Sự ích kỉ luôn bị xã hội lên án. Hầu như mọi cuốn sách đạo đức, những lời răn đều quy ích kỉ là một trong những tội lỗi xấu xa nhất của con người. Trong khi đó, sự không vị kỉ lại nhận được sự quan tâm của xã hội hơn bao giờ hết. Chúng ta được dạy phải sống vì người khác, phải nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Dần dà, chúng ta coi hy sinh cho người khác như là một lẽ dĩ nhiên, một phẩm chất đạo đức mà chúng ta buộc phải có.
Nhưng, liệu điều đó có thực sự đúng? Liệu ích kỉ có xấu xa như mọi người vẫn nghĩ? Liệu sự không vị kỉ có vĩ đại đến vậy?
Pixabay.com
Pixabay.com

Giải ảo định kiến về ích kỉ

Tôi có thể khẳng định, bất kì hành động quên mình hay nghĩa cử cao đẹp của bất kì cá nhân nào, theo đúng ý nghĩa của nó, đều có một phần ích kỉ trong đó. Có những người lính, những vị anh hùng đã xả thân vì đất nước; có những người sống cho đi mà không nhận lại bất kì điều gì; họ không làm thế vì bất kì ai khác bảo họ phải làm thế mà họ làm vì chính bản thân họ. Họ hy sinh vì lý tưởng của riêng họ, vì niềm tin của họ, và vì điều đó làm họ thực sự hạnh phúc; đó chính là hình thái cao nhất của sự vị kỉ.
Ngược lại, hiện nay có rất nhiều người sống cho người khác, theo đúng nghĩa đen. Họ quyết định dựa trên những quyết định của người khác. Họ từ thiện chỉ vì muốn người khác biết rằng mình từ thiện, muốn được vinh danh như “một người không vị kỉ”. Họ quan tâm người khác nghĩ gì về mình hơn là giá trị thực sự của bản thân. Họ theo đuổi những mốt của xã hội, những thiết bị công nghệ đắt tiền nhất, chỉ để cho người khác thấy rằng mình giàu có, mình hợp thời. Tệ hơn nữa là họ không dùng tiền của chính họ, mà họ dùng tiền của ba mẹ, người thân để làm điều đó. Đó chính là hình thái cao nhất của sự không vị kỉ. Đó là lối sống thứ sinh.
Những hạng người thường bị xem là ích kỉ trong xã hội như ăn cắp, giết người thực chất lại là những người không vị kỉ nhất mà bạn có thể bắt gặp. Họ làm tổn thương người khác để đạt được mục đích của chính họ; thay vì làm ăn chân chính thì họ luôn nghĩ đến ví tiền của người khác, như sự tự sỉ nhục với chính cái tôi của bản thân. Thế thì đâu phải là ích kỉ, họ đâu quan tâm đến chính bản thân mình.
Hiện nay, ta thường được dạy rằng không được sống ích kỉ, phải luôn đặt người khác lên trên bản thân mình, nhưng không ai bảo ta tại sao lại phải làm thế. Dần dần, ta quan tâm tới người khác như một nghĩa vụ bắt buộc, một điều ta phải làm “để ba mẹ hài lòng” hay “để xã hội nghĩ tốt về ta.” Để rồi, khi không ai nhìn hay quan sát, một số những kẻ “quên mình vì người khác” lại đánh đập và buông lời khính bỉ trước những người mà họ luôn “giúp đỡ”.
Trước khi làm bất cứ điều gì, niềm tin và cái tôi của bản thân nên được đặt lên hàng đầu. Chúng ta có làm điều đó vì chúng ta thực sự thích, vì chính bản thân chúng ta, hay chúng ta chỉ làm điều đó vì người khác bảo ta phải thế?
Unsplash.com
Unsplash.com

Tập thể là tập hợp của nhiều cá nhân

Chúng ta thường ca ngợi về sự quan trọng của tập thể, “bộ óc tập thể” mà quên đi rằng tập thể được cấu thành nên từ nhiều cá nhân. Theo tôi, không hề có sản phẩm chung của tập thể, chỉ có sản phẩm từ nhiều cá nhân khác nhau. Trong thực tế, một kiến trúc không thể đắp những viên gạch thay cho người thợ xây cũng như những người thợ xây không thể nào hoàn thành bản vẽ thay cho kiến trúc sư được. Tất nhiên, ở trong chừng mực nào đó, họ vẫn có thể bổ sung phần việc cho nhau, tuy nhiên việc đắp gạch vẫn phải phụ thuộc vào người thợ xây và việc thiết kế vẫn là của kiến trúc sư.
Trong khi đó, tôi thấy hầu hết mọi người xung quanh tôi khi làm việc nhóm đều thiếu đi bản sắc cá nhân. Họ phụ thuộc vào ý kiến của người khác và coi thường ý kiến của chính bản thân mình. Họ luôn nghĩ rằng tập thể đúng, số đông đúng, còn ý kiến của họ không có trọng lượng. Đơn cử như khi tôi làm một dự án truyền thông, có một số bạn “designer” không hề có chính kiến riêng của mình. Họ hỏi tất cả mọi người xung quanh xem màu này có đẹp không, mẫu này có ổn không. Tôi không phủ nhận lợi ích của việc hỏi ý kiến người khác nhưng trong tình huống này, những người bạn ấy hỏi còn không có chuyên môn bằng bạn ấy, và mỗi người lại có một ý kiến khác nhau, dẫn đến tình trạng đẽo cày giữa đường.
Chúng ta vẫn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác, nhưng chính chúng ta phải là người quyết định chứ không ai có thể quyết định thay ta. Hơn nữa, khi bạn hỏi, bạn nên để ý tới trình độ và thẩm quyền của những người bạn nhờ giúp đỡ. Liệu họ có đủ chuyên môn để giúp bạn hay không? Liệu hoàn cảnh của họ có giống với hoàn cảnh của bạn hay không?
Hợp tác với người khác không hề sai, mà nó còn là bản năng tiến hóa của con người, khiến cho chúng ta có thể chiến thắng được những con thú lớn hơn chúng ta gấp 10 lần, tồn tại được ở những vùng đất mà rất ít sinh vật khác tồn tại được như bắc cực hay sa mạc. Tuy nhiên, hợp tác chỉ thực sự phát huy hết sức mạnh vốn có của nó khi mỗi cá nhân đều là một bản thể riêng biệt và là một mắt xích quan trọng; chứ không phải từ một nhóm người có chung cách suy nghĩ, hành động một cách rập khuôn. Chỉ khi có những cá nhân xuất sắc thì tập thể mới có thể vững mạnh được.
Thêm nữa, tôi không hề phê phán việc làm theo số đông. Bắt chước những gì người khác làm là một “mental shortcut” (lối tắt tinh thần) từ khi loài người mới hình thành, nhằm giảm thiểu công sức tự suy nghĩ và khiến xã hội tiến bộ nhanh hơn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề cao bản sắc cá nhân, dù làm gì đi nữa thì ta vẫn nên đặt cái tôi độc đáo của mình lên trên hết, “hòa nhập chứ không hòa tan” là như vậy.
Unsplash.com
Unsplash.com

Tập trung vào bản thân là cách tốt nhất để giúp đỡ người khác

Hãy thử nghĩ xem, làm sao chúng ta có thể cho người khác trong khi bản thân chúng ta không có gì để cho? Rõ ràng, việc nâng cao trình độ của bản thân trước rồi mới giúp đỡ người khác sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc lao đầu vào giúp người khi bản thân còn là con số 0. Những người làm từ thiện hiệu quả nhất là ai? Có phải là những người “căng tràn nhiệt huyết”, bỏ học đại học để bước ngay vào NPO (tổ chức phi lợi nhuận) hay không? Tôi nghĩ là không. Những người mang lại sự khác biệt lớn nhất chính là những người đã có sự đầu tư bài bản vào bản thân, là Bill Gate với hàng tỷ USD được bỏ ra để giúp đỡ người nghèo, là những tổ chức có hệ thống hoạt động chuyên nghiệp chứ không chỉ được vận hành với duy nhất “nhiệt huyết tuổi trẻ”.
Khi chúng ta thực sự đầu tư vào kinh nghiệm, sự chuyên môn và trải nghiệm của chính bản thân mình, ta mới có thể giúp đỡ người khác một cách hiệu quả nhất. Theo cá nhân tôi, không có ích gì khi một luật sư bỏ việc để tham gia vào đội cứu trợ tình nguyện, trong khi người đó có thể tiếp tục công việc của mình và dùng số tiền kiếm được từ công việc đó để thuê một người chuyên nghiệp hơn. Không hiệu quả gì khi một người không hề có kiến thức về quản trị lại muốn thành lập những đội nhóm thiện nguyện của riêng mình.
Hơn nữa, khi chúng ta thực sự hạnh phúc, vui vẻ thì chúng ta mới truyền được nguồn năng lượng đó đến với những người xung quanh. Liệu có ai có thể vui vẻ khi được giúp đỡ bởi những người lúc nào cũng cáu gắt, buồn bã, với những người mà trông còn cần được giúp đỡ hơn mình?
Chỉ khi bản thân ta tốt, ta mới có thể giúp đỡ người khác tốt lên được.
Unsplash.com
Unsplash.com

Hướng đi nào cho xã hội hiện nay?

Hiện nay, trên báo đài, trong các chương trình giáo khoa, qua những lời răn dạy của cô thầy, của mẹ cha, chúng ta hầu như luôn được dạy rằng phải hy sinh cho người khác, phải xem người khác hơn bản thân mình. Tôi không hoàn toàn phủ nhận hay tán đồng điều này, tôi không có thẩm quyền để phán xét. Tuy nhiên, ít nhất, chúng ta cũng nên làm rõ tại sao lại cần phải hy sinh cho người khác chứ không nên mặc định nó là một nghĩa vụ. Những lí do như hy sinh cho người khác là điều cao cả hay hy sinh cho người khác là thiên chức của một con người sẽ chỉ làm ta thêm hoang mang mà thôi. Thay vào đó, hãy dạy con trẻ rằng hy sinh cho người khác vì nó sẽ làm chính bản thân ta hạnh phúc hơn. Có một nghiên cứu đã chứng minh rằng những người làm từ thiện hay làm các công tác xã hội thường hạnh phúc hơn người bình thường. Đó chỉ là một trong số những lợi ích mà việc sống cho đi mang lại. Dù với lý do gì đi nữa, giúp đỡ người khác nên bắt nguồn từ động lực của chính bản thân mình.
Hơn nữa, khi hợp tác và làm việc nhóm, chúng ta nên giữ nguyên cái tôi, bản sắc cá nhân của mình. Đồng ý là đôi khi cũng phải nhường nhịn người khác để đạt được mục đích chung. Tuy nhiên, hãy tự tin đóng góp ý kiến và tin vào chính bản thân chứ không quá phụ thuộc vào ý kiến của người khác.
Ngoài ra, khi chúng ta muốn làm bất kì việc gì để giúp đỡ người khác, chúng ta nên tập trung vào bản thân trước đã. Hãy chú trọng làm giàu cho bản thân, đầu tư về chuyên môn lẫn tài chính trước khi dấn thân vào các công việc tình nguyện, như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều. Trong khi bạn tích trữ và đầu tư cho bản thân thì bạn vẫn có thể dành ra một khoản nhỏ mỗi tháng, ví dụ khoảng 10% thu nhập để đóng góp cho các quỹ từ thiện hay bắt đầu những dự án nho nhỏ của mình.
Nhìn chung, ích kỉ, quan tâm đến bản thân không xấu như ta vẫn lầm tưởng, mà ngược lại nó còn đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống.
Unsplash.com
Unsplash.com

Kết

Bài viết này không hề phê phán sự không vị kỉ, cũng như quá đề cao việc ích kỉ, chỉ biết quan tâm tới bản thân. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng ích kỉ không thực sự xấu như mọi người vẫn tưởng và đôi khi tập trung vào bản thân mới chính là cách tốt nhất để giúp đỡ người khác.
Chúc các bạn một ngày bình an.