Ảnh: Shigong Li
Ảnh: Shigong Li
Sự việc gần đây rằng Hội An là thành phố đầu tiên ở Việt Nam cam kết không tiêu thụ thịt chó mèo [1] đã làm dấy lên tranh cãi trong dư luận. Sự việc này có thể gọi là một chiến thắng của những người thúc đẩy phúc lợi động vật, và là một thất bại của những người đòi giữ quốc hồn quốc tuý, cũng như thất bại trong việc dùng lí trí để thay đổi vấn đề này.
Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên
Cuộc tranh cãi này đã có thâm niên, cho đến bây giờ lí luận của cả hai bên đều không có gì mới khiến cho nó trở thành vô bổ mỗi khi nổ ra. Tuy nhiên động thái vừa rồi của thành phố Hội An quả thực đáng chú ý, vậy nên ở bài viết này tôi sẽ làm mẫu vài đường cơ bản để lí giải tại sao xu thế chung của thế giới là thúc đẩy phúc lợi động vật, và tại sao nhóm người ủng hộ thịt chó lại thất bại dẫu họ rất có lí.
I. VỀ NHÓM NGƯỜI THÚC ĐẨY PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT

1. Giải ảo thông tin

Đầu tiên phải xác định đây là một văn bản thoả thuận giữa UBND TP Hội An với tổ chức phi chính phủ Four Paws, chứ không phải một văn bản có tính quy phạm pháp luật, do đó văn bản này không thể cưỡng bách mọi người trong xã hội. Vì chưa được đọc nội dung thoả thuận nên tôi chưa thể biết rõ hơn, nhưng có thể biết chắc chắn rằng thoả thuận thì không có tính quy phạm pháp luật. Nếu thoả thuận này được tuân thủ thì sẽ sinh lợi ích cho cả hai bên, nếu bị vi phạm thì lợi ích không còn nữa, vậy thôi. Khi một trong hai bên nắm quyền lực nhà nước thì việc kiện cáo rất khó xảy ra do phải viện đến thẩm quyền xét xử rất lớn, mà tổ chức phi chính phủ kiện nhà nước thì nghe nó hơi… văn học kì ảo.
Do vậy mà thứ nhất, nói UBND TP Hội An cấm người dân ăn thịt chó là bậy bạ, hành động này thiên về quảng bá hình ảnh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng thì đúng hơn, đôi bên có lợi trước hết ở chỗ một bên tạo hình ảnh thân thiện, một bên được tiếng là có tác động. Thứ hai, chiến thắng này mang ý nghĩa tinh thần là chính, vậy nên bên phúc lợi động vật nên xác định là việc bán thịt chó hiện nay ở Hội An (nếu còn) vẫn không phải phạm pháp, và bên cuồng thịt chó cũng không cần phải rú lên chửi Hội An ông ổng làm văng cả mắm tôm lên màn hình.

2. Hệ quả của một thế giới giải trừ bạo lực

Qua sự việc Hội An, chúng ta có thể phân tích để thấy những cách nên làm của công việc thúc đẩy phúc lợi động vật và căn nguyên của công việc này.
Thứ nhất là không có hành động cấm đoán ở đây, mà chỉ có chuyện dùng sức ảnh hưởng để tạo ra thay đổi. Four Paws không thể cưỡng ép TP Hội An theo ý mình, TP Hội An cũng không cấm đoán người dân, tất cả đều đến từ sức ảnh hưởng. Four Paws cùng với du khách dùng tiền và lượt du lịch của mình để tạo ảnh hưởng lên TP Hội An, TP Hội An vì là thành phố du lịch nên cần du khách và do đó phải thay đổi. Mặt khác người dân Hội An cũng đồng thuận rằng việc không tiêu thụ thịt chó phù hợp hơn so với việc bắt du khách phải quen với thịt chó. Sự thay đổi này là tự nguyện và mang lại lợi ích cho cả đôi bên, nó rất khác với tư duy của những người ủng hộ thịt chó với lí do giữ gìn văn hoá, khi mà cái văn hoá đó không mang lại lợi ích, thậm chí còn có hại cho một thành phố du lịch.
Thứ hai, thoả thuận này cho thấy sự văn minh ở việc tôn trọng cảm xúc của người khác. Nhóm người ủng hộ thịt chó thường dẫn ra ví dụ rằng người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò nhưng không cấm thế giới ăn, nhóm người phúc lợi động vật cũng nên thế. Họ dẫn ra ví dụ hợp lí, nhưng cách hiểu của họ thì sai. Nhóm phúc lợi động vật chưa bao giờ và không thể nào cấm người khác ăn gì, họ chỉ có thể dùng sức ảnh hưởng mà thôi. Lại nói về cái ví dụ, một mặt người Ấn Độ giáo không cấm chúng ta ăn thịt bò, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải ý tứ tránh ăn thịt bò trước mặt họ, đó là tôn trọng cảm xúc. Việc Hội An không tiêu thụ thịt chó trước hết chính là biểu hiện của việc tôn trọng cảm xúc của du khách vậy.
Nói đến đây hẳn anh chị đã rõ chuyện này không phải vấn đề về lí trí mà chỉ là vấn đề về sức ảnh hưởng và được xây dựng trên tình cảm. Một người không được ăn món mình thích, đó chỉ được coi là nỗi đau khi không được thoả mãn nhu cầu thuộc dạng giải trí, nhưng một người nhìn thấy con vật mà họ cho là bạn bè bị giết thịt, đó được coi là nỗi đau liên quan đến nhân tính. Tất nhiên hoàn toàn có thể có người làm bạn với lợn, gà, bò và thực sự đau khi thấy chúng bị giết thịt, nhóm người này hoàn toàn có quyền lên tiếng để thay đổi, vấn đề ở đây chỉ là sức ảnh hưởng của họ có đủ lớn hay không. Nếu không đủ lớn, họ đành phải chờ đến tương lai khi có nhiều người như họ hơn và do đó có sức ảnh hưởng lớn hơn mà thôi. Không phải trùng hợp mà Hội An – một thành phố du lịch – là nơi đầu tiên ở Việt Nam cam kết không tiêu thụ chó mèo. Việc chờ đợi và đấu tranh lâu dài là bình thường, nên nhớ 200 năm trước các nghị sĩ Anh đã cười nhạo khi luật cấm lạm dụng ngựa được đề xuất, lại còn giễu thêm rằng sao không ra luật bảo vệ chó mèo luôn đi [2]. Như chúng ta đã biết, 200 năm sau chuyện từng bị giễu cợt ấy đã được đưa vào luật của nhiều nước phát triển, tất cả nhờ ở lòng kiên trì vậy.
Ảnh: Psychologytoday
Ảnh: Psychologytoday
Thứ ba, việc tôn trọng cảm xúc xuất phát từ lòng đồng cảm – khả năng thấu hiểu và cảm nhận cảm xúc của người khác. Anh không yêu chó nhưng nếu anh biết đồng cảm anh sẽ hiểu được nỗi đau của một người yêu chó khi nhìn thấy chúng bị giết thịt, và nếu anh là người tử tế, anh sẽ làm sao để tránh cho họ nỗi đau ấy thay vì bắt họ phải chịu đựng theo cách mà đáng lẽ anh đã có thể giúp họ tránh được. Như ở một bài viết khác tôi đã làm rõ [3], thế kỉ XX là thời kì bùng nổ các loại quyền và căn nguyên cho sự này nằm ở việc cả thế giới đồng thuận giải trừ bạo lực, nâng cao giá trị con người, phát triển lòng đồng cảm để sống với nhau bác ái hơn. Sau nấc thang đầu tiên là nhân quyền, rồi đến quyền cho nhóm người yếu thế như nô lệ, phụ nữ, người đồng tính, v.v. thì nấc thang cao hơn là quyền động vật khi mà chúng ta mở rộng lòng đồng cảm, để có khả năng đồng cảm khác loài chứ không chỉ cùng loài như thời dã man.
Trong những loài động vật, chó được ưu ái hơn cả bởi chúng gần gũi về mặt cảm xúc với loài người nhất qua việc loài chó được huấn luyện để an ủi người trầm cảm hay giúp đỡ người già trong sinh hoạt thường ngày. Trớ trêu thay chính lí do khiến chó được ưu ái ở một số nước lại trở thành lí do khiến chó ít được ưu ái ở Việt Nam, do vấn đề cảm xúc vẫn thường bị người Việt thế hệ cũ coi thường. Đối với thành phần gia trưởng thủ cựu thì trầm cảm là biểu hiện của yếu đuối và đáng chê, còn tự tử vì trầm cảm thì là ngu xuẩn và đáng chửi. Tôi vẫn còn nhớ trong sự việc cấp cứu mèo bị chốt chặn ở Long An vào giữa năm nay, người trực chốt hỏi một cách hết sức điềm nhiên rằng “Vì con mèo mà cũng khóc hả?” Sự điềm nhiên ấy lột tả khác biệt rất lớn giữa cách nhìn nhận và bày tỏ cảm xúc với động vật của hai thế hệ già trẻ.
Văn hoá coi nhẹ cảm xúc có thể được thông cảm do cuộc sống khốn khó xưa kia khi tính mạng con người còn bấp bênh vì thiếu vật chất và bệnh trầm cảm thì chưa phổ biến lúc bấy giờ. Với họ con chó là để chống đói vài ngày, trăng sáng để đỡ tốn ba hào mua dầu, và tình yêu là thứ để khỏi phải trả tiền. Nhưng khi xã hội thay đổi, thứ văn hoá này nên biến mất bởi nó không phải thứ văn hoá đẹp đẽ mà chỉ là một dấu vết đáng buồn của thời kì khốn khổ và phải sống nhẫn tâm vì khốn khổ.

3. Dã man có nhiều kiểu nhưng văn minh chỉ có một

Phải nói rõ rằng sự văn minh tôi nói từ đầu đến giờ được nhận biết qua mức độ đồng cảm mà nền văn hoá thể hiện, chứ không phải cứ giống theo phương tây thì nghĩa là văn minh. Tôi cũng muốn nói rõ rằng phúc lợi động vật cao, nếu đến từ lòng đồng cảm cao, là một trong nhiều biểu hiện của văn minh, nhưng không thể suy ngược rằng hễ cứ có phúc lợi động vật cao thì tức là văn minh.
Việc nghe đến từ “văn minh” mà não chỉ liên tưởng được đến phương tây là hậu quả đáng buồn của phản xạ Pavlov, cho thấy một bộ não bị đầu độc vì chủ nghĩa dân tộc. Bởi chưng khái niệm văn minh vốn dĩ không gắn liền với bất kì dân tộc hay quốc gia nào, nó là một bộ giá trị có thể thu thập được từ mọi nơi. Chúng ta không nên sống theo cách của người phương tây hay người phương đông, mà nên sống theo cách của người văn minh, và văn minh được xây dựng từ nhiều nền văn hoá.
Việc người già đối mặt với cảnh cô đơn vì không sống cùng con cháu của văn hoá phương tây là nhược điểm và họ đang học hỏi phương đông để tìm cách thay đổi, hay khủng hoảng danh tính ở trẻ vị thành niên phương tây không hề được coi là văn minh và họ đang tìm cách thay đổi theo cách nuôi dưỡng của những xã hội người săn bắt hái lượm nơi trẻ được cho bú dài ngày, ngủ cùng cha mẹ và được khuyến khích tự mày mò mọi thứ [4].
Chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn không chỉ tạo ra phản xạ Pavlov đáng buồn ấy mà còn khiến người ta sẵn sàng mang cái xấu của dân tộc khác ra đấu tố cốt để phủ nhận những điểm văn minh của họ nhằm yên phận với cái xấu của dân tộc mình và nhất quyết không chịu sửa đổi gì cả.
Nhưng phải công nhận rằng đang có rất nhiều giá trị đến từ phương tây được các khu vực còn lại học hỏi. Vì sao? Vì dã man thì có nhiều kiểu nhưng văn minh chỉ có một kiểu. Các nước phương tây với nền văn hoá chú trọng vào con người cá nhân nên đã sản sinh ra nhiều giá trị nhân bản. Ở đó nó tập trung mọi thứ vào quyền lợi của từng cá nhân thay vì quyền lợi của dân tộc, tổ quốc hay tầng lớp cai trị, vậy nên không khó hiểu khi nó được toàn nhân loại ưa chuộng, bởi chúng ta dù khác biệt văn hoá hay chính trị nhưng trên hết vẫn cùng là con người như nhau.
Dã man là khi có vấn đề về tinh thần, nơi thì mặc kệ, nơi thì nhạo báng, nơi thì xung đột, còn văn minh là tìm cách né tránh gây tổn thương. Dã man là khi con cái phải kết hôn nơi thì theo ý cha mẹ, nơi theo người giám hộ, nơi theo giai cấp xã hội, còn văn minh là khi mọi người được tự do yêu và cưới bất cứ ai mình muốn. Dã man là khi đề ra rất nhiều quy tắc khác nhau về quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu, văn minh là mọi người cư xử gọn gàng theo một quy tắc tôn trọng và bình đẳng. Bởi vậy tôi mới nói dã man thì có nhiều kiểu nhưng văn minh chỉ có một kiểu là vậy.
Và cuối cùng trong phần này, quyền động vật tuy lấy đối tượng là động vật nhưng thực chất vẫn lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. Hãy biết rằng chúng ta không thể hỏi ý kiến động vật xem chúng có đồng ý với quyền này hay không, thậm chí chúng ta cũng không chắc chắn những con vật mình giải cứu có thực sự đau khổ và cần cứu hay không, tất cả đều đến từ lòng đồng cảm của chúng ta mà thôi và chắc chắn nó mang tính chủ quan. Vậy nên khi một người bảo vệ quyền động vật thì sâu xa chính là đang bảo vệ con người, và ngược lại với những ai phản đối.
II. VỀ NHÓM NGƯỜI ỦNG HỘ THỊT CHÓ

1. Văn minh nửa chừng và dã man tuyệt đối, họ chọn gì?

Luận điểm thường gặp nhất của nhóm người ủng hộ thịt chó đó là: Nếu đã bảo vệ động vật thì phải bảo vệ tất cả chứ không được riêng chó mèo, vì xét trên những ưu điểm chó mèo có, các loài khác cũng có tương tự hoặc có thể bù đắp được. Lập luận này không sai, thực chất nó là một dạng tư duy phổ quát, thứ tư duy nền tảng để xây dựng bình đẳng và khách quan, một dấu hiệu của trưởng thành trí tuệ khi không đặt bản thân làm trung tâm của mọi sự rồi lấy tình cảm của bản thân làm thước đo đánh giá vấn đề.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa trưởng thành và trẻ con ở trường hợp này rất mong manh, nó nằm ở cách người ta dùng tư duy phổ quát với mục đích gì. Trong ảnh dưới, những người nói câu đó luôn ngầm cho rằng bảo vệ chó mèo thì tức là không bao giờ bảo vệ lợn, gà, bò; và tệ hơn cả, việc lên tiếng của họ không nhằm thu hút sự bảo vệ cho lợn, gà, bò mà chỉ với mục đích dẹp hết không bảo vệ con gì cả. Đây là thứ tư duy tị nạnh của trẻ con, chỉ được dùng khi bản thân người nói gặp bất lợi, và chỉ dùng với mục đích kéo cho tất cả cùng gặp bất lợi như mình, thay vì nâng tất cả lên bằng các giá trị bình đẳng, khách quan, lí tính.
Cái trẻ con tiếp theo của nhóm người đó là tư duy nhị nguyên, nhưng rất tài tình được bọc trong lớp vỏ lí trí. Đó là họ muốn tỏ ra rằng mình không mâu thuẫn, họ cho rằng hoặc phải không ăn thịt hoặc phải ăn mọi loại thịt mới được, đối với họ hoặc là giết hoặc là không giết động vật, chứ giết nhân đạo là khái niệm vứt đi. Bằng việc tư duy nhị nguyên trong trường hợp này, họ đang bắt cả nhân loại phải lựa chọn hoặc văn minh tuyệt đối hoặc dã man tuyệt đối. Văn minh tuyệt đối rõ ràng là không tưởng với hiện tại, vậy tất yếu chúng ta phải chọn dã man tuyệt đối? May thay là không, bởi người lành mạnh thì không tư duy nhị nguyên.
Hãy biết rằng thế kỉ XVII khi John Locke bàn về nhân quyền thì nước Anh vẫn chưa xoá bỏ triệt để chế độ nô lệ, Tuyên ngôn độc lập Mĩ cất lên vào thế kỉ XVIII khi nước Mĩ vẫn còn chế độ nô lệ, thậm chí nếu coi nền tảng nhân quyền xuất phát từ thời Hi Lạp cổ thì suốt gần 2000 năm chế độ nô lệ vẫn sống song song cùng nhân quyền. Hay làn sóng nữ quyền lần đầu tiên chỉ đòi quyền chính trị cho phụ nữ, ở mọi lĩnh vực khác phụ nữ vẫn chịu bất công. Điều này có nghĩa rằng văn minh trên lí tưởng và thực tế luôn có khoảng cách, do đó ở thực tế luôn tồn tại một thứ văn minh nửa chừng. Nhưng văn minh nửa chừng chắc chắn tốt hơn dã man tuyệt đối.
Sự nửa chừng vốn dĩ không xấu, vì để xây dựng bất cứ cái gì cũng cần quá trình, nửa chừng chỉ xấu ở chỗ nếu đối tượng không tự biết mình nửa chừng hoặc yên phận với cái nửa chừng và cho thế là đủ tốt rồi, bằng lí do là vì bọn nó cũng nửa chừng giống bọn ta. Trớ trêu thay, đây chính là thứ tư duy của nhóm người ủng hộ thịt chó và thường xuyên được họ sử dụng. Nhóm người này thường dẫn món foie gras của Pháp để thúc đẩy mục đích cố hữu: thà dã man tuyệt đối còn hơn văn minh nửa chừng. Thế nhưng, vì những lí do cũng cố hữu của nhóm người này – dốt ngoại ngữ – mà họ không hề biết ngoài biển lớn sự văn minh đã đi đến những nấc nào rồi.
Cụ thể với foie gras, từ năm 2019 tổ chức khoa học Aviwell của Pháp đã phát triển cách tạo ra món gan béo này mà không phải ép ngỗng ăn bằng cách tiêm huyết thanh cho con ngỗng để nó béo tự nhiên ngay từ nhỏ [5]. Ngoài ra tôi còn cẩn thận tìm hiểu xem đây là sự thật hay chiêu trò và đã tìm được một bài báo 2021 cho biết món gan béo tự nhiên ấy hiện đã được bán ở Pháp, không những thế còn biết rằng chính người Pháp cũng phản đối món foie gras cổ truyền qua việc thành phố Lyon và Grenoble chính thức cấm foie gras trong các sự kiện lớn [6].
Thực kiện foie gras cho chúng ta vỡ ra nhiều điều. Thứ nhất, văn hoá truyền thống có thể được dẹp bỏ nếu nó đi ngược với văn minh, ở đây dùng với nghĩa là đồng cảm với động vật; mà ngay việc dũng cảm dẹp bỏ truyền thống xấu cũng được tôi coi là một biểu hiện nữa của văn minh. Thứ hai, việc không yên phận với sự nửa chừng chính là động lực để phát triển cho tốt hơn. Nếu người Pháp bảo thủ với món gan béo cổ truyền thì cố nhiên món gan béo tự nhiên không được ra đời, khoa học về lĩnh vực đó cũng không được phát triển. Thứ ba, rốt cuộc thì người Pháp không cần bỏ món foie gras vì đã dung hoà được hủ tục với văn minh bằng khoa học, chứ không bằng hành động tị nạnh trẻ con.
Báo La Tribune
Báo La Tribune
Tất nhiên món gan béo tự nhiên vẫn có vấn đề của nó. Nó đắt nên không phổ biến, có thể có người cho rằng nó kém ngon, có người cho rằng tiêm huyết thanh vẫn là độc ác. Không sao cả, đây chính là sự không yên phận và nó thúc đẩy người ta phát triển hơn nữa để khiến vấn đề tốt lên, thay vì yên phận với cái dã man tuyệt đối.

2. Văn hoá truyền thống là cái gì mà không được bỏ?

Luận điệu cuối cùng của nhóm người ủng hộ thịt chó là văn hoá truyền thống không bỏ được, nhưng họ không kèm theo bất cứ lí do nào cho việc đó. Văn hoá, theo học giả Đào Duy Anh, là “những giá trị biểu hiện những trạng thái sinh hoạt của loài người, nhờ đó mà loài người phân biệt với các loài động vật khác” [7]. Nếu đồng ý với định nghĩa này, thì văn hoá là thứ sẽ thay đổi tuỳ theo sinh hoạt. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng rất nhiều văn hoá của người Việt xưa đã không còn đến nay, điều này là hiển nhiên khi nhận thức con người thay đổi, kéo theo sinh hoạt thay đổi, cuối cùng là văn hoá thay đổi.
Lại nói riêng về thịt chó, ở châu Âu xưa cũng có nơi ăn thịt chó và nay chuyển sang cấm tiêu thụ thịt chó trong luật. Quyển sách năm 1979 Unmentionable Cuisine thuật lại rằng ẩm thực Thuỵ Sĩ có món thịt chó thái lát gọi là gedörrtes Hundefleisch [8], tuy nhiên hiện giờ luật pháp của Thuỵ Sĩ chính thức cấm buôn bán thịt chó thương phẩm. Qua đây cho thấy việc một thứ từng là văn hoá, sau này lại bị cấm trong luật pháp là hết sức bình thường. Việt Nam có văn hoá tảo hôn, văn hoá mâm trên mâm dưới tuỳ theo có sinh được con trai hay không, văn hoá mâm trên nhà, mâm dưới bếp tuỳ theo giới tính, đều đã và đang được dẹp bỏ. Ngay cả văn hoá vô hại như nhuộm răng cũng mai một chỉ vì không hợp thời, dẫu cho nó từng ảnh hưởng đến cả tiêu chí về cái đẹp của người Việt xưa.
Răng đen ai nhuộm cho mình Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?
Năm quan mua lấy miệng cười Mười quan chẳng tiếc, miệng người răng đen.
Lấy chồng cho đáng tấm chồng, Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
Ca dao Việt Nam
Vậy nên cuối cùng, tôi áp dụng tư duy phổ quát ở đây, đó là thịt chó sẽ không và không bao giờ là ngoại lệ nếu xét thấy không hợp thời như những gì bài viết này phân tích. Và trên phạm vi thế giới, Việt Nam không và sẽ không bao giờ là ngoại lệ khi đi theo tiến trình văn minh. Văn minh trên thế giới này luôn đi theo một hướng, bởi dã man thì có nhiều kiểu nhưng văn minh chỉ có một.
Chú thích:
[1] Hội An - thành phố đầu tiên Việt Nam nói không với việc sử dụng thịt chó, mèo
[2] Animal rights as laughing matter: N. Kristof, “Humanity toward animals,” New York Times, Apr. 8, 2009.
[3] Nghịch lí thời bình: Có lí nào vừa muốn trừng phạt dã man, vừa muốn xã hội yên bình?
[4] Diamond, Jared. The World until Yesterday: What Can We Learn from Traditional Societies? London, Penguin, 2013.
[5] Aviwell invente le premier foie naturellement gras sans gavage de l'animal
[6] Est-il possible de produire du foie gras sans gavage ?
[7] Văn hoá là gì, tr.10, Đào Duy Anh, NXB Tân Việt, 1948.
[8] Schwabe, Calvin W. (1979). Unmentionable cuisine. University of Virginia Press. p.173.
TORNAD
12/12/2021