Chào các bạn, lại là mình, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến, Trung Quốc đây :))) Mấy ngày nay mình "nhảy" công ty, lên Spiderum thấy mục "Quan điểm - Tranh luận" xôn xao các bài viết về Trung Quốc, về người Việt. Ừ thì những gì to nhớn, các tác giả đã viết hết rồi. Còn mình, như cái vị trí trứ danh "phóng viên thường trú", sẽ chỉ viết về những góc nhìn nho nhỏ, nhưng là trải nghiệm thực sự ở bên này. Hy vọng, loạt bài viết của mình sẽ đưa lăng kính về "Tàu và Ta"  một cách thật chân thật và gần gũi :p
    Ở những bài viết trước, có vài bạn comment hỏi mình khi nào viết bài về kinh nghiệm học tiếng Trung và phỏng vấn xin việc ở Trung Quốc. Thực ra một phần mình chưa viết về vấn đề này, vì so với rất nhiều người, mình có được công việc cực kỳ dễ dàng, không qua phỏng vấn hay yêu cầu đặc biệt về tiếng :)) 
Nguồn: Google.com (ý là khoe giờ cũng có Google xài rồi :D)
     Năm ngoái mình có làm phiên dịch ở phòng phát triển sản phẩm của một công ty chuyên về quà tặng cao cấp. Nghe thì oai thế thôi, chứ công ty hay gọi tắt là "phòng mua" :D Phòng mình có 3 người, 2 người phụ trách tiếng Trung, còn mình kiêm mảng tiếng Anh. 2 người kia chịu trách nhiệm tìm nguồn hàng cho các dự án của phòng sales, báo giá, dịch các tài liệu, chứng từ từ tiếng Trung sang Việt. Những giấy tờ ấy sau được chuyển qua cho mình chuyển ngữ tiếng Anh. Về mua các sản phẩm, 2 nhân viên tiếng Trung chủ yếu tìm trên taobao.com, 1688 và các kênh bán lẻ online của Trung Quốc. Mình lo tìm hàng trên Amazon, ebay, Alibaba và tất cả các công ty trên thế giới có món hàng ấy. Tóm lại, ngoài dịch thuật văn bản, tài liệu, mình còn có chức năng mua hàng trực tuyến = tiếng Anh, đón tiếp, đi kèm phiên dịch cho sếp khi nhà cung cấp nước ngoài đến thăm công ty. 
    Sau một thời gian làm việc thì hầu hết các đơn hàng sẽ rơi vào tay nhà cung cấp Trung Quốc, vì giá thành hợp lý, vận chuyển rẻ, có thể làm OEM, ODM. Tiện nhất là họ không có cái logo nào "made in China", bên mình cũng có kho nhận hàng ở Quảng Châu, với hàng thủ công khi gửi về công ty, nhân viên xưởng bên mình sẽ dán mác "made by..." (đoạn này nghe na ná Khaisilk :v)
   Do đặc thù các mặt hàng, nên mình chủ yếu phụ trách về đồ công nghệ. Đợt ấy sếp ở Việt Nam có dự án với món digital signage nên mình có cơ hội làm việc trực tiếp với sếp người Trung sau này. Lúc đầu qua Skype, email, chốt đơn, rồi có cuộc gặp gỡ tại Hà Nội. Sau khi dự án thành công tốt đẹp, sếp người Trung mình bày tỏ sự ngạc nhiên bởi sao người Việt mà nói tiếng Anh tốt, chuyên nghiệp thế, thường chỉ có gặp khách người Việt nói tiếng Trung hoặc thuê phiên dịch bên đó. Một tuần sau ông gửi cái mail cho mình, hỏi mức lương ở công ty đang làm bao nhiêu? Nếu có thể, mời mình sang đây làm, lương offer 1000USD/ tháng. 
   Hồi í cũng bận sấp mặt, với chưa có ý nghĩ là làm ở nước ngoài, nên mình có bỏ ngỏ cái email ấy. Mấy tháng sau thì bắt đầu chán ngán vì công ty trả lương chậm quá trời, 4-5 tháng liền chậm tận 10 hôm, mong lương đến khô máu :((. Nhân viên công ty mình ai nấy đều chán nản cả, nghèo thì người ta làm gì còn sức sáng tạo nữa? Rồi mình nhớ đến lời đề nghị kia, bắt đầu lên Alibaba, website check chiếc về công ty đó xem như nào. Nói thật cũng bị sợ lừa lắm chứ :D Sang í ngáo ngáo có khi phải làm vợ cả một dòng họ chứ đùa :v
Confused lắm các sen ạ :3 
   Quay trở lại cái email của ông sếp người Trung, lúc ấy là khoảng 3 tháng từ ngày ổng gửi rồi mình mới rep, hỏi han dạo này như nào, cái offer contract kia vẫn còn hiệu lực chứ. May mắn là bên họ vẫn cần, rồi lại mất thêm 2 tháng nữa, khi nhận được bản hợp đồng, thư mời có chữ ký của giám đốc, mình mới ký vào và scan gửi lại. Tiếp đó là công cuộc làm visa, đi học tiếng Trung cấp tốc. Thực ra hồi ấy đi học tiếng Trung ở trung tâm gần công ty, làm xong bay đến chỗ học, mệt phờ vì đống công việc dang dở, chưa ăn gì lao vào học 2 tiếng luôn nên cũng khá lười, chỉ học nói và đọc bính âm :)))) Khổ, thời gian đâu mà tập viết. Hồi mình chuẩn bị đi anh em ở công ty vừa mừng vừa lo cho, mọi người bảo:" ở nhà có anh có em không buồn, sang í nó lừa tình lừa tiền, mày chết mất xác ở đấy thì sao?" rồi " về nhớ còn nguyên hai quả thận", "bao nhiêu nước không đi, đâm đầu sang Tàu, mày ngáo rồi hả em?" :D Giờ thì mình có thể khiến mọi người yên tâm - vì nội tạng vẫn còn nguyên vẹn :v
   Đấy, sau 11 tháng ở công ty ông sếp "năm ấy", giờ mình đã cứng cáp để nhảy việc sang một công ty khác. Không phải vì mình đứng núi nọ trông núi kia, mà đơn giản khi con người ta không còn cùng chung ý tưởng, mục đích, tốt nhất là nên "buông đôi tay nhau ra". Việc ra đi như nào sẽ không bàn tới trong bài, vì mình không muốn lên Spiderum để kể lể. Khách quan mà nói thì không có ai đúng hết mà cũng chẳng ai sai hoàn toàn.
     Quay trở lại chủ đề chính, mình sẽ chia sẻ về quy mô và cách các doanh nghiệp ở Trung Quốc vận hành như thế nào nhé! Các công ty vừa và nhỏ ở Trung Quốc hay tập trung thành các cụm công nghiệp (industrial park) bao gồm cả nhà máy, xưởng sản xuất và văn phòng. Đa số các văn phòng được bố trí gần xưởng để tiện check hàng hóa, chụp ảnh, quay clip để gửi khách. Bạn biết đấy, mua online đã là một loại liều lĩnh rồi, nên hàng hóa phải được check - in tận nơi người mua mới tin tưởng phần nào. 
     Tùy theo quy mô công ty nên đội sales sẽ có khoảng 1 đến 7 người, chủ yếu bán qua Alibaba hoặc Aliexpress. Vì Alibaba có mảng Trade Assurance, bảo vệ quyền của người mua và bán nhưng đặc biệt là người bán một cách tối đa (thì dĩ nhiên, người Trung bảo vệ người Trung mà :D). Một số công ty khác cũng có thời chinh chiến trên Amazon, nhưng để trụ được trên thị trường của Amazon không hề đơn giản, tất cả các hàng hóa đều phải có chứng chỉ châu Âu và bằng sáng chế. Chưa kể có hàng ngàn đối thủ sẵn sàng bỏ bom "complain" cho gian hàng của bạn chỉ vì bán cùng mặt hàng. Mình đã chứng kiến cảnh một khách hàng mua đồ trên Amazon, cùng loại với bên công ty mới mình bán, giá rẻ hơn và cũng cam kết có bằng sáng chế. Nhưng đó là lại hàng fake, nên bên công ty mình liên tục gửi complain và khiếu nại lên Amazon. Lúc đầu công ty kia chối bay biến, nhưng sau phải gửi mail xin lỗi và hứa không bán mặt hàng này nữa :((( Thương trường thật sự khốc liệt!
Khổ tâm, đây chỉ là một trong rất nhiều emails bên đó gửi xin lỗi thôi ạ :3
      Alibaba thì dịu dàng hơn chút xíu, nếu bạn bán cùng một sản phẩm, ok, chẳng vấn đề gì. Vấn đề là bạn trả cho Alibaba marketing bao nhiêu để lên top đầu tìm kiếm thôi :))) Thực ra nếu sales ngay từ lúc up sản phẩm đã nhanh nhạy tìm những từ khóa tốt, dễ SEO thì sản phẩm cũng không mãi nằm cuối bảng tìm kiếm. Khi upload, Alibaba có từ gợi ý " từ khóa phổ biến", "từ khóa thông minh", bạn có thể chọn để có được thứ hạng cao, dễ dàng SEO hơn với các đối thủ cùng bán. 
xì mát ki guốt 
      Còn cứ ngoan cố bê mấy từ tự đặt cho sản phẩm thì mục "Keyword optimization" sẽ cho kết quả như dưới đây.
SEO keywords fail sấp mặt
     Về vấn đề lương lậu, cũng tùy theo năng lực của các bạn. Nhưng như ở Thâm Quyến, mức lương cơ bản cho sinh viên mới ra trường cho đến 2 năm kinh nghiệm sẽ dao động từ 3000 - 3500 RMB (khoảng 10 đến 11 triệu Việt nam đồng). Phần trăm doanh thu sẽ rơi vào khoảng 1-3%, tùy công ty. Nếu công ty nào offer 1% doanh thu, lương cơ bản sẽ cao hơn 1 chút. Với những công ty trả mức thấp nhất 3000 tệ, họ sẽ chu cấp thêm cho nhân viên ký túc để ở và sinh hoạt, nhân viên chỉ phải tự chi trả tiền điện nước. 
    Các công ty Trung Quốc không có khái niệm "lương thử việc"- thực ra cũng đúng, làm là làm thật rồi, thử cái gì nữa :D Trong hợp đồng lương của bạn là bao nhiêu, bạn sẽ nhận được đúng số ấy. Nếu trong thời gian 3 tháng bạn không làm tốt, thì bạn có thể xách hồ sơ đi chỗ khác. Trừ các xưởng, nhà máy chỉ có công nhân, họ sẽ có thêm lương tăng ca, còn nhân viên văn phòng thì không. Lương bạn được trả fix, cũng không ai trừ tiền khi bạn đi làm muộn. Tuy nhiên, ngoại trừ sếp, mình hiếm khi thấy nhân viên đi làm muộn. Có chăng, việc không quản lý bởi máy chấm vân tay, lại thay cho việc bạn phải tự ý thức, quản lý con người mình? Đây là điều rất hay mình thấy ở các văn phòng Trung Quốc. Càng trẻ càng phải nỗ lực, đi làm sớm, về muộn, ngày ngày miệt mài kiếm đơn hàng. Có được đơn thì chăm chỉ chạy qua xưởng xem công đoạn sản xuất đến đâu, update tình hình liên tục cho khách.
     Thời gian làm việc của các công ty cũng khá khác nhau. Múi giờ của Trung Quốc là GMT +8, tức là bên này nhanh hơn ở Việt Nam 1 tiếng. Buổi sáng thường bắt đầu làm việc lúc 9 giờ, kết thúc lúc 12h, chiều từ 2-6 (từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần). Công ty mới của mình làm việc từ 9:30 -12:30 sáng, chiều 2-7, được nghỉ thứ 7, chủ nhật. Công ty bạn mình thì làm từ 10-12, sau đó 2-8. Tóm lại đa dạng giờ làm, nhưng lợi nhất vẫn là buổi sáng được ngủ nướng :D Nghĩ lại cảnh năm ngoái ở Việt Nam, hơn 7h sáng mùa đông phóng xe máy đi làm, cảm giác thật là Yomost! Nỗ lực mò dậy khỏi cái chăn ấm đã là một kỳ tích :D
   Các sếp người Trung đa số hiền. Hiền kiểu không dám mắng nhân viên, sợ chúng nó dỗi bỏ đi hết, không lấy ai mà làm cho :v Cũng như các sếp Việt, các ông chủ người Trung khoái nhân viên 2 "NG": ngu 1 tí và ngoan 1 tí. Chỉ đâu là phải đánh đấy, bảo A cấm đi B, không được thể hiện là giỏi hơn sếp. Đôi khi đó cũng là một lựa chọn an toàn, nhưng cái gì an toàn quá, nó cứ mờ nhạt, nhàng nhàng. Mình từng làm quản lý ở công ty cũ, mình toàn bắt mấy bạn phòng sales check chính tả kỹ mới được gửi báo giá hay email lại cho khách. Đồng ý là mình khó tính, nhưng những cái việc nhỏ nhặt như lỗi chính tả, dấu cách mà không chỉn chu được, thì sau này sao làm được việc lớn? Tiểu tiết không làm nên thành công, nhưng chi tiết tạo nên dấu ấn. Giữa một rừng người Trung viết sai chính tả, câu cú lộn xộn, bạn chỉn chu hơn, là bạn đã tạo được cảm tình với khách hàng rồi. 
     Bên cạnh công cụ bán hàng trên Alibaba, hiện nay các công ty Trung Quốc đã chú trọng hơn đến việc hình thành 1 website đẹp, chất lượng và SEO trên Google. Họ cũng bắt đầu tập tành dùng Fanpage trên Facebook, Instagram, Twitter và đăng ký trên các trang mạng xã hội lớn khác. Ngoài ra, giới Marketing Trung Quốc cũng có những phần mềm quản lý khách hàng riêng. Nổi bật là Xiaoman, vừa cho phép quản lý email chủ với các email con cùng chuỗi công ty, vừa tìm được công ty, thông tin khách hàng, đúng theo chiến dịch " đuổi cùng giết tận" :D Họ cũng có xếp hạng khách hàng, lưu vào lịch sử đơn hàng đã đặt, level của khách, mục khách quen, mục khách mới... Tóm lại đây là một phần mềm tích hợp rất nhiều tính năng, và hiện nay đã có thêm cả bản tiếng Anh để người nước ngoài có thể sử dụng. Xa xưa hơn nữa thì có anh 163.com, exmailqq (là đứa con được nâng cấp bởi Tencent qq - nay cũng đã có version tiếng Anh cực dễ sử dụng), hay Foxmail cũng là một lựa chọn không tồi, rõ ràng và giao diện thân thiện với người dùng. 
    Ngoài thời gian mài mông trên ghế văn phòng, mắt muốn lồi vì màn hình máy tính, thì các công ty cũng rất đầu tư cho nhân viên đi học tập huấn bán hàng ở trụ sở Alibaba hoặc bất cứ hội thảo nào liên quan đến việc sử dụng Google, Facebook. Sau những ngày như thế, thì các công ty lại rục rịch hội chợ, triển lãm. Nếu công ty có mặt hàng mới triển lãm thì tốt, không thì tự đi hoặc cử một vài bạn đi khảo sát thị trường, khảo sát các mặt hàng mới. Cũng thảng khi, bạn được cùng sếp đến chợ công nghệ Huachangbei, lượn một vòng cái chợ to nhất thế giới ấy lấy namecard để bổ sung vào danh sách nhà cung cấp... Tóm lại, người Trung họ không bao giờ thích ngồi không và ngừng ngẫm nghĩ. Cứ rảnh là họ lại sợ, chứ không như nhiều người Việt mình, khi nghe mình kể thì chỉ thở dài "làm thế lấy đâu ra thời gian chơi?" :3
       Thực ra thì bên này họ đi chơi rất nhiều. Bằng chứng là những ngày nghỉ lễ dài lê thê :)). Thời gian đi làm mà cứ mải miết cắm đầu ở văn phòng thì buồn chết, nên các công ty bên này thỉnh thoảng có hoạt động ngoại khóa những hôm... mất điện :v Tha nhau lên núi hoặc xuống biển, hoặc chán cả hai thì đến mấy khu nghỉ dưỡng dạng nông trại, tự lúi húi nhóm bếp nấu nướng với nhau. Rồi công ty nào cũng có 1 nhóm wechat, cả sếp cả nhân viên tất tật trong đó, sếp thông báo gì cũng nhắn vào đó, nhân viên nào có đề xuất cũng nhắn để cả công ty cùng biết. Ăn chơi chụp ảnh, cũng gửi tất vào nhóm. Điều này khiến mọi người gần gũi nhau hơn, không phải cứ thấy sếp là như hung thần :D, sếp hay nhân viên cũng đều là người trên một con thuyền ra thương trường, cùng cố gắng để đạt được doanh thu tốt nhất.
Đến giờ bung lụa nào :D
      Kết, sau một thời gian nằm vùng ở Thâm Quyến, mình nhận ra rằng chất xám của người Việt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng lương của người Việt quá thấp so với mức lương ở các nước khác trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày, mức sống ở các thành phố lớn thì quá đắt đỏ, chẳng kém một quốc gia phát triển trên thế giới nào. Bạn thử nghĩ xem, sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp đại học, mức lương trung bình tầm 3-4 triệu, tiền thuê nhà 1 triệu, xăng xe đi lại khoảng 500k, bay luôn nửa tháng lương chưa kể ăn uống, hoặc đùng cái con bạn... lấy chồng :D (Ý mình là đi phong bì đám cưới :v) Chưa kể nước mình áp dụng lương thử việc 70-80%, giả sử thử việc xong tạch, lại vác đơn đi chỗ khác, lại ăn lương thử việc nữa... Chả biết phấn đấu thêm 3-4 năm nữa được 10 củ/ tháng chưa? Các bạn nữ còn có thể sống được với mức lương ấy, các bạn nam thì bao giờ mới đủ để xây được nhà, nuôi được vợ con? Trường hợp này mình không kể đến những bạn nhà đã có điều kiện sẵn nhé. Nếu được kiến nghị với quốc hội, mình xin kiến nghị mức lương tối thiểu cho sinh viên tốt nghiệp đại học cao đẳng mới ra trường là 5 triệu/ tháng. Tính ra mới được 200 usd, không có gì là quá cao cả. Đời sống vật chất có cải thiện thì xã hội mới có thể phát triển được. 
Cố lên anh em!
      Tuy nhiên, việc thay đổi không thể được thực hiện trong ngày một ngày hai, nếu hiện tại chưa thay đổi được hoàn cảnh, những người trẻ chúng ta hãy chấp nhận nó với thái độ lạc quan hết mức có thể. Học thật trâu và làm thật máu vào. Nếu thấy mình không còn hứng thú với ngành mình đã chọn ở đại học hay cao đẳng, thì hãy đầu tư cho ngoại ngữ. Học thật giỏi một ngoại ngữ, rồi lại học tiếp 1 ngôn ngữ đủ để giao tiếp. Rồi bạn sẽ thấy những thứ mình học được ấy, chẳng bao giờ là thừa. Biết đâu vào một ngày đẹp trời, bạn lại nhận được một cái email offer mức lương 2000$? :)) Những năm tháng đầu khởi nghiệp, cứ để các nhà tuyển dụng "hấp diêm" sức lao động đến kiệt quệ đi, cầu xin họ bóc lột sức lao động đi. Sau này bạn sẽ phải cảm ơn họ nhiều lắm đấy. No pain, no gain mà :p Đến khi vững vàng và trưởng thành với vốn ngoại ngữ tốt rồi, thì mình tin, dù ở đâu trên thế giới này đi nữa, bạn cũng sẽ thành công!