Một thế hệ muốn rời bỏ thị trường lao động
Thật ra, mỗi sáng thức dậy chúng ta đều cố gắng đi làm nếu ngày mai được nghỉ việc.
Bao giờ tao mới tiết kiệm đủ để gap year nhỉ?
Chị định học tiếp để đỡ phải đi làm.
Chắc tao cố làm, rồi tiết kiệm để nghỉ hưu sớm.
“Nghề chọn người chứ người có chọn đi làm đâu”, “Không nghỉ việc một lần đời không nể”,... Đó là những câu nói đùa quen thuộc với thế hệ chúng tôi. Chẳng rõ từ bao giờ “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” đã trở thành ước mơ của vô số “người lớn” thành thị. Chúng tôi đều là những kẻ sống ở thành phố nhưng mơ về thị trấn hoang. Những building sáng đèn nơi đô thị lớn chẳng khác chiếc lồng kính giam cầm loài thú chờ ngày phá cũi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khoảng 5-7 năm gần đây, Đà Lạt đã trở thành điểm đến trong mơ của nhiều người trẻ. Áp lực công việc đi Đà Lạt, nghỉ làm đi Đà Lạt, thất nghiệp cũng đi Đà Lạt. Đơn giản bởi “đi Đà Lạt” là “đi trốn”, trốn khỏi guồng xích “tư bản”.
Hai chữ “trách nhiệm” là quá lớn, quá nặng nề đối với những “người lớn một nửa”. Chịu trách nhiệm với bữa sáng của bản thân đã khó, đừng nói là chịu trách nhiệm với một công việc liên quan đến chén cơm của biết bao “người cùng khổ” khác. Trốn tránh trách là biểu hiện của sự hèn nhát. Đúng thế. Thế hệ chúng tôi được lớn lên trong thời kỳ kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển nhanh như vũ bão (kể từ khi đất nước gia nhập WTO). Chất lượng đời sống hàng triệu gia đình được cải thiện. Bữa cơm không còn là mối lo thường trực, con cái bởi thế cũng nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ cha mẹ. Tuy nhiên, giáo dục phụ huynh lại chưa thực sự phát triển khiến vòng tay cha mẹ đôi khi siết quá chặt. Những đứa trẻ lớn lên bởi thế mà yếu đuối. Áp lực công việc, chỉ trích từ cấp trên, đòi hỏi của khách hàng,... đều là những gánh nặng đổ ập lên vai những đứa trẻ mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường việc làm. Sự yếu đuối cả về thể chất và tinh thần khiến chúng tôi không chịu được thời gian 8 giờ làm việc tiêu chuẩn. Tình trạng chung của các văn phòng là hình ảnh nhân viên đếm từng phút chờ giờ nghỉ trưa, giờ tan ca.
Thế hệ lao động mới của thị trường việc làm hiện nay quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. Các vấn đề tâm lý được nhắc đến nhiều trên Internet đã thu hút sự chú ý của một số lượng lớn “người bản địa kỹ thuật số” (thế hệ được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin). Một trong những ngòi nổ lớn giật dây quả bom mang tên “bệnh tâm lý” không may thay lại là áp lực công việc. Tỷ lệ tự sát vì trầm cảm do gánh nặng công việc tại đất nước mặt trời mọc Nhật Bản đã trở thành ví dụ muôn thuở cho sự thật này. Được truyền thông đại chúng “giáo dục” kỹ càng về vấn đề này, thế hệ lao động mới đã quen với chu trình soạn đơn xin nghỉ việc mà nguyên do ẩn sâu khởi nguồn từ sức khỏe tinh thần. “Mong muốn tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn” tức là “môi trường làm việc hiện tại không thân thiện, gây ức chế tinh thần”. “Cần tìm công việc thích hợp với khả năng của bản thân” nghĩa là “công việc hiện tại lặp đi lặp lại gây chán nản, buồn bã hoặc khối lượng công việc quá nhiều tạo cảm giác lo lắng, sợ hãi kéo dài”. Sức khỏe tinh thần đã trở thành lý do ngầm định cho hầu hết quyết định nghỉ việc của chúng tôi.
Phong trào YOLO bắt đầu từ những năm 2010 (xuất phát từ bài hát Motto của rapper Dake) - đây cũng là thời điểm thế hệ chúng tôi hình thành cơ chế tiếp thu chủ động. Vì thế, phương châm “You Only Live Once” đã trở thành tiền đề xây dựng lối sống của những đứa trẻ đang chân ướt chân ráo bước vào thị trường việc làm. Chất lượng công việc không chỉ dựa vào mức thu nhập mang lại mà còn được đánh giá dựa trên thang điểm hạnh phúc do người thực hiện công việc đặt bút chấm. Suy nghĩ cố gắng chịu đựng cam kết với một công việc, gắn bó với một doanh nghiệp, theo đuổi một ngành nghề đã không còn phổ biến ở thế hệ chúng tôi. Những lối nghĩ tồn tại nhiều hơn ở thế hệ này là: “Tại sao tôi phải hy sinh như vậy?”, “Tôi phải chịu đựng điều này bao lâu nữa?”, “Cuộc sống ngắn ngủi, tại sao tôi phải tiếp tục chuỗi ngày không vui vẻ này?”. Là sản phẩm của một xã hội tiêu dùng nhanh, chúng tôi không có thói quen gắn kết với một nơi ở, một mối quan hệ hay một công việc. Được từ điển Collins định nghĩa là “thế hệ hoa tuyết” (được cha mẹ đã ấp ủ như là “những hoa tuyết nhỏ quý giá”), thế hệ này được xem là ít kiên cường, thiếu bền bỉ và dễ tự ái hơn các thế hệ trước. Việc kéo dài nỗi cam chịu với một chiếc cần câu cơm không ưng ý không còn là xu hướng của lực lượng lao động hiện nay.
Chúng tôi trưởng thành trong kỷ nguyên công nghệ số, bị “bỏ bom” mỗi ngày với khối lượng thông tin quá mức lưu trữ của não bộ. Thông tin về việc làm đối với thế hệ chúng tôi nhiều như cỏ dại. Những mẩu tin tuyển dụng được gửi tự động đến email cá nhân. Các headhunters vẫn ngày đêm lọ mọ miệt mài đăng tin chiêu mộ nhân tài trên tất cả các mặt trận truyền thông. Chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng: “Đây là thời kỳ việc tìm người”. Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao thị trường việc làm sôi động như vậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng đều?”. Có thể nói, thế hệ chúng tôi chủ động thất nghiệp. Sự “tự nguyện không gia nhập” thị trường lao động này có lý do. Theo Hiệp Hội quan hệ công chúng Hoa Kỳ, cuộc đại suy thoái đã dạy có thế hệ trẻ của những năm 2020 thường mong muốn kinh doanh hoặc đảm nhiệm công việc tự do (Freelance) sau khi chứng kiến ba mẹ và các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình phải vật lộn trong lực lượng lao động. Chưa bao giờ cụm từ “Freelance” lại trở nên phổ thông như thời điểm hiện tại. Hàng triệu các bài viết, talkshow, podcast, vlog về chủ đề này được sản xuất ra mỗi ngày. Vlog chia sẻ cách kiếm tiền tại nhà với vai trò Freelancer của vlogger Giang Ơi đã đạt tới 2.2 triệu lượt views (nhiều nhất trên Youtube Channel của youtuber này).
Thế hệ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong thời kỳ hòa bình. Phần lớn chúng tôi chưa có nhận thức khi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9 diễn ra tại Mỹ. Xiềng xích chiến tranh do đó không nằm trong phạm vi quan tâm của thế hệ mới. Mức độ nhạy cảm đối với các vấn đề chiến sự của thế hệ trẻ bị đánh giá là thấp hơn nhiều so với thế hệ cha mẹ, ông bà. Độc lập và tự do đã trở thành nền tảng tất yếu của cuộc sống chứ không còn là những điều phải tranh đấu mới có được. Tinh thần tự do này cũng là một trong những đợt sóng ngầm chi phối các quyết định lao động của thế hệ mới. Xu hướng khởi nghiệp hoặc làm việc tự do (Freelance) cho chúng tôi cảm giác “làm chủ” cuộc đời bản thân - tư tưởng phổ biến được truyền tải qua các đầu sách self-help hiện nay. Trong khi các bậc phụ huynh thuộc thế hệ Baby Boomers luôn mong muốn tìm kiếm và gắn bó với một công việc ổn định bởi cảm giác bất an khi sinh ra trong một thời kỳ cạnh tranh cao do bùng nổ dân số thế giới; thì thế hệ chúng tôi lại sẵn sàng thoát ly khỏi một tổ chức để startup với các mô hình kinh doanh online (bán khô gà, quần áo, mỹ phẩm,...) bất cứ lúc nào.
Thật ra, chúng tôi đều chỉ đi làm hôm nay nếu ngày mai được nghỉ việc.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất