Evergrande là gì? Cuộc khủng hoảng của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng của gã khổng lồ Evergrande có khoản nợ lớn hơn cả GDP của Việt Nam đến từ đâu? Và bài học của nó đem đến cho chúng ta là gì? Hãy cùng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng của Evergrande.
Trong thời gian gần đây, cái tên của tập đoàn Evergrande đã xuất hiện với tần suất cao trên báo chí của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng của gã khổng lồ bất động sản có khoản nợ lớn hơn cả GDP của Việt Nam đến từ đâu? Và bài học của nó đem đến cho chúng ta là gì? Hãy cùng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng của Evergrande.
Người khổng lồ bất động sản Evergrande
Tập đoàn Evergrande có mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản, quy mô lớn thứ 2 tại Trung Quốc dựa trên doanh số bán hàng. Tập đoàn được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Xu Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) vào năm 1997 tại Quảng Châu. Một số điểm nổi bật của tập đoàn này:
Evergrande từng nằm trong top Global 500 dựa trên những doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu toàn cầu.Nhân sự của công ty này lên tới 200.000 người và họ tạo việc làm liên đới đến 3,8 triệu người.
Nguồn: Reuters
Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án tại trên khắp các khu vực tại Trung Quốc.Ngoài lĩnh vực địa ốc, tập đoàn này còn lấn sân các lĩnh vực khác như xe điện, công viên giải trí và thể thao quan đến ngành lương thực, thực phẩm, tạp hóa….Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande nằm trong nhiều rổ chỉ số hàng đầu tại Á châu.
Nếu bạn là một người hâm mộ bóng đá thì Quảng Châu Evergrande hẳn là cái tên rất quen thuộc và thường xuyên xuất hiện trên mặt báo với các thương vụ chuyển nhượng đình đám. Câu lạc bộ bóng đá này sở hữu một sân vận động với sức chứa 100.000 người trị giá khoảng 1,7 tỷ đô la.
Tuy có sức ảnh hưởng rất lớn trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng tình hình hoạt động kinh doanh của Evergrande lại không có kết quả khả quan. Theo tờ The Washington Post, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận đạt 30,1 tỷ NDT (tương đương 4,7 tỷ đô la) trong năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận của tập đoàn này không đạt được kỳ vọng.
Evergrande chìm sâu vào khủng hoảng
Trong những năm gần đây, nhằm phục vụ mục tiêu bành trướng với tốc độ chóng mặt trên nhiều lĩnh vực của mình, Evergrande đã vay nợ một cách “vô tội vạ”. Hiện tại, khoản nợ của tập đoàn này đã lên tới 300 tỷ đô la tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc năm 2019 và cao hơn cả GDP Việt Nam năm 2019 là 261,9 tỷ đô la (Nguồn: World Bank).
Nguồn: Yahoo Finance
Chỉ trong vài tuần qua, Evergrande đã liên tục đưa ra các thông tin về doanh số bán hàng giảm sút và có khả năng vỡ nợ nếu không thể tìm được nguồn vốn mới. Ngoài câu chuyện về việc vay nợ quá nhiều, khả năng quản lý những người đứng đầu tập đoàn cũng bị đặt dấu hỏi.
Trước đó, đã có nhiều tín hiệu cho thấy Evergrande đang trở thành một quả bom nổ chậm có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Một số sự kiện đáng chú ý của Evergrande trong những năm gần đây.
Vào tháng 8 năm 2020, Chính quyền Trung Quốc nhận thấy tình trạng bong bóng bất động sản tại nước này tăng cao nên đã tổ chức một hội nghị quy tụ 12 tên tuổi hàng đầu của ngành này. Tại đây, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra đề xuất 3 lằn ranh đỏ đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty bất động sản. Đến tháng 6 năm 2021, tập đoàn này đã giảm các khoản nợ phải trả lãi từ 716,5 tỷ NDT xuống còn 570 tỷ NDT bằng việc liên tục huy động vốn qua các hoạt động IPO công ty con và bán bớt cổ phần của mình. Vào tháng 7 năm 2021, một tòa án đã phong tỏa 132 triệu NDT tiền gửi của Evergrande và nhiều ngân hàng tại HongKong từ chối cho các người mua dự án chưa hoàn tất của Evergrande được tiếp tục vay nợ.Các tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín đã nhiều lần hạ cấp Evergrande với lý do vấn đề về khả năng thanh toán nợ của tập đoàn. Tháng 9 năm 2021, nhiều nguồn tin cho biết Evergrande sẽ không thể thanh toán các khoản lãi của mình trong tháng này. Hàng loạt các trái chủ đã đến trụ sở của tập đoàn biểu tình.
Nguồn: Reuters
Hiện tại, phía Evergrande cho biết các tin đồn về việc phá sản là không đúng sự thật. Đồng thời những tin tức tiêu cực trên truyền thông đã khiến cho doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc bán hàng. Phía Evergrande cũng cho biết rằng họ đang phải đối mặt với các thử thách vô cùng khó khăn.
Nguồn: Bloomberg
Trong một báo cáo của S&P vào tháng 8, trong một năm tới Evergrande sẽ phải trả 240 tỷ NDT (tương đương 37,16 tỷ đô la) cho các nhà đầu thi công của mình. Trước năm 2022, các khoản đáo hạn lên tới 100 tỷ NDT. Trong năm 2021, giá cổ phiếu của Evergrande đã bay hơi 80% và trái phiếu của tập đoàn này đã bị tạm ngừng giao dịch.
Sự ảnh hưởng của Evergrande đến nền kinh tế Trung Quốc
Nhóm lợi ích đầu tiên chịu rủi ro đối với các khoản nợ của Evergrande chính là những ngân hàng, nhà đầu tư và những người mua sản phẩm của tập đoàn này. Chưa dừng lại ở đó, chính Evergrande cũng đã phát ra cảnh báo về một cuộc vỡ nợ chéo như hiệu ứng domino khi một tập đoàn quá lớn mất khả năng trả nợ có thể làm cho các công ty khác không thể thực hiện nghĩa vụ nợ của mình.
Nguồn: BondEvalue
Trước mắt, hàng loạt các nhà đầu tư tại châu Á tham gia vào các khoản trái phiếu nước ngoài do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã phải gánh thua lỗ do lợi suất trái phiếu tăng vọt 13%.
Về các ngành công nghiệp phụ trợ khác, giới quan sát đánh giá rằng rất có thể Evergrande đang cố gắng thương lượng thanh toán cho các nhà thầu xây dựng của mình bằng các tài sản vật chất trong bối cảnh kiệt quệ thanh khoản.
Theo lá thư Evergrande gửi cho chính phủ Trung Quốc vào cuối năm ngoái, các khoản nợ phải trả của họ liên quan đến hơn 128 ngân hàng và hơn 120 loại tổ chức khác. Trong đó có hàng loạt các tên tuổi hàng đầu của thị trường tài chính. Công ty quản lý tài sản Amundi có quy mô lớn nhất châu Âu là định chế tài chính nắm giữ trái phiếu quốc tế của Evergrande với khoảng 90 triệu đô la UBS Asset Management cũng nắm giữ trực tiếp 85 triệu đô la.
Too big to fall?
Trong năm 2021, ngân hàng quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc là Huarong đã được chính quyền giải cứu trước nguy cơ vỡ nợ. Đây là một tín hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh rất quan tâm đến các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, khoản nợ của Huarong chỉ rơi vào khoảng 41 tỷ đô la và cựu chủ tịch của Huarong là ông Lại Tiểu Dân phải lãnh án tử.
Nguồn: Reuters
Evergrande hiện đang cố gắng bán đi các tài sản để cứu chính bản thân gồm các dự án đầu tư và cổ phần tại các công ty về xe điện, quản lý tài sản. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện không dám chạm tay vào những khoản đầu tư quá rủi ro này. Và họ có lý do để chờ đợi khi có thể mua tài sản giá rẻ hơn nếu trường hợp Evergrande thật sự phá sản.
Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc cứu hay không cứu là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu cứu thì các doanh nghiệp lớn làm ăn thất bát sẽ không còn lo sợ thất bại, họ quá lớn để chính phủ có thể để cho họ phá sản. Tuy nhiên, nếu không cứu thì hệ thống tài chính quốc gia phải chịu một áp lực cực lớn và tổn hại sâu rộng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát hiện nay đang thiên về kịch bản Evergrande sẽ được ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan quyền lực khác của nước này đứng ra ứng cứu. Trước mắt phải bảo toàn sức mạnh của nền kinh tế sau đó cần chấn chỉnh các doanh nghiệp là câu chuyện của sau này. Kịch bản hiệu ứng Domino được kích hoạt như chính Evergrande đề cập sẽ diễn ra và có thể làm lung lay đến nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, tỉnh Quảng Châu đã khước từ đề nghị xin cứu trợ của tập đoàn này. Do vậy nếu được giải cứu, khả năng cao Evergrande sẽ được tái cơ cấu nợ và quy đổi các quỹ đất và dự án để nâng cao khả năng thanh khoản.
Tổng kết
Tập đoàn bất động sản Evergrande đã tận dụng môi trường lãi suất thấp cả hệ thống tài chính Trung Quốc trong những năm gần đây để vay nợ khủng khiếp. Trong nền kinh tế, khi có nền tảng lãi suất rẻ thì dòng tiền có xu hướng chảy vào các dạng tài sản có độ rủi ro cao, từ crypto, chứng khoán đến bất động sản. Đây là bài học nhãn tiền cho hậu quả của việc áp dụng chính sách tiền tệ rộng rãi. Evergrande chính là hồi chuông cảnh báo cho nền kinh tế hậu COVID-19 của các quốc gia trên thế giới.
Nguồn: Tradingeconomics
Việc liệu Evergrande có được cứu hay không cứu phụ thuộc vào tầng lớp thượng tầng của Trung Quốc. Kinh tế vốn có tính chu kỳ, chúng ta đã quá quen với những khủng hoảng kinh tế đến từ những nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ hay EU nhưng liệu sắp tới đây có thể một cuộc khủng hoảng sẽ đến từ công xưởng của thế giới?
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm các bài viết khác tại GenZInvest
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất