Đầu tiên, phải nói rằng việc đọc tác phẩm này khai sáng cho mình rất là nhiều. Về những câu hỏi mà mình tìm kiếm bấy nay nhưng không biết tiếp tục tìm đáp án ở đâu. Tại sao vị thế của các quốc gia trên thế giới lại định hình như thế? Tại sao các quốc gia này lựa chọn đường lối ngoại giao như vậy? Và tại sao, các cuộc xung đột vẫn đang diễn ra?
Bạn biết đấy, trong giờ học lịch sử lúc nào chúng ta cũng được lải nhải về nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Đúng, cái mình đang đi tìm là nguyên nhân sâu xa, vì nguyên nhân trực tiếp thì ai mà chả thấy, hoặc không thì báo chí cũng trình bày đủ, đúng không nào?
Thật bất ngờ là địa lý có thể là câu trả lời cho tất cả các vấn đề trên. Hoặc nếu không, cũng trả lời được một phần lớn (mà mình cho rằng có thể hơn 50%). Lần đầu trong đời, mình cảm thấy bị thôi thúc phải viết một cái gì đó, bao gồm cả kiến thức trong sách cung cấp, và những gì mình tự chiêm nghiệm thêm. Về địa lý thế giới, và địa lý Việt Nam.
Tạm thời, serie này gồm có 5 phần như sau:
1. Tù nhân của biển
2. Tù nhân của sông
3. Tù nhân của núi
4. Champa, kẻ hiếu chiến khó ưa hay người phải vật lộn trong vòng xoáy sinh diệt?
5. Cảng thị Hội An và cảng thị Đà Nẵng, từ cực thịnh, đến suy tàn, lại hưng vượng
Tất nhiên là nếu như một ngày đẹp trời nào đó, mình lại tìm được điều gì mới mẻ trong đề mục này, mình sẽ lại chia sẻ thêm phần thứ sáu.
Còn bây giờ, mình xin phép đi vào thẳng phần đầu tiên: TÙ NHÂN CỦA BIỂN, với 4 câu hỏi cần được giải quyết sau:
1. Tại sao Liên bang Nga phải có được bán đảo Crimea? Và bây giờ, là Ukraine?
2. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên định đến thế để xây bằng được kênh đào Istanbul?
3. Tại sao Mỹ vẫn nhất quyết không buông tha cho Cuba?
4. Và cuối cùng, Trường Sa của chúng ta quý giá đến thế ư?

1. Tại sao Liên bang Nga phải có được bán đảo Crimea? Và bây giờ, là Ukraine?

Trước tiên phải nói một chút về khái niệm tù nhân. Chúng ta đều là những kẻ ngồi tù, sau song sắt của địa lý. Những song sắt đó có thể là biển, là sông, là núi, những thứ ngăn cản chúng ta ngay từ thời tiền sử, hay thậm chí là cả bây giờ, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển đến một tầm cao mới. Như máy bay vẫn rất khó có thể bay thẳng qua dãy Himalaya hay đỉnh Everest, không phải vì cao, mà là vì dòng khí lưu thông rất khó chịu ở nơi này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến độ an toàn của chuyến bay. Vậy đó, chúng ta không ngừng phá vỡ các giới hạn, nhưng vẫn có những giới hạn, những song sắt khó lòng vượt qua một sớm một chiều.
Thứ hai là biển. Biển cũng là một song sắt. Kể từ thuở khai thiên lập địa, nào có mấy dân tộc vượt được biển đâu? Cho đến tận hiện đại, trong Thế chiến thứ hai, biển cũng là yếu tố chính giúp Hoa Kỳ tự tin đứng ngoài cuộc hỗn chiến.
Thế nhưng kể từ đương đại, biển lại là một cầu nối giao thương tốt nhất. Thương mại quốc tế phát triển, con đường vận chuyển hàng hoá tốt nhất là biển, với những container tàu khổng lồ đi đi về về, giúp bạn có thể ở tại Việt Nam, nhưng mặc trang phục từ các nhà sản xuất danh tiếng nước Pháp, ăn một món ăn đến từ Mexico, và cầm trên tay một chiếc đĩa than Mỹ chẳng hạn… Đó là cơ hội để các quốc gia giáp biển, với những cảng biển tốt vươn mình, hoặc đổi cách nói khác, bức thiết hơn, “trở mình”, vậy nên, cũng đồng thời là thách thức, là “mối đe doạ” đối với vị thế của những quốc gia không giáp biển khác.
Còn bây giờ, hãy ghé thăm Liên bang Nga xinh đẹp của chúng ta.
Bản đồ Liên bang Nga
Bản đồ Liên bang Nga
*Mình thích nước Nga vô cùng, có lẽ là từ ký sự Hành trình theo chân Bác của HTV, không kể đến các yếu tố chính trị vân vân và mây mây, Nga quả thật sở hữu những điều kiện tự nhiên mê đắm lòng người
Nhưng nhìn vào bản đồ này, đường bờ biển dài miên man thế này (về số liệu thống kê chiều dài thì đến nay các tổ chức vẫn còn đang tranh cãi), tại sao lại nói biển là song sắt của Nga chứ?
Chẳng lẽ Nga không có tiền xây cảng? Hay là không có vịnh xây cảng? Chứ biển rộng thế này mà bảo không phát triển được thương mại quốc tế, nói điêu đấy à?
Thực tế là không! Bản đồ này đã không chỉ ra cho bạn một nỗi đau chết người rằng, có bao nhiêu phần biển và tuyến đường biển của Nga, từ vị thế đáng ra vươn tầm thế giới, lại chỉ có thể ngậm ngùi đứng trên bờ nhìn ngắm băng trôi. Phong cảnh rất tinh khôi, thuần khiết, đi du lịch đến miền Viễn Đông này quả là một trải nghiệm cực hạn đáng để thử qua một lần. Nhưng nguồn thu du lịch ít ỏi, cùng với sự khô cằn của đá sỏi, làm sao bì được với những cảng biển sâu nước ấm ở những nơi khác?
Vị trí địa lý của Nga “hẹp hòi” đến nỗi những binh lính của họ chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là được nhúng ủng của mình ở một cảng nước ấm ở Ấn Độ Dương trong cuộc xâm lược đất nước Afghanistan (theo Tim Marshall). Chừng đó thôi là đủ phơi bày sự thèm khát của Nga với những cảng nước ấm.
Vị trí bán đảo Crimea
Vị trí bán đảo Crimea
Bán đảo Crimea án ngữ con đường ra Biển Đen của Nga, mà từ Biển Đen, Nga sẽ ra được Địa Trung Hải, từ đó, theo hướng Đông đi xuống kênh đào Suez, đi sang châu Á, hoặc theo hướng Tây, sang Mỹ. Đó là cơ hội duy nhất để Nga thông thương với thế giới, dù nhỏ hẹp, vẫn tốt hơn miền biển trắng đầy băng giá, đến nỗi có một phần biển ở Nga được đặt tên là Biển Trắng.
Những con đường ra biển khác “có thể có” của Nga
Những con đường ra biển khác “có thể có” của Nga
Bỏ qua vùng biển phía bắc “vô dụng, Nga có thể chọn hướng Crimea, hướng Ấn Độ Dương, hoặc hướng Nhật Bản để có một con đường ra biển. Miền Viễn Đông tuyết trắng có vẻ không phải là lựa chọn tốt. Băng qua rất nhiều chính thể độc lập và đã được công nhận trên trường quốc tế để đến Ấn Độ Dương cũng không phải lựa chọn sáng suốt, cho nên, bạn biết lựa chọn của Nga rồi đấy!
Biển đã kềm kẹp Nga, khiến cho Nga chỉ có thể sử dụng những sức mạnh đất liền mà thôi.
Tuy nhiên, dạo gần đây, một triển vọng mới đã đến với đất nước này. Đó là tuyến đường biển phía Bắc - Northern Sea Route. Lý do cho việc này là bởi biến đổi khí hậu – băng tan. Băng tan, biển thông suốt, vận tải đường biển qua Bắc Băng Dương dường như sắp trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Northern Sea Route (màu đỏ)
Northern Sea Route (màu đỏ)
Thực ra Nga cũng có một số lượng tàu phá băng kha khá, (lưu ý thêm rằng tàu phá băng không phải muốn làm là làm, thực ra rất tốn thời gian và công sức nghiên cứu. Nga hiện vận hành ít nhất 13 tàu phá băng, 9 trong số đó là sử dụng năng lượng nguyên tử, so với các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Trung Quốc hầu như chỉ lác đác 1-2 chiếc). Ưu thế của Nga là tuyệt đối, và nếu nói rằng có nước nào đó cảm thấy thích thú khi Trái Đất nóng lên, hẳn là Nga xếp sòng một ghế trước.
Chẳng qua biến đổi là một quá trình lâu dài, có đầy những mặt lợi và mặt hại cho mỗi một quốc gia. Còn hiện thời, vị trí địa lý của Nga vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Đó là lý do Nga tạm thời chắc chắn không buông tha cho cả Crimea lẫn Ukraine, những con đường duy nhất để họ ra biển, để họ không khép mình với giao thương nội địa, trong thời buổi thương mại thế giới mới là tất cả.

2. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên định đến thế để xây dựng kênh đào Istanbul?

Mới đây thôi, vào tháng 6/2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan tuyên bố sẽ xây dựng kênh đào Istanbul nối thông Biển Đen và biển Marmara, thông qua đó, dẫn ra một con đường mới để đi từ Biển Đen đến Địa Trung Hải và tiếp cận hai đại dương lớn khác.
Kênh đào Istanbul và eo biển Bosphorus
Kênh đào Istanbul và eo biển Bosphorus
Trước đó, “con đường duy nhất” nối hai biển này là eo biển Bosphorus, eo biển hẹp nhất thế giới tính đến hiện tại. Đây là một kỷ lục cũng không mấy vui vẻ. Vì quá hẹp thì lượng tàu thuyền đi qua sẽ có độ hạn chế nhất định, đâm ra thương mại cũng khó phát triển lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, bởi vì tính duy nhất của nó, và đặc thù địa chính trị, nên nó còn đáng chú ý ở cả phương diện quân sự. Năm 1936, công ước Montreaux với chữ ký của 10 nước tại Thuỵ Sĩ đã quy định về việc kiểm soát tàu quân sự ra vào eo biển này. Ba trong số 10 nước đó là Liên bang Xô Viết (tiền thân của Liên bang Nga), Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đại chiến Nga-Ukraine chấn động thế giới đương đại, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một giai đoạn đầu tiên vẫn cho phép tàu chiến Nga đi qua eo biển này, sau đó thì không cấp phép nữa. Điều này nói lên rằng, Thổ có những quyền hạn nhất định đối với eo biển quan trọng này. Và việc xây dựng kênh đào Istanbul mới, sẽ giúp Thổ có một vị thế đàm phán nhất định với hai đối trọng Nga và Hoa Kỳ, (kéo theo đó là cả EU), trong bối cảnh quan hệ hai nước đang leo thang, nhưng đồng thời cũng có thể đẩy riêng Thổ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Dĩ nhiên, cơ hội luôn đi kèm với nguy cơ, mà chúng ta chỉ có thể nhìn sâu vào duyên do, và chờ đợi kết quả xem thế nào. Biết đâu, có những dự án mãi mãi chỉ nằm trên giấy mà thôi!

3. Tại sao Mỹ vẫn nhất quyết không buông tha Cuba?

Cuba là cửa ngõ ra vào hải cảng New Orleans – cảng biển quan trọng ở miền Nam Hoa Kỳ.
Nếu như Hoa Kỳ không kiềm chế được thì không chỉ vịnh Mexico mà cả con đường ra biển của Hoa Kỳ trong khu vực này cũng bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Tất nhiên, cũng như Nga, việc muốn kiềm chế một quốc gia “có khả năng” gây ảnh hưởng đến mình thực sự là một việc làm có phần không được tốt lắm. Khác nào định tội cho một người chỉ vì người đó có động cơ gây án? Tuy nhiên, cả hai đều là nước lớn mà, và họ không phải xoay vòng trong cái đề bài, hôm nay ăn gì, ngày mai sống sao, mà xoay vòng trong đề bài: làm sao để giữ vững vị thế siêu cường, tầm ảnh hưởng quốc tế hay bất cứ điều gì đại loại thế…
Thế nên, cho dù Cuba có lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội hay không thì với vị trí địa lý khó chịu như vậy, chắc chắn đất nước này cũng không thể nào trải qua những ngày tháng cực kỳ dễ chịu cho được. Dẫu rằng, việc lựa chọn thể chế này có thể đã làm trầm trọng hơn tình hình do địa lý mang lại cho Cuba.
Cảng New Orleán và Cuba
Cảng New Orleán và Cuba

4. Và cuối cùng, Trường Sa của chúng ta quý giá đến thế ư?

Quần đảo Trường Sa và biển Đông
Quần đảo Trường Sa và biển Đông
Nào giờ thì bạn thử nhìn xem, có phải quần đảo Trường Sa đang nằm án ngữ con đường xuống phía Nam, đi eo biển Malacca của Trung Quốc không? Đó là con đường đi Nam Á, châu Phi, và châu Úc ở bên kia. Một nửa số nhiên liệu của Trung Quốc (Hàn và Nhật nữa) đều đi qua eo Malacca. Một nửa nền kinh tế - thực ra cũng có thể xem là an ninh quốc gia rồi. Và xem ra cũng không kém gì Liên bang Nga, Hoa Kỳ nhỉ?
Vậy, đứng trên lập trường của Việt Nam, thử phân tích sự khác biệt của cả 3 tình huống xem thế nào nhé?
Đầu tiên là Crimea. Crimea là phần đất liền “súng bên súng, đầu sát bên đầu” với Ukraine. Bị nước khác chiếm đóng cũng như kéo đến trước cửa đập cửa rồi. Trước đó quẫy đạp cũng không dễ dàng, bây giờ quẫy đạp lại càng khó.
Kế là Cuba. Cuba thì Hoa Kỳ khó có thể danh chính ngôn thuận hay chiêu trò để chiếm lĩnh, nhưng một khi chiếm lĩnh, là chiếm toàn bộ, thế của hai nước là để đối lập chứ không phải là đe doạ lẫn nhau.
Và Trường Sa, không sát như Crimea, nhưng cũng không khác gì be sườn của Việt Nam. Từ Hoàng Sa, đánh thẳng vào Đà Nẵng, từ Trường Sa đánh thẳng vào Cam Ranh, đều là những giả định tưởng điên cuồng nhưng đáng để lo lắng. Đến Nga còn đánh được mà, phải không?
Vậy là mình đã giải quyết xong 4 câu hỏi được đặt ra trong phần này (trong đó, câu hỏi số 1 và số 3 chủ yếu dựa trên quan điểm của tác giả Tim Marshall), nếu các bạn có thắc mắc hay đóng góp gì thì vui lòng bình luận ở dưới nhé! Hẹn gặp lại mọi người ở phần 2 – TÙ NHÂN CỦA SÔNG.