất cũng có tổng tài sản tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 43%. 10% dân số giàu nhất Trung Quốc giờ đây cũng nắm giữ 67% tổng tài sản, tương đương với Nga. Trầm trọng hơn, hệ thống thuế lạc hậu chủ yếu dựa trên thuế giá trị gia tăng của Trung Quốc càng tác động mạnh lên người nghèo và hạn chế khả năng chi tiêu của họ.

TÀN DƯ TỪ QUÁ KHỨ

Vậy vì sao Trung Quốc không bãi bỏ những chính sách từ hàng thập kỷ này và giải phóng vùng sâu vùng xa để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng? Suy cho cùng, đó cũng chính là những nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố sẽ thực hiện vào năm 2013. Nhưng kể từ đó, những nỗ lực cải cách hệ thống hộ khẩu và hệ thống sở hữu đất vẫn còn hạn chế. Chỉ những thành phố nhỏ và kém sức hút kinh tế mới được mở cửa cho người di cư được định cư dài hạn. Việc trao nhiều quyền tự chủ đất đai cho nông dân thì vẫn còn đình trệ. Các quan chức thành phố, những người có nhiệm vụ giám sát các chính sách phúc lợi xã hội, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nhìn nhận chi phí nhập cư các gia đình mới vào thành phố là quá tốn kém. Chính quyền địa phương ở khu vực nông thôn, khác các chủ đất tư nhân, được phép bán và cho thuê đất sở hữu chung vì mục đích thương mại. Họ dần trở nên lệ thuộc vào dòng thu nhập này, theo nhà khoa học chính trị Susan Whiting tại Trường Đại học Washington, và do đó không muốn cấp quyền sở hữu đất chủ động hơn cho người dân nông thôn.
Tệ hơn, các cư dân thành thị được đăng ký chính thức, bao gồm cả các quan chức chính quyền đô thị, có xu hướng coi người di cư là ngoại lai và chỉ chấp nhận họ khi cần nhân lực cho những công việc không ai muốn làm—ví dụ như công việc trên dây chuyền sản xuất hay công trường xây dựng. Dân ngoại địa, waidiren, theo cách gọi chế nhạo những người di cư, thường bị đổ lỗi cho mọi sự tiêu cực của thành thị, từ tỉ lệ tội phạm gia tăng đến tắc nghẽn giao thông và bệnh truyền nhiễm như COVID-19 do sự xuất hiện của virus corona. Những người Trung Quốc đủ may mắn được sinh ra với hộ khẩu thành thị gần như không cần quan tâm đến việc tranh giành với những gia đình di cư cho các suất vào trường học và bệnh viện vốn dĩ đã quá tải.

Chính quyền địa phương đang đẩy những công nhân di cư khỏi nhiều thành phố ở Trung Quốc và ép họ trở về quê nhà.

Chính quyền địa phương đang đẩy những công nhân di cư khỏi nhiều thành phố ở Trung Quốc và ép họ trở về quê nhà. Năm 2018, nhiều thành phố hạng nhất bắt đầu trục xuất những gia đình di cư khỏi các khu chung cư đông đúc dưới danh nghĩa đảm bảo an toàn công cộng, đồng thời hạn chế cấp phép hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ cho các chủ doanh nghiệp là dân di cư, và đóng cửa các trường tư. Giờ đây, nhiều thành phố khác cũng làm điều tương tự. Các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, theo đuổi tầm nhìn lớn về tái cân bằng nền kinh tế dựa trên hoạt động tiêu dùng, đã cố gắng áp dụng các cải cách từ trên xuống: thay vì nới lỏng công tác đăng ký hộ gia đình và cho phép người di cư sinh sống và làm việc nơi họ mong muốn, các quan chức lại chủ yếu mở cửa các thành phố nhỏ mà họ đánh giá sẽ thu được lợi ích từ dòng người chuyển đến. Trong hầu hết các trường hợp, những thành phố này thường có mức tăng trưởng thấp và ít cơ hội nghề nghiệp. Có vẻ như Bắc Kinh cho rằng họ có thể tái tạo các khu vực suy thoái bằng cách đẩy người dân di cư sang—như thể những cư dân mới sẽ tìm được công việc hay phát triển các doanh nghiệp nhỏ một cách thần kỳ—đồng thời cũng giải quyết luôn bài toán dư thừa nhà đất.
Các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc hy vọng rằng họ có thể thúc đẩy tiêu dùng ở nông thôn mà không cần đưa ra các cải cách toàn diện nhằm loại bỏ các chính sách hạn chế từ thời Mao. Theo luận điểm của họ, những nhà nông làm công nhân sẽ được trả lương nhiều hơn—và tiêu nhiều tiền hơn—khi làm việc trong các ngành công nghiệp dịch vụ mới trong nền kinh tế việc làm tự do, hay khi trở thành doanh nhân. Khi không còn làm việc trong các nhà máy và công trường xây dựng nữa, họ sẽ lập trình ứng dụng điện thoại, lái xe cho các công ty dịch vụ chuyên chở, và điều hành doanh nghiệp nơi quê nhà. Vấn đề là phần lớn người dân nông thôn Trung Quốc không có những kỹ năng cần thiết cho các công việc này, và nền kinh tế việc làm tự do thì nhanh chóng cắt giảm nhân viên khi toàn bộ nền kinh tế chững lại. Theo nhà kinh tế học Albert Park từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, các ngành chuyên môn cao như viễn thông, công nghệ thông tin, điện toán, tài chính, và dịch vụ kinh doanh vẫn không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành dịch vụ ở Trung Quốc, và cũng không phát triển nhanh chóng. Thay vào đó, các công việc dịch vụ cấp thấp với lương thấp và rủi ro cao, ví dụ như giao hàng bằng xe máy, lại trở thành nghề nghiệp phổ biến nhất của người nông thôn và di cư Trung Quốc.
Những cải cách thiết thực nhằm giải phóng năng suất tại những vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc sẽ đòi hỏi ĐCSTQ phải nới lỏng kiểm soát của mình với các thành phố và cả vùng nông thôn—điều các nhà lãnh đạo muốn tăng cường quyền lực và kiểm soát sẽ khó lòng nhượng bộ. Không chỉ riêng chính quyền địa phương tại nông thôn sẽ mất đi những dòng thu nhập đáng kể, trong khi chính quyền tại thành phố phải gánh thêm gánh nặng kinh tế, ĐCSTQ cũng sẽ mất đi một trong những công cụ kiểm soát xã hội quyền lực nhất của mình: khả năng áp đặt nơi sinh sống của một nửa dân số. Nhưng trừ khi ĐCSTQ có thể giúp người nông thôn hòa nhập và gia nhập tầng lớp trung lưu, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể duy trì mức tăng trưởng ngoạn mục như hai thập kỷ qua. Cái bóng bao trùm nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực vượt xa phạm vi của đất nước này. Ngay cả khi đã giải quyết được một số thiệt hại từ virus corona, Trung Quốc sẽ không thể vực dậy được nền kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái. Nếu may mắn, Trung Quốc chỉ có thể cứu được chính mình.
Bài viết của Dexter Roberts trên Foreign Affairs ngày 8/4/2020
Vũ Quỳnh Anh dịch
__________________________________________________
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.

Đọc thêm: