Bài viết gốc: The Effect of the Baby Boomer Generation on Japan
Tác giả: Giáo sư Yoshida Kazuo thuộc Bộ môn Kinh tế, Khoa Nghiên cứu Kinh tế học hệ Sau Đại học, Đại học Kyoto
Bài viết được viết vào năm 2005
Link bài viết: https://www.jef.or.jp/journal/pdf/C-2_0511.pdf?fbclid=IwAR1bXb-eCwaFX8G6GJUVkJk-aUT8agVgOpast7xUZUeiaaSKbcVGOz6d4UE
Mình dịch bài viết này vì muốn tìm hiểu về vấn đề dân số già tại một số nước phát triển, vì mình nghĩ đó sẽ là viễn cảnh của chính thế hệ mình sau này. Mà quả thật, mình cũng thấp thoáng nhìn thấy bóng dáng mình trong câu chuyện xưa cũ của Nhật Bản.
"Baby Boomer" có thể hiểu là "bùng nổ trẻ sơ sinh" hay "bùng nổ dân số". Mình giữ nguyên tiếng Anh ở từ này vì muốn xem đó là tên riêng của một thế hệ, tương tự như từ Gen X, Gen Y, thêm nữa là tiếng Nhật cũng thường sử dụng thuật ngữ này bằng nguyên văn tiếng Anh.
-----------------
Năm 2007, kinh tế và xã hội Nhật Bản sẽ phải đứng trước những ngã rẽ quan trọng được gọi là Vấn đề năm 2007. Các vấn đề xảy ra năm 2007 thuộc nhiều nhóm khác nhau. Trước tiên là sụt giảm dân số. Năm 2007, ước đoán dân số Nhật Bản sẽ bắt đầu sụt giảm lần đầu tiên, một số chuyên gia dự đoán sự sụt giảm này thậm chí còn bắt đầu diễn ra trước năm 2007. Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tiêu cực ảnh hưởng lên sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và các vấn đề tài chính nghiêm trọng do sự già hóa dân số gây ra. Cũng trong năm 2007, số lượng thí sinh thi vào đại học sẽ giảm xuống thấp hơn con số chỉ tiêu từ trước đến nay của các trường, mang đến một kỷ nguyên mới mà ở đó tất cả những ai tham dự kỳ thi tuyển sinh đều có thể nhập học. Một mặt, điều này giúp dịu đi “cuộc chiến thi cử” truyền thống, mặt khác lại nảy sinh một số lo ngại rằng các trường đại học có thể sẽ phải đóng cửa. Tất cả những khó khăn này đều xuất phát từ vấn đề “giảm tỷ lệ sinh đột ngột” (baby bust), phản ánh qua tỷ lệ sinh thấp, chỉ 1,29 trẻ trên một phụ nữ như hiện nay.
Một Vấn đề năm 2007 khác chính là việc các baby boomer về hưu. Năm 2007, phần phình to trên tháp dân số – được gọi là Dankai no Seidai (団塊の世代) hay thế hệ baby boomer, tức những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1949 – bắt đầu đến tuổi về hưu. Đáng lo ngại là điều này sẽ gây ảnh hưởng kinh tế to lớn lên nguồn cung lao động. Ngoài ra còn xuất hiện các nhu cầu cải cách hệ thống tuyển dụng lao động.
Năm 1945, Nhật Bản thua trận trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, đồng thời một lượng lớn cựu chiến binh quay lại cuộc sống đời thường, kết hôn và sinh con. Hệ quả là có hiện tượng gia tăng dân số đột biến trong thời gian từ năm 1947 đến năm 1949. Thế hệ baby boomer này chiếm khoảng 5% trong tổng số 128 triệu dân hiện tại của Nhật Bản và gây tác động to lớn lên từng lĩnh vực liên quan. Trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1949, có hơn 2,6 triệu lượt trẻ em được sinh ra mỗi năm, đỉnh điểm vào năm 1949 là 2.697.000 lượt, kết quả có tổng cộng 8 triệu trẻ em ra đời trong suốt thời kỳ đó. Quy mô của con số này càng nổi bật hơn khi so sánh với số liệu 1,1 triệu trẻ em chào đời vào năm 2004.
Từ lúc thế hệ baby boomer xuất hiện, kinh tế và xã hội Nhật Bản đã thay đổi đáng kể nhằm đáp ứng thế hệ này khi họ lớn lên. Vấn đề đầu tiên phải đối mặt chính là khủng hoảng lương thực. Nhiều người đã phải vật lộn với cuộc sống vì nguồn cung thực phẩm cực kỳ thiếu hụt. Khi những người thuộc thế hệ này bước khỏi giai đoạn ấu thơ, kinh tế Nhật Bản dần hồi phục với cuộc bùng nổ mua sắm đặc biệt là hệ quả từ Chiến tranh Triều Tiên. Kinh tế Nhật Bản bắt đầu đạt được sự tăng trưởng thần kỳ đưa đất nước trở thành một siêu cường kinh tế.
Năm 1953, lứa baby boomer đầu tiên lên 6 tuổi và bước vào tiểu học khiến các lớp học rơi vào quá tải. Mỗi lớp đều chật ních từ 55 đến 60 học sinh, mỗi trường có khoảng 10 lớp cho từng cấp học. Cơ sở trường học không đáp ứng đủ số lượng và phải xuất hiện nhiều ngôi trường “lắp ráp”. Khi lũ trẻ bước vào cấp hai, các baby boomer này tiếp tục gây áp lực lên những lớp học lớn hơn và những gì chờ đợi họ sau cùng chính là “cuộc chiến thi cử”. Đây là khoảng thời gian cạnh tranh khốc liệt để có thể vào được cổng trường trung học phổ thông và đại học, khi mà ở đó vẫn không đủ chỗ cho số lượng lớn thí sinh. Người ta thường nói rằng, những ai đậu được kỳ thi tuyển sinh đại học chỉ ngủ bốn tiếng một ngày, còn những ai thi trượt ngủ năm tiếng. Khi các baby boomer bước vào đại học, đó là một chiến trường đúng nghĩa. Các trường học bị chi phối bởi hội nhóm sinh viên cực tả mang tên Zenkyoto (全学共闘会議 – Hội đấu tranh toàn thể sinh viên) lên tiếng đòi cách mạng và phản đối chủ nghĩa đế quốc. Các cuộc tấn công bạo lực liên tục diễn ra và trường học bị phong tỏa. Việc này có liên quan đến đỉnh điểm của phong trào hòa bình phản đối Chiến tranh Việt Nam cùng sự kiện tự động gia hạn Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật với thời hạn 10 năm sắp được gia hạn vào năm 1970.
Hình ảnh về Zenkyoto

Đọc thêm:

Như một kết quả từ sự tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản, tuyển dụng lao động không phải là vấn đề to tát do nguồn lao động không bị thiếu hụt. Từ cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70, khi các baby boomer bước vào cuộc sống đi làm, giai đoạn này được gọi là “Bùng nổ Izanagi” và là giai đoạn mở rộng nền kinh tế dài nhất sau chiến tranh. Baby boomer cung cấp lực lượng lao động dồi dào, thực tế này trở thành một nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản bởi họ đã giúp củng cố hệ thống quản lý kiểu Nhật. Nói cách khác, các công ty phải cạnh tranh nhau tuyển dụng lượng lớn những sinh viên mới ra trường này để từ đó có thể áp dụng trơn tru hệ thống tuyển dụng suốt đời và thăng tiến theo thâm niên. Cấu trúc dân số toàn Nhật Bản tương thích với cấu trúc độ tuổi lao động hình kim tự tháp mà hệ thống quản lý kiểu Nhật cần có, và nét tương thích này đã thúc đẩy hiệu quả sự tăng trưởng.
Baby boomer còn mang những thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn nhận về hôn nhân. Trước thế hệ baby boomer, người chồng thường lớn hơn vợ mình khoảng một vài tuổi. Tuy nhiên baby boomer lại tìm kiếm bạn đời có tuổi xấp xỉ với mình hơn do họ chiếm số lượng đông đảo, từ đó xuất hiện các thay đổi tinh tế trong mối quan hệ vợ chồng tại nhà. Khoảng cách tuổi tác của vợ chồng ở thế hệ trước đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập vai bậc giữa hai người. Hiện tượng xã hội mới, nơi mà hôn nhân là hình thức mở rộng của tình bạn, đã tạo ra những “gia đình mới” mà ở đó người chồng không còn là gia trưởng và người vợ không còn phải tòng phu. Các ngành kinh doanh mới như những nhà hàng đặc biệt hướng đến các gia đình này cũng mọc lên đáp ứng.
Trong khi kinh tế Nhật Bản trải qua một số thăng trầm lớn như hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979, cuộc suy thoái đồng yên năm 1985, Nhật Bản vẫn duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế cao đứng trên góc độ toàn cầu và thế hệ baby boomer thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp với chế độ tuyển dụng trọn đời, thăng tiến theo thâm niên. Khi họ bắt đầu có con, hay còn gọi là “hậu baby boomer” (baby boomer juniors), nhu cầu nhà ở cũng gia tăng. Điều này khơi nguồn cho kinh tế bong bóng (tất nhiên đây không phải là lý do duy nhất), dẫn đến các doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và có tình trạng tích lũy tài sản.
Tiếp sau đó là cuộc suy thoái kinh tế kéo dài vào thập niên 90 do bong bóng kinh tế bị vỡ. Đầu tư quá mức, thừa lao động và khoản nợ vượt mức phải gánh chịu trong suốt thời kỳ kinh tế bong bóng đã buộc các công ty có những điều chỉnh đầy đau đớn. Vì ban đầu cho rằng những điều chỉnh này sẽ không kéo dài quá lâu nên các công ty Nhật vẫn cố gắng duy trì hệ thống quản lý kiểu Nhật. Tuy nhiên, dưới sự đình trệ kéo dài, lợi nhuận công ty không hề cải thiện trong khi độ tuổi trung bình của người lao động dần cao lên một cách không cân xứng do các công ty không tuyển thêm lao động mới trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế và hầu hết người lao động đều là baby boomer. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của hệ thống quản lý kiểu Nhật. Kết quả là nhiều công ty bắt tay vào tiến hành những cải cách cơ bản. Nhiều nơi đã xem xét lại thang bậc lương dựa theo thâm niên, đưa vào áp dụng chế độ trả lương dựa trên năng suất và đãi ngộ dựa trên chức vụ. Đồng thời, tình trạng thừa nhân viên được giải tỏa bằng hình thức nghỉ hưu tự nguyện. Tất cả những biện pháp này đều dẫn đến phải xem xét lại chế độ tuyển dụng trọn đời. Baby boomer buộc phải nếm trái đắng từ việc cải cách vào thời điểm mà quản lý kiểu Nhật kỳ vọng sẽ mang lại cho họ những lợi ích lớn nhất.
Trong trường hợp Vấn đề năm 2007, số lượng đông đảo người lao động đến tuổi nghỉ hưu cùng một lúc mang lại nhiều khó khăn cho cả nhà tuyển dụng lẫn người lao động. Về phía nhà tuyển dụng, tình trạng này dẫn đến thiếu hụt lao động lành nghề. Trong khi kinh tế Nhật Bản cuối cùng cũng dần cho thấy tín hiệu khôi phục ổn định nhờ vào cải cách doanh nghiệp, dự đoán về việc thiếu hụt lao động khi số lượng lao động trẻ sụt giảm do tỷ lệ sinh giảm mạnh lại xuất hiện. Về phía người lao động, độ tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội dần tăng lên và mọi người buộc phải làm kiếm tiền đến khi nhận được đầy đủ trợ cấp hưu trí. Một phần trong xu hướng này là những động thái hướng đến hình thành chế độ tuyển dụng lại lao động để tận dụng những người đã qua tuổi nghỉ hưu. Điều này dẫn đến hệ thống tuyển dụng người cao tuổi phản ánh độ tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí.
Một vấn đề lớn hơn nữa mà đất nước phải đối mặt là vấn đề tài chính. Sau năm 2010, thế hệ baby boomer sẽ trở thành những đối tượng nhận trợ cấp hưu trí. Trước thực tế không thế phủ nhận rằng trợ cấp hưu trí cho người lao động đã chạm đến giới hạn bền vững, vào năm 2004, phương pháp “trượt giá kinh tế vĩ mô” (macroeconomic slide) đã được đưa ra. Mức lương trợ cấp tăng dần, nhưng nay đặt ra thêm giới hạn trần và áp dụng thang trượt giá nhằm giữ trợ cấp hàng năm ở mức phù hợp. Từ đó, tỷ lệ trợ cấp hưu trí thay thế cho thu nhập của người lao động làm công đã giảm xuống còn 50%. Trong “Tầm nhìn Nhật Bản Thế kỷ 21”, chi phí phúc lợi bảo hiểm xã hội – hiện ở mức 15,4% GDP – được dự báo tăng lên thành 17,2% trước năm 2015, đến trước năm 2020 khi các baby boomer bước qua ngưỡng tuổi 70 dự báo sẽ đạt 18,4%, sau đó tăng lên 20,5% vào trước năm 2030. Lý do chính cho điều này nằm ở sự gia tăng về dịch vụ y tế và điều dưỡng. Ở bất cứ tỷ lệ nào, chi phí bảo hiểm xã hội cũng đều tăng lên nhanh chóng cùng với sự già hóa của thế hệ baby boomer, và đều cần phải xem xét lại hệ thống một cách triệt để. Hiện nay, tài chính Nhật Bản đang phụ thuộc vào các khoản vay đáng kể và sự gia tăng phúc lợi bảo hiểm xã hội dành cho thế hệ baby boomer dự đoán có thể sẽ làm tình hình tài chính Nhật Bản xấu đi. Chính sách của chính phủ là khôi phục cân đối cơ bản cho nền tài chính quốc gia trước thập niên 2010 và thực hiện cải cách tài chính trước khi các baby boomer rút trợ cấp hưu trí. Vấn đề già hóa ở thế hệ baby boomer đòi hỏi cần phải có những cải cách căn bản cho nền tài chính Nhật Bản.

Đọc thêm: