Đầu tư cơ bản P.10 - Khi nào nên tấn công? Và khi nào nên phòng thủ?
Trong bóng đá, sự luân chuyển giữa thế tấn công và thế phòng thủ tùy vào tình hình đang diễn ra trên sân đấu là một trong những kĩ...
Trong bóng đá, sự luân chuyển giữa thế tấn công và thế phòng thủ tùy vào tình hình đang diễn ra trên sân đấu là một trong những kĩ năng quan trọng nhất của những đội bóng hàng đầu thế giới. Một đội bóng đẳng cấp châu lục là một đội bóng biết khi nào nên tấn công dữ dội như sấm sét để tìm kiếm bàn thắng, và khi nào nên phòng thủ vững chắc như tường thạch để bảo vệ thành quả. Một đội bóng nếu chỉ giỏi duy nhất một trong hai kĩ năng trên sẽ không bao giờ có thể đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới. Để trở thành tân vương của Champion League, đội bóng đó phải là bậc thầy của cả nghệ thuật tấn công lẫn phòng thủ.
Trong đầu tư, bạn chính là vị thuyền trưởng lèo lái đội bóng của chính mình, một nhà đầu tư tài ba là người biết khi nào nên đưa danh mục vào vị thế tấn công, và khi nào nên chuyển sang trạng thái phòng thủ. Tấn công sai thời điểm sẽ dẫn đến những khoảng lỗ kinh hoàng trong nháy mắt, phòng thủ sai thời điểm sẽ dẫn đến bỏ qua những cơ hội sinh lời tuyệt vời trên thị trường. Nếu chỉ giỏi tấn công, bạn có thể sẽ có những mức lợi nhuận đáng tự hào trong một khoảng thời gian ngắn nhưng chắc chắn sẽ thua hết số tiền trên trong dài hạn. Nếu chỉ giỏi phòng thủ, tỷ suất sinh lời của bạn chắc chắn sẽ khó có khả năng đánh bại mức sinh lời chung của thị trường là VN-Index. Do đó nhà đầu tư thông minh là người có cảm nhận tốt nhất về tình hình đang diễn biến trên thị trường và có những điều chỉnh hợp lý về thế cân bằng giữa tấn công và phòng thủ trong danh mục đầu tư. Một cách khác để suy ngẫm về tấn công và phòng thủ trong đầu tư là cân nhắc về hai rủi ro luôn song hành cùng nhau trên thị trường: rủi ro của việc mất vốn và rủi ro của việc bỏ qua cơ hội sinh lời.
Khi một đội bóng đang trong tư thế tấn công, họ phải chấp nhận việc dâng cao đội hình và để một khoảng trống lớn phía sau, đây là một rủi ro lớn nếu như đối phương có thể triển khai thế phản công chớp nhoáng. Tương tự như thế, việc gia tăng vị thế tấn công trong danh mục sẽ luôn đi kèm với rủi ro thua lỗ tăng cao tương ứng, điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường trải qua những khoảng thời gian bất định và đại đa số nhà đầu tư bắt đầu có những phản ứng mua-bán đầy cảm xúc mang tính bầy đàn.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung phòng thủ bảo toàn tỷ số thì việc ghi bàn sẽ khó khăn hơn rất nhiều và vì thế các tiền đạo phải tận dụng rất tốt các cơ hội hiếm hoi họ có được. Một cách tương tự, nếu danh mục đầu tư quá chú trọng đến việc phòng thủ thì chắc chắn nhà đầu tư đã bỏ qua rất nhiều cơ hội sinh lời tuyệt vời xuất hiện trong quá khứ và do đó khó có khả năng đánh bại hiệu suất chung của thị trường trong dài hạn.
Đọc thêm:
Chu kỳ thị trường ảnh hưởng thế nào đến vị thế danh mục?
Thị trường sẽ luôn hoạt động theo ý chí của riêng nó. Sự dao động của giá cổ phiếu phụ thuộc vào rất nhiều biến số nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư đều có những kỳ vọng riêng về triển vọng tương lai của thị trường dựa trên những luận điểm kinh tế hợp lý. Như người viết đã nói, một cách khác để suy nghĩ về tấn công và phòng thủ là cân nhắc giữa hai rủi ro: rủi ro của việc bị mất vốn và rủi ro của việc bỏ lỡ cơ hội. Trong một thị trường giá lên, hầu như lúc nào rủi ro của việc bị mất vốn luôn thấp hơn rủi ro của việc bỏ lỡ cơ hội, và điều ngược lại cũng đúng cho thị trường giá xuống. Nói một cách khác, vị trí của chu kỳ trên thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến tính cân bằng giữa tấn công và phòng thủ trong danh mục của nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư ưu tiên việc tấn công trên thị trường, điều đó có nghĩa là mục tiêu của bạn chính là tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại, một nhà đầu tư muốn bảo toàn thành quả hoặc giảm thiểu thua lỗ sẽ chuyển sang vị thế phòng thủ. Một số hành động phổ biến liên quan đến vị thế tấn công và phòng thủ bao gồm:
Tấn công: gia tăng số tiền mua tài sản rủi ro hoặc đầu cơ, gia tăng tỷ lệ đòn bẩy nợ Margin, đầu tư tập trung vào một số cổ phiếu high risk/high return thay vì đa dạng hóa, mua đuổi cổ phiếu đã tăng quá cao với kì vọng bán giá cao hơn trong tương lai.
Phòng thủ: gia tăng tỷ lệ tiền mặt, chú trọng nắm giữ cổ phiếu an toàn trong khủng hoảng, giảm thiểu tỷ lệ Margin, đa dạng hóa danh mục một cách an toàn.
Những đọc giả đã từng trải nghiệm trên thị trường chắc chắn sẽ nhận thấy rằng những hành vi được liệt kê ở trên luôn gắn chặt với thị trường giá lên (bull market) và thị trường giá xuống (bear market). Trong giai đoạn hưng phấn, chấp nhận thêm nhiều rủi ro để gia tăng lợi nhuận và một việc làm cực kì phổ biến. Trong giai đoạn hoảng loạn, hầu hết nhà đầu tư đều gia tăng tỷ lệ tích trữ tiền mặt và từ chối tham gia vào thị trường. Một cách thực tế nhất, nhà đầu tư không thể đồng thời triệt tiêu cả hai rủi ro của việc thua lỗ và bỏ lỡ cơ hội do cả hai luôn song hành cùng nhau như hình với bóng trên thị trường đầu tư. Nếu như nhà đầu tư quyết định ưu tiên vị thế tấn công, họ cũng phải đồng thời chấp nhận rằng rủi ro mất vốn cũng tăng theo một cách tương ứng. Nếu như nhà đầu tư quyết định ưu tiên vị thế phòng thủ, họ cũng ngầm hiểu rằng họ phải bỏ qua nhiều cơ hội sinh lời với mục đích bảo toàn tất cả những gì mà mình đang sở hữu.
Do không thể đồng thời loại bỏ cả hai rủi ro trên tại bất kì một thời điểm nào đó trên thị trường, điều quan trọng nhất nhà đầu tư thông minh có thể làm là quyết định thứ tự ưu tiên của tấn công và phòng thủ tùy vào tình hình đang diễn biến trên thị trường. Trong đầu tư, dự đoán thị trường là một việc cực kì gian khó, nếu như không muốn nói là bất khả thi, nhưng điều phân biệt giữa các nhà đầu tư lão luyện và những tay nghiệp dư là nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đưa ra những ước lượng xác suất chính xác hơn về triển vọng thị trường trong tương lai khi so sánh với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Và nếu như họ ước đoán rằng có khả năng rất cao thị trường đang đi vào trend tăng điểm dài hạn, họ sẵn sàng luân chuyển danh mục đầu tư sang thế tấn công để tối đa hóa lợi nhuận. Lúc này rủi ro của việc bị mất vốn không quan trọng bằng rủi ro của việc bỏ lỡ những cơ hội sinh lời tuyệt vời đang được thị trường chiêu đãi. Điều ngược lại cũng đúng đối với thị trường giá xuống.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải hiểu rằng thị trường là một nơi mà sự bất định luôn ngự trị, và do đó luôn có rủi ro rằng quyết định ưu tiên tấn công hay phòng thủ sẽ phải trả một cái giá rất đắt khi thị trường diễn biến không đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Quyết định gia tăng tỷ lệ đòn bẫy Margin cũng như tỷ trọng vào các cổ phiếu mang tính đầu cơ high risk/high return ngay đúng vào thời điểm thị trường chuẩn bị cắm đầu lao dốc sẽ luôn sản sinh ra một thế hệ nhà đầu tư mới bị chôn vốn, trường hợp tệ nhất là cháy tài khoản do Margin Call. Tương tự như thế, một danh mục quá chú trọng vào phòng thủ vào thời điểm thị trường đang chuẩn bị tăng giá điên cuồng sẽ chứng kiến một tỷ suất lợi nhuận cực kì khiêm tốn khi so sánh với những nhà đầu tư khác, và dĩ nhiên là cả sự ghen tỵ khốn khổ mà bất kì nhà đầu tư nào cũng từng trải qua.
Quyết định thời điểm chính xác để tấn công hay phòng thủ sẽ là một trong những kỹ năng quan trọng nhất nhà đầu tư cần phải thuần thục. Kinh nghiệm chinh chiến trên thị trường sẽ cho nhà đầu tư biết những tín hiệu đáng tin cậy trong việc xác định giai đoạn chu kỳ trên thị trường. Như câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett "Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và hãy sợ hãi khi người khác tham lam". Mặc dù câu nói này đã quá phổ biến đến mức gần như đã trở thành một meme trong cộng đồng đầu tư, nhưng người viết phải thành thật công nhận rằng giai đoạn mà cả thị trường đang điên cuồng mua đuổi cổ phiếu một cách liều lĩnh, đặc biệt là các cổ phiếu lái sặc mùi đầu cơ, đó cũng chính là chỉ báo đáng tin cậy cho một đợt lao dốc không phanh sắp sửa diễn ra trên toàn thị trường, và đây chính là thời điểm hợp lý nhất để nhà đầu tư thông minh ưu tiên vị thế phòng thủ trong danh mục để bảo toàn thành quả đầu tư của mình.
Đầu tư tập trung hay đa dạng hóa danh mục?
Trong đầu tư, một trong những lời khuyên phổ biến nhất là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Logic của việc làm này rất đơn giản - không bao giờ đặt hết trứng vào một rổ, nếu cả rổ trứng mà lỡ rớt xuống đất thì đến cái nịt cũng không còn. Và trong một khoảng thời gian trong quá khứ, người viết cũng rất đồng tình với quan điểm này, cho tới khi người viết phát hiện ra rằng có một quan điểm hoàn toàn đối lập được những nhà đầu tư hoặc doanh nhân nổi tiếng nhất trên thế giới hoàn toàn ủng hộ.
Elon Musk đã từng nói "Đặt hết trứng vào một rổ không sao cả, miễn là bạn kiểm soát hoàn toàn số phận của cái rổ đó". Đây là quan điểm hoàn toàn đối lập với khái niệm đa dạng hóa, và chính Warren Buffett cũng ủng hộ phong cách đầu tư này. Ông ví dụ rằng giả sử trong một danh mục đầu tư được xếp hạng từ cao xuống thấp dựa hoàn toàn trên tỷ suất sinh lời, đa dạng hóa về cơ bản là lấy tiền bỏ thêm vào những khoản đầu tư đang xếp thứ 4 hay thứ 5 thay vì bỏ thêm tiền khoản đầu tư đang nằm ở vị trí đầu bảng. Hiểu một cách khác, khi áp dụng đa dạng hóa, nhà đầu tư đang phân bổ dòng tiền vào những doanh nghiệp hạng trung tầm thường thay vì dồn hết tiền vào ngôi sao đang tăng trưởng ấn tượng trong danh mục. Đây là một khái niệm đối lập hoàn toàn với đa dạng hóa, và có nền tảng logic hợp lý của riêng nó.
Khi đã ngồi chiêm nghiệm rất lâu về hai trường phái đối lập đa dạng hóa và đầu tư tập trung, người viết đã hiểu rằng lợi ích nhà đầu tư có được từ đa dạng hóa chính là sự an toàn, về mặt tâm trí lẫn hiệu suất đầu tư, trong khi lợi ích nhà đầu tư nhận được từ đầu tư tập trung là hiệu suất vượt trội trong trường hợp nhà đầu tư đã đưa ra quyết định chuẩn xác. Về cơ bản, đa dạng hóa ưu tiên phòng thủ trong khi đầu tư tập trung ưu tiên tấn công
Trong thực tế, nếu như bạn biết chính xác điều gì sẽ xảy ra với tất cả những khoản đầu tư trong tương lai, điều khôn ngoan nhất bạn có thể làm là tập trung tất cả số tiền bạn có được vào khoản đầu tư sẽ sinh lời nhất và bỏ qua tất cả các khoản đầu tư còn lại. Đa dạng hóa danh mục đầu tư là không cần thiết khi nhà đầu tư có thể chắc chắn về những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Elon Musk là người ủng hộ quan điểm đầu tư tập trung, nhưng ông cũng không quên gắn kèm theo điều kiện "miễn là bạn kiểm soát hoàn toàn số phận của cái rổ". Điều đó làm cho người viết tự hỏi:
Bao nhiêu người trong chúng ta có thể tự tin chắc chắn rằng chúng ta có toàn quyền kiểm soát vận mệnh của cái rổ đó? Bao nhiêu người trong chúng ta ở đẳng cấp của Elon Musk hay Warren Buffett, những người có khả năng đặt cược vào tương lai hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại của thế giới?
Nếu nhà đầu tư là một người sở hữu kỹ năng đầu tư ở đẳng cấp như Warren Buffett, một người có khả năng chắc chắn rất cao về triển vọng tương lai của các khoản đầu tư, không có lý do gì để họ không dồn gần như toàn bộ nguồn vốn vào những khoản đầu tư sinh lợi nhất thay vì dàn trải đều ra những khoản khác chỉ để đạt được mục đích chung chung là "đa dạng hóa danh mục đầu tư". Đối với những trường hợp hiếm hoi này, tập trung tấn công là phương pháp đầu tư sáng suốt nhất.
Tuy nhiên, phương pháp trên có thể đúng với một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt, nhưng đầu tư tập trung không dành cho phần lớn nhà đầu tư bình thường. Người viết là người luôn ủng hộ đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số index fund, ETF và nắm giữ trong dài hạn cho đại đa số nhà đầu tư cá nhân không có nhiều kiến thức hay thời gian tham gia vào thị trường. Về cơ bản, quỹ chỉ số neo theo một dạng thị trường cố định là phương pháp đầu tư đa dạng hóa tới mức tối đa. Đa phần các nhà đầu tư chủ động sẽ không thể đánh bại được hiệu suất thị trường, rất nhiều thống kê đã chứng minh điều này, do đó đạt được hiệu suất chung của thị trường là đủ tốt rồi, bạn không cần làm gì nhiều nhưng hiệu suất lại đảm bảo tốt hơn phần lớn các nhà đầu tư khác đang tham gia hoạt động trên thị trường, ai lại từ chối điều này cơ chứ? (Trừ khi bạn thích cảm giác phiêu lưu khi đánh bạc).
Tấn công có thể mang lại cảm giác phấn khích tuyệt vời, nhưng cái giá phải trả khi bạn khinh thường đối thủ luôn rất đắt. Với những nhà đầu tư có khả năng đánh bại thị trường cũng như sở hữu kỹ năng vượt trội, đầu tư tập trung có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận phi thường. Tuy nhiên, bạn cũng phải hiểu là những nhà đầu tư như thế này rất hiếm, câu hỏi đặt ra là liệu bạn có đủ tự tin hoặc ngu ngốc để nghĩ rằng mình chính là một trong những cá nhân đặt biệt này trên thị trường?
Phòng thủ có thể không mang lại cảm giác phấn khích như tấn công, nhưng nó mang lại cảm giác an toàn và bình yên trong tâm trí. Chỉ cần trải qua cảm giác khủng hoảng tâm lý khi danh mục bạn đang Full Margin với hàng loạt cổ phiếu đầu cơ đang nằm sàn trắng bên mua trong khi thị trường đang lao dốc không phanh cũng đủ để bạn hiểu rằng tấn công điên cuồng nhưng không biết lượng sức mình sẽ phải trả cái giá lớn như thế nào. Một nguyên tắc tối quan trọng nhà đầu tư cần phải ghi nhớ là nếu thiếu đi các kỹ năng quản lý rủi ro cần thiết trong suốt quá trình đầu tư, việc thị trường tiễn bạn rời khỏi cuộc chơi chỉ là vấn đề thời gian.
Bài học ở đây không phải là kỹ năng phòng thủ vượt trội hơn tấn công, hay tấn công chỉ dành cho những nhà đầu tư tài giỏi, mà là làm thế nào để đạt được trạng thái cân bằng tối ưu nhất giữa tấn công và phòng thủ trong danh mục đầu tư. Một danh mục tối ưu là khi thị trường đi lên, tỷ suất lợi nhuận của bạn tăng cùng thị trường và có phần nhỉnh hơn, nhưng khi thị trường có lao dốc cũng không làm bạn bận tâm vì bạn biết rằng danh mục của mình sẽ rớt giá thấp hơn tốc độ lao dốc của thị trường. Dĩ nhiên, khả năng đạt được điều này chính là thứ phân biệt giữa những người giỏi nhất với phần còn lại của giới đầu tư.
Luân chuyển thế cân bằng giữa tấn công và phòng thủ
Nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks, sau một thời gian dài chinh chiến trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, đã đi đến kết luận rằng "Tôi ngày càng tin rằng công việc quan trọng nhất của một nhà quản lý quỹ không phải là quyết định bao nhiêu số tiền phân bổ vào cổ phiếu hay trái phiếu, thị trường nội địa hay thị trường nước ngoài, cổ phiếu vốn hóa lớn hay vốn hóa bé, thị trường phát triển hay thị trường mới nổi, đầu tư tăng trưởng hay đầu tư giá trị, cũng như đưa ra quyết định về các chiến lược đầu tư khác nhau. Công việc quan trọng nhất của một nhà quản lý quỹ là quyết định mức độ cân bằng giữa tấn công và phòng thủ trong danh mục đầu tư. Những thứ khác sẽ không có ích gì nếu như bạn đưa ra quyết định ngu ngốc về thế cân bằng trong tấn công/phòng thủ. Và nếu như thế cân bằng trong tấn công/phòng thủ là tối ưu, những chuyện tốt đẹp sớm muộn gì cũng đến".
Bạn có thể đưa ra rất nhiều quyết định khôn ngoan trong đầu tư, nhưng chỉ cần một sai lầm ngu ngốc trong việc quyết định sẽ tấn công ngay vào thời điểm thị trường chuẩn bị trải qua cơn điều chỉnh mạnh mẽ, mọi thứ sẽ trở thành thảm họa trong nháy máy, và những quyết định khôn ngoan kia của bạn sẽ không thể cứu nổi một danh mục đầu tư với vị thế tấn công đang hứng chịu cơn thịnh nộ của thị trường. Điều ngược lại cũng đúng, đầu tư quá an toàn trong giai đoạn thị trường đang uptrend dài hạn sẽ cho bạn một tỷ suất lợi nhuận cực kì khiêm tốn so với thị trường, bạn có thể tự hào rằng mình đang đầu tư một cách an toàn nhưng có một sự thật không thể chối cãi rằng kết quả đầu tư của bạn đã có thể tốt hơn rất nhiều thay vì chỉ nhận một tỷ suất lợi nhuận tệ hại như thế.
Một cách thực tế, nhà đầu tư thông minh luôn phải hiệu chỉnh tỷ lệ cân bằng một cách liên tục để phù hợp với tình hình đang diễn ra trên thị trường. Hành vi của các nhà đầu tư khác cũng như môi trường đầu tư đang thuộc giai đoạn nào của chu kỳ trên thị trường sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để đưa ra mức độ điều chỉnh hợp lý.
Khi thị trường ngày càng hưng phấn, ngày càng nhiều nhà đầu tư chấp nhận thêm nhiều rủi ro để gia tăng lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu đã tăng quá cao so với giá trị nội tại, rủi ro không còn được quan tâm đúng mức vì tất cả những gì nhà đầu tư quan tâm lúc này là lợi nhuận, những điều này báo hiệu rằng thị trường đang ngày càng trở nên nguy hiểm, tỷ lệ bong bóng phát nổ đang ngày càng tăng cao qua thời gian và lúc này nhà đầu tư thông minh cần phải ưu tiên vị thế phòng thủ. Rủi ro của việc thua lỗ đang ngày càng lấn át rủi ro của việc bỏ lỡ cơ hội, vì thế việc bảo toàn thành quả đầu tư cần phải được ưu tiên lên hàng đầu và do đó luân chuyển danh mục với tỷ trọng tập trung vào những cổ phiếu an toàn, có khả năng chống đỡ tốt khi thị trường điều chỉnh là việc làm hoàn toàn cần thiết.
Khi thị trường đang được giao dịch một cách hợp lý với những phiên giao dịch đặt nặng tính an toàn đến từ đại đa số các nhà đầu tư, giá cổ phiếu đang được định giá ở mức chiết khấu so với giá trị nội tại cũng như sự vắng mặt của những pha tăng giá bằng lần phi lý của các cổ phiếu đầu cơ penny báo hiệu một thị trường đang ít rủi ro. Thị trường càng ít rủi ro thì nhà đầu tư càng nên tăng cường vị thế tấn công trong danh mục, lúc này rủi ro của việc bỏ lỡ cơ hội đã hoàn toàn lấn át rủi ro của việc bị mất vốn, vì thế quyết định tối đa hóa lợi nhuận cần phải được ưu tiên với tỷ trọng danh mục tập trung vào những cổ phiếu tuy có nhiều rủi ro nhưng luôn dẫn dắt tốt trong giai đoạn thị trường đi lên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà đầu tư được phép lơ là việc phòng thủ trong danh mục của mình. Hãy luôn nhớ rằng nếu không có quá trình quản lý rủi ro nghiêm ngặt, việc thị trường đá bay bạn khỏi cuộc chơi là một kết quả tất yếu. Ưu tiên vị thế tấn công khi điều kiện thị trường cho phép là một quyết định chuẩn xác, nhưng hãy làm điều này một cách khôn ngoan.
Kĩ năng hiệu chỉnh mức độ cân bằng giữa tấn công và phòng thủ sẽ luôn đòi hỏi nhà đầu tư phải có một góc nhìn tỉnh táo và sáng suốt về tình hình thị trường đang diễn biến trong thời gian thực. Một góc nhìn tỉnh táo là một góc nhìn tách biệt hoàn toàn khỏi cảm xúc đám đông đang tràn lan trên thị trường và có khả năng tự đưa ra những nhận định một cách độc lập và khách quan về rủi ro/ lợi nhuận của những khoản đầu tư khác nhau.
Bạn sẽ không bao giờ có thể đầu tư thành công trong dài hạn nếu như tất cả những gì bạn làm là lắng nghe những lời thì thầm từ đám đông thị trường. Để kết thúc bài viết, người viết muốn mượn lời từ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và biến đổi nó một chút để phù hợp với tiêu đề của phần này - Hãy tấn công dứt khoát khi cả thị trường đang lo sợ phòng thủ, và hãy phòng thủ chắc chắn khi cả thị trường đang điên cuồng tấn công.
Nguồn tham khảo
- The Most Important Thing Illuminated - Howard Marks
Đọc tiếp:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất