Trong thời gian gần đây, những thông tin về người bạn hàng xóm phương Bắc của chúng ta liên tục được lấp đầy các mặt báo. 
“Trung Quốc đã giàu vượt Mỹ”, “Tổng tài sản ròng của Trung Quốc vươn lên số 1 thế giới” hay “Trung Quốc đã chính thức giàu hơn Mỹ” là những câu mà chúng ta đã được thấy trong suốt nhiều ngày qua. 
Nghe tới đây thì có lẽ là nhiều bạn sẽ cảm thấy hơi nghi vấn. Làm sao mà nền kinh tế Trung Quốc lại có thể lớn mạnh hơn kinh tế Mỹ trong 1 thời gian ngắn như vậy được ? Sự thực có phải như những gì mà chúng ta đang nghĩ không ? Hay còn có 1 sự thật nào đó chưa được làm rõ ở đây ? Nguồn gốc và bản chất của thông tin này là gì ? 
Nếu như các bạn đang có hứng thú với những câu hỏi như trên, thì xin chúc mừng, mình ở đây, hôm nay, trong bài viết này để giải thích cho các bạn tất cả những điều đó ! Let’s Go ! Cùng tìm hiểu thôi nào! 
“Tài sản trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, với mức tăng mạnh nhất thuộc về Trung Quốc và nước này đã vượt qua Mỹ để giành lấy vị trí quốc gia có tổng tài sản lớn nhất thế giới.”
Đây là thông tin đưa ra trong một nghiên cứu mới công bố của McKinsey – công ty tư vấn quản lý toàn cầu, về lượng tài sản toàn cầu. Theo nghiên cứu trên, tổng tài sản ròng của thế giới đã tăng lên mức 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020, từ mức 156 nghìn tỷ USD vào năm 2000. 
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có mức tăng tài sản ròng mạnh mẽ nhất với cột mốc 7.000 tỷ USD vào năm 2000 lên con số 120.000 tỷ USD vào năm 2020. Còn Mỹ cũng trong khoảng thời gian đó đã tăng lên mức 90.000 tỷ USD. Và cũng chính nhờ đó mà Trung Quốc đã soán ngôi vị giàu nhất thế giới của Mỹ. Đương nhiên tất cả chúng ta nghe tới đây thì đều thấy có 1 cái gì đó sai sai ? 
Oke, trước giờ, khi so sánh quy mô của 2 nền kinh tế chúng ta thường nghe tới chỉ số GDP, tổng sản phẩm quốc nội hoặc GDP bình quân đầu người. Nếu xét theo chỉ số này thì thực sự Mỹ vẫn đang vượt trội hơn so với Trung Quốc. Cụ thể theo Wikipedia, trích theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế thì GDP ước tính tới thời điểm hiện tại trong năm 2021 của Mỹ là 22.939.580.000.000 USD còn của Trung Quốc chỉ là 16.862.979.000.000 USD. Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người của 2 quốc gia này cũng theo ước tính của quỹ tiền tệ quốc tế thì Mỹ xếp thứ 5 với 69.375 USD còn Trung Quốc xếp tận thứ 58 khi 1 người Trung Quốc sẽ làm ra 11.891 USD trong năm 2021. Như vậy có thể hiểu rằng, tổng số của cải làm ra trong 1 năm cụ thể là năm 2021 của Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc khá nhiều, GDP bình quân đầu người của Mỹ cũng cao hơn Trung Quốc rất nhiều. Vậy thì thông báo của McKinsey có vấn đề gì ? Câu trả lời nó hoàn toàn không có vấn đề gì, bởi thông báo này dùng chỉ số “Tài Sản Ròng” để đánh giá. Vậy tài sản ròng ở đây là gì ? 
Theo như bản báo cáo thì McKinsey quy định tài sản ròng bao gồm 3 giá trị sau: 
Bất động sản
Cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị…
Các tài sản vô hình như bằng sáng chế, tài sản trí tuệ
Các tài sản tài chính không được McKinsey đưa vào dữ liệu tài sản toàn cầu, vì các tài sản này bị cân bằng bởi các nghĩa vụ nợ. Nói nôm na, là tiền mặt hay 1 tài sản khác nếu có tính thì phải tính cả nợ vào nên tạm thời McKinsey chưa tính tới. Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ được cân bằng bởi nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư đó. Hiểu nôm na, theo báo cáo này, tổng tài sản mà người Trung Quốc tích lũy được từ năm 2000 tới năm 2020 là 120 nghìn tỷ USD. Các bạn lưu ý giá trị của các tài sản này phụ thuộc khá nhiều vào các biến động giá. 
McKinsey cũng cho hay, 68% giá trị tài sản ròng toàn cầu đang tồn tại dưới dạng bất động sản. Cũng từ đó chúng ta có thể liên hệ tới tình trạng bong bóng bất động sản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây đã thổi giá của các bất động sản này lên tận trời xanh, đến mức mà chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các giới hạn nợ, hay còn được gọi với cái tên lằn ranh đỏ cho các tập đoàn BĐS của Trung Quốc. Chính vì giá BĐS được thôi cao nên đó là 1 trong những yếu tố khiến tổng tài sản ròng của Trung Quốc tăng vọt trong những năm qua. Trong khi giá bất động sản ở Mỹ thì khá bình ổn và có mức tăng chậm nên đó là lý do mà tổng tài sản ròng của Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ. Ngoài ra còn 1 yếu tố nữa là số lượng bằng sáng chế, Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ từ đầu năm 2020, chúng ta sẽ bàn chi tiết ở phần sau.
Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 giá trị tài sản ròng tăng thêm. Tài sản ròng của Trung Quốc tăng 113 nghìn tỷ USD, lên mức 120 nghìn tỷ USD vào năm 2020 từ mức 7 nghìn tỷ USD vào năm 2000. Cũng phải nói thêm rằng, năm 2001, tức là 1 năm sau đó đã diễn ra 1 sự kiện mang tính bước ngoặt với nền kinh tế Trung Quốc, đó là việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới như là 1 hành động bỏ phong ấn với con rồng Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân này đã nhanh chóng vươn mình, với việc thị trường thương mại được mở rộng. Không quá khi nói rằng năm 2001 là năm mà Trung Quốc có bước tiến đầu tiên cho quá trình lấy lại vị thế bá chủ của mình.
Trong cùng khoảng thời gian, tính từ năm 2001 tổng tài sản ròng của Mỹ tăng thêm 50 nghìn tỷ USD; của Nhật Bản tăng 3 nghìn tỷ USD; của Đức và Pháp tăng 14 nghìn tỷ USD mỗi nước; của Anh, Canada và Australia tăng 7 nghìn tỷ USD mỗi nước…
Sự gia tăng mạnh mẽ của tài sản toàn cầu trong 2 thập kỷ qua đã vượt qua mức tăng của tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu, và được đẩy mạnh bởi đà leo thang của giá nhà đất tại nhiều quốc gia trong môi trường lãi suất giảm sâu, lãi suất giảm sâu đồng nghĩa với việc tiền được bơm vào thị trường và nó thì kích thích việc sở hữu tài sản. Tiền đổ vào BĐS càng nhiều thì giá BĐS càng tăng. Báo cáo phát hiện thấy rằng đặt trong tương quan so sánh với thu nhập, giá bất động sản toàn cầu đang cao hơn khoảng 50% mức bình quân dài hạn. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của sự bùng nổ giá trị tài sản của thế giới.
Giá bất động sản tăng cao có thể khiến việc sở hữu nhà vượt khỏi tầm tay của nhiều người và đặt ra nguy cơ khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng ở Mỹ hồi năm 2008 khi vỡ bong bóng bất động sản. Trung Quốc đang đối mặt rủi ro tương tự khi cuộc khủng hoảng thanh khoản ở công ty địa ốc khổng lồ China Evergrande đang có những dấu hiệu loang rộng trong ngành công nghiệp bất động sản của nước này.

TRUNG QUỐC VƯỢT MỸ VỀ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BẰNG SÁNG CHẾ

Có 1 sự thật là kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế. Trung Quốc đã chính thức trở thành quốc gia đăng ký bằng sáng chế nhiều nhất thế giới, soán ngôi Mỹ sau hơn bốn thập kỷ vào ngày 7/4/2020.
Năm 2019, Trung Quốc từng tạo ra 1 kỷ lục với 265.800 đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế đã được nộp, tăng 5,2% so với năm 2018, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), một trong những cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc đã công bố trong báo cáo thường niên.
Hệ thống đăng ký bằng sáng chế quốc tế của WIPO bao gồm nhiều danh mục. Trong hạng mục chính đó là Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), Trung Quốc với 58.990 hồ sơ, lần đầu tiên vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng kể từ khi hệ thống có hiệu lực từ năm 1978. Theo sau lần lượt là Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với 4.411 hồ sơ PCT, bất chấp chiến dịch vận động đồng minh tẩy chay Huawei của Mỹ. 

TRỞ NGẠI NÀO SẼ NGĂN CẢN TRUNG QUỐC ?

Rõ ràng, Trung Quốc đã đạt được những kết quả thần kỳ sau 2 thập niên phát triển vô cùng thần tốc. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn đang mơ về 1 ngày mà kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và không phải là họ không có lý do để nghĩ về điều đó.
Nhưng !
Có 1 trở ngại đang tồn tại khiến cho tham vọng này của Trung Quốc hoàn toàn có thể bị lung lay. Nó mang tên “dân số già”.
Thật vậy, kết quả điều tra dân số Trung Quốc, được công bố vào tháng 5/2021, cho thấy thực trạng dân số Trung Quốc có nhiều điều đáng ngại. Tốc độ tăng dân số của Trung Quốc trong thập kỷ qua là thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã tăng tới mức chiếm 1/5 tổng dân số.
Như vậy số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên có thể sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh lực lượng lao động của nước này co ngót lại, khiến Trung Quốc trở thành "xã hội già cả" lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc dự báo người già Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2050, trong khi trẻ em thì chưa bước vào độ tuổi lao động. Theo kết quả này, quốc gia đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người) vẫn cần thêm người để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhất là để vượt qua Mỹ. Vấn đề nằm ở sự già hóa dân số.
Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với gánh nặng từ số người già tăng - cộng đồng này lao động ít hơn nhưng lại gây áp lực lớn hơn lên hệ thống y tế và quỹ lương hưu. Cũng nên nhớ, Trung Quốc hiện vẫn phải nỗ lực cải thiện hệ thống y tế và lương hưu. Riêng năm 2020, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm 20% so với thập kỷ trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1961. 
Nguyên nhân của điều này thì chắc hẳn là ai cũng biết, đó là chính sách “một con” được chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều năm qua. Trước đó, dân số Trung Quốc bùng nổ mạnh trong 1 thời gian dài, khiến chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con vào cuối năm 1979. Chính sách này đã được sửa đổi thành mỗi gia đình có 2 con vào đầu năm 2016. Và giờ, thậm chí các cặp đôi trẻ còn được phép sinh 3 con.
Nhưng thế hệ trẻ hiện nay của Trung Quốc mắc phải "hội chứng 996". Họ phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày mỗi tuần. Ngoài ra họ có lối sống thay đổi đáng kể so với thời bố mẹ của mình. Tính trung bình, mỗi cặp vợ chồng trẻ chỉ có một con duy nhất. Đã vậy tuổi trung bình mà người Trung Quốc hiện nay kết hôn đã cao hơn - hiện đang tiến tới con số 30.

KỊCH BẢN CHO NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC SẮP TỚI

Mỗi lo sợ hiện nay của Mỹ về kinh tế Trung Quốc cũng tương tự như mối lo sợ của Mỹ trước đây về sự trỗi dậy của kinh tế Nhật Bản vào giai đoạn từ thập niên 1970 đến thập niên 1990. Khi ấy kinh tế Nhật Bản tỏ ra có sức cạnh tranh lớn, hàng hóa Nhật Bản tràn ngập thị trường Mỹ, với ô tô rẻ hơn, tivi trông hấp dẫn hơn. Các doanh nhân Nhật Bản lúc ấy còn xâm nhập cả thị trường bất động sản tại Mỹ. Nhưng rồi dân số Nhật Bản già hóa và hệ thống tài chính của nước này cũng có vấn đề.
Bloomberg khẳng định Trung Quốc sẽ khó soán ngôi Mỹ vì hàng loạt những khó khăn, từ xung đột thương mại, tranh chấp công nghệ cho đến xử lý bong bóng bất động sản hay giữ vững được chiến lược "Zero Covid". Thậm chí, Bloomberg còn nhận định Trung Quốc sẽ lâm vào vết xe đổ của Nhật Bản khi xứ sở hoa anh đào từng đe dọa vị thế của Mỹ để rồi lâm vào khủng hoảng cách đây hơn 30 năm.
Đại dịch Covid-19 còn khiến Trung Quốc phải đau đầu về vấn đề an ninh lương thực hay thiếu điện năng. Trong khi đó, năng suất lao động của Trung Quốc đã không còn được như trước khi dân số bắt đầu lão hóa. Hãng tin Bloomberg cho biết năng suất của người lao động Trung Quốc chỉ bằng 50% so với Mỹ hiện nay. Thậm chí đến năm 2050, con số này cũng chỉ có thể đạt khoảng 70%. 
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều điều phải làm khi tỷ lệ nợ tính theo GDP từ năm 2008 của nước này đã tăng từ 140% lên 290%. Với các nước khác, con số này đã khiến cả nền kinh tế đến bên bờ vực khủng hoảng.
Bởi vậy, Bloomberg cho rằng Trung Quốc sẽ lại là một Nhật Bản hay Hàn Quốc thứ 2 mà thôi, vốn chỉ là một hiện tượng bùng nổ kinh tế chứ không đe dọa được Mỹ. Việc người Trung Quốc thực sự giàu hơn Mỹ có lẽ sẽ chỉ xảy ra trong tương lai khá xa. Tuy nhiên chính quyền Washington đã bắt đầu dè chừng đối thủ tiềm năng này. 
Thực hiện: Quang Hưng