Sinh trong khoảng thời gian từ 1997 - 2012, tôi được định nghĩa là thế hệ Z - một thế hệ khác biệt so với thế hệ Millennials (hay thế hệ Y, được sinh ra từ 1981 - 1996). Điều tôi được nghe nhiều nhất từ những thế hệ đi trước về thế hệ của mình là chúng tôi thật dễ vỡ và thất bại, nhạy cảm đến từng ánh mắt cử chỉ hành động, động tí là trầm cảm và ai cũng muốn chết; hoặc còn lại là quá cá tính, quá trớn, quá đà, không thể hiểu nổi. 
Tôi nhìn thấy những bình luận như vậy trong những vụ việc về màu tóc nhuộm, về cách ăn mặc. 
Tôi nhìn thấy chúng trong những bài đăng về bình đẳng giới, về LGBT. 
Tôi thấy chúng trên cả giảng đường đại học, khi lớp bàn luận về vấn đề kết hôn và ly hôn. 
Tôi nhìn thấy chúng, thậm chí là, khi có một người chọn việc rời bỏ cõi sống này. 
Và hệ quả của một xã hội thiếu sự cảm thông, một xã hội đầy những chấn thương từ thế kỷ cũ như vậy là gì? Là những nhãn dán được dán lên người thế hệ Z, là những chương trình chả ra đâu vào đâu như cái Gen Z Life của VTV, là những nỗi sợ khó nói thành lời của đa số thế hệ chúng tôi khi đi tìm giá trị của bản thân trong bạt ngàn lời chỉ trích và phán xét. 
Chấn thương tâm lý (trauma) không tự mất đi, nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (intergenerational trauma). 
Không thể không nói, mỗi thế hệ đều có những nhu cầu tâm lý khác nhau, vì mỗi thế hệ đều có một bối cảnh xã hội hoàn toàn khác. Ngày trước, cái ông bà ta lo lắng nhất là làm sao để sinh tồn, vì vậy họ dồn toàn bộ công sức để bản thân và con cháu có cái ăn, cái mặc. Tinh thần dân tộc và chủ nghĩa tập thể được đẩy lên cao nhất. Điều người ta biết là cái “ta” thay vì cái “tôi”. 
Thế hệ trước cũng đã chịu rất nhiều chấn thương tâm lý bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử (chiến tranh), bối cảnh kinh tế xã hội (đói nghèo), và khi những tổn thương đó chưa lành thì thế hệ tiếp theo đã ra đời.
Nhưng thế hệ đi trước đã khổ thì không có nghĩa thế hệ đi sau cũng phải khổ như thế. 
“Hồi bé tao bị đánh suốt có sao đâu" không có nghĩa đánh con không phải bạo lực và không ảnh hưởng gì đến con trẻ. Ngay từ câu nói ấy cũng đã là một hệ quả nặng nề của một thế hệ coi bạo lực thành tình yêu. 
Hình tượng phái nữ gắn liền với đẹp và yếu cũng chẳng mang nghĩa là phụ nữ bây giờ nên im mồm khi bị phán xét, bị catcall, bị chê bai ngoại hình. Đã bao thập kỷ mà người ta phải giảm béo ngay cả khi người ta chẳng béo, phải đi phẫu thuật thẩm mỹ ngay cả khi người ta chẳng xấu. Âu cũng là vì miệng lưỡi người đời. 
Thế hệ đi trước chịu sống ở một hoàn cảnh gia đình không có tình yêu, thậm chí là bạo lực, không có nghĩa thế hệ đi sau cũng phải vậy. “Nhường nhịn cho qua vì còn phải ở với nhau cả đời" có thật sự là một lời khuyên chính đáng trong mọi đời sống hôn nhân? Có ma mới biết.
Mẹ và dì tôi chịu ngồi rửa một sân bát bẩn trong khi họ phải nấu cả ngày và ăn được 2 miếng không có nghĩa rằng tôi cũng vậy. Bố và bác tôi luôn không được khóc trong lễ tang của những người thân yêu hoặc cả khi có chuyện buồn không có nghĩa là anh trai và em trai tôi cũng phải vậy. 
Đã có bao giờ, những người luôn chỉ trích Gen Z tự ngồi lại và tìm hiểu kỹ xem, đằng sau những sự khó chịu, những giọt nước mắt, những tố cáo, những cuộc hôn nhân đổ vỡ, những cái chết lại là một tình cảnh như thế nào? 
Tôi cá là chưa. Bởi nếu có thì hẳn đa số họ cũng đã trả lời được câu hỏi rằng, 
Liệu chúng tôi chỉ luôn biết khóc than và trầm cảm? Hay vì chúng tôi là người dám đứng lên và phản ánh những vấn đề ngày trước không ai dám nói, khi mà người ta im lặng đến mức xã hội coi đó là hiển nhiên?  
Đã qua lâu rồi cái thời mà chúng ta phải đặt dân tộc và tập thể lên đầu tiên. Chúng ta không thể mãi sống trong quá khứ và phê phán chủ nghĩa cá nhân là vị kỉ và nên bị áp bức nữa. Việc này đã thể hiện rõ ngay trong sự phát triển mạnh mẽ của những nền tảng và ứng dụng cá nhân hoá như Facebook, Tiktok và Instagram hay những ứng dụng đa di năng như Grab trong vài năm gần đây.
Một xã hội không thay đổi là một xã hội đi lùi, là một xã hội thất bại trong việc giáo dục và ươm mầm những thế hệ mai sau. 
Your J.