Làm vì tiền
"Họ chỉ làm vì tiền thôi". Hôm bữa mình đi ăn với bạn lâu năm. Cả hai đứa nói chuyện hỏi han nhau, rồi sau đó nói về một chị làm bên...
"Họ chỉ làm vì tiền thôi".
Hôm bữa mình đi ăn với bạn lâu năm. Cả hai đứa nói chuyện hỏi han nhau, rồi sau đó nói về một chị làm bên mảng tư vấn du học. Mình khen chị nhiệt tình, liên tục chia sẻ các bài viết hữu ích cho các du học sinh, lập tức thằng bạn nói rằng:
-Ôi người ta làm cũng chỉ vì tiền cả thôi.
Mình nghe thấy có gì đó không ổn, nghĩ một chút mình hỏi:
-Thế theo ông tốt nhất là chị đó nên làm miễn phí?
Thằng bạn mình khựng lại chút, có vẻ bối rối. Dường như nó chưa bao giờ nghĩ như vậy. Tuy nhiên chúng mình vẫn vui vẻ nói chuyện với nhau, vì giữa chúng mình việc bàn luận những chủ đề này là phổ biến và hỏi khó nhau không gây ra mất thiện cảm.
Nhưng lúc về mình nghĩ nhiều đến việc đó. Tại sao vậy chứ, tại sao người ta hay gán cụm từ "vì tiền" với một ý nghĩa tiêu cực? Ngay cả thằng bạn mình, vốn đã sống gần 10 năm ở một quốc gia tư bản trọng thương toàn diện, mà vẫn còn một suy nghĩ tiêu cực về việc "làm vì tiền", nó khiến mình cảm thấy dường như ở Việt Nam mọi người vẫn có một góc nhìn tiêu cực về chuyện kiếm nhiều tiền. Bạn có thể cảm nhận điều đó ở khắp mọi nơi, và không phải lúc nào sự khinh tiền nó cũng thể hiện rõ ra, nó thể hiện một cách ngầm mà phải tinh ý mới phát hiện được.
Bạn hẳn đã nghe cộng đồng mạng chỉ trích thầy Dan "ăn tiền" của Elight để làm quảng cáo và bôi nhọ các trung tâm Anh Văn khác. Hay là thầy làm video cũng chỉ "vì tiền".
Chúng ta cũng đã nghe lời than phiền về việc "nhiều bạn trẻ bây giờ học chỉ mong sau này kiếm tiền."
Hay là "bác sĩ bây giờ làm chỉ vì tiền".
Rồi đến "giáo viên bây giờ dạy học chỉ nghĩ đến tiền."
Lên tầm quốc tế thì chúng ta nói: "Bọn tư bản nó làm chỉ vì tiền."
Và bạn biết mình nghĩ gì không, mình nghĩ rằng những người đó họ nói chưa hết câu đâu. Cái câu đầy đủ nó vậy này:
"Bọn tư bản nó làm chỉ vì tiền chứ chẳng có tốt đẹp gì đâu."
Mở thời sự nghe tin về tệ nạn trong buôn bán, kinh doanh, người ta sẽ nói rằng bây giờ đạo đức xuống cấp, nhiều người suy đồi vì "chạy theo đồng tiền". Làm vì tiền như là một hành động gì đó xấu xa mà người Việt Nam luôn cố gắng chối bỏ.
Nhưng liệu thực sự những điều đó có tệ hại như vậy? Liệu thực sự vì đam mê theo đuổi tiền mà con người tha hóa? Liệu "làm vì tiền" có đúng là một thứ đáng khinh?
Những kỳ vọng không thực tế
Ở Việt Nam đang có một sự xung đột lớn giữa ước muốn của con người và thực tế trong xã hội. Chúng ta ngầm ca ngợi cái nghèo nhưng công khai theo đuổi việc làm giàu. Trong mảng giáo dục, những câu truyện cổ tích luôn xoay quanh việc người nghèo sống tốt thế nào, và bọn địa chủ giàu có thì bất lương, tham lam ra sao như truyện Cây tre trăm đốt, truyện cười Trạng Quỳnh, ăn Khế Trả Vàng. Còn trong môn lịch sử thì chúng ta liên tục nhắc đến hình ảnh những vị quan thanh liêm, những người không màng danh lộc, sẵn sàng từ bỏ của cải vật chất, bổng lộc triều đình để về ở ẩn, sống an nhàn, tiêu biểu như Chu Văn An thời Trần, Nguyễn Trãi thời Lê và Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn. Chúng ta coi họ là tấm gương, và khen ngợi họ vì họ là người không màng châu báu, vật chất của cải. Ngay cả Nho giáo cũng khuyến khích con người từ bỏ vật chất, của cải, các nhà vua thì đề cao đức hạnh con người hơn là của cải của người đó.
Và kết quả là gì? Vương quốc Đại Việt, và sau này là Đại Nam, chưa một lần được coi là giàu. Đất nước nghèo, nghèo một cách khốn cùng, và cứ 10, 15 năm thịnh vượng, mà ở đây hiểu là chỉ ăn đủ no mặc đủ ấm, thì lại đi kèm theo cả thế kỷ binh biến loạn lạc đánh nhau, đã nghèo còn nghèo hơn. Còn danh nhân lịch sử không một ai là thương gia.
Khi một xã hội đề cao đức hạnh và chê bai sự giàu có, sự tích lũy tài sản, thì xã hội đó đang ép con người ta sống đạo đức giả bởi vì nghèo đói là nguồn gốc cho đủ loại tệ nạn trong xã hội, chứ ít khi đẻ ra sự thanh cao.
Trong bài viết về nạn tham nhũng thời Minh Mạng của anh Nguyễn Văn Hiệu đăng trên Spiderum cũng có ghi về nguyên nhân của tình trạng tham nhũng. Anh ghi nhận định của Nguyễn Trường Tộ:
“Đủ cơm ăn áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục, mà muôn việc ở đời cơ bản là sự nuôi sống”.
Từ đó ông chỉ ra thực trạng và kiến nghị
“Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch như vậy nuôi một người còn không đủ huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết rõ thiếu hụt mà cứ đem lời nói suông khuyên người ta thanh liêm, như thế là ngầm để cho người ta tham nhũng...gấp rút xét xem địa thế, hợp hai ba tỉnh thành một tỉnh, hoặc ba bốn huyện làm một huyện, lấy số lương dư ra cấp thêm cho các quan hiện chức. Họ đã được cấp lương tiền đầy đủ, để giúp họ giữ được thanh liêm, bấy giờ nếu họ không thanh liêm thì mới có thể trách”. ([25] tr 368, 369, 370)
Người lính nghèo đói nhưng chúng ta kỳ vọng họ phải làm được việc lớn:
Riêng về binh lính thì lương bổng vẫn không thay đổi qua các năm, phải tới năm Tự Đức thứ 36 (1883), binh lính tại kinh đô theo các doanh vệ lương mới được tăng thêm 1 quan hoặc 5 tiền. Binh lính tại các tỉnh thì năm Đồng Khánh nguyên niên (1886) từ Thánh Hóa vào Nam được tăng thêm 1 quan. Các lại dịch thì vào năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) mới được tăng lương. ([20] tr149 – 151)Như vậy chỉ tính một cách đơn giản, binh lính và nha lại nhà Nguyễn đã không được tăng lương suốt từ năm Gia Long thứ 17 (1818) tới năm Tự Đức thứ 36 (1883), họ phải sống với đồng lương 1 quan tiền 1 phương gạo trong ít nhất 65 năm, một khoảng thời gian quá dài!.Năm 1839 khi bàn định cải cách lương, Minh Mệnh và các đại thần đã nhận định rằng lương từ Ngũ phẩm trở xuống “có phần không đủ”, “khó chu cấp”, ở đây, binh lính và nha lại, trong hơn 60 năm, phải hưởng lương không bằng số lẻ của lương một quan cửu phẩm, nhưng vẫn đòi hỏi lại dịch, binh lính không được tham nhũng, phải phục vụ hết mình, dùng tính mạng bảo vệ quốc gia, quả là yêu cầu vô lý!.
Bạn thấy đấy, ông cha ngày trước luôn kỳ vọng những thứ huyễn hoặc. Và thời đại bây giờ chúng ta dường như vẫn chưa dứt được những kỳ vọng phi thực tế như vậy.
Chúng ta kỳ vọng những bác sĩ, những y tá nhận lương chết đói nhưng phải hoàn thành những nhiệm vụ cao cả của xã hội, phải hết lòng vì người bệnh, phải thanh cao. Các bác sĩ ở huyện hay trạm y tế xã thực hiện chiến dịch tiêm phòng chỉ được trả vài chục ngàn một ngày, không đủ ăn tô phở, nhưng nếu có chuyện lớn xảy ra như tai biến khi tiêm vắc-xin thì họ có thể bị kỷ luật, mất việc, bị lôi lên báo chỉ trích.
Chúng ta kỳ vọng giảng viên đại học tận tâm, hết lòng vì sinh viên, ngoài ra còn phải nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, trong khi nhận lương vài triệu còm cõi, không đủ trả tiền thuê nhà. Tệ hơn là khi lên báo nếu họ nói vì tài chính khó khăn, họ sẽ nhận được nhiều chỉ trích hơn là sự cảm thông. Không chỉ giảng viên, đa số các giáo viên ở trường công đều thấy nếu sống thanh liêm thì chỉ có khổ. Bản thân mình thì đã từng nghe được lời khuyên này từ nhiều giáo viên: "Con đừng đi theo nghề giáo, nó bạc bẽo lắm."
Chúng ta kỳ vọng nhân viên chính phủ liêm chính trong khi họ không đủ đóng tiền học phí cho con với lương. Tại sao lại vậy? Chúng ta mong đợi họ làm việc lớn gì trong khi mối lo thường trực của họ là tiền sữa cho con họ đã ngốn hết tiền chi tiêu hằng tháng của ba mẹ rồi.
Ở tầm quốc gia, chính phủ luôn khen ngợi sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và nói rằng thành phố cần phải "đổi mới", "phát triển", "dẫn đầu cả nước", "đưa kinh tế khu vực đi lên", nhưng họ cắt tiền. Thành phố thu về được 10 đồng họ lấy 8 đồng và họ nói rằng chính quyền thành phố đừng giữ nhiều tiền như vậy, phải san sẻ cho các tỉnh khác.
Tại sao lại thế? Không có gì vinh quang trong cái nghèo cả và những kỳ vọng đầy tính hoang tưởng ấy chỉ đang làm tồi tệ thêm vấn đề. Nó khiến chúng ta bám vào những thứ không thực tế để giải quyết những vấn đề thực tế.
Sự tự do tài chính
Theo mình thấy rằng lời giải thích hợp lý nhất cho những tệ nạn sinh ra từ nghèo đói là vì: cái nghèo bó hẹp sự tự do của con người. Từ tự do ở đây không nên hiểu theo nghĩa như không có bị cấm cản, như không ai cấm người nghèo mua điện thoại, không ai cấm người nghèo buôn bán, không ai cấm người nghèo đi vào trung tâm thương mại. Không. Khái niệm tự do ở đây nhằm nói về tự do lựa chọn. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những sự lựa chọn: bạn chọn đồ mặc đi làm, bạn chọn nơi để ăn trưa, bạn chọn điện thoại bạn thích, bạn chọn con đường bạn đi.
Và người nghèo họ có rất ít lựa chọn.
Gia đình công nhân nghèo không có nhiều lựa chọn: hoặc thuê nhà ở khu ổ chuột đầy tệ nạn hoặc ra ở gầm cầu. Gia đình người giàu thì có vô số lựa chọn, họ chọn số nhà họ muốn sở hữu, họ chọn loại nhà họ muốn xây, nên xây kiểu nhà biệt thự hoành tráng hay kiểu nhà tối giản hiện đại của Nhật Bản, họ chọn khu vực họ muốn mua nhà.
Đứa bé sinh ra trong gia đình nghèo chỉ có hai lối đi: hoặc là ráng học cho xong để có cái bằng hoặc nghỉ học giữa chừng để đi phụ bố mẹ kiếm tiền. Cha mẹ của đứa bé sinh ra trong gia đình khá giả không chỉ có nhiều lựa chọn về trường lớp, nó có thể chọn học thêm môn năng khiếu như võ, nhảy, cờ vua, mà còn có thể chọn chất lượng giáo dục phù hợp cho nó: trường quốc tế của Anh hay của Úc.
Người nghèo hầu như không có lựa chọn khi phải đi bệnh viện. Đứa con bị bệnh hiểm nghèo, cha mẹ chỉ có hai lựa chọn, hoặc là nhìn đứa con chết, hoặc là điều trị cho đến cùng và như thế cạn hết tiền trong nhà.
Người nghèo hầu như không có lựa chọn khi cân nhắc về tương lai. Làm sao mà họ có thể dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về trường, về môi trường học, về thị trường lao động để xác định hướng đi cho con cái họ sau này. Mỗi giờ họ dành ra để lên Internet (nếu họ may mắn có đủ tiền dùng Internet) thì họ đang phí thời gian buôn bán của họ.
Có tiền cho ta sự tự do lựa chọn, và thông qua các lựa chọn này ta có thể ra quyết định cho cuộc đời mình, càng có nhiều lựa chọn, ta càng có nhiều khả năng chọn đúng thứ sẽ giúp cuộc đời mình tốt lên. Ta có thể chọn nên học Đại học ở Việt Nam, học đại học quốc tế ở Việt Nam, hay là đi du học. Không phải cứ đi du học là tốt hơn, nhưng việc có lựa chọn khiến ta hạnh phúc hơn.
Không chỉ vậy, có tiền còn giúp ta thuê những người khác đưa ra lựa chọn cho mình. Ta có tiền thuê luật sư tốt để luật sư ấy giúp bạn quyết định có nên chọn ký hợp đồng làm ăn này, ta có tiền chọn bác sĩ giỏi nhất, những người sẽ giúp ta chọn ra liệu pháp điều trị bệnh tốt nhất cho mình.
Tiền không trực tiếp mang đến hạnh phúc, nhưng nó cho phép ta có nhiều lựa chọn, và ta có thể đưa ra lựa chọn khiến mình hạnh phúc.
Khi không có tiền, sự tự do của con người bị kiềm kẹp, khi con người bị kiềm kẹp họ sẽ nổi loạn, họ sẽ làm mọi thứ để tự do. Họ sẽ đi ăn cắp để có tiền, đi tham gia buôn bán ma túy để có tiền, đi buôn bán con nít để có tiền, đăng tin giả để có tiền, giết người để có tiền. Họ, và những người chung quanh, sẽ nghỉ họ đang làm vậy vì tiền, nhưng thực chất họ làm vậy vì sâu thẳm bên trong họ chỉ muốn một sự tự do lựa chọn cho cuộc đời họ.
Do đó khi những tổ chức từ thiện hay các tổ chức nhân đạo giúp đỡ người nghèo, hành động của họ chỉ là đang cố giúp đưa ra cho những người nghèo lựa chọn mới. Cha mẹ không cần phải bán hết đất để có tiền chữa bệnh cho con nữa, họ bây giờ có lựa chọn mới là nhận tiền qua các quỹ tình thương, cha mẹ không cần phải chịu khổ dành dụm tiền cho con đi học nữa, con họ giờ đã có lựa chọn là lấy học bổng khuyến học.
Vì tiền?
Những người giàu có cũng vì tiền mà phạm tội, nhưng chúng ta phải hiểu rằng đó là điều hiển nhiên, bởi vì hầu hết mọi thứ bạn làm trong cuộc sống này đều có dính đến tiền. Nó như không khí vậy. Khi tiền đã là một thứ quá thiết yếu trong cuộc sống, thì dù bạn làm điều tốt hay điều xấu nó đều có tiền ở trong đó, do đó khi chúng ta nói rằng ai đó làm điều gì đó "vì tiền" thì nó khá là lố bịch. Khi ai đó nói: "Thầy Dan nhận tiền của Elsa để tâng bốc ứng dụng này" thì cũng giống như nói rằng: "Cảnh sát được trả tiền để bắt tội phạm." Nó quá hiển nhiên, nó đúng nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì.
Và đôi lúc vì tập trung quá nhiều về mảng tiền, chúng ta đã không nhận ra những vấn đề sâu xa hơn. Chúng ta nghĩ rằng tội phạm kinh tế phạm tội vì tham tiền, trong khi một lý do chính khác là sự lỏng lẻo của luật pháp. Hãy đặt câu hỏi sau:
-Bạn có bao giờ đi ăn chực hàng quán liên tục mà không trả tiền chưa?
-Bạn có bao giờ vì thấy mê mệt một đôi giày mà xông vào một cửa hàng, lấy cắp đôi giày rồi chạy ra?
-Bạn có bao giờ dám xài điện, nước mà không trả tiền?
Bạn không làm thế, dù đôi lúc bạn kẹt tiền bạn sẽ ước như thế, bởi vì bạn biết rằng sẽ có hậu quả, bạn mà bị bắt thì bạn sẽ bị trừng phạt, hoặc bị cắt điện, cắt nước. Đó là ăn cắp, và ăn cắp thì bị trừng trị.
Nhưng bạn có cảm thấy tội lỗi khi coi phim lậu miễn phí trên các trang mạng, hay tải Torrent game lậu về chơi, hay tải nhạc vi phạm bản quyền về điện thoại? Bạn sẽ biện minh cho hành động đó là gì? "Vé xem phim mắc quá", "Không có thời gian ra rạp xem phim", "Game mắc thế này tiền đâu mà mua", "Nguyên Album của Adele đến 20 USD, tiền đâu mà mua". Bạn thấy đấy, câu trả lời hay xoay quanh vấn đề tiền, tưởng như tiền là vấn đề.
Nhưng mà bạn đâu có nói: "Tiền đâu mà mua Iphone X, thôi canh người ta mua rồi chạy ra giật."
Chúng ta biện minh mọi thứ là xoay quanh tiền, nhưng thực chất đó là sự lỏng lẻo của pháp luật. Bạn coi phim lậu, tại game lậu, nghe nhạc lậu là vì chẳng ai bắt phạt bạn cả. Như trong bài viết Thiết kế luật chơi trong xã hội, khi những chính trị gia tính toán xem có nên phạm tội để lấy tiền không, cái họ cân nhắc không phải là vì họ cần tiền hay không (vì họ đã rất giàu rồi), họ chỉ tính xem là khả năng họ bị bắt có cao hay không và cái giá của việc bị bắt có cao bằng cái giá thu được khi phạm tội hay không.
Ở những quốc gia mà luật lệ lỏng lẻo, hệ thống kiểm soát yếu kém, thì tội phạm nhiều, vì họ tin rằng chẳng ai bắt được họ. Chúng ta hay nhầm rằng cứ đưa người trong sạch vào bộ máy chính quyền thì chính quyền sẽ tốt hơn. Nó chỉ đúng ở mức độ nhỏ thôi, vấn đề lớn nhất là bản thân bộ máy đó, là nguyên cái hệ thống đó. Có những giáo viên rất liêm chính, thương yêu học trò, nhưng bộ máy giáo dục ép họ phải dạy thêm, phải tìm cách móc tiền của họ trò để sống. Còn trong chính phủ, cái bộ máy ép con người phải gian dối, phải tham nhũng để tồn tại. Nó biến mộ người trong sạch, có đạo đức thành một kẻ đồi bại.
Ở những quốc gia phát triển ít tội phạm, bộ máy được thiết kế theo phương châm: dù một người muốn phạm tội cũng không dám làm. Có thể những người vào trong bộ máy đó là người tham lam, ích kỷ, có tính tàn bạo, nhưng ít nhất họ không dám moi móc tiền công, vì họ biết họ sẽ bị trừng trị nặng. Ở Singapore, chính phủ trả lương vô cùng cao cho công chức, Thủ tướng Singapore có lương cao nhất trong số các lãnh đạo trên thế giới, lên đến 3 triệu USD/năm, cao gấp 7 lần lương Tổng thống Mỹ (khoảng 400,000 USD/năm, chưa tính phụ cấp thêm), và luật pháp của họ thì vào hàng nghiêm khắc nhất, và được thiết kế thuộc hàng hiệu quả nhất trên hành tinh này.
Do đó "vì tiền" không phải là vấn đề, mà là "thiếu tiền" và luật pháp lỏng lẻo, hệ thống kiểm soát kém, mới là vấn đề. Đừng nghĩ rằng cá nhân sống tốt lên là xã hội sẽ tốt hơn, bộ máy xã hội, môi trường sống là thứ định hình nên cá nhân đó.
Vì tiền hay chỉ vì tiền
Mình thấy rằng các cô gái lấy chồng giàu vì tiền là một điều không có gì phải tranh cãi, có gì sai với việc theo đuổi thứ cần thiết trong cuộc sống như tiền cơ chứ. Nhưng mình sẽ thấy tội cho cô gái ấy nếu cô ấy lấy người đó chỉ vì tiền.
Có nhiều người đang nhầm lẫn "vì tiền" và "chỉ vì tiền". Và vì nhầm lẫn điều này, cũng như không nhìn thẳng vào sự thật rằng tiền là thứ thiết yếu trong cuộc sống, chúng ta hay đơn giản hóa mọi thứ, và đưa ra những kỳ vọng rất không thực tế.
Khi một cô gái lấy chồng "vì tiền", thì tiền chỉ là một trong nhiều yếu tố cô ấy thấy ở anh ấy. Ngoài tiền ra có thể anh ấy tốt bụng, có học thức, chăm lo cho vợ con và có chí tiến thủ. Nhiều người hay đưa ra nhận định: "Nhỏ đó lấy chỉ vì tiền, thử hỏi thằng đó không giàu thì nó có lấy không?" nhưng tại sao phải thế, tại sao phải tách tình yêu ra khỏi thứ gì đó nó vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Hằng ngày, hằng tuần, hằng năm bạn đều cần tiền để sống, vậy sao lúc chúng ta chọn cưới một người, một trong những quyết định quan trọng trong đời mình, chúng ta lại gạt tiền ra khỏi vấn đề đó? Đáng lẽ phải nhìn thấy rằng trong chuyện cưới xin, vấn đề tài chính còn trở nên quan trọng hơn nữa!
Nhưng nếu chúng ta cưới một người "chỉ vì tiền" thì đó là vấn đề khác. Một cô gái nếu lấy một người vô cùng giàu chỉ vì tiền thì tức là cô ấy đang thầm nói rằng: anh có thể vũ phu, có thể lăng nhăng, có thể là một tay lừa đảo, hoặc em chẳng thực sự biết anh là ai, nhưng em chọn anh vì anh có nhiều tiền. Và ta thấy rằng trường hợp này hoàn toàn khác với trường hợp trên. Trường hợp đầu là như bạn gửi tiền vào quỹ đầu tư tài chính vậy, cũng có rủi ro đấy, nhưng thấp hơn và khả năng thu lời thì cao hơn. Trường hợp thứ hai là như bạn chơi số đề vậy, nó không phải 50-50 hên xui nữa, mà là hên 10 xui 90, đầy rủi ro, và khả năng cao chẳng mang lại hạnh phúc lâu dài cho bạn.
Cũng là tiền, nhưng rõ ràng hai vấn đề là khác nhau, do đó không nên cứ thấy có chữ tiền ở trong vấn đề là quy vấn đề đó về một dạng kiểu "chỉ vì tiền".
Bạn cũng có thể thấy điều này trong mảng kinh doanh. Các công ty tư bản đa quốc gia đúng là luôn nhắm đến lợi nhuận, nhưng họ cũng muốn làm xã hội tốt đẹp hơn. Công ty Tesla của Elon Musk luôn đặt mục tiêu lợi nhuận, nhưng đồng thời họ cũng đặt mục tiêu giữ hành tinh xanh sạch bằng xe chạy điện. Các ngân hàng, quỹ đầu tư luôn muốn kiếm lợi nhuận, nhưng đồng thời họ cũng muốn luân chuyển dòng vốn trong xã hội để đưa tiền đến những người cần tiền nhất.
Có thể nói rằng vì theo đuổi lợi nhuận mà các công ty giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Ngân hàng xây thật nhiều ATM vì nó giúp họ giảm thời gian lẫn chi phí rút tiền cho khác, và dành thời gian, nhân lực, tài nguyên cho hoạt động khác kiếm nhiều tiền hơn, và ai được hưởng nhiều nhất từ những cây ATM này? Cả ngân hàng lẫn khách hàng. Vào năm 2002, một chiếc laptop có giá khoảng 3000 USD và chỉ đủ để chạy Microsoft Office, 15 năm sau, một chiếc laptop 1000 USD có thể đáp ứng đủ nhu cầu giải trí của người dùng, từ lập trình, đồ họa, xem phim HD đến chơi game. Tại sao? Bởi vì các công ty điện tử muốn thu lợi nhuận, nên họ đổ tiền đầu tư vào công nghệ mới giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó bán được hàng rẻ cho khách hàng. Và chẳng phải là vì tiền mà Apple, Samsung, Microsoft luôn cố gắng cải tiến sản phẩm công nghệ để nó vừa rẻ vừa có đủ chức năng mà người dùng muốn sao? Như vậy rất rõ ràng là cuộc cạnh trạnh khốc liệt của các công ty "làm vì tiền" này đã giúp đưa đồ điện tử công nghệ cao đến những người thu nhập thấp trên thế giới và nâng cao chất lượng đời sống của mọi người.
Sự thật này không chỉ đúng trong phạm vi công nghệ hay ATM ngân hàng, mà nó hầu như đúng với hầu hết các mặt đời sống trong xã hội. Vì tiền, con người sẵn sàng lao vào những chuyến phiêu lưu, khám phá cái mới và đem lại những kiến thức mới cho nhân loại. Vì tiền mà con ngườisẵn sàng dốc tâm dốc sức vào việc kinh doanh, để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, và từ đó giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu một người gắn lợi ích của xã hội với hoạt động kiếm tiền của mình, anh ta hẳn còn tốt hơn hẳn các nhà đạo đức rao giảng về đúng sai, hay những người luôn nói về cái ác của đồng tiền nhưng chẳng đóng góp được gì có ích.
Nhưng nếu một người chỉ chăm chăm kiếm tiền, mà không màng đến lợi ích của xã hội, hay tổn thất của những người khác, thì kẻ đó còn hơn là một tên vô lại. Chúng ta đã thấy những tình cảnh đau thương của những người bị cuốn vào bán hàng đa cấp lừa đảo, những người bị dụ dỗ đầu tư vào những "tiền điện tử giả" hay tham gia các hoạt động lừa đảo khác. Những người đó kiếm tiền, nhưng gây tổn thất cho người khác.
Hoặc nếu một người chỉ chăm chăm kiếm tiền, thì dù bắt đầu là một người lương thiện, anh ta cũng sẽ sa ngã và bất chấp thủ đoạn để hại người hòng kiếm tiền. Còn nếu không hại người thì anh ta cũng sẽ có một cuộc sống bất hạnh vì mất đi ý nghĩa.
Bài viết này không ủng hộ những hành vi đó, và mình nói rõ ràng rằng tiền giúp chúng ta có sự lựa chọn, từ những lựa chọn đó ta chọn những thứ khiến mình hạnh phúc. Nếu một người chỉ chăm kiếm tiền bằng mọi giá, anh ta sẽ nhầm lẫn rằng tiền là đích đến cuối cùng, trong khi thực chất nó chỉ là sự khởi đầu, và nếu anh ta không cân nhắc những lựa chọn của mình, anh ta cũng sẽ gặp bế tắc trong cuộc sống và sống không hạnh phúc, dù có nhiều tiền.
Nếu bạn coi tiền là đích đến cuối cùng, thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ thành nô lệ của đồng tiền, nhưng nếu bạn coi tiền là công cụ để giúp bạn vươn xa hơn cuộc sống, càng có nhiều tiền bạn càng vươn xa, thì bạn sẽ luôn có một cuộc sống đầy ý nghĩa theo mong muốn của mình.
Hãy vì tiền mà giúp xã hội
Tiền là thứ thiết yếu trong cuộc sống, thứ giúp cuộc sống của con người tốt hơn. Chả có gì phải xấu hổ khi nói rằng rốt cuộc tôi kinh doanh hay khởi nghiệp vì tiền cả, trừ khi bạn làm chỉ vì tiền. Startup của bạn có thể có ý tưởng tuyệt vời nhất nhưng nếu nó không làm ra được tiền, thì không chóng thì trầy nó sẽ sụp đổ trước khi nó kịp "thay đổi xã hội". Khi bạn kiếm được nhiều tiền và giúp người khác kiếm ra được nhiều tiền là bạn đã đóng góp được rất nhiều cho xã hội rồi.
Những người nguy hiểm không phải là người theo đuổi đồng tiền. Những người nguy hiểm là người theo đuổi tiền, vì tiền mà bất chấp tất cả, hoặc là những người luôn nói: "Tôi sống không phải vì tiền".
Hình đầu bài: The banker and his wife - Marinus van Reymerswale
Phản biện của Hexpion:
Các bài liên quan
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất