Đứa con ngoan thuyết phục ba mẹ để sống cuộc sống của mình
“Mỗi người một cuộc sống” - Điều này ai cũng biết. Nhưng nếu là mình, mình đâu dám nói câu này đến những người đã nuôi mình lớn lên, mà mình chọn thể hiện nó bằng cách làm khác.
“Mỗi người một cuộc sống”
Điều này ai cũng thấy. Nhưng nếu là mình, mình đâu dám nói câu này đến những người đã nuôi mình lớn lên, mà mình chọn thể hiện nó bằng cách làm khác. Cách làm đó là gì?
Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Gia đình mình có 3 chị em và mình là con út. Mọi người đoán xem khi là con út, mình sẽ có những thuận tiện và bất lợi gì?
+ Được ba mẹ nuôi kỹ hơn: ba mẹ sẽ dùng những kinh nghiệm nuôi con từ anh chị của mình để dạy mình cho đàng hoàng hơn.
+ Được dạy dỗ khắt khe hơn và nhiều kỳ vọng hơn: ba mẹ luôn nỗ lực để mình được giáo dục đầy đủ và luôn tự hào vì có đứa con gái học trường này trường nọ (khác với anh chị mình)...
Bạn có thể xem “ba mẹ” trong trường hợp của mình là người nào đó quan trọng khi ra quyết định cho việc gì đó từ nhỏ đến lớn của mình nhé!
1. Ba mẹ luôn tìm cách “ngăn cản” mình?
Ba mẹ mình đều xuất thân từ nghề giáo, nên họ rất chú trọng việc nuôi dạy con, ít nhiều cũng sẽ có nỗi sợ bị người khác so sánh, đánh giá và cũng luôn xem con mình là giỏi, là tốt, luôn muốn nó phải đến nơi đến chốn như bao bạn khác.
Từ mẫu giáo đến lúc lên cấp 1, ba mẹ luôn sợ mình bị bạn ăn hiếp, chỉ mong mình ăn nhanh chóng lớn.
Lên cấp 2, ba cố gắng dùng mối quan hệ để mình được học tại “trường điểm” của quận dù mình thiếu 1 chút điểm.
Trong suốt 16 năm đi học (bao gồm đại học), câu mình luôn nghe từ ba mẹ là: “Khi nào cần tiền mua sách, mua vở hay cần đi học thêm thì cứ nói ba má lo được hết nhé!”
Sau này nhìn lại, mình nhận ra khi ba mẹ mình không cho mình làm cái này cái kia, cốt yếu là vì họ thương con, họ chỉ lo lắng và muốn dành những thứ tốt nhất cho con thôi.
2. “Con tằm” vùng vẫy trong cái kén của mình
Năm lớp 6, ba cho mình tham gia Học kì quân đội trong 10 ngày và mình đã được anh Điều phối viên khen là tự lo cho bản thân tốt, ít bệnh vặt như các anh chị khác trong đội.
Khi học lớp 8, 9, mình thường có những chuyến đi 1 mình trong thành phố: đi gặp Tây để tập nói tiếng Anh ở công viên 23/9, đến khu Chợ Lớn, tự đi xe buýt lên quận 9 và đi vòng vòng để khám phá, đi bộ khắp khu trung tâm thành phố để học tên đường, tham quan tất cả các bảo tàng trong khu trung tâm thành phố mà mình tìm được trên Google…
Khi học cấp 3: Mình tham gia đội tuyển của trường và có giải 3 năm. Trong 3 năm học mình nhận tiền thưởng và học bổng cũng kha khá, ba mẹ không phải lo sinh hoạt phí cho mình, họ chỉ đóng học phí cho mình thôi.
Năm lớp 11, mình còn tự bắt xe buýt qua hầm Thủ Thiêm và xin đi nhờ xe 1 người lạ để về lại chợ Bến Thành: Thời mình đi thì không có trạm xe buýt nào trên đường Mai Chí Thọ, đoạn đường quốc lộ sau hầm khi qua Hầm Thủ Thiêm, cả. Mình cho ba mẹ biết việc mình đã bán vé phụ chú tài xế và nói thế nào để thuyết phục chú cho xuống xe trên con đường ấy.
Lên Đại học:
Mình làm việc ở một tổ chức phi chính phủ, nhưng không lương trong 3 năm. Dù bận sấp mặt với công việc của tổ chức và đi học, mình vẫn cố gắng đi làm thêm part-time để có thể đáp ứng sinh hoạt phí cá nhân.
Mình từng đi leo núi Chứa Chan 2 lần (1 lần đi qua đêm).
Sau khi tốt nghiệp:
Mình tự tìm việc làm. Tự đi Đà Nẵng bằng số tiền mình kiếm được, thậm chí gửi ba mẹ chút ít từ tiền lương của mình mỗi tháng. Và vào tháng 7,8 vừa rồi, mình còn đi đạp xe xuyên Việt trong 45 ngày,...
Trong tuần này là chuyến đi Sài Gòn - Vũng Tàu một mình trong 2 ngày 1 đêm ^^.
3. Mình đã xây dựng sự tin tưởng của ba mẹ thế nào?
Mọi thứ đều nằm ở việc xây dựng và duy trì sự tin tưởng
Sự tin tưởng của ba mẹ dành cho mình không phải có trong ngày 1 ngày 2, mà đó là một quá trình và từ những việc nhỏ nhất.
(Ví dụ: dù mình không hay phụ gia đình nấu cơm, nhưng hễ gia đình đi chơi xa, thì mình vẫn có thể tự nấu ăn được)
Điều này mình học từ một chị diễn giả là phượt thủ trong một workshop mình đi thời cấp 3. Khi được hỏi làm sao chị có thể làm ba mẹ đồng ý đi chơi xa trong thời gian dài, chị đã nói rằng:
Hãy làm cho ba mẹ tin tưởng em từ những việc nhỏ nhất như sáng ngủ dậy tự xếp mền gối, xếp phòng gọn gàng,...đến những trải nghiệm như tự đi chơi một mình,...
Nhớ nhé: Muốn sống cuộc sống của mình thì hãy thể hiện sự tự giác, bản lĩnh của mình từ những việc nhỏ nhất đến những trải nghiệm mà mình có.
Thường trước khi dự định làm gì, mình sẽ nói với ba mẹ
Nghe đúng nghĩa hành động của một đứa con ngoan đúng không? =))
Đây là những lý do khiến mình thấy việc chia sẻ dự định của bản thân cho ba mẹ là một cái lợi:
1, ít nhất khi ba mẹ biết mình sẽ đi đâu thì lỡ gặp vấn đề gì, người thân của mình biết đường mà giúp đỡ mình.
2, mình có thời gian đưa ra những cách giải quyết cho khúc mắc của ba mẹ. Nếu họ có “sốc” thì “sốc” trước luôn, đến ngày làm thì họ sẽ bớt “sốc” hoặc thậm chí còn hỗ trợ mình.
3, với mình, đây là biểu hiện của sự tôn trọng. Chắc chắn rồi, đặc biệt khi mình chưa đủ 18 tuổi. Còn từ lúc lên Đại học, mình vẫn báo trước, mặc dù khi sau này mình đi chơi bằng tiền đi làm có được. Vì dù sao ba mẹ cũng là người lớn, nên mình làm vậy họ sẽ có cảm giác mình được tôn trọng và vẫn biết con mình làm gì, ở đâu.
Tùy trường hợp, có trường hợp đi trong ngày thì khi đi mình mới nói. Những trường hợp đi chơi xa hoặc đi qua đêm mình sẽ nói trước tầm vài ngày đến 1 tuần. Còn đợt đi đạp xe xuyên Việt 45 ngày vừa rồi, mình nói trước 2 tuần.
Mặt khác, nếu mình không làm gì vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hay làm gì không lành mạnh, thì chẳng có gì phải sợ đúng không?
Nếu có thì mình phải ý thức tự đảm bảo an toàn cho những gì mình làm và những nơi mình đi đến. (ví dụ: đi hẹn hò với trai Tinder :> )
Cho họ thấy quá trình chuẩn bị của mình
Dù là một đứa khá ít chia sẻ chuyện cá nhân với gia đình, nhưng khi có dự định trải nghiệm gì đó mới, mình sẽ cho ba mẹ mình biết mình đã chuẩn bị và cách mình dự trù cho những tình huống, vấn đề không mong muốn xảy ra thế nào.
Mặt khác, đây là một cách bạn đang tháo gỡ những khúc mắc sâu bên trong của ba mẹ.
(Nhớ không, “insight” của ba mẹ cũng là lo lắng cho con cái thôi)
Liên tục chia sẻ với họ
Tại sao lại là ba mẹ mà không phải bất kì người nào khác?
Vì trong hoàn cảnh của mình, ba mẹ là người nuôi nấng và đưa ra quyết định cho những thứ quan trọng của mình từ khi còn nhỏ. Vậy nên, khi biết rõ mình đang làm gì và điều đó giúp ích cho bản thân thế nào.
Ví dụ việc mình làm không lương cho một tổ chức quốc tế thời đại học giúp mình có các mối quan hệ, tăng cơ hội việc làm trong tương lai.
Khi đó, ba mẹ sẽ là “đồng minh” vững chắc cho mình trước những lời ra tiếng vào của những người xung quanh. Còn những người khác, mình thấy không quan trọng để thuyết phục lắm, vì cơ bản “họ có nuôi tui ngày nào đâu mà tui phải nghe họ”.
Ngoài ra, mình cũng chia sẻ mong muốn của mình rất nhiều, nhưng thông điệp chính là:
I don’t need protection. I need support
Tức là nếu ba mẹ sợ mình ra ngoài gặp chuyện xấu, thì thay vì cố ngăn cản mình, hãy cho trang bị cho mình cách để đề phòng/đối phó nó, vì mình cũng đâu ở cùng ba mẹ mãi được.
Kết
Thật ra trước khi đi Vũng Tàu một mình mới đây, mình và mẹ đã có tranh luận một chút. Mẹ có đề cập là khi mình đi đạp xe xuyên Việt, đã có nhiều người hỏi mẹ rằng mình đã đi đến đâu rồi, khi nào mình về nhà,...mẹ cũng không biết trả lời thế nào. Mình nhìn ra rằng việc chia sẻ với ba mẹ những gì mình làm cũng quan trọng, nên mình làm gì, đi đến đâu cũng chụp hình gửi về cho mẹ đỡ lo.
Mọi người thấy đấy, đôi lúc mình còn phải “đấu tranh” với bản thân và với ba mẹ để được làm những điều mình muốn. Nhưng trên tiêu đề mình vẫn dùng từ “thuyết phục”. Đó là vì mình vẫn muốn khuyến khích mọi người hãy cứ “đấu tranh”, nhưng song song đó, cũng hãy đứng ở góc nhìn của ba mẹ để hiểu “nỗi khổ” riêng của họ.
Từ đó, việc chúng ta được sống cuộc đời của mình không phải là điều gì đó rất khó khăn, mà nó nên xuất phát từ sự ủng hộ của những người quan trọng trong cuộc đời mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất