Thông thường khi cân nhắc về kĩ năng của một nhà đầu tư, thông tin đầu tiên chúng ta tìm kiếm là tỷ suất lợi nhuận gần đây nhất của người đó như thế nào. Như một bản năng tâm lý gần như vô hình, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng kết quả cuối cùng của một quyết định chính là thước đo chính xác nhất cho chất lượng của quyết định đó. Nếu như kết quả là khả quan, quyết định đưa ra được cho là chính xác, và nếu như kết quả không như mong đợi, chúng ta cho rằng người đó đã mắc sai lầm trong việc đưa ra quyết định. Đây là một thói quen phổ biến và gần như nếu không suy ngẫm một cách sâu sắc về hành vi này, ta sẽ không thể nhận thấy bất kì vấn đề nào trong việc gắn liền chất lượng kết quả của một quyết định với chính chất lượng của quyết định đó. Suy cho cùng thì vẫn rất khó để tranh cãi với một người đang đưa ra những quyết định ngu ngốc, nhưng kết quả lại dường như đang thể hiện điều ngược lại.
Tuy nhiên, đối với những cá nhân mà công việc của họ gắn liền với một môi trường mà sự bất định luôn đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, họ luôn hiểu một nguyên tắc cực kì quan trọng rằng kết quả cuối cùng của một quyết định không hề tiết lộ bất cứ điều gì về chất lượng của quyết định đó. Những nhà đầu tư thông minh là những người đủ sâu sắc để hiểu rằng chất lượng của kết quả và chất lượng của quyết định không hề tương đồng nhau.
Trong thực tế, những quyết định chính xác nhưng lại có kết quả tệ hại cũng như những quyết định ngu xuẩn nhưng lại đưa ra kết quả tuyệt vời luôn hiện hữu khắp nơi, điều quan trọng là ta phải có đủ khả năng để phân biệt giữa kỹ năng và may mắn. Nếu như mọi việc không hề đơn giản như ta vẫn thường nghĩ trong môi trường đầu tư, làm thế nào để ta xác định một cách chính xác ai là người thực sự sở hữu kỹ năng đầu tư?

Kỹ năng và may mắn

Trong đầu tư, không có bất cứ việc gì nhà đầu tư có thể làm, cho dù bạn có thật sự tài giỏi đến đâu, có thể mang lại cảm giác chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ diễn biến đúng như bạn dự tính. Sự bất định cũng như tính ngẫu nhiên của các sự kiện tương lai sẽ luôn là một hằng số không bao giờ thay đổi trong môi trường đầu tư. Điều này đặt ra một câu hỏi cực kì quan trọng cho nhà đầu tư :
Nếu như ảnh hưởng của sự bất định trong tương lai là không thể tránh khỏi, làm thế nào để ta biết rằng kết quả khả quan mà ta có được thật sự đến từ kỹ năng đầu tư chứ không phải là do may mắn?
Theo lý thuyết, kỹ năng đầu tư có thể dễ dàng nhận biết hơn rất nhiều nếu như ta có một tập mẫu thử đủ lớn cho từng trường hợp đầu tư riêng biệt. Giả sử ta có một nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư vào công ty X, hãy giả định rằng ta có thể nhân bản trường hợp này lên 100 lần và sau đó theo dõi kết quả tương lai của tập mẫu này sau khi nhà đầu tư đã quyết định rót tiền vào công X. Giả sử kết quả quan sát được chia thành hai tình huống sau đây:
Tình huống A: 90 lần kết quả khả quan, 10 lần kết quả tiêu cực. Sau khi phân tích tập mẫu thử của kết quả tiêu cực, ta nhận thấy rằng những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của nhà đầu tư đã diễn ra ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp X một cách tiêu cực.
Tình huống B: 80 lần kết quả tiêu cực, 20 lần kết quả khả quan. Sau khi phân tích tập mẫu thử của kết quả khả quan, ta nhận thấy rằng những sự kiện tương lai nhà đầu tư vốn dĩ không hề nghĩ tới khi cân nhắc đầu tư đã diễn ra và điều này đã thay đổi triển vọng tương lai của doanh nghiệp X theo hướng hoàn toàn có lợi.
Trong hai tình huống trên, nó khá là rõ ràng kỹ năng đầu tư chỉ xuất hiện trong tình huống A. Nhưng hãy giả sử rằng nhà đầu tư trên nhận được kết quả tiêu cực trong tình huống A (xác suất là 10%) hoặc nhận được kết quả khả quan trong tình huống B (xác suất là 20%), thật khó để mà nhà đầu tư trên không cảm thấy ngu ngốc trong hình huống A cũng như cảm thấy thông minh tuyệt đỉnh trong tình huống B. Như một thói quen quá đỗi quen thuộc, ta luôn tương đồng hóa giữa chất lượng của kết quả và chất lượng của quyết định mà không bao giờ suy xét sâu thêm về quá trình đưa ra quyết định đó. Thế giới này ngập tràn những người sử dụng kết quả cuối cùng của một quyết định để làm thước đo duy nhất cho chất lượng của quyết định đó. Đây là một trong những cái bẫy phổ biến nhất khi ta phải đánh giá chất lượng của một quyết định, đặc biệt là trong môi trường đầu tư khi yếu tố bất định luôn là một hằng số không đổi ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận. Thật sự rất khó để phân biệt đâu là kỹ năng, và đâu là may mắn khi cả kỹ năng lẫn may mắn đều đóng một vai trò nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của mọi quyết định đầu tư.

Kỹ năng đầu tư đến từ đâu?

Kỹ năng đầu tư, hay thường được giới tài chính gọi là Alpha (thông thường thì cái gì đó ngầu ngầu, bất kể lĩnh vực đó là gì, là cứ mặc định được gắn mác Alpha), hiểu một cách đơn giản nhất là khả năng đánh bại thị trường trong dài hạn của nhà đầu tư. Hiệu suất của thị trường được chọn làm tiêu chuẩn để so sánh là vì nhà đầu tư có thể dễ dàng mô phỏng lại hiệu suất thị trường một cách gần như tuyệt đối bằng hình thức đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số index fund, ETF. Nếu như bạn không cần phải làm gì nhiều để có thể có được hiệu suất chung của thị trường, đánh bại thị trường là điều kiện bắt buộc bạn phải thực hiện để chứng minh rằng công sức bạn bỏ ra trong suốt quá trình đầu tư chủ động là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng những nhà đầu tư sở hữu Alpha luôn rất hiếm trên thị trường, đặc biệt là sau khi hiệu suất lợi nhuận đã được trừ đi thuế và phí giao dịch.
Trong giới kinh tế học, Alpha được cho là không thể tồn tại do giả định Thị Trường Hiệu Quả (Efficient Market Hypothesis) là nền tảng của mọi lý thuyết đầu tư. Do thị trường được giả định là mức giá luôn thể hiện đúng giá trị thật của doanh nghiệp, lợi nhuận hay thua lỗ của nhà đầu tư đều hoàn toàn đến từ chuyển động ngẫu nhiên của thị trường, do đó để có mức hiệu suất tốt hơn thị trường trong một thời gian dài là không thể (thuyết này đồng ý rằng sẽ luôn có một số người có thể có mức hiệu suất tốt hơn thị trường trong ngắn hạn nhưng nó luôn khẳng định rằng đó chỉ hoàn toàn là do may mắn và vì thế điều này không thể tiếp diễn liên tục trong dài hạn). Kết luận hiển nhiên từ giả thuyết này là bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia trên thị trường, cho dù người đó có là tiến sĩ kinh tế hay một con khỉ đột nào đó, đều không thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đầu tư cuối cùng mà chỉ có thể phó mặc hoàn toàn vào sự thương xót của thị trường. Kỹ năng đầu tư đơn giản là không thể tồn tại trong một thị trường hiệu quả.
Nếu bạn đọc là người đã theo dõi series từ đầu, bạn cũng hiểu rằng người viết luôn có một suy nghĩ khá phức tạp về lý thuyết Thị Trường Hiệu Quả. Lý thuyết này không thể phủ nhận một cách hoàn toàn, nhưng cũng không nên được đồng tình một cách mù quáng. Quả thật là rất khó để đánh bại thị trường, lý do mà các quỹ chỉ số Index Fund ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới là vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư hiểu rằng đánh bại thị trường không phải là một việc đơn giản như họ vẫn lầm tưởng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Alpha không tồn tại trong thế giới đầu tư.
Những người sở hữu Alpha thật sự là rất hiếm trong môi trường đầu tư, vì thế ta luôn phải cảnh giác với những người cứ làm ra vẻ như họ đang sở hữu Alpha. Một quan điểm người viết thấy rất hữu ích là chúng ta nên mặc định rằng tất cả những người mà ta biết đang đầu tư vào thị trường chứng khoán đều không có khả năng đánh bại thị trường, cho tới khi có bằng chứng thuyết phục chứng minh điều ngược lại. Bằng chứng thuyết phục ở đây là người đó phải sở hữu một thành tích liên tục vượt trội so với thị trường trong một khoảng thời gian đủ dài (thường là ít nhất phải trên 5 năm) để dữ liệu đó trở nên đáng tin cậy. Hiệu suất đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn là điều cực kì phổ biến trong môi trường đầu tư, vì thế chúng ta cần phải học cách phân biệt giữa những nhà đầu tư Alpha thực thụ với những người đơn giản là đang cưỡi sóng mà không mặc quần.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xác định Alpha là do yếu tố bất định (may mắn) luôn tồn tại trên thị trường. Một cách thực tế nhất, mọi kết quả đầu tư đều sẽ chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố - kỹ năng và may mắn, và mỗi khoản đầu tư khác nhau thì sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau giữa hai yếu tố trên. Khi đã hiểu rằng mọi kết quả đầu tư đều có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố may mắn, ta có thể thấy rằng việc sử dụng kết quả đầu tư như là thước đo duy nhất cho chất lượng của quyết định đầu tư có thể trở nên nguy hiểm đến như thế nào. Ta có thể học những bài học sai lầm và nguy hiểm trong đầu tư nếu ta chỉ chú ý đến những khoản đầu tư sinh lời và bỏ qua những khoản đầu tư thua lỗ.
Để thành công trong việc phân biệt giữa kỹ năng và may mắn trong đầu tư, ta phải hiểu cách mà hai yếu tố này tác động đến kết quả cuối cùng. Một kết quả đầu tư thể hiện Alpha là khi nếu như ta gặp những tình huống gần như tương tự và vẫn đưa ra quyết định đầu tư mang tính tương đồng so với lần trước, số lần mà kết quả khả quan xuất hiện sẽ vượt trội hoàn toàn so với số lần kết quả bi quan. Có thể một số lần kết quả yếu kém xuất hiện là do các yếu tố ngoại cảnh không thể kiểm soát tác động đến hiệu suất đầu tư, tuy nhiên nếu như số lần mà kết quả khả quan vẫn lớn hơn rất nhiều so với kết quả yếu kém, về cơ bản thì quyết định đó vẫn là quyết định chuẩn xác trong đầu tư. Một cách đối lập, một kết quả đầu tư khả quan nhưng chỉ hoàn toàn là do may mắn là khi có những yếu tố ngoại cảnh cũng như sự ngẫu nhiên của tương lai đã tác động tích cực đến hiệu suất của khoản đầu tư trên, nhưng ta hoàn toàn không có cơ sở để chắc chắn rằng nếu ta lặp lại những quyết định tương tự trong tương lai thì ta sẽ có được tỷ suất lợi nhuận như mong muốn.
Một quyết định đầu tư khôn ngoan là sản phẩm của một quy trình đầu tư nghiêm ngặt đã được lên kế hoạch từ trước, một quyết định đầu tư ăn may là khi bạn không làm gì xứng đáng để có được kết quả thuận lợi như thế, thần may mắn chỉ đơn giản là đã mỉm cười với bạn và không có gì chắc chắn rằng điều này sẽ lại xảy ra vào lần sau. Để trở thành một nhà đầu tư thông minh, quy trình đưa ra quyết định mới chính là chìa khóa để thành công bền vững trong tương lai. Kết quả ngắn hạn đến và đi như một cơn gió, chỉ có quy trình đầu tư hợp lý mới giúp nhà đầu tư duy trì lợi thế dài hạn của mình trên thị trường.

Tạo ra giá trị

Một cách đơn giản, giá trị của một nhà đầu tư chủ động nằm ở việc tạo ra Alpha - khả năng đánh bại thị trường trong dài hạn. Nhưng đánh bại thị trường thật sự có ý nghĩa ra sao? Hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ về "đánh bại thị trường" thông qua việc có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn tỷ suất chung của thị trường, họ quên rằng Alpha cũng tồn tại trong việc ngược lại - mức độ sụt giảm danh mục thấp hơn mức độ rớt giá chung của thị trường.
Một cách khác để suy nghĩ về Alpha là câu hỏi cơ bản mà nhà đầu tư nào cũng nên tự hỏi bản thân: Lợi thế cạnh tranh của bạn nằm ở đâu? Nếu bạn cũng sở hữu những thứ mà đám đông cùng sở hữu, tại sao bạn nghĩ rằng mình xứng đáng có hiệu suất Alpha?. Tác giả Nassim Taleb trong quyển sách Skin in the game đã có một mô hình mà người viết cho là tốt nhất để suy ngẫm về lợi thế cạnh tranh trong tất cả những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống. Ông vốn là dân trade các quyền chọn mua bán trên thị trường, và đã dùng kiến thức về thị trường này để phổ quát hóa về lợi thế cơ bản của quyền chọn tới các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Trong thế giới tài chính, khi bạn cho rằng cổ phiếu của một công ty X có khả năng tăng cao trong tương lai nhưng bạn lại không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua một số lượng cổ phiếu nhất định, bạn có thể mua quyền chọn mua của công ty đó - một sự cam kết giữa người mua và người bán sẽ thực hiện giao dịch mua cổ phiếu công ty X tại mức giá A trong một khoảng thời gian được cố định trước. Khi bạn là người mua quyền chọn, cái bạn có chính là sự lựa chọn trong việc bạn có muốn thực hiện quyền mua của mình hay không, nếu tương lai diễn ra như bạn dự tính, bạn thực hiện quyền mua của mình, dĩ nhiên là bạn có thể bỏ qua nếu diễn biến tương lai không có lợi. Bạn là người có quyền đưa ra sự lựa chọn, người bán quyền chọn cho bạn là người có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết nếu bạn quyết định thực hiện quyền của mình. Dĩ nhiên là trong môi trường đầu tư ai cũng thấy có quyền lựa chọn như thế là một lợi thế to lớn nên phải có một mức phí đi kèm người mua quyền chọn phải bỏ ra để bù lại những rủi ro cho người ở bên kia của đầu giao dịch.
Về cơ bản ý tưởng của Nassim Taleb xoay quanh khái niệm bất cân xứng (Asymmetry). Người mua quyền chọn có quyền thực hiện sự lựa chọn nếu như tương lai có lợi, trong khi người bán có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết trên. Một bên sở hữu sự lựa chọn, một bên có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết - sự bất cân xứng thuần túy nhất bạn có thể thấy. Do quyền chọn trên thị trường tài chính thể hiện mức độ bất cân xứng trong lợi ích cơ bản một cách hiển nhiên, do đó nó cũng được định giá khá hiệu quả, đơn giản là vì ai cũng nhận thấy rằng sở hữu sự lựa chọn luôn là một lợi ích to lớn. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực tài chính, sự lựa chọn không được định giá một cách rõ ràng, và do đó ta khó có thể quan sát được những ảnh hưởng quan trọng từ sự bất cân xứng có được khi sở hữu sự lựa chọn trong cuộc sống.
Lấy một ví dụ ngoài đời sống, một cách hiểu khác về tiền chính là sự lựa chọn thuần khiết nhất. Nếu như mục đích sống của bạn chỉ là kiếm càng nhiều tiền càng tốt thì người viết thật sự cảm thấy đó là mục đích vớ vẩn nhất mà bất kì ai sống trên thế giới này có thể có. Tiền chỉ thật sự có ích cho bạn nếu như bạn biết rõ tiền sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu gì trong cuộc sống - tiền là sự hiện thân của lựa chọn một cách tinh tế nhất, những người càng sở hữu nhiều tiền là những người càng có nhiều sự lựa chọn mà họ có thể theo đuổi trong cuộc sống. Tiền chỉ có ích cho cuộc sống của bạn nếu như bạn biết rõ mình sẽ sử dụng nó như thế nào, nhưng nếu tiền chỉ đơn giản là mục đích cuối cùng trong cuộc đời bạn, bạn sẽ có một cuộc sống bất hạnh. Bất hạnh và cô đơn tột cùng là thứ bạn sẽ có được khi tiền là kim chỉ nam thúc đẩy toàn bộ cuộc đời của bạn, đừng nghĩ về tiền như thể đó là mục đích cuối cùng của mọi công việc bạn làm, hãy nghĩ về nó như một công cụ để giúp bạn đạt được những mục tiêu quan trọng khác trong cuộc sống.
Sự lựa chọn luôn tạo ra sự bất cân xứng nhưng không phải tất cả sự bất cân xứng đều đến từ lựa chọn. Nếu chịu khó quan sát ta có thể thấy sự bất cân xứng luôn là nền tảng của mọi loại lợi thế cạnh tranh. Người thông minh ưu tú luôn dễ dàng tiếp thu kiến thức mới tốt hơn, người xinh đẹp thông thường làm việc gì cũng dễ hơn, người có gốc luôn có sự nghiệp thăng tiến thuận lợi hơn, etc. Mọi người vẫn hay nói về những thứ trên như là sự bất công của thế giới - đó là những từ mang hàm ý tiêu cực, một từ trung lập để thể hiện những điều trên chính là sự bất cân xứng - người khác sở hữu những thứ mà bạn không có, hoặc nếu như bạn có thì họ có nhiều hơn. Nguồn gốc của mọi loại lợi thế đều đến từ sự bất cân xứng, vì thế công việc xác định kỹ năng (Alpha) của một nhà đầu tư luôn bắt đầu với việc xác định xem sự bất cân xứng có xuất hiện hay không, và nếu có thì nó đang nằm ở đâu?
Người viết nhận thấy những nhà đầu tư Alpha luôn là những người sở hữu sự bất cân xứng trong việc nắm giữ bí mật của thị trường. Họ luôn là những người có khả năng phát hiện ra các bí mật được thị trường ẩn giấu - những sự thật tồn tại trên thị trường không nhiều người đồng thuận hoặc biết đến. Hoặc Alpha có thể đến từ sự bất cân xứng trong tâm lý - nhà đầu tư Alpha có thể kiểm soát tâm lý bản thân cực kì tốt trong khi các nhà đầu tư khác lại dễ dàng chạy theo cảm xúc đám đông. Hoặc Alpha có thể đến từ hiệu suất - thị trường đi lên 5% nhưng tỷ suất của bạn lại đi lên 10% trong khi nếu như thị trường giảm 10% thì mức độ suy giảm của bạn lại chỉ có 5%. Nếu ta bắt đầu nhìn lại thị trường với một lăng kính khác, ta có thể thấy rằng tất cả những điều khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh đều được xây dựng trên nền tảng của sự bất cân xứng.
Asymetrical risk and reward
Asymetrical risk and reward
Kỹ năng đầu tư, hiểu theo nghĩa rộng nhất, là khả năng tạo ra sự bất cân xứng về hiệu suất đầu tư trên thị trường. Do kỹ năng đầu tư phải được tính theo mốc thời gian dài hạn, một năm đầu tư với tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với thị trường là một việc hoàn toàn bình thường, một nhà đầu tư Alpha thực thụ là khi họ sở hữu sự bất cân xứng trong một khoảng thời gian đủ lâu để trở thành dữ liệu đáng tin cây. Trong hành trình đầu tư gian nan của mình, nhà đầu tư nên học cách để nhận biết sự bất cân xứng trên thị trường, và ở đó bạn sẽ tìm thấy những cá thể hiếm hoi nhất của thế giới - nhà đầu tư Alpha!
------
Nguồn tham khảo:
- Skin in the game - Nassim Taleb
- The Essays of Warren Buffett - Lawrence Cunningham
- The Most Important Thing Illuminated - Howard Marks
Đọc tiếp: