Bài viết của mình thường khá là khô, nên trong mở đầu của bài này, mình chèn vào hai bài hát sau, để mà bạn đọc có thấy chán thì cũng có nhạc hay nghe để bù vào. 


Hai ban nhạc trên là The Beatles và The Animals, hai trong số những ban nhạc tuyệt vời nhất mà Vương quốc Anh đã sản sinh ra. The Beatles, The Animals cùng các ban nhạc nổi tiếng khác như The Rolling Stones đã tạo ra một cuộc cách mạng âm nhạc về Rock 'n Roll những năm 1960 và khi họ qua Mỹ lưu diễn, nó đã thay đổi nền âm nhạc của Mỹ nhiều đến mức người ta đã gọi những chuyến lưu diễn đó là The British Invasion (Cuộc xâm lược của người Anh).
The Animals (1967)

Đọc thêm:

Và điều thú vị là bạn có thể thấy được sự cuồng nhiệt của các chị em khán giả khi xem buổi trình diễn của các ban nhạc ấy. Họ phát cuồng, gần như điên loạn và hẳn tối đó nhiều chị em lên đỉnh khi nghe những giọng ca quyến rũ vang lên từ khuôn mặt trẻ thơ của John, Paul hay Eric Burdon.
Sự cuồng nhiệt ấy làm mình nhớ đến những người hâm mộ Kpop hiện nay và trước đây. Trước đây ở Việt Nam có hẳn cả một làn sóng phản đối Kpop rất nhiều, nhất là từ những người lớn. Hẳn bạn còn nhớ Bộ giáo dục còn đưa cả vào đề thi nghị luận môn văn năm 2013 với câu hỏi:
"Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa"
Vấn đề của câu hỏi nằm ở chỗ, nó nâng tầm câu hỏi lên mức độ xã hội: tại sao lại đến mức nét đẹp văn hóa, tại sao lại có tác động tệ đến mức được gọi là thảm họa, mà hiểu ở đây là thảm họa xã hội. Và câu hỏi nó quá hạn hẹp bởi vì nó đưa ra trong bối cảnh báo chí đang chỉ trích những người trẻ phát cuồng vì các ca sĩ Hàn Quốc. Hãy giả sử một đứa đam mê Khoa học đứng lên và nói rằng: "Em phát cuồng Stephen Hawkins, mỗi lần nghe bác ấy đọc phát biểu trong hội nghị khoa học là em lên đỉnh không ngớt", vậy thì có là thảm họa?
Và sâu hơn, câu hỏi đó là một trong số nhiều biểu hiện của những góc nhìn áp đặt và vô cùng nặng nề cho những vấn đề thường nhật ở cuộc sống. Chính xác hơn, những người áp đặt luông kỳ vọng vào những thứ to tát chứ không phải là những thứ thiết yếu. Gần đây hơn thì vào năm 2016, việc nhiều bạn trẻ chụp ảnh mặc quân phục Hàn Quốc đã khiến nhiều người lớn lên tiếng, và bắt đầu nói các bạn trẻ ấy chà đạp lịch sử, vô tâm. Sau sự kiện đó, cứ mỗi lần có tranh cãi quanh Kpop, người ta lại đem chuyện lịch sử Hàn Quốc đưa quân vào Nam Việt Nam và phạm tội ác để chê bai, bới móc người trẻ. Chỉ vì vấn đề vài người trẻ hâm mộ điên cuồng, nhiều người đã nâng nó lên tầm quốc gia đại sự.

Hằng ngày chúng ta nghe rất nhiều các câu nói với sự khinh ngầm giới trẻ:
"Thanh niên bây giờ thờ ơ với các vấn đề xã hội."
"Người trẻ không quan tâm đến xã hội."
Không hề, người trẻ quan tâm đến xã hội, nhưng chỉ là những người có quyền áp đặt tư tưởng đó không gọi đó là vấn đề xã hội. Rất đơn giản, người trẻ quan tâm đến việc Ariana Grande hủy diễn, nhưng nó không được coi là vấn đề "to tát" và được xếp vào hàng "vấn đề xã hội". Chúng ta luôn vô tình suy nghĩ như thế, luôn coi rằng lũ trẻ phát cuồng vì những thứ nhỏ nhặt và không có suy nghĩ gì to tát trong đầu chúng.
Do đó mình thấy những người đó đang có những góc nhìn vô cùng phi thực tế về cuộc sống. Việc những người trẻ đó có phát điên, phát cuồng, hay mất ngủ vì thần tượng không có nghĩa là nó sẽ phát nát văn hóa đất nước, hay là chà đạp lịch sử, hay là cho thấy họ là một lũ vô ơn vô tâm gì cả. Không, đó là thứ thể hiện sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.
Năm 1964, các thanh thiếu niên trẻ Hoa Kỳ đã phát cuồng trước tin The Beatles qua Mỹ lưu diễn, họ dành cả ngày trời xếp hàng ở Sân bay J.F Kennedy chỉ để thoáng thấy thần tượng của mình. Năm đó, thế giới vừa mới suýt lao vào chiến tranh hạt nhân do khủng hoảng ở Cuba, còn các vấn và dân thường Mỹ thì đang chết trận ở Việt Nam, và nước Mỹ đang sục sôi các vấn đề về vấn nạn phân biệt chủng tộc sau các phát biểu của Martin Luther King.
Nhưng không có báo đài nào lên tiếng và nói rằng đám trẻ đó đang thờ ơ với tình hình đất nước.
Không có ai nói chúng là lũ ăn sung mặc sướng, trong khi binh lính đang chết trận ở rừng rậm hoang vu.
Không ai lo lắng về tương lai đất nước khi thấy "lũ trẻ phát cuồn vì một đám ca sĩ nước ngoài".
Không ai lo sợ "về sự mai một của văn hóa dân tộc" khi bọn trẻ nghe nhạc Anh, mặc đồ như dân Anh và chúng chẳng nghe những bài nhạc trong nước nữa nếu các bài hát ấy không có pha chất Anh. 
Và cái lứa "thờ ơ với tình hình quốc gia ấy" đã sản sinh ra những nhân tài như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet, Steve Wozniak.
Và nền văn hóa bị "xâm lược" ấy đã cho ra đời Michael Jackson, Whitney Houston, Mariah Carey. 
Đó là lý do mình nói rằng những lời phán xét, những sự áp đặt mà những người bảo thủ kia dành cho giới trẻ cuồng nhạc là những suy nghĩ phi thực tế. Lũ trẻ sẽ nghe nhạc như những đứa điên hôm nay và hôm sau chúng đi giúp đỡ những người nghèo khó. Bởi vì đó là cuộc sống. Lũ trẻ sẽ luôn phát cuồng vì những bài nhạc, những giọng ca chạm đến cảm xúc của chúng, và sẽ có những đứa làm những trò ngu ngốc vì điều đó, nhưng đó là vấn đề của chúng. 
Chúng ta luôn như thế, đặt ra những kỳ vọng phi thực tế dựa theo những tiêu chuẩn đạo đức cứng nhắc. Cuộc sống thì muôn màu và đầy nghịch lý, và nếu một người không chấp nhận rằng có những thứ không liên quan đến nhau thì anh ta sẽ mãi đưa ra những kỳ vọng xa vời. 


Đọc thêm:

Mình đã gặp một giáo viên khi học ở nước ngoài, một người luôn dành tâm huyết giúp đỡ học trò, và được học sinh yêu mến. Và cô ấy đôi lúc đi múa cột ở quán bar. Cô ấy thích, và cô ấy có thời gian thì đi múa cột, nó giúp cô ấy thư giãn và tập thể dục. Nào vậy xét theo tiêu chuẩn ở Việt Nam, cô ấy có tư cách đạo đức người nhà giáo không? 
Hoặc là hẳn bạn còn nhớ 10 năm trước, báo đài luôn tràn ngập các bài viết tệ nạn về các trò chơi điện tử và giáo viên hay người lớn thì luôn nói rằng những đứa chơi game thì sau này hỏng người, vô bổ, phí thời gian, lại còn bị tiêm nhiễm thói bạo lực. Nói tóm lại là tiêu lũ trẻ rồi. Thật là trớ trêu thay khi chỉ 5,6 năm sau, người Việt Nam đã tự hào về anh Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird gây tiếng vang khắp thế giới. Còn Việt Nam thì hiện giờ thì cố xây dựng ngành công nghiệp điện tử để bắt kịp với xu thế toàn cầu. 
Những con người hiểu biết thì chấp nhận sự thật như vậy về cuộc sống và nhận thấy rằng xã hội luôn tự do phát triển. Ông ta sẽ không áp đặt các giá trị của mình lên xã hội. 
Năm 1807, trong giai đoạn mùa đông giá rét ở Ba Lan, hoàng đế Napoleon cùng quân đội Pháp của mình đang trải qua những khoảnh khắc nguy hiểm chưa từng có, lính Pháp ở cách quê nhà đến 5,000 km, sống lay lắt trên đất địch, đang chịu đói chịu rét, nhiều người ngã gục vì bệnh tật. Nếu quân Nga tấn công họ bất cứ lúc nào thì khả năng cao là toàn quân đội sẽ sụp đổ, và sự nghiệp của Napoleon hẳn sẽ lung lay.
Giữa lúc ranh giới giữa vinh quang và thảm họa đang rất mong manh như thế, hoàng đế nhận được tin từ hậu phương về những cuộc cãi vã của vũ công ba lê đang ảnh hưởng đến hoạt động của nhà hát kịch Paris. Hoàng đế đã phản hồi như thế nào?
"Binh lính đang chết dần chết mòn cho Tổ quốc ở nơi đất khách quê người, họ sống vô cùng cực khổ, không được cởi giày trong hàng tuần liền, vậy mà các ngươi ở quê nhà ấm áp còn dành thời gian đi xem kịch hay cãi nhau sao? Các ngươi không thấy xấu hổ với sự hi sinh của những người lính này à?"
Không, hoàng đế không như vậy. Ông biết rằng cuộc sống là thế, sẽ có những niềm vui và bi kịch trái ngược nhau xảy ra cùng lúc, ông biết rằng nhu cầu của người dân Paris là thích xem kịch và kịch là một thứ thiết yếu trong cuộc sống của người dân, giống như dù Trái Đất sụp đổ thì người Anh vẫn phải đi pha trà uống vậy. 
Và do đó ông đã viết thư, từ một nơi cách Paris 5,000 km, để giúp giải quyết vấn đề cãi vã này của các cô gái múa ba lê. 
Chúng ta luôn giữ một hình tượng khô cứng về hình ảnh một công dân lý tưởng là người có đạo đức tốt, mà phải hiểu ở đây là phù hợp với các tiêu chuẩn do một nhóm người tự đặt ra. Chúng ta luôn kỳ vọng chúng phải biết quan tâm đến thứ gì đó lớn lao, nhưng quên mất rằng những tình yêu lớn lao luôn bắt đầu từ những thứ thiết yếu nhỏ nhất.
Bill Gates viết ra được hệ điều hành cho máy tính không phải vì ông có ước mơ đóng góp xây dựng nước Mỹ giàu mạnh và làm nước Mỹ tự hào, không không không không. Cái điểm bắt đầu của ông là ngồi nghịch máy tính và muốn tìm hiểu về khoa học máy tính, làm sao để máy móc suy nghĩ được. Nó chỉ đơn giản như vậy. Từ từ niềm đam mê nhỏ đó trở thành đam mê lớn của cuộc đời ông.
Ở Việt Nam, những người lớn đừng áp đặt, đừng bắt những đứa trẻ 8,9 tuổi viết những câu văn lớn lao như: "Em sẽ xây dựng quê hương đất nước", "Em sẽ sau này thành người có ích cho xã hội". Ngược lại, hãy dạy chúng cách trân trọng những thứ bé nhỏ đáng yêu trong cuộc sống, và để chúng khám phá muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống. Lòng tốt muốn giúp đỡ cộng đồng bắt đầu từ việc giúp đỡ cô hàng xóm xách đồ, tấm lòng trân trọng sự hi sinh của người lính chỉ có thể được nuôi dưỡng nếu những đứa bé được nghe cha mẹ hay ông bà kể về sự khó khăn thời chiến hay là qua những buổi trò chuyện với cựu chiến binh. Hãy để lứa trẻ phát cuồng vì nhạc vũ trường và trầm lắng ở quán cà phê để chúng tự rút ra những thăng trầm khác nhau trong cuộc sống.
Nước Mỹ đã để lũ trẻ tự do cuồng nhiệt với The Beatles, The Animals, có những đứa sẽ làm trò ngu ngốc, có những người sau thời gian cuồng nhiệt thì quay lại với cuộc sống bình thường, có người vì hâm mộ mà thành danh ca. Nước Mỹ đã để cuộc sống phát triển tự do muôn màu muôn vẻ, và những con người đó đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần lẫn vật chất cho nước Mỹ suốt 50 năm qua. 
Cuộc sống muôn màu và đầy nghịch lý, xin đừng gò bó và ép nó.
Bonus: