#polemic
Đọc: Bài viết của Tornad trên Facebook
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=6182697911803859&id=100001911357843
Lâu rồi không bút chiến. Lần này thấy Nguyễn Tuấn Linh a.k.a Tornad viết một bài về vụ giết chó ở Cà Mau, tôi cảm thấy có vài điểm bất đồng cần lên tiếng.
Thứ nhất, là ý của Tornad cho rằng "văn minh đến với xứ sở này luôn theo một độ trễ nhất định.” Xin thưa, câu đó phải chữa lại rằng: "Văn minh phương Tây, được bán sỉ bởi truyền thông phương Tây đến với xứ sở này luôn theo một độ trễ nhất định” mới đầy đủ. Trong lịch sử vạn năm văn minh của nhân loại, từ Ai Cập đến Lưỡng Hà, từ bờ sông Hằng đến bờ sông Trường Giang, các nền văn minh dù có mạnh có yếu, có trường tồn có đoản mệnh, nhưng chưa bao giờ có một nền văn minh nào, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media), thông qua lịch sử thực dân tàn bạo và đẫm máu, thông qua xâm lược văn hóa không ngừng nghỉ, mà lại hùng mạnh và thống trị trên phạm vi toàn cầu như nền văn minh phương Tây cả. Tôi dùng chữ “phương Tây” ở đây một cách dè dặt, dùng để chỉ nền văn minh có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ, được các triết gia Khai Minh “khai quật” lại và phát triển thêm, và được Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đương đại, dùng bom đạn và sức mạnh tài chính đem đi phổ quát toàn thế giới. Không phải là tôi “bài Tây” – ngày ngày tôi mặc quần jeans, xem football, mở mạng Facebook hoặc bàn luận về phim Hollywood. Tôi đọc về Kierkegaard và Schopenhauer nhiều hơn tôi đọc về Lão Tử hay Trang Tử. Tôi không phủ nhận, tôi bị ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây rất nhiều – nhưng đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng: Không cứ phải theo văn hóa phương Tây mới là “văn minh.” Nền văn hóa, văn minh của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh đông tây kim cổ khác nhau, nhưng bản thân nó vẫn là một nền văn minh, và bảo rằng nền văn minh ấy có độ trễ là sai lầm. Ấy là thượng tôn nền văn minh phương Tây mà quên mất rằng: Tất cả các nền văn minh đều có sự trao đổi và cọ xát lẫn nhau; và không thể đơn giản chấp nhận một giá trị bất kỳ từ nền văn minh khác mà không có sự suy tư chọn lọc được.
Thứ hai, chính là giá trị của nền văn minh phương Tây mà Tornad muốn mang vào Việt Nam: Quyền động vật. Tôi xin vào thẳng vấn đề: Quyền động vật chẳng phải là biểu hiện cao cấp của nhân tính nhân đạo hay sự đồng cảm chi chi cả, mà nó chỉ đơn thuần phục vụ cho sự ích kỷ của con người. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì chỉ có ở một xã hội mà phần đa dân số bị dồn vào những đại đô thị, tách rời hẳn khỏi tự nhiên hoang dã, ném vào guồng máy tư bản lãnh khốc, mới có sự “đấu tranh” đòi “quyền động vật.” Đối với những người nông dân chân lấm tay bùn, khi mà vụ mùa là sinh mạng, thì họ không ngại ngần quất roi vào mông ngựa, bò để chúng phục vụ cho việc kéo cày. Quyền của con bò, con ngựa là được ăn, được sống để tiếp tục kéo cày cho con người. Đối với những thợ săn sống nơi rừng sâu nước độc, khi mà con chó là công cụ của cuộc săn chứ không phải là vật cảnh, thì quyền của con chó là được ăn miếng thừa miếng cặn, được sống sang ngày hôm sau để tiếp tục đi săn. Còn đối với những con người hiện đại sống trong đô thị, bị tách rời khỏi các giềng mối xã hội, thiếu thốn tình đồng chí, tình bằng hữu được trui rèn qua hoạn nạn sinh tử, thì con thú cưng là vật giúp họ ổn định tâm lý, là “bằng hữu” thay thế, là mối quan hệ xã hội hiếm hoi có thể khiến họ bận tâm. Lưu ý ở đây, tôi không chỉ trích bản thân việc lấy mối quan hệ với thú cưng để thay thế mối quan hệ với người – đơn giản là vì, đó cũng là một biện pháp sinh tồn nhằm giúp đảm bảo sức khỏe tâm lý của con người mà thôi. Nó cần thiết và hiệu quả. Tuy nhiên, phải hiểu rằng đây là một sự ích kỷ của loài người: Nếu không có một xã hội hậu tư bản với các đại đô thị đông người nhưng thiếu quan hệ xã hội, thì cũng sẽ không có “quyền thú cưng.” Nói cách khác, quyền thú cưng là một triệu chứng của xã hội hậu tư bản công nghiệp hóa cao độ, chứ không phải là thước đo mẫu mực của tiến trình văn minh. (Về phần vì sao xã hội hậu tư bản không phải là thước đo tiến trình văn minh, tôi xin lùi lại vào một bài viết khác.) Tôi có thể đi xa hơn nữa và nói rằng: Ngay cả sự đồng cảm cũng là một chiến lược sinh tồn, và về bản chất cũng là vị kỷ! Dĩ nhiên, đây là một vấn đề gây tranh cãi, và sẽ không vừa vặn và thích hợp trong khuôn khổ bài viết này.
Thứ ba, là cái cách mà bạn và mạng xã hội (MXH) đang “tiêu hóa” cái tin này. Từ TikTok đến Tinder, từ Facebook Stories đến YouTube Shorts, tất thảy các món ăn văn hóa trên mạng xã hội của bạn đều đang được thiết kế với các đặc điểm sau: (i) kéo lên vô tận (infinite scrolling), giúp bạn không bao giờ tiêu thụ hết khối lượng nội dung khổng lồ của MXH và từ đó, không bao giờ phải rời đi; (ii) cá nhân hóa nội dung, khiến các nội dung bạn tiêu thụ luôn tương ứng với mối quan tâm của bạn, dẫn đến việc xây dựng một bong bóng nhận thức vô hình xung quanh bạn, khiến bạn không thể tiếp nhận được các thông tin (có thể là quan trọng) mà bạn không thích, không quan tâm, hoặc trái với khuynh hướng và định kiến sẵn có của bạn. Tornad đã “thất vọng” khi thấy “một nhóm dân trí gọi là cao” không quan tâm gì mấy đến một việc mà theo anh ta là to vật vã. Thế nhưng, sự to vật vã ấy, nó to chẳng qua là vì nó đã được lọc qua bong bóng nhận thức vô hình mà MXH đã xây cho anh ta – có thể, đối với người khác thì việc ấy nó không to như vậy, vì nó không xuất hiện ở một tần suất dày đặc trên bản tin của họ thì sao? Có thể họ, vì mối quan tâm riêng của mình mà có một bong bóng riêng, và so với những tin giết chóc đánh bom hàng ngày ở Trung Đông hiện ra nhan nhản trên bản tin của họ thì tin giết chó của Tornad chẳng so sánh nổi thì sao? Làm sao Tornad có thể thất vọng chỉ vì người khác không quan tâm những thứ mà anh ta cho là quan trọng? Thứ nữa, là cách mà Tornad và người đọc của anh ta đang tiêu thụ tin tức này. Tornad trước giờ không phải là một nhà hoạt động vì quyền động vật – anh ta là một cây bút của Spiderum. Anh ta viết bài “theo dòng sự kiện”, mỗi khi “trượt lên” (swipe up) ra tin gì trên MXH thì anh ta sẽ viết về tin đó. Đây là một cách tiêu thụ nội dung độc hại – không chỉ vì nó khiến bạn mất đi sự tập trung cần có vào những vấn đề quan trọng, mà còn vì nó khiến bạn hời hợt hơn ngay cả đối với những vấn đề mà bạn quan tâm. Giờ đây, thay vì xuất phát từ thực tiễn chứng kiến sự ngược đãi động vật tàn bạo mà thừa thãi để trở thành nhà hoạt động vì quyền động vật, bạn chỉ cần khóc thuê chửi đổng vài câu trên MXH cũng đủ để trở thành “nhà hoạt động vì quyền động vật” rồi. Cách “hoạt động xã hội” như thế này sẽ không bao giờ mang lại được sự thay đổi dài lâu và có ý nghĩa gì cho xã hội; thậm chí, nó còn gây hại cho phong trào quyền động vật bởi nó sẽ khiến người bàng quan có ác cảm với sự lố bịch của phe “chó quyền” này.
Thay lời kết, tôi xin khẳng định: Tôi không theo dõi vụ này từ đầu và không có ý kiến đúng-sai trong đây. Nếu thực sự bên xã làm sai, đó chính là hành vi phá hoại tài sản công dân, đầy đủ cơ sở để thưa kiện ra tòa. Nếu bên xã không làm sai, thì sự hi sinh vật nuôi để tránh đi sự mất mát về người và của của cả một tỉnh là có thể chấp nhận được. Nhưng than ôi! Cuộc đời ít khi trắng đen rõ ràng như thế, mà nó chỉ là một màu xám xịt. Nếu bạn là một người có sự đồng cảm cao, thì dù bạn ở bất cứ phe nào, xin hãy cố gắng nghĩ và thông cảm cho phe bên kia!
HCMC, 11.10.21
P/S: Tôi đã bình luận và Tornad đã có trả lời trên Facebook, từ đó mới dẫn ra bài viết này. Nếu mọi người có đọc bài viết trên Facebook, có lẽ ý của tôi sẽ rõ ràng hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất