Tiểu luận này gồm 6 phần, là một bước đột phá triết học của tôi trong việc hấp thụ và dung hòa những tư tưởng triết học và tâm lý học vĩ đại, lấy cảm hứng tiêu biểu từ Immanuel Kant, Albert Camus và Carl Jung. Những tư tưởng lịch sử đó, tuy rất sâu sắc và uyên thâm nhưng lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn khi đặt cạnh nhau, và tiểu luận này là một tham vọng để giải quyết tất cả những mâu thuẫn đó.
Đây là bản tuyên ngôn đầu tiên của Dị giáo Phi lý, nó chắc chắn tồn tại nhiều thiếu sót, vì không một kiến trúc sư nào có thể hoàn thiện một công trình vĩ đại chỉ bằng bản phác thảo đầu tiên. Tôi mời các bạn cùng bước vào cuộc hành trình này để chất vấn, phản biện, và quan trọng nhất, cùng nhau kiến tạo nên một thế giới quan mới từ những tàn tích của các vị thần cũ.
Xem phần 1 & 2 ở đây.

Phần 3: Vũ trụ hồi quy và Thượng Đế bất toàn

Hầu hết các hệ thống tôn giáo và siêu hình học vĩ đại trong lịch sử đều được xây dựng trên một tiên đề nền tảng, một sự mặc định có phần ngây thơ: rằng chỉ có một vũ trụ duy nhất, và trên đỉnh của nó là một Thượng Đế duy nhất, toàn năng, toàn tri và toàn thiện. Đây là một nỗ lực của lý trí con người nhằm tìm kiếm một điểm tựa tuyệt đối, một "Nguyên nhân Đầu tiên" (First Cause), một câu trả lời cuối cùng để chấm dứt chuỗi câu hỏi "Tại sao?". Nó mang lại sự an ủi, một trật tự cho sự hỗn loạn, một giải pháp tạm thời khi lý tính đã quá mệt mỏi trước sự Phi lý.
Nhưng sẽ ra sao nếu bất kỳ câu trả lời nào cũng chỉ mở ra một câu hỏi khác, lớn hơn và đáng sợ hơn?
Cuộc đối thoại cổ xưa về những con rùa đã minh họa cho nghịch lý này một cách hoàn hảo:
Dimitri: Nếu thần Atlas đỡ Địa cầu, vậy thì cái gì đỡ thần Atlas?
Tasso: Thần Atlas đứng trên một con rùa khổng lồ.
Dimitri: Nhưng con rùa ấy đứng trên cái gì?
Tasso: Một con rùa khác.
Dimitri: Thế con rùa khác ấy đứng trên cái gì?
Tasso: Dimitri thân mến à, bên dưới toàn là rùa thôi!
Câu chuyện ngụ ngôn này, trong sự giản dị của nó, đã phá hủy hoàn toàn nỗ lực tìm kiếm một "nền móng cuối cùng". Nó cho thấy rằng bất kỳ một "câu trả lời" nào cũng sẽ ngay lập tức trở thành một "vấn đề" mới. Luôn luôn có một con rùa khác.
Và nếu sự vô tận của rùa áp dụng cho mọi câu hỏi về nền móng, thì chúng ta có thể áp dụng logic tàn nhẫn này vào chính khái niệm về Đấng Sáng Tạo không?
Khi áp dụng logic này, chúng ta chắc chắn sẽ dẫn đến một kết luận Dị giáo: Thượng Đế của vũ trụ chúng ta không phải là điểm kết thúc. Ngài cũng chỉ là một sinh vật, một thực thể tồn tại trong một vũ trụ lớn hơn, được tạo ra bởi một Thượng Đế khác. Và vị Thượng Đế đó, lại cũng chỉ là một tạo vật trong một vũ trụ của một Thượng Đế khác nữa. Đây là một vũ trụ hồi quy vô tận (infinite regressive universe), một chuỗi những Đấng Sáng Tạo bất toàn xếp chồng lên nhau.
Tất nhiên, việc chứng minh giả thuyết này là đúng hay sai là một việc làm bất khả thi và vô nghĩa - như Kant đã chỉ ra, những thứ này nằm ngoài khả năng nhận thức của chúng ta. Mục tiêu của triết học Dị giáo này không phải là để tìm kiếm một sự thật khách quan. Mục tiêu của nó là phân tích các kịch bản khả thi và những hệ quả logic của chúng để hiểu hơn về chính tình trạng tồn tại của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta sẽ không bàn về những con rùa ở vô tận. Chúng ta sẽ chỉ tập trung vào hai tầng đầu tiên: vũ trụ của chúng ta, và vũ trụ ngay bên trên nó – thế giới nơi vị Thượng Đế của chúng ta tồn tại.

Phần 4: Giả thuyết về Thượng Đế Vô tình và Bi kịch của những Vũ trụ bị Lãng quên

Để hiểu về một Thượng Đế ở vũ trụ trên, có lẽ chúng ta không cần nhìn lên các vì sao. Chúng ta chỉ cần nhìn vào bên trong, vào chính cơ chế sáng tạo và lãng quên của tâm trí con người.
Hãy bắt đầu từ một câu hỏi cơ bản: Tại sao chúng ta cần có ý thức? Câu trả lời thông thường là: ý thức và tư duy logic là những công cụ ưu việt giúp chúng ta giao tiếp, kết nối, lên kế hoạch và duy trì sự sống.
Chúng phục vụ cho mục đích sinh tồn. Đúng. Nhưng còn loại trí tưởng tượng đã tạo ra nghệ thuật thì sao? Không phải trí tưởng tượng thực tiễn giúp ta hình dung ra một cái bẫy thú hiệu quả hơn, mà là trí tưởng tượng thuần túy: cái khả năng tạo ra những hình ảnh không có thật, những câu chuyện phi logic, những nhân vật không bao giờ tồn tại. Nó phục vụ cho mục đích sinh tồn trực tiếp nào? Hay chính nó là một thứ gì đó vượt lên trên sự sinh tồn?
Và trong mỗi hành động của sự tưởng tượng đó, chúng ta có đang vô tình trở thành một Đấng Sáng Tạo không?
Hãy xem xét hành động sáng tạo ở dạng thức nguyên thủy nhất: một đứa trẻ đang chơi với những con búp bê, một tiểu thuyết gia đang phác thảo nên một nhân vật, hay đơn giản là một người đang chìm vào một giấc mơ ban ngày. Trong những khoảnh khắc đó, chúng ta trở thành những đấng sáng tạo nhỏ bé, chúng ta ban cho những thực thể hư cấu đó một câu chuyện, một quá khứ, những khát vọng và nỗi đau. Trong thế giới của chúng, chúng là thật. Nỗi đau của chúng là thật.
Và rồi, một cách tàn nhẫn và vô tình, chúng ta lãng quên. Một cuốn sách được viết dở. Một bức tranh bị bỏ lại. Một giấc mơ ban ngày bị cắt ngang bởi một cuộc điện thoại. Đối với chúng ta, đó chỉ là một sự gián đoạn. Nhưng đối với những sinh vật sống trong thế giới đó, Đấng Sáng Tạo của chúng đã đột ngột câm lặng.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu vũ trụ của chúng có thật sự biến mất khi chúng ta không còn nghĩ về nó nữa không? Hay nó vẫn tiếp diễn, vận hành theo những quy luật cuối cùng mà người tạo ra nó đã đặt ra, cả khi người đó đã không còn ý thức về sự tồn tại của nó? Những nhân vật đó sẽ mãi mãi đi tìm một nguyên nhân, một ý nghĩa cho sự tồn tại của mình trong một câu chuyện đã bị bỏ ngỏ.
Và bây giờ, hãy thực hiện bước nhảy của sự dị giáo.
Nếu chúng ta, những đấng sáng tạo "bất toàn", có thể tạo ra và rồi bỏ rơi những vũ trụ của riêng mình một cách vô tình như vậy, thì tại sao chúng ta lại cho rằng Đấng Sáng Tạo của vũ trụ này lại khác đi?
Sẽ thế nào nếu toàn bộ vũ trụ của chúng ta – với tất cả những định luật vật lý, những hằng số vũ trụ, những cuộc chiến tranh, những thiên anh hùng ca và những bi kịch của nó – cũng chỉ là một thế giới tưởng tượng bị bỏ rơi? Một ý tưởng chợt lóe lên trong tâm trí của một thực thể vĩ đại nào đó, được Ngài xây dựng một cách đầy đam mê, rồi bị lãng quên khi Ngài có một "cảm hứng" mới, một "dự án" khác thú vị hơn. Chúng ta đang loay hoay tìm kiếm ý nghĩa trong một câu chuyện mà chính tác giả của nó đã không còn nhớ rằng mình đã từng viết ra nó?
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.

Phần 5: Thượng Đế Tuyệt vọng trong sự Suy đồi Phi Lý

Bây giờ hãy nghĩ về nguồn gốc của việc tưởng tượng, hay sâu xa hơn, nguồn gốc của việc hình thành một ý niệm trong tâm trí. Mọi ý niệm, từ hình ảnh một con mèo đến khái niệm về công lý, là sự kết hợp của hai yếu tố: kinh nghiệm cảm quan thu thập từ thế giới bên ngoài, và những cấu trúc nhận thức có sẵn. 
Đó có thể là những phạm trù tiên nghiệm, nằm trong chính ý thức của chúng ta, mà Immanuel Kant đã diễn giải bằng 12 phạm trù lý tính - bao gồm những quy tắc logic nền tảng, ví dụ như 'nguyên nhân - kết quả', mà tâm trí bắt buộc phải dùng để có thể sắp xếp bất kỳ kinh nghiệm cảm quan nào thành ý niệm. Cũng có thể là những nguyên mẫu (Archetype) trong vô thức tập thể - những biểu tượng và hình mẫu phổ quát được kế thừa trong tầng sâu tâm thức của toàn nhân loại - mà Carl Jung diễn giải thông qua Cái bóng (Shadow), Mặt nạ (Persona), Cái tôi (Self),... Những hệ thống này có thể không hoàn hảo, nhưng nó khẳng định một thực tế rằng chúng ta nhất thiết phải có những "bản thiết kế" phổ quát, tiên nghiệm, kết hợp với cảm quan, để hình thành nên bất cứ ý niệm nào.
Vậy khi sáng tạo một thế giới tưởng tượng, chúng ta đang làm gì? Chúng ta chỉ đang lấy những chất liệu có sẵn đó – những gì ta đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận, rồi sắp xếp chúng lại theo những quy luật nhận thức mà ta đã có thông qua những đột biến ngẫu nhiên trong vũ trụ. Vì vậy, bất kỳ vũ trụ nào được tạo ra bởi một Ý thức cũng sẽ bị giới hạn bởi chính Ý thức đó. Nó luôn luôn là một phiên bản hạ cấp, một hình ảnh phản chiếu mờ nhạt và không hoàn hảo của cái vũ trụ đã sinh ra nó.
Bây giờ, hãy áp dụng định luật tàn nhẫn này lên chính Thượng Đế.
Vị Thượng Đế đã tạo ra vũ trụ của chúng ta, về bản chất, cũng chỉ là một phiên bản hạ cấp của một Đấng Sáng Tạo vĩ đại hơn trong một vũ trụ cao hơn. Và khi nói về Ý thức, chúng ta đừng chỉ dừng lại ở con người, chắc chắn đã tồn tại những nấc nhận thức cao hơn với những khả năng tiên nghiệm mà chúng ta không bao giờ có thể biết tới. Nhưng tóm lại, dù là khả năng gì, chúng cũng chỉ là một phần của Đấng Sáng Tạo đã sinh ra chúng.
Hãy quay lại với bản chất của vũ trụ mà chúng ta đã phân tích: bạo lực, huỷ diệt, và suy đồi là động lực nguyên thuỷ. Chúng là tiếng nói của thế giới ngầm vô thức, của Shadow (cái bóng) và của Thanatos (bản năng chết). Bạo loạn, chiến tranh, quyền lực, tham, sân, si - “đời là bể khổ”, là sự thật hiển nhiên bao trùm lên vạn vật. Nhưng Ý thức, dù chỉ là một phần nhỏ, lại sinh ra một thứ đối nghịch: khát vọng về cái Thiện - về trật tự, về công lý, về lương tâm, về sự đồng cảm hay về một sự giải thoát, sự bình yên vĩnh cửu. Bất kể hướng đến giải pháp gì, đó vẫn là một cuộc chiến không hồi kết, diễn ra trong mỗi cá nhân, mỗi xã hội, mỗi hành tinh, và trong chính vũ trụ này. 
Sự tất yếu của Huỷ diệt, một cách nghịch lý, lại đang dần tạo ra những tầng Ý thức cao cấp hơn để chống lại chính nó.
Điều đó dẫn đến câu hỏi cốt lõi: Tại sao bạn lại tưởng tượng? Tại sao bạn lại mơ, tại sao lại cần những biểu tượng và những câu chuyện?
Bởi vì bạn không thể dùng Ý thức để đối mặt với toàn bộ sự hỗn loạn của thế giới ngầm bên trong, bạn không thể trực tiếp đối đầu với những bản năng suy đồi và huỷ diệt của mình. Vì vậy, bạn Sáng tạo. Bạn tạo ra những vũ trụ, những ý tưởng, những nhân vật, để những mâu thuẫn đó có thể tự trình diễn, tự chiến đấu với nhau một cách gián tiếp nhằm tìm ra một giải pháp nào đó. Ý thức của con người là một giải pháp mới, một thứ xuất hiện ngẫu nhiên trong vũ trụ, và vì thế nó bất toàn. Nó là một trong vô số giải pháp mà vũ trụ đang cố tạo ra một cách ngẫu nhiên để đấu tranh với mâu thuẫn huỷ diệt của chính nó. Và cuộc đấu tranh của bạn để hướng đến chân-thiện-mỹ, hay cuộc đấu tranh của chính vũ trụ trong việc tạo ra các tầng Ý thức cao hơn, đều bắt nguồn từ những phạm trù tiên nghiệm mà Thượng Đế đã có. 
Vậy cuộc chiến nội tâm thông qua thế giới tưởng tượng của bạn cũng chính là một phần của cuộc chiến nội tâm của Thượng Đế thông qua vũ trụ ta đang sống.
Bây giờ, hãy quay lại với bản chất của sự huỷ diệt và suy đồi. Chúng ta thấy rằng các sinh vật ở mức độ nhận thức thấp hơn, cũng huỷ diệt lẫn nhau, nhưng là một cách bản năng thuần tuý. Còn ở mức độ của loài người chúng ta, Ý thức ngày càng cao cấp hơn, thì cái ác cũng ngày càng sâu sắc hơn: ta bóc lột, tra tấn, cưỡng hiếp, diệt chủng. Hãy đặt bản thân bạn vào giữa những cuộc chiến tranh, hãy là một người lính trung cổ kinh hoàng bất lực trước dàn kỵ binh đang lao tới, đổ gục xuống bãi thịt người bầy hầy trong những tiếng thét kinh hoàng. Hãy là một người lính thế chiến rớt xuống hầm chông, bị cọc đâm xuyên qua người nhưng không thể chết ngay, rồi một cơn mưa tới, dần lấp đầy cái hố cho tới khi bạn chết đuối. Hãy là một người tù chiến tranh bị hành hạ, bị chặt tứ chi rồi bỏ đó đến khi chết đói. Hãy là một phù thuỷ bị thiêu sống, bị lột da, hãy là một phạm nhân bị lăng trì, bị tứ mã phanh thây. Hãy là một thai phụ bị cưỡng hiếp, trong nhiều ngày, bởi nhiều người, trong nhục nhã, đau đớn, kinh hoàng, vô vọng, phi lý, và chết trong sự kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Bạn thấy rõ, sự tàn ác và suy đồi của chúng ta không còn chỉ vì động lực sống về mặt vật lý đơn thuần, với sự phát triển của Ý thức, nó đã có thêm chiều sâu tinh vi hơn từ lý trí và cảm xúc. Đó là một bản chất nghiệt ngã đã được những nhà tư tưởng cực đoan như Marquis de Sade khai thác một cách triệt để trong “120 days of Sodom”.
Vậy, với một Thượng Đế có Ý thức thượng cấp hơn hẳn chúng ta, vũ trụ của Ngài còn Suy đồi đến mức nào?
Và, trong nỗi Tuyệt vọng trước sự Phi lý, Thượng Đế đã tạo ra vũ trụ của chúng ta – một bản mô phỏng Hạ cấp của sự Huỷ diệt và Suy đồi trong bản thân Ngài, rồi gieo vào đó những mầm sống ngẫu nhiên của Ý thức, với hy vọng rằng một trong số chúng có thể tiến hoá thành lời giải cho câu hỏi mà chính Ngài cũng không thể trả lời.
Xem phần tiếp theo ở đây.