Dọn Nhà Và 7749 Đạo Lý Để Tâm Trí Vui Vẻ Hơn Trên Cuộc Đời
Dọn nhà thì có thể dàng tìm kiếm cô Hằng hoặc cô Hạnh nào đó làm thay toàn phần. Nhưng dọn tâm trí thì chỉ riêng mình mới kiểm soát được thôi.
Sau chuyện nấu xôi, tớ nhận ra dọn nhà là việc cho chúng mình 7749 chất liệu để nói đạo lý trên cuộc đời.
Tớ ghét dọn dẹp kinh khủng, nó không nằm trong danh sách các việc hàng ngày của tớ. Đều đặn hai tuần một lần, cô Hằng sẽ đến và làm sạch bong từ A tới Ạ những góc bụi bặm. Thế rồi cô Hằng ốm, nhập viện chừng mấy tuần, tớ phát cáu lên được như thể ngôi nhà mỗi ngày đều chật thêm một chút, đám bụi mỗi ngày đều dày thêm một chút, không khí mỗi ngày đều cứng đờ thêm một chút.
Nó không phải bẩn kiểu hôi hám, cũ mèm. Nó theo trường phái bất lực - hứng chịu biết bao điều trời ơi đất hỡi như gạch đá vụn từ nhà hàng xóm đang xây, đám lá khô cuối mùa ở đâu bay nhầm tới, cơn mưa rào thấm ẩm chân tường - mà căn nhà lại chẳng thể phản kháng gì được. Tớ thì hậm hực, cô Hằng thì không đến. Hai tuần trôi đi, vào một ngày thứ 7 bận ơi là bận, căn nhà bảo tớ phải dọn dẹp thôi!
Tình cờ thay, tớ cũng đang vào đúng giai đoạn dở hơi như một căn nhà bẩn. Chuyện học hành, chuyện công việc, chuyện các mối quan hệ chất đống từ bên trong đến hiện trên khuôn mặt đều chưa được dọn dẹp. Thế nên trong lúc tập trung dọn dẹp, tớ đã đúc kết ra 3 điều giúp chúng mình dễ dàng hơn khi dọn dẹp bất cứ thứ gì.
Bắt đầu từ việc tạo khoảng trống
Dân chuyên dọn dẹp bắt đầu từ bước nào thì không biết, nhưng với kinh nghiệm hỗ trợ cô Hằng, tớ khởi động bằng việc tạo ra khoảng trống.
Cậu cần mở toang cửa phòng, xếp gọn bàn ghế, cuộn đệm, di chuyển chăn gối, sách vở vào một góc khiêm tốn. Như vậy để chắc chắn rằng không sót lại bất kỳ khu vực bụi bẩn nào đang bị các đồ vật che giấu đi.
Còn nữa, nhiều khi căn nhà của chúng mình trông chẳng sạch sẽ vì nó bừa bộn chứ không hẳn là bụi bẩn. Thế nên việc tạo khoảng trống còn giúp cậu biết được cái nào nên bỏ đi, cái nào nên sắp xếp lại phù hợp. Thỉnh thoảng, cậu phát hiện ra một “bí mật" nào đó bị vùi lấp trong lúc di chuyển mọi thứ. Và cũng thỉnh thoảng, cậu nhận thấy mình là người duy nhất hiểu căn nhà. Bởi hoá ra, chỉ mỗi cậu biết vị trí viên gạch bị nứt nằm ở đâu, cái giá sách đang lung lay ở chỗ ấy, mảng sơn nào chỉ chạm thật khẽ cũng vỡ vụn. Nói tóm lại, càng nhiều khoảng trống thì càng nhiều thứ được hiện ra.
Chúng mình cũng vậy, thật là khó nếu muốn dọn sạch tâm trí mà không bắt đầu từ việc tạo ra khoảng trống. Ví dụ nhé, sao cậu thực sự biết bản thân mình muốn gì khi trong đầu đang có vài hay vài chục lời người khác nói. Mỗi ngày, chúng ta nghe biết bao điều, có nhiều thứ không chắc là của mình hay là định kiến, kỳ vọng, hy vọng, thất vọng người khác đặt để vào.
Vậy nên, tớ đã nghĩ để đầu óc mình nhẹ nhàng một tí, tạm thời bớt nghe lại, bớt đọc lại, bớt ép bản thân tiếp thu lại. Chuyển sang bước thứ 2, sắp xếp những điều đang có.
Lau dọn từng thứ một
Cậu có thuộc team dọn nhà là chỉ lau sạch mỗi sàn không? Còn đồ vật thì… chỉ lau những thứ bề mặt nhẵn. Khi có cô Hằng, tớ chính là kiểu người dọn dẹp như vậy. Không có cô Hằng thì việc gì cũng đến tay.
Một căn phòng sạch được tạo ra bởi hai yếu tố: không gian sạch và các đồ vật trong đó sạch. Tâm trí chúng mình cũng thế, cậu cho nó một khoảng trống để suy nghĩ về những gì xứng đáng, gạt bỏ đi nhiều chuyện chẳng đâu với đâu, chẳng phải của mình và cũng chẳng phải của người mình yêu thương.
Rồi cậu đem những thứ còn lại ra ngắm nghía. Dòng suy nghĩ nào là chính bản thân cậu có nhu cầu đi sâu vào. Dòng suy nghĩ ấy đang bị chi phối bởi điều gì? Nếu không nghĩ về nó, cậu hạnh phúc hơn không? Nếu giấu nhẹm suy nghĩ ấy đi như hành động đẩy đám bụi vào gầm giường, cậu sẽ thoải mái hơn chăng? Nếu đem dòng suy nghĩ ấy ra bóc trần, cậu sẽ mệt mỏi nhiều chứ hay cũng cần một “cô Hằng" bên cạnh như tớ mỗi lúc dọn nhà?
Thong thả, tập trung mà làm giống như cậu lau kệ sách bằng khăn ướt rồi tới khăn khô, cậu lau từng bìa sách bằng khăn giấy và xếp chúng gọn gàng theo từng nhóm. Nếu cậu thuộc kiểu thích dọn dẹp mỗi ngày, tâm trí cậu chắc chắn sẽ dễ chịu hơn nhiều so với kiểu người lâu lâu mới dọn như tớ.
Nhưng không sao, quan trọng là đã dọn. Chúng mình sống nghiêm túc và ngăn nắp cũng được. Mơ mơ màng màng cũng được. Nhưng đừng để mọi chuyện trôi đi, thỉnh thoảng, vẫn nên đem hết cả buồn vui, chấp nhặt, nhỏ nhen, yêu thương, thấu cảm ra sắp xếp từng nhóm một.
Mọi thứ tốt lên vì nó đã di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Cả quá trình tạo khoảng trống và sắp xếp lại đều vô tình mang mọi đồ vật rời xa vị trí ban đầu. Dẫu cậu đặt chúng lại y như cũ thì vẫn có khoảng thời gian chúng đã thay đổi “chỗ ngồi".
Có một đạo lý là khi chúng mình đổi góc nhìn, mọi chuyện thay đổi. Nghe sáo rỗng nhưng tớ chưa thấy nó sai bao giờ. Nó chỉ khó áp dụng vì không phải lúc nào chúng mình cũng muốn/ hoặc muốn mà dễ dàng để đổi góc nhìn mà thôi. (Giống như tớ vẫn thường chỉ lau sàn chứ “né" lau đồ vậy).
Một em bé cố chấp cứng cỏi ở bên trong chúng mình - thỉnh thoảng, tớ vẫn nhầm lẫn em ấy là “chất riêng", là “ngầu", là “kiên định". Nhưng không phải, em bé bảo vệ tớ khỏi những hệ quả mà bản thân không đoán trước được. Em bé sợ tớ thay đổi sẽ rơi vỡ, sẽ không quay lại vị trí ban đầu được nữa. Nhưng nếu tớ nói cho em bé biết mình cũng tò mò về sự thay đổi, tớ tin rằng em ấy không còn cứng đầu cứng cổ như vậy nữa, em bé sẽ giúp tớ mở lòng mình ra.
Xét cho cùng, lâu quá không đăng bài trên Spiderum, hơi nhớ cảm giác ấy nên mới xuất hiện bài viết này. Chứ chẳng có nghĩa những điều tớ nói trên là cái gì đó to tát hoặc đúng - sai gì cả.
Xin được kết bài bằng sự khác biệt lớn nhất giữa việc dọn nhà và dọn tâm trí. Dọn nhà thì có thể dàng tìm kiếm cô Hằng hoặc cô Hạnh nào đó làm thay toàn phần. Nhưng dọn tâm trí thì chỉ riêng mình mới kiểm soát được thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất