Dada: Nghệ Thuật Bước Ra Từ Hỗn Loạn
Dada nghĩa là gì? Khác với Impression nghĩa là Ấn Tượng, Expression nghĩa là Biểu Hiện hay Symbol là Tượng Trưng, Dada là một từ không...
Dada nghĩa là gì? Khác với Impression nghĩa là Ấn Tượng, Expression nghĩa là Biểu Hiện hay Symbol là Tượng Trưng, Dada là một từ không có nghĩa. Sinh ra năm 1916, trong khi các người anh em khác là các trường phái với vẻ ngoài hoa mỹ đặt cạnh những lý luận nghệ thuật sắc bén thì Dada – đứa con ngỗ nghịch của nghệ thuật, đứng lên phá vỡ tất cả luân lý ấy, tạo ra những thứ nghệ thuật xấu xí, hỗn loạn và hết sức ngớ ngẩn. Ở Dada chúng ta sẽ thấy một người mặc trang phục lố bịch đứng phát âm ra những âm thanh vô nghĩa, thấy một người mang chiếc bồn tiểu trưng bày giữa triển lãm nghệ thuật, thấy bàn là có đinh, thấy người treo lơ lửng,… Và bất chấp những phê phán, những phản đối, Dada trở thành phong trào nghệ thuật ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, là cha đẻ của hàng loạt những loại hình nghệ thuật sau này như Trình Diễn, Pop Art, Ý Niệm,v..v….
Đài Phun Nước (Fountain – 1917) bởi Marcel Duchamp
Thế nhưng vì đâu mà Dada phá vỡ sự hoa mỹ của nghệ thuật? Vì đâu mà tất cả những người có danh xưng nghệ sĩ kia với tri thức lớn trong khối óc lại sẵn lòng làm tổn thương nghệ thuật?
Để hiểu rõ sự tình hãy cùng trở lại những năm đầu thế kỷ 20 khi thế giới đang trong cuộc đại chiến – cuộc chiến mà người ta gọi là Cuộc Chiến Vĩ Đại (The Great War) hay cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến đang làm chao đảo trật tự thế giới. Nhưng thật trớ trêu khi cái tên hùng tráng ngày ấy nay chỉ còn là sự mỉa mai cho lịch sử. Một cuộc chiến đẫm máu nổ ra bởi lòng tham của các đế quốc Châu Âu khi cùng nhau tranh giành thuộc địa, được tô vẽ thành sự hy sinh anh dũng. Đức, Pháp, Anh,… cùng nhau sản xuất sách, báo, áp phích để tuyên truyền và chèo lái dư luận tin rằng chính phủ của họ tham gia cuộc chiến này vốn là để giữ hòa bình cho dân tộc, biến người dân đã trở thành những con cừu để chăn dắt tới chiến trường, hy sinh cho ảo tưởng công lý.
Đọc thêm:
Dada sinh ra năm 1916 tại Thụy Sĩ, được dẫn dắt bởi nhóm nghệ sĩ phản đối chiến tranh tụ họp lại cùng nhau sinh hoạt và sáng tác nghệ thuật. Trong đó có những nghệ sĩ từ Đức, Pháp như Hugo Ball, Emmy Hennings, Jean Arp,…là những người phải lưu vong đến Thụy Sĩ do chiến tranh. Trong bối cảnh lịch sử hỗn loạn, niềm tin cho chính trị đã vỡ nát, Dada đứng lên kêu khóc cho nỗi tuyệt vọng về nền văn minh đang đi tới điểm kết thúc. Tại Thụy Sĩ họ cùng nhau thành lập Cabaret Voltaire – một quán rượu, nơi tụ họp của những tư tưởng phản chiến, vô chính phủ.
Chỉ một thời gian sau Dada đã tràn qua Đức, và khác với Thụy Sĩ nơi nghệ sĩ hoạt động dưới hình thức hội nhóm thì tại đây Dada mang hình thức tuyên truyền, kích động. Họ tạo ra những tuyên ngôn, biểu tình công khai, xuất bản tạp chí, thậm chí còn thành lập một đảng chính trị riêng là Hội Đồng Trung Ương Dada Vì Cách Mạng Thế Giới (Central Council of Dada for the World Revolution). Năm 1920 họ tổ chức Hội Chợ Dada Quốc Tế Đầu Tiên, bên trong căn phòng là đầy những tác phẩm kỳ dị, chữ dán khắp nơi, trên trần nhà là một hình nộm người đầu lợn mặc quân phục, một hình thù nghệ thuật mang đầy tính giễu cợt nhắm thẳng vào Cộng Hòa Weimar.
Bên rìa phải bức ảnh ta cũng thấy thấp thoáng tác phẩm Der Wildgewordene Spiesser Heartfield của George Grosz và John Heartfield. Tác phẩm là một hình nộm treo rất nhiều biểu tượng chiến tranh như súng, thánh giá sắt và phù hiệu. Chân phải của hình nộm bị mất, thay vào là một thanh kim loại như hình ảnh người lính trở về từ chiến trường với phần cơ thể đã bị mất. Đầu của hình nộm là một chiếc bóng đèn ý chỉ niềm say mê công nghệ của loài người đi tới điểm mù quáng.
Bây giờ công nghệ đã trở thành con dao hai lưỡi, nó không chỉ đưa đưa xã hội lên tầm cao mới mà chính nó cũng lấy đi mạng sống của con người. Và không chỉ là súng máy, xe tăng, mà còn là những vũ khí hóa học như khí Clo, khí Mustard dùng làm sản phẩm phân phát cái chết. Những công nghệ được phát triển bởi những chủ nhà máy, những tài phiệt Tư Bản cùng nhau cộng tác với chính phủ để kiếm lợi từ chiến tranh. Bởi vậy nó là lý do mà Dada không chỉ chống chính trị mà còn là chống công nghệ, chống Tư Bản.
Như ta có thể thấy trong bức Tài Chính Bậc Cao (Hochfinanz) của Hannah Hoch mô tả hai người đàn ông ăn mặc chỉnh tề ghép với hai cái đầu lớn, một trong hai là nhà khoa học John Herschel. Với xung quanh là súng, xe quân đội, và nhà máy khiến cho tác phẩm trở thành một lưỡi dao phê phán chĩa thẳng vào công nghệ chiến tranh và Chủ Nghĩa Tư Bản.
Thế nhưng không chỉ có chính trị, công nghệ hay Tư Bản là kẻ thù của Dada, Dada còn chống lại cả văn hóa, nghệ thuật. Những tác phẩm trình diễn của Hugo Ball, Tristan Tzara, Richard Huelsenbeck cùng nhau tấn công ngôn ngữ, họ đứng trên sân khấu phát âm ra những âm thanh khó chịu, đôi khi là vô nghĩa như một hình thức chống lại Chủ Nghĩa Duy Lý.
Đọc thêm:
Trong đó Hugo Ball trình diễn Karawane với một bộ trang phục bằng bìa cứng có tạo hình giống trang phục của giám mục, biểu diễn trên một bài thánh ca khiến tác phẩm này là một sự châm biếm tới tôn giáo. Ngoài ra còn có Sophie Tauber, người đứng trên sân khấu với vai trò là một vũ công nhưng cô mặc một bộ trang phục lố bịch, đeo mặt nạ khiến cho toàn bộ đường nét cơ thể cùng khuôn mặt của cô bị che đi – vốn là sự phản lại định kiến về khiêu vũ bình thường khi khuôn mặt và cơ thể đẹp mới là thứ người xem thưởng thức.
Trong khi nhóm nghệ sĩ của Hugo Ball trình diễn ở Thụy Sĩ để phản lại ngôn ngữ, văn hóa, thì phía bên kia đại dương tại New York, một người đàn ông có tên Marcel Duchamp lật tung giới nghệ thuật bằng một chiếc bồn tiểu.
Năm 1917, Marcel Duchamp mang một chiếc bồn tiểu tới triển lãm của Hội Nghệ Sĩ Độc Lập, tác phẩm có tên Đài Phun Nước (Fountain) chỉ là một chiếc bồn tiểu bán sẵn được Duchamp ký tên chứ không hơn không kém. Tác phẩm như một trò chơi khăm, một sự phản pháo lại cả giới nghệ thuật khi thứ nghệ thuật này không đẹp mà thậm chí còn dơ dáy. Bằng việc sử dụng một sản phẩm sản xuất đại trà, Duchamp đã thách thức vai trò của thủ công (tự làm) với nghệ thuật. Bằng việc đưa tác phẩm này tới triển lãm, Duchamp thách thức định nghĩa về nghệ thuật, rằng nghệ thuật được xác định bởi bản thân nó hay là bởi nơi mà nó được đặt.
Ngoài ra các tác phẩm khác của Duchamp cũng thể hiện tư tưởng phản nghệ thuật, như Bánh Xe Đạp (Bicycle Wheel), Giá Đỡ Chai (Bottle Rack) hay là bức ảnh chụp lại tác phẩm Mona Lisa của Da Vinci được Duchamp vẽ thêm râu kèm theo cái tên “L.H.O.O.Q.” trong Tiếng Pháp sẽ đọc giống với “elle a chaud au cul” nghĩa là “cô ấy có cặp mông nóng bỏng”.
Phản chiến tranh, phản chính trị, phản công nghệ, phản văn hóa, phản cả nghệ thuật, Dada như kẻ điên giữa phố đứng khóc lóc, gào thét về thực tại xã hội. Trong Dada dù có nhiều loại hình nghệ thuật nhưng tinh thần chung của nó vẫn luôn xoay quanh sự bất mãn, hoài nghi, cùng tinh thần bi quan về thực tại. Nó sẵn sàng phá vỡ cái đẹp để mài sắc thông điệp, chất vấn cái gọi là quy chuẩn xã hội.
Sự bất mãn về xã hội hiện đại không chỉ Dada mới có, nhưng Dada là điểm khởi đầu cho thái độ hoài nghi trong nghệ thuật. Và dù không được lòng nhiều người yêu nghệ thuật, nhưng cuối cùng cái thái độ hoài nghi, tinh thần bi quan của nó vẫn được tiếp nối cho tới bây giờ, không chỉ là qua Pop Art, Nghệ Thuật Ý Niệm mà còn là rất nhiều sản phẩm nghệ thuật đại chúng ngày nay như Black Mirror, như Joker, hay Parasite,… Bởi sự bất mãn, sự hoài nghi thực tại của con người chưa bao giờ kết thúc, nó chỉ chuyển từ nền chính trị này sang nền chính trị khác, từ súng máy, xe tăng sang những công nghệ mới hơn là AI, Big Data.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất