Kiêu ngạo, đố kỵ, thịnh nộ, lười biếng, tham lam, ham ăn và sắc dục là bảy tội lỗi chính trong Kinh Thánh mà con người dễ dàng mắc phải nhất. Một trong những bộ phim cho chúng ta hình dung rõ nhất về 7 tội ác này chắc chắn phải kể đến Seven - tác phẩm thuộc thể loại tâm lý tội phạm giật gân với sự tham gia của Brad Pitt, Morgan Freeman, Gwyneth Paltrow và Kevin Spacey. Dưới bàn tay nhào nặn đầy nghệ thuật của đạo diễn David Fincher, 7 mối tội đầu trong Kinh Thánh được thể hiện một cách vô cùng chân thật, kinh hoàng và man rợ.
Qua hành trình điều tra vụ án giết người hàng loạt của hai thám tử Somerset và David Mills xoay quanh việc tên sát nhân đi sát hại những người mà hắn cho là đại diện của 7 tội ác trong Kinh Thánh, bộ phim phần nào cũng đặt ra cho chúng ta những suy ngẫm về việc làm thế nào để tránh xa khỏi những ham muốn sai trái? làm thế nào để bản thân có thể bản lĩnh đương đầu trước những dục vọng xấu xa?  
Để trả lời cho những câu hỏi có phần khó khăn này, ta sẽ thử phân tích 7 mối tội trong Seven qua góc nhìn của Chủ nghĩa Khắc kỷ, để thử bước vào giới quan của các nhà khắc kỷ, bước vào hành trình suy tư chiêm nghiệm và tìm cho bản thân câu trả lời đích đáng nhất.
Bộ phim gây ám ảnh của Brad Pitt.
Bộ phim gây ám ảnh của Brad Pitt.

Tham ăn

Mở đầu cho vụ điều tra của Somerset và David trong Seven là vụ án liên quan đến một người đàn ông béo phì bị ép ăn cho đến chết. Cái chết của anh ta được cho là tượng trưng của tội tham ăn. Trong Kitô giáo, tham ăn được coi là một tội lỗi nếu mong muốn thực phẩm ăn uống quá nhiều dẫn tới việc lấy đi của người thực sự cần nó. Ham mê ăn uống có thể được hiểu như sự ích kỷ khi chủ động đặt mối quan tâm và lợi ích của chính mình lên trên hạnh phúc hay quyền lợi của người khác. 
Nhiều lãnh đạo nhà thờ trung cổ cho rằng, ham ăn có thể hiểu một cách rộng hơn bao gồm sự ám ảnh về các bữa ăn và cách ăn liên tục của món ăn cũng như các thực phẩm quá đắt đỏ. Thánh Tôma Aquinô - một nhà triết học, thần học và linh mục người Ý đã liệt kê danh sách sáu loại ham mê ăn uống, bao gồm: ăn quá sớm (Praepropere); ăn quá tốn kém (Laute); ăn quá nhiều (Nimis);  ăn quá háo hức (Ardenter);  ăn quá kén chọn (Studiose) và ăn một cách hoang dại (Forente). Có thể thấy, việc tham ăn quá độ sẽ dẫn đến sự phung phí lương thực, rượu chè quá chén khiến cho cơ thể ì ạch và trở nên lười biếng. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh khỏi ham muốn tham ăn quá độ?
Trong cuốn Seneca - Những bức thư đạo đức, ở lá thư số 18, triết gia Senca từng đề cập đến điều này. Ông cho rằng, những bữa ăn thịnh soạn và tiệc tùng sẽ chỉ thỏa mãn giá trị bên ngoài, thậm chí kẻ tận hưởng nó có thể sẽ mất kiểm soát và gây ra nhiều rắc rối trong khi những người kiểm soát được ham muốn sẽ duy trì được sự tỉnh táo, cho thấy trí khôn ngoan cùng với một bản lĩnh kiên cường. Ông nhấn mạnh, một bữa ăn đơn giản vừa đủ chỉ gồm nước trắng và bánh mỳ thô cũng có thể làm ta thỏa mãn giá trị bên trong, bởi đó là lúc ta hiểu rằng, mình hoàn toàn tự do và kiểm soát được ý chí của chính mình.
Vậy nên, thay vì để bản thân chìm đắm trong ham muốn tột độ bởi sự xa hoa ăn uống, thú vui hưởng lạc rượu chè, bạn hãy thử làm quen với sự nghèo túng thuần tuý của cuộc sống, hãy ăn vừa đủ, uống vừa phải, hãy để tâm trí làm chủ để thoả mãn nhu cầu bên trong thay vì cố gắng tận hưởng nhu cầu vật chất bên ngoài.
Brad Pitt trong vai David và Morgan Freeman trong vai Somerset.
Brad Pitt trong vai David và Morgan Freeman trong vai Somerset.

Tham lam

Sau vụ án liên quan đến ham ăn, Somerset và David tiếp tục khám phá ra vụ án thứ hai về một luật sư giàu có nổi tiếng bị mưu sát kinh hoàng trong căn nhà của mình. Hung thủ để lại dòng chữ “tham lam" bằng máu của nạn nhân trên sàn nhà như một lời giải cho nguyên nhân của cái chết. 
Tham lam hay còn được gọi là hám lợi, hám danh, bao gồm cả ham muốn dục vọng và ham ăn được cho là một trong bảy tội lỗi trong Kinh Thánh. Thomas Aquinas đã viết: "Tham lam là tội chống lại Thiên Chúa, cũng giống như tất cả các tội trọng, cũng giống như việc con người kết án mọi thứ vĩnh viễn vì lợi ích của vật chất." Trong trường ca Luyện Ngục của Dante - một nhà thơ lớn người Ý cũng nêu ra cách trừng phạt những kẻ tham lam rằng, họ sẽ bị trói và nằm úp mặt xuống đất vì đã tập trung quá mức vào những suy nghĩ trần thế. Đó cũng chính xác là cách mà kẻ sát nhân John Doe đã làm với tên luật sư giàu có tham vọng trong Seven. Vậy, các nhà hiền triết của Chủ nghĩa Khắc Kỷ đã khuyên chúng ta điều gì để tránh khỏi tội lỗi này?
Đối với Seneca, ông cho rằng, ham muốn là một chuỗi lặp lại liên tục khi điểm kết của ham muốn này lại là khởi đầu của ham muốn khác. Khi bạn đã chìm sâu vào cuộc đời đầy đau khổ với quá nhiều ham muốn, nó sẽ đeo bám bạn không buông. Tuy nhiên, bạn có thể dứt khoát cắt bỏ nó nếu đủ nghị lực và kiên quyết. Hãy thử làm một ví dụ, nếu bạn lui về với cuộc sống riêng tư xa lánh thế sự, của cải sẽ ít hơn, nhưng vẫn thừa đủ phục vụ nhu cầu thiết yếu, còn hiện tại, bạn đang sở hữu rất nhiều mà vẫn không thoả mãn. Bạn sẽ chọn gì? Đầy đủ trong giản dị thanh đạm hay thiếu thốn giữa thừa thãi xa hoa? Dù bạn chọn gì, quyết định đó cũng phản ánh chính con người của bạn, nhưng hãy nhớ rằng, càng giàu càng tham, mà tham thì thâm. Nếu chẳng có gì là đủ với bạn, bạn cũng chẳng bao giờ là đủ với bất kỳ ai.
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là bạn có thể dứt bỏ khỏi tham lam được hay không? Hãy nghĩ đến bao nhiêu mạo hiểm bạn phải chấp nhận vì tiền bạc, bao nhiêu cực nhọc bạn phải trải qua để có được danh vọng, liệu rằng khi về già, bạn có thể lo lắng và giữ tiền bạc, danh vọng của mình được bao lâu? Càng đạt nhiều thành tựu, nỗi sợ càng phình to. Bạn muốn sống an nhiên vừa đủ hay nơm nớp lo sợ cả một đời? Tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của chính bạn.
Hiện trường vụ án mạng của tội tham lam trong Seven.
Hiện trường vụ án mạng của tội tham lam trong Seven.

Lười biếng

Những tưởng hai vụ án đầu sẽ đi vào bế tắc, tuy nhiên khi khám phá ra manh mối về dấu vân tay ở vụ án thứ hai, Somerset và David đã tìm ra hiện trường của vụ án thứ ba, về một nạn nhân mắc tội lười biếng. Người này bị tên sát nhân trừng phạt bằng cách tiêm đủ thứ chất lên người nhằm duy trì sự sống trong vòng 1 năm, đến độ anh ta còn tự ăn lưỡi của chính mình. 
Lười biếng được cho là việc ngừng chuyển động và thờ ơ với công việc, nó thể hiện ở sự lười nhác, nhàn rỗi và ngại làm việc. Sự lười biếng này bao gồm việc ngừng sử dụng bảy món quà ân sủng được ban cho bởi Chúa Thánh Thần gồm : sự khôn ngoan, sự thông minh, lời khuyên, sức mạnh, sự hiểu biết, sự tin kính và sự kính sợ Thiên Chúa… Lười biếng cũng được định nghĩa là sự thất bại trong việc làm những việc mà người ta nên làm. Có thể hiểu là, cái ác tồn tại khi những người "tốt" không hành động. Sự lười biếng sẽ khiến đầu óc con người trì trệ, ngừng tập trung vào những vấn đề quan trọng và đôi khi sẽ khiến con người đánh mất những giá trị thực sự. Vậy cách khắc phục tình trạng lười biếng này là gì?
Marcus Aurelius - một trong ba chủ cột lớn của Chủ nghĩa Khắc Kỷ cũng từng thắc mắc: “Liệu ta có được sinh ra chỉ để ngủ quên trong sự sung sướng? Nói tóm lại, ngươi muốn lười biếng hay là chịu khó thêm một chút?”. Đến ngay cả vị Hoàng đế La Mã cũng thường phải vật lộn đấu tranh với sự lười biếng. ​​Thế nhưng ông đã giải quyết được điều đó. Ông đã thúc đẩy bản thân làm những gì cần làm. Ông nói rằng ta không được sinh ra để sống trong sung sướng. Chỉ cần nhìn vào cây cỏ, chim chóc, đàn kiến, nhện hay ong – mỗi loài có nhiệm vụ khác nhau. Bạn có nghe thấy chúng rên rỉ và phàn nàn không? Không, chúng làm những gì cần làm, và làm tốt nhất có thể. Đều đặn mỗi ngày. Vậy mà chúng ta vẫn không sẵn lòng làm những gì được giao? Chúng ta cảm thấy lười biếng. Không có động lực. Chậm chạp. Bạn được phép ngủ và nghỉ, nhưng chỉ có mức độ mà thôi. “Ta đã nghỉ ngơi quá mức cho phép”, Marcus tự nhắc mình. Vì ông vẫn chưa hoàn thành tất cả công việc của mình. Ông chưa đạt đủ chỉ tiêu. Và chúng ta cũng vậy. Đã đến lúc đứng dậy và làm những gì chúng ta phải làm.
Hay như Seneca đã từng lấy một ví dụ rất rõ ràng rằng những người lính thiện chiến nhất là những người đã quen chinh chiến trên những địa hình hiểm trở, còn lính trong thành phố chỉ là những tên lười biếng ì ạch mà thôi. Vậy nên hãy để tất cả những giọt mồ hôi đổ xuống vì lao động, đừng để thời gian lười biếng lãng phí cản trở thành công của ta. Trên tất cả, hãy xua đuổi thói hưởng thụ bê tha, coi chúng là kẻ thù tồi tệ nhất. Hãy lao động để nhận ra bản lĩnh của chính mình, để vươn tới thành công và đánh bại mọi con quỷ lười trong bạn.
Hai thám tử trong hiện trường vụ án của tội lười biếng.
Hai thám tử trong hiện trường vụ án của tội lười biếng.

Dâm ô

Nối tiếp chuỗi vụ án giết người hàng loạt của tên sát nhân cuồng tín John Doe, nạn nhân thứ tư của hắn là một cô gái làng chơi, hắn đã ép vị khách của cô gái này đeo một dụng cụ BDSM và ngược đãi cô cho đến chết. Đây được xem là cái giá phải trả cho tội dâm dục.
Sự ham muốn (lust) hay dâm đãng (lechery) là sự khao khát mãnh liệt về thể xác. Khi không kiểm soát được dục vọng, nó có thể dẫn đến tà dâm bao gồm cả ngoại tình, hiếp dâm, thú tính, và các hành vi tội lỗi về tình dục khác. Henry Edward Manning - Tổng giám mục thứ hai của Westminster giải thích, sự ô uế của dục vọng biến một người thành "nô lệ của ma quỷ".
Trong Purgatorio của Dante, người ăn năn đi trong ngọn lửa để thanh lọc bản thân khỏi những suy nghĩ và cảm xúc ham muốn. Những linh hồn không được tha thứ tội lỗi ham muốn cũng vĩnh viễn bị thổi bay trong những cơn gió như cuồng phong không ngừng nghỉ, tượng trưng cho sự thiếu tự chủ của họ đối với những đam mê dục vọng trong cuộc sống trần thế.
Trong cuốn “Bàn về sự ngắn của cuộc đời”, Seneca đã đề cập đến những tội lỗi về sự nuông chiều bản thân và những ham muốn thể xác. Theo ông, những mối bận tâm đáng xấu hổ nhất của con người chính là rượu chè và dục vọng. Ông cho rằng, những người kiềm chế được thói xấu ham ăn và dâm ô dù có mắc phải một số sai lầm như tham lam và giận dữ thì vẫn được coi là những người phạm ít tội hơn so với những kẻ rượu chè và dâm dục.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không nên trải nghiệm sự ham muốn. Bạn cần có nhận thức rõ về tình dục và tà dâm. Nếu tà dâm là sự ham muốn xác thịt tột cùng không kiềm chế thì tình dục là sự phát triển dựa trên tình yêu giữa hai người. Trái ngược với những ham mê về sắc dục, Seneca rất trân trọng những mối quan hệ có ý nghĩa với những người xung quanh. Vậy nên, thay vì thỏa mãn nhục dục xác thịt, hãy xây dựng và vun đắp những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp đối với bạn.

Kiêu ngạo

Một thời gian ngắn sau cái chết của cô gái điếm, Somerset và David phát hiện ra cái chết của một người mẫu trẻ với khuôn mặt đã bị rạch nát. Thà tự tử còn hơn sống tiếp với một khuôn mặt xấu xí, cô gái là nạn nhân của tội kiêu ngạo.
Kiêu ngạo được coi là nguyên nhân nghiêm trọng nhất trong bảy tội lỗi chết người ở hầu hết mọi danh sách. Nó là ranh giới mong manh giữa thiên thần và ác quỷ. Nó cũng được cho là nguồn gốc của những tội lỗi khác. Kiêu ngạo cũng được coi là một loại ích kỷ khi đặt những ham muốn của bản thân lên trước lợi ích của người khác.
Ở Athens cổ đại, ngạo mạn được coi là một trong những tội ác lớn nhất và được dùng để chỉ sự khinh miệt xấc xược có thể khiến người ta sử dụng bạo lực để khiến nạn nhân xấu hổ. Aristotle đã định nghĩa sự ngạo mạn là việc làm xấu hổ nạn nhân chỉ vì sự hài lòng của chính người phạm tội thay vì bất cứ điều gì đã xảy ra với người phạm tội hoặc có thể xảy ra với người phạm tội.
Để phân tích rõ hơn về trường hợp này, ta có thể phân tích dựa trên góc nhìn của ​​Marcus Aurelius thông qua cuốn Suy Tưởng: “Những người cảm thấy thích thú với sự nổi tiếng sau khi qua đời quên mất rằng những người tôn vinh họ cũng sẽ sớm quy tiên. Và thế hệ sau đó nữa. Tất cả chỉ ngắn ngủi như ánh nến mà thôi. Nhưng, ngay cả khi những người sùng bái bạn có bất tử đi chăng nữa, sự hâm mộ sùng bái ấy có ích gì cho cuộc sống của bạn không, ngoại trừ việc nó cho bạn thêm chút thích thú và thoải mái?”. Đối với cô người mẫu trong Seven cũng vậy, sau khi tên sát nhân huỷ dung đã cho cô hai sự lựa chọn, một là gọi điện tìm người giúp đỡ và sống tiếp, hai là uống thuốc để kết liễu bản thân. Tuy nhiên, với tính cách kiêu ngạo sĩ diện của mình, cô đã chọn cái chết. 
Đối với những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ, họ tin rằng, sắc đẹp và nổi tiếng chắc chắn sẽ không tồn tại vĩnh viễn, vậy nên thay vì kiêu ngạo giữ lại những thứ phù du ảo ảnh, chúng ta có thể từ bỏ nó để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng, kiêu ngạo chỉ càng đẩy mọi người đi xa bạn. Bằng việc thay thế sự khiêm tốn cho tính kiêu ngạo, chúng ta có thể thấy rằng, cho dù ai đó có thô tục đến đâu thì vẫn luôn có điều gì đó của họ mà ta có thể ngưỡng mộ và khiêm tốn thì luôn đem lại những lợi ích trong cuộc sống của bạn nhiều hơn thói kiêu ngạo khinh khỉnh.
Tên sát nhân cuồng tín John Doe xuất hiện tại sở cảnh sát.
Tên sát nhân cuồng tín John Doe xuất hiện tại sở cảnh sát.

Ghen tỵ

Sau vụ sát hại cô người mẫu, tên sát nhân John Doe xuất hiện trước sở cảnh sát. Thông qua luật sư của hắn, Doe khẳng định hắn sẽ dẫn hai thám tử đến hai nạn nhân cuối cùng và đầu thú, hoặc bằng không hắn sẽ viện cớ bệnh tâm thần để thoát tội. Dù Somerset lo lắng, nhưng David đồng ý với điều kiện hắn đưa ra. Doe dẫn hai thám tử tới vùng hoang mạc cách xa thành phố; trên đường đi, hắn nói rằng Chúa đã sai hắn trừng trị cái ác và cứu thế giới khỏi nơi tồi tệ này. Tại đây, Doe đã thừa nhận hắn là tượng trưng cho "Ghen tỵ". Hắn ghen tị với cuộc sống đời thường của David, và đã giết Tracy - vợ của anh sau khi không thể cưỡng bức cô.
Đố kỵ cũng được coi là một loại ham muốn tột độ như tham lam và thèm khát. Nó được mô tả như một sự phẫn uất đối với tài sản tinh thần hoặc vật chất mà người khác có được. Đố kị phát sinh từ tính tự phụ của con người và cắt đứt sự gần gũi, liên kết với các mối quan hệ xung quanh. Bertrand Russell - nhà triết học, toán học người Anh của thế kỷ 20 cho rằng lòng đố kỵ là một trong những nguyên nhân mạnh mẽ nhất gây ra bất hạnh, mang lại nỗi buồn cho những kẻ ghen tị, đồng thời khiến họ thôi thúc gây ra nỗi đau cho người khác. 
Chủ nghĩa Khắc Kỷ cho rằng, có 4 điều góp phần vào sự khốn khổ của con người bao gồm: đau khổ, sợ hãi, ham muốn và thích thú. Trong đó, đố kỵ được xếp vào loại đầu tiên bởi nó chính là cảm giác bản thân mình muốn thứ người khác có và khó chịu khi chứng kiến sự thành công của họ.
Vậy tại sao chúng ta vẫn dành nhiều thời gian cho sự đố kỵ như vậy? Nếu cứ mãi đố kỵ, chúng ta sẽ càng lãng phí thời gian cho sự đau khổ. Nếu bạn muốn biết, đố kỵ thực sự là gì, câu trả lời chính là: sự điên rồ, là sự lụi bại. Cho nên, thay vì chấp nhận mất thời gian đau khổ để rồi điên rồ và bị đánh gục, hãy tránh nó bằng mọi cách có thể. Hãy tạo ra thành công của chính bản thân để thôi phải ghen tỵ với người đời.
John Doe - Một trong những tên sát nhân thành công nhất trên màn ảnh.
John Doe - Một trong những tên sát nhân thành công nhất trên màn ảnh.

Phẫn nộ

Sau khi nghe lời thú tội và hành động bất nhân của kẻ sát nhân, đặc biệt về cái chết của vợ mình, David không thể kiềm chế cơn giận dữ cho dù Somerset có ra sức ngăn cản, anh đã bắn John Doe và trở thành nạn nhân của tội thù hằn. Sau tất cả, kế hoạch của tên sát nhân cuồng tín đã thành công khi hắn gom đủ nạn nhân của 7 mối tội đầu.
Thù hằn có thể được hiểu là cảm giác tức giận, thịnh nộ,  thậm chí là hận thù không kiểm soát được. Phẫn nộ thường bộc lộ với mong muốn tìm kiếm sự báo thù. Ở dạng thuần túy nhất, cơn thịnh nộ thể hiện bằng thương tích, bạo lực và thù hận có thể gây ra mối thù kéo dài hàng ngàn thế kỷ. Sự phẫn nộ có thể tồn tại rất lâu sau khi họ đã làm một việc sai trái. Cảm giác phẫn nộ có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm thiếu kiên nhẫn, hận thù, hành vi trả thù và hành vi tự hủy hoại bản thân.
Theo Giáo lý của Giáo hội Công giáo, hận thù là tội lỗi khi mong muốn người khác có thể gặp bất hạnh hoặc điều ác và là tội trọng khi người ta muốn bị tổn hại nghiêm trọng. Nếu sự tức giận đến mức cố ý muốn giết hoặc làm trọng thương một người, thì đó là hành vi vi phạm lòng bác ái; đó là một trọng tội.
Maricus từng viết: “Hãy nghĩ đến điều này khi ngươi cảm thấy một cơn thịnh nộ đang bùng phát – nổi giận thì không nam tính. Thay vào đó, sự lịch thiệp và văn minh thì nhân văn hơn, và do đó nam tính hơn. Một đại trượng phu không tức giận và bất mãn, và vì thế có được sức mạnh, lòng dũng cảm và sự bền bỉ – trái ngược với một kẻ đang tức giận và phàn nàn. Một người đàn ông càng bình thản thì càng mạnh mẽ.”
Sự tức giận là một cảm xúc kích động, tiêu cực mà các nhà Khắc kỷ muốn giảm thiểu. Seneca đã đưa ra lời khuyên hữu ích về sự tức giận trong "Bài luận về Sự tức giận" của mình, ông nói “Giận dữ, hay mong muốn đáp trả lại sự đau khổ, là điều điên rồ. Bởi vì một người đàn ông tức giận thì thiếu tự chủ, thiếu suy nghĩ, bỏ ngoài tai lý lẽ và lời khuyên, bị kích động bởi những điều vặt vãnh và không biết đâu là đúng đâu là sai, giống như một tảng đá rơi xuống vỡ vụn khi gặp vật cản.” Nổi giận sẽ chỉ khiến bạn bị tổn thương. Đó là lý do tại sao cần ngay lập tức dập tắt ngọn lửa nhen nhóm sự tức giận. Bởi vì một khi chúng ta bị cơn giận lấn át, lý lẽ mất đi giá trị, cơn giận sẽ gây hậu quả nặng nề và rất khó để dập tắt nó.
Một trong những phân cảnh đau đớn nhất trong Seven.
Một trong những phân cảnh đau đớn nhất trong Seven.
Seneca đưa ra lời khuyên rằng: Khi tức giận, hãy thực hiện các bước sau để chuyển hóa cơn giận thành điều đối lập: Buộc bản thân thư giãn cơ mặt, hít thở sâu, hạ giọng xuống và đi chậm lại – và trạng thái tinh thần sẽ trở nên nhẹ nhàng như hành động của bạn vậy. Vì thế, thay vì luôn tức giận và giày vò cuộc sống của những người xung quanh, tại sao bạn không “trở thành người được mọi người yêu mến khi còn sống và được nhớ nhung khi đã ra đi?”. Cuối cùng, liệu thù hằn có đưa ta đến cái đích về một cuộc sống tốt đẹp mà ta hằng mong muốn? Tất cả đều phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn.
Kết thúc bộ phim Seven, khi mặt trời lặn, Somerset được hỏi là sẽ đi đâu và làm gì, ông đã trả lời bằng cách nhắc đến câu nói của Ernest Hemingway: "Thế giới là một nơi tốt đẹp và đáng để đấu tranh - Tôi đồng ý với vế thứ hai". Bạn thấy đấy, thế giới hay chính cuộc sống của bạn có nhiều điều tốt đẹp đáng để trân trọng và giữ gìn, vậy nên, thay vì coi trọng thiệt hơn, buông thả bản thân để có thể phạm phải bảy mối tội đầu trên thì bạn hãy rèn luyện chính mình, hãy biết đấu tranh, xây dựng sự bản lĩnh để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và đáng mơ ước hơn.
Somerset và niềm tin đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp.
Somerset và niềm tin đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp.
Trên đây là những suy nghĩa của mình dưới góc nhìn của Chủ nghĩa Khắc Kỷ khi xem bộ phim Seven. Hãy chia sẻ ý kiến của các bạn dưới phần bình luận để chúng mình có thể trao đổi thêm nhé.
Một số tài liệu, nguồn tham khảo, trích dẫn:
3. Một số tài liệu về Bảy mối tội đầu trong Kinh Thánh.