Nguồn: Jane Golley,  "An end to China’s ‘apartheid’?" , East Asia Forum, 14/01/2014
Biên dịch: Dương Quang Huy ( kinhtethegioi.net )

Từ hơn nửa thế kỷ nay, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát nơi ở của người dân nước mình bằng một chế độ được gọi là hukou (hộ khẩu). Chế độ này chia người dân thành hai nhóm tách biệt: nhóm có “hộ chiếu” nông thôn” và nhóm có “hộ chiếu” thành thị. Nếu dùng cụm từ “apartheid” để mô tả chế độ này thì có thể là hơi quá đáng, nhưng nghĩa đen của cụm từ này — apartheid có nghĩa là “tình trạng bị tách biệt” – cho thấy sự mô tả này cũng không phải không có lý.
Mặc dù những thập niên gần đây hàng triệu người dân nông thôn đã tìm đến các thành phố của Trung Quốc, thì vẫn còn hàng trăm triệu người khác chưa thể làm được điều đó. Vì vậy, thu nhập bình quân của người dân Trung Quốc ở vùng nông thôn chỉ bằng 1/3 người dân thành phố, trong đó đại đa số trong số 185 triệu người Trung Quốc có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày là sống tại các vùng nông thôn. Sự bất cân xứng này đơn giản là sẽ không thể tồn tại trong một nền kinh tế với sự dịch chuyển lao động hoàn hảo bởi lao đọng nông thôn sẽ luôn có xu hướng tìm đến các trung tâm đô thị chừng nào mức lương ở đây còn cao hơn. Chế độ hộ khẩu ngăn trở động lực cân bằng này và do đó nó là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bất bình đằng về thu nhập giữa nông thôn và thành thị tại Trung Quốc ngày nay.

Giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc ý thức rõ điều này và đang nghiên cứu kỹ việc thực hiện các cải cách về hộ khẩu. Điều này thể hiện qua một báo cáo được công bố tiếp sau Hội nghị Trung ương khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình - diễn ra trong các ngày 12 và 13/12/2014. Báo cáo tái khẳng định cam kết của Trung Quốc về chiến lược đô thị hóa nhằm thúc đẩy tang trưởng kinh tế trong thập niên tới đây, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ cho phép người lao động di cư sống tại các thành phố được phép được cấp hộ khẩu thường trú tại thành phố “một cách có trật tự”.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ Trung Quốc không hề có kế hoạch bãi bỏ chế độ hộ khẩu một cách triệt để. Thay vào đó, các thành phố đã được chia thành 4 loại: cải cách hộ khẩu sẽ tập trung vào những thành phố nhỏ, “mở cửa hoàn toàn” và những thành phố cỡ trung “có trật tự”, còn những thành phố lớn và các siêu đô thị sẽ tiếp tục áp dụng chế độ hộ khẩu với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc còn lâu mới sẵn sàng dỡ bỏ mọi sự kiểm soát.

Điều này là có thể hiểu được nếu xét đến mức độ to lớn của những thách thức mà cả các chính quyền địa phương và chính quyền trung ương Trung Quốc đang phải đối mặt khi nước này bắt tay vào kế hoạch đưa thêm 250 triệu người từ nông thôn vào thành thị tới năm 2025, ngoài con số trên 200 triệu lao động nhập cư hiện đang sống tại các thành phố nhưng nhìn chung là bị gạt ra rìa và không được hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội dành riêng cho cư dân có hộ khẩu thành phố. Nhìn vào những con số này, chúng ta sẽ thấy rằng cách tiếp cận kiểu ồ ạt cấp hộ khẩu thành phố cho bất cứ ai có nhu cầu và tại bất cứ thành phố nào mà họ muốn đến sẽ không phải là phương án khả thi. Áp lực lên chính quyền các thành phố vốn eo hẹp về ngân sách sẽ quá lớn và - mặc dù họ đang có những phương thức mới để huy động ngân sách, bao gồm cả việc cải tổ hệ thống thuế và thành lập các định chế tài chính nhằm hỗ trợ hạ tầng và nhà ở đô thị - và mọi việc rõ ràng là cần có thời gian.

Thay vào đó, vấn đề cải cách hộ khẩu có khả năng sẽ tiếp tục một cách tiệm tiến, từng bước, đúng kiểu "dò đá qua sông" như giai đoạn quá độ 35 năm sang nền kinh tế thị trường của cả nước Trung Quốc.

Ví dụ, tại Thành Đô, một chế độ hạn mức hoán đổi đất đai mới cho phép nông dân được hoán đổi đất tại nông thôn lấy nhà ở tại thành phố, kéo theo đó là những quy định được ban hành cuối năm 2010 cho phép tất cả công dân tại Thành Đô – bao gồm 5 triệu nông dân – được tự do di chuyển vào thành phố và đăng ký hộ khẩu ở đây cũng như được hưởng mọi quyền lợi gắn liền với hộ khẩu này. Như Tom Miller đã chỉ ra trong cuốn China’s Urban Billion xuất bản năm 2012: “Nếu chính quyền Thành Đô giữ đúng cam kết, đây sẽ là một bước đột phá lớn trong quá trình cải cách hộ khẩu”.

Các thử nghiệm khác mà Trung Quốc áp dụng bao gồm việc sử dụng các hệ thống chấm điểm cho di dân. Hệ thống này được triển khai lần đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 2004 và tỉnh Quảng Đông vào năm 2010, theo đó hộ khẩu thường trú sẽ được cấp cho những người ngoại tỉnh tích lũy được một số điểm nhất định dựa trên các tiêu chí như việc làm, trình độ học vấn, thu nhập và các tiêu chí khác (chủ yếu là về mặt kinh tế). Mặc dù hệ thống chấm điểm có thể được biện minh nhờ hiệu quả trong thực tế triển khai, những hệ quả về mặt phân bổ của nó có thể sẽ rất tiêu cực: nó tạo ra một giai tầng thấp kém (do không tích lũy đủ điểm để có hộ khẩu) từ tầng lớp người Trung Quốc từ các khu vực nông thôn vốn đã bị coi là công dân hạng hai. Việc có áp dụng đại trà chế độ chấm điểm này trên cả nước hay không là điều mà chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ cần phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Trong một chỉ dấu gần đây nhất về quá trình cải cách từng nước, một thông cáo của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã ngày 18/12/2014 cho biết Bộ Công an và 11 bộ cùng ủy ban khác đã dự thảo hướng dẫn cải cách cho chế độ hộ khẩu với mục tiêu thiết lập một chế độ mới vào năm 2020. Nếu được chính phủ phê duyệt, chế độ hộ khẩu mới sẽ được căn cứ vào nơi cư trsu và làm việc của một người, chứ không phải nơi sinh của người đó. Đây là một dấu hiệu tích cực cho di dân đang làm việc tại các thành phố, mặc dù từ đây đến đó vẫn còn cần kiên nhẫn chờ đợi. Ý nghĩa của cải cách này với 640 triệu người Trung Quốc vẫn đang sống và làm việc tại các vùng nông thông của nước này lại là vấn đề khác.

Chuỗi các thông cáo này xuất hiện không lâu sau khi Nelson Mandela – nhà lãnh tụ đã đấu tranh suốt nhiều thập niên để bãi bỏ chế độ apartheid và đảm bảo một nền dân chủ đa sắc tộc cho nước Nam Phi – qua đời. Chủ tịch Tập Cận Bình có cơ hội chấm dứt “chế độ apartheid của Trung Quốc” và có thể sẽ trở thành anh hùng dân tộc, hoặc thậm chí anh hùng quốc tế, nếu giải quyết được vấn đề này. Thách thức là to lớn, nhưng không phải không thể vượt qua.

Tiến sỹ Jane Golley là Phó Giám đốc Trung tâm Australia về Trung Quốc, Cao đẳng Châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia.

Một số thông tin khác về chế độ hộ khẩu và nguồn gốc của nó:

Chế độ hukou (hộ khẩu) có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Tên chính xác của nó phải là "huji" (tức "hộ tích"), còn "hộ khẩu" là chỉ địa vị cư trú có đăng ký của một cá nhân trong hệ thống này. Tuy nhiên, trong hội thoại hàng ngày, người ta hay dùng cụm từ "Hộ khẩu" hơn. Trong tiếng Anh, người ta dùng "Hukou" để hàm ý chỉ cả chế độ hộ tích và tình trạng hộ khẩu của một cá nhân.
Hộ khẩu xuất hiện tại Trung Quốc từ thời nhà Hạ (khoảng 2100 - 1600 TCN). Trong các thế kỷ sau đó, hộ khẩu được phát triển thành một hệ thống để phân loại các hộ gia đình nhằm mục đích đánh thuế, quân dịch và kiểm soát xã hội.
Quản Trọng, tướng quốc nước Tề (khoảng thế kỷ thứ 7 TCN), đã áp đặt các chính sách thuế và quân dịch khác nhau cho các vùng khác nhau. Ngoài ra, Quản Trọng còn cấm nhập cư, di cư hay chia tách hộ gia đình mà không được phép.
Thương Ưởng (khoảng 390 TCN-338 TCN), nhà chính trị gia, pháp gia nổi tiếng, thừa tướng nước Tầncủa thời Chiến Quốc, cũng áp dụng chính sách hạn chế nhập cư và di cư. Chính sách này góp phần làm cho nước Tần trở nên cường thịnh, nhưng trớ trêu là cũng vì chính sách này mà Thương Ưởng thiệt thân, còn vạ lây đến cả nhà.
"Thương Ưởng bỏ trốn đến cửa quan muốn vào ở nhà trọ. Chủ nhà trọ nói theo phép của Thương Quân phải có giấy chứng nhận mới cho vào ở. Thương Ưởng bỏ đi, than về cái tệ hại của pháp lệnh của mình đặt ra. Sau đó ông bỏ sang nước Ngụy. Người nước Ngụy giận ông chiếm Hà Tây, đuổi về nước Tần. Về nước, Thương Ưởng tập hợp binh ở đất Thương Ư tiến về hướng bắc đánh đất Trịnh. Vua Tần đem binh đánh Thương Quân, bắt được ông, đem đi giết ở Dẫn Trì thuộc đất Trịnh. Tần Huệ Văn vương lấy xe xé xác ông để thị uy, sau đó lại giết cả nhà của Thương Ưởng".
Hiện nay, chế độ hộ khẩu tồn tại tại các nước Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên. Tại Hàn Quốc, chế độ hộ khẩu đã bị bãi bỏ từ ngày 1/1/2008.
(Nguồn: Tổng hợp Wikipedia)