Hơn một năm trước mình có đọc qua quyển Thiện, ác, smartphone của Thạc sĩ Đặng Hoàng Giang, quyển sách này, phải nói đã mở ra cho mình một chiều suy nghĩ mới, một cái nhìn mới mà từ đó đến nay đã trở thành một lăng kính mỗi khi mình quan sát bất kỳ sự việc nào diễn ra trên một xã hội thứ hai của toàn thế giới: mạng xã hội.
Mình không thường hay thích viết về một vấn đề nào đó đang trong tầm dư luận, bởi vì một khi đám đông đổ dồn vào đó, hướng tranh luận thường tồn đọng rất nhiều điều trái chiều, phiến diện, và vô căn cứ, chỉ vì khi đó sự việc đang diễn biến quá nhanh, các bằng chứng cụ thể để có thể nhìn sâu và rõ hơn vào vấn đề còn quá ít.
Chưa kể việc người tranh luận thường đang giữ một quan điểm chốt để “cố thủ”, để mỗi khi từ khóa nào xuất hiện, lập tức những gì đã được “tích lũy” sẽ tràn ra như một phản ứng tự nhiên nhưng vẫn đầy lí lẽ.

KHI CON DAO ĐƯỢC TRAO VÀO TAY QUÁ NHIỀU NGƯỜI

Thực ra hình thức “xử lý” tập thể đã tồn tại từ rất lâu, mấu chốt vẫn là tập trung thật đông người, và dùng lý lẽ của số đông để kết luận mà không cần đưa ra bất kỳ bằng cứ nào cả. Đó là những điều đã xảy ra ở những cuộc xử án công cộng thời Trung cổ, khi người ta còn ném đá bằng tay, cho đến nay mọi chuyện dường như được nghĩ là đã biến mất, nhưng thực ra chỉ được thay thế bằng một thứ công cụ tinh xảo và tàn ác hơn, đó chính là sự ẩn danh.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy khi chúng ta không bị tiết lộ danh tính hoặc được nhận ra, thì nhu cầu thể hiện và chứng tỏ quyền lực, đồng thời sự nhẫn tâm cũng tăng theo. Bằng chứng là ở bất kỳ một sự việc nào, dù tốt dù xấu, chúng ta cũng đều dễ dàng tìm ra những dòng bình luận ác ý một cách vô lý. Mình từng xem vlog của một người sáng tạo nội dung mới đây có nói đến một chuyện là hễ cứ video mới lên chưa cần biết nội dung thì vài giây sau đã có dislike, mà theo anh ấy thì chắc chắn vài giây để xem hết nội dung video đó là điều không thể.
Điều này gây ấn tượng với mình rất nhiều dù có vẻ nghe vô cùng bình thường đối với người khác. Mình đã phải tự hỏi là “Tại sao họ lại làm như vậy?”
Và thực tế là trong xã hội ngày nay, chúng ta bức tử lẫn nhau vì những áp lực mà chúng ta phải chia nhau đối mặt.

NGƯỜI NỔI TIẾNG CHÍNH LÀ ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT

Vì họ có danh tính, có thân phận, và phải gồng gánh một cái mác nặng nề hơn, là “người của công chúng”.
Khi mình đọc tin tức về người nghệ sĩ vừa trải qua bi kịch hồi vài năm về trước, mình thấy từ khóa đa phần là “scandal”, nhưng bản thân lại không cảm thấy cô ấy làm gì sai. Cô ấy hẹn hò, cô ấy ăn mặc, cô ấy vui chơi, tất cả phải chăng là một điều vô cùng bình thường nếu như bạn không phải người nổi tiếng. Nhưng vì bạn nổi tiếng, nên bạn không được phép. Tại sao lại có thể vô lý đến như vậy?
Mình là một người nhạy cảm về mặt tâm lý, cho nên đứng trước bất kỳ một quyết định gì, ngay cả lập một kênh Youtube để chia sẻ thông tin, mình cũng đã vẫn phải chuẩn bị tâm lý vô cùng gắt gao dù cho tất nhiên là mình chưa hề nổi tiếng.
Nhưng với những gì mình đã chứng kiến, mình nghĩ chỉ cần thu hút sự chú ý của một người thôi đã quá nguy hiểm. Lỡ sau này mình vạ miệng nói những điều không đúng, hay làm những điều hết sức căn bản nhưng lại là cấm kỵ đối với một người được nhiều người biết đến. Mình đã phải tự tưởng tượng xem mình sẽ ứng phó với tình huống đó như thế nào và vượt qua suy sụp ra sao. Và đó chỉ là những điều phải chuẩn bị cho một sự “được biết đến” với quy mô cực nhỏ.
Còn những người nổi tiếng thì sao? Ắt hẳn bạn cũng từng hình dung được.

CÁI CHÚNG TA CẦN KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ SIÊU PHÀM, MÀ LÀ SỰ NHẠY CẢM TÂM LÝ

Những ngày này mình hay đọc nhiều về trí tuệ cảm xúc, và mình thấy rất nhiều con người ngày nay đang thiếu, hoặc cố tình không muốn sở hữu năng lực nhìn nhận cảm xúc của người khác, bởi vì đó là một điều hết sức nặng nề.
Thử tưởng tượng xem bạn nói một lời ác ý với người khác, và đồng thời tự xem mình là người kia và cảm nhận lời ác ý từ chính mình. Đó chính là sự thấu cảm. Là sự đồng cảm với người khác.
Ai sở hữu năng lực này đều sẽ có một sự vị tha nhất định và sự kiêng dè với bất kỳ sự ác ý nào từ chính bản thân.
Mình hoàn toàn không nói mình là một thiên thần hay hoàn toàn không có suy nghĩ tiêu cực hay độc ác về một ai hoặc một sự việc nào đó. Nhưng mình vẫn luôn cố gắng làm một điều đòi hỏi sự nỗ lực đó là học cách đứng vào vị trí của người khác và cảm nhận cách mình đối xử với họ ra sao.
Từ những bước đi tâm lý như vậy, mình dè chừng và dần cảm thấy mọi bình luận ác ý là không cần thiết. Và hơn hết, mình luôn nhìn sự việc theo hướng hai mặt. Dù cho việc đó có khó khăn đến như thế nào.
Bạn có từng thử đặt mình vào vị trí của một kẻ cướp hứng chịu sự chì chiết của cộng đồng, hay có sự quan tâm nào đến những nguyên do đã dẫn họ vào con đường tội lỗi hay không? Việc suy ngẫm theo hướng này cực kỳ khó chịu và đòi hỏi mức độ đồng cảm tâm lý cực cao, nên không mấy ai làm được việc đó.
Trái lại, việc xuôi theo dòng người và đưa ra những nhận định, bình luận lại dễ dàng và mang lại cảm xúc hả hê hơn rất nhiều.
Và đó là thứ khiến chúng ta ngày một tàn ác đi.

HÃY CẨN TRỌNG TRƯỚC BẤT KỲ ĐIỀU GÌ, VÌ LỜI NÓI CỦA BẠN CÓ THỂ GIẾT NGƯỜI

Có lẽ đây là lần đầu tiên bài viết của mình có hơi xu hướng cực đoan một chút, so với các bài viết khách quan phía trước cho cùng một vấn đề, tuy nhiên, có lẽ mình nghĩ mình muốn được một lần bày tỏ mạnh mẽ như thế này.
Mọi chuyện đều có hai mặt. Một người từng nói với mình rằng "Nếu bạn biết được lý do họ làm việc đó, có lẽ bạn sẽ khóc."
Điều chúng ta cần làm là hãy khoan nóng giận, đọc thật nhiều, tìm hiểu thật kỹ, đưa ra những gì ít gây tổn thương nhất, và hãy đặt mình vào vị trí con người mà chúng ta đang nói đến.
Cuộc sống chúng ta đã quá áp lực, quá nhiều bất công, nên chúng ta vẫn luôn kiếm tìm nơi chốn để có thể trút bỏ sự muộn phiền, điều đó vẫn là những thứ rất con người.
Nhưng nếu chúng ta dịu dàng với nhau hơn một chút, chẳng phải sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiê?