Có bao giờ bạn gặp một người lạ trên đường, họ đang cần sự giúp đỡ với những trái cây rơi lăn lóc, bạn có cảm giác muốn giúp họ nhưng lại không. Vì bạn nghĩ rằng sẽ có người khác giúp họ, nên đã lướt qua mà không giúp đỡ người đang gặp rắc rối đó. Bạn nghĩ rằng một người gặp nạn trong đám đông sẽ dễ nhận được sự giúp đỡ về cộng đồng, nên dù muốn giúp bạn cũng lướt qua họ.
Thế nhưng, bạn có bao giờ thắc mắc rằng sẽ mất bao lâu để một người đang cần sự giúp đỡ nhận được sự giúp đỡ chưa? Để trả lời cho câu hỏi này, yếu tố về bản chất con người trong bạn và có bao nhiêu người chứng kiến tình huống một ai đó cần giúp đỡ, là hai yếu tố quyết định. Chắc hẳn, bạn nghĩ rằng nếu gặp khó khăn trong đám đông sẽ dễ dàng nhận được sự trợ giúp hơn so với ở nơi ít người. Nhưng thực tế lại cho thấy, càng ở nơi đông người cơ hội nhận được sự giúp đỡ càng thấp. Vì ai cũng nghĩ nếu mình không giúp thì người khác sẽ giúp và điều đó không phải trách nhiệm của mình. Chính vì thế càng trong đám đông, càng nhiều người có suy nghĩ tương tự giống bạn, kết quả là đám đông càng lớn, người gặp khó khăn sẽ càng lâu nhận được sự trợ giúp. Thậm chí, trong vài tình huống không một ai ra tay giúp đỡ. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng bàng quan hay hiệu ứng người ngoài cuộc. Hiệu ứng này nói đơn giản hơn chính là việc mỗi cá nhân đều thiếu đồng cảm, thờ ơ với các tình huống xấu, cần được giúp đỡ của người khác.
Một sự kiện đã khiến các nhà tâm lý học càng quan tâm đến hiệu ứng này hơn là sự kiện giết người gây chấn động Kitty Genovese năm 1964 tại New York. Giữa những người hàng xóm xung quanh, Kitty- cô gái 28 tuổi lại bị đâm một cách dã man dù đã kêu cứu, chỉ có 1 người đàn ông hét lên “ Để cô ấy yên”, đã dọa tên sát nhân trốn đi nhưng vì không ai ra tay giúp cô gái nên vài phút sau tên sát nhân lại quay lại và tiếp tục hành hạ cô gái tội nghiệp. Hậu quả của sự thờ ơ đế từ hàng xóm, cô gái đã không may qua đời. Trên một tờ báo New York có đề cập “37 NGƯỜI NHÌN THẤY KẺ SÁT NHÂN ĐÃ KHÔNG BÁO CẢNH SÁT”, một trong những nguyên nhân họ đã không giúp cô gái là vì không muốn bị liên lụy.
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn ảnh: Pinterest
Ngày nay, lối sống vô cảm và hiệu ứng bàng quan xảy ra trong xã hội ngày càng phổ biến, đặc biệt là với những người thế hệ trẻ. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp mà chúng ta có thể giúp đỡ người khác nhưng chúng ta lại bỏ qua và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, trong thời buổi mọi chuyện riêng tư đều có thể công khai một cách dễ dàng trên mạng xã hội, hiệu ứng bàng quan trong giới trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Đơn cử là những vụ việc loan truyền những clip nhạy cảm của 1 nữ sinh, cư dân mạng đã dửng dưng “ xin link”, thậm chí lập ra những hội nhóm để bàn luận, hóng tin tức về em nữ sinh này. Kết cục, em nữ sinh đã không thể chụi đựng được chỉ trích, vô cảm của xã hội và tìm đến việc tự kết liễu đời mình. Hay gần đây nhất, việc một bạn nam ở O-sa-ka, Nhật Bản bị chết dưới sự chứng kiến của rất nhiều người nhưng không ai chọn giúp đỡ bạn đó. Hiệu ứng bàng quang này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn nghĩ rằng nạn nhân đang bị làm hại bởi một người mà họ quen biết. Chính vì tâm lý này đã có rất nhiều kẻ xấu đóng giả người quen của nạn nhân để thực hiện hành vi độc ác. Có thể thấy hiệu ứng người qua đường này ngày càng trở nên phổ biến và để lại hậu quả đáng tiếc nhưng ít ai nhận thức được bản thân mình đang gián tiếp “ hãm hại” một ai đó. Vậy những người trẻ cần phải làm gì để có thể thoát khỏi hiệu ứng này?
1. Muốn thực hiện những hành vi giúp đỡ ngời khác và tránh được sự thờ ơ, trước hết chúng ta cần tiếp xúc với môi trường với những người thường xuyên giúp đỡ người khác. Ví dụ, khi quan sát ai đó giúp đỡ người gặp nạn ở trên đường, càng nhiều người chung tay giúp đỡ, bạn cũng sẽ có xu hướng giúp đỡ họ.
2. Đừng chờ tín hiệu từ người khác, thay vào đó hãy tỉnh táo và quyết định mình có thể giúp người khác hay không? Trước khi, sự giúp đỡ trở nên muộn màng.
3. Thông thường, một trong những lý do mà bạn do dự khi giúp đỡ, quan tâm ai đó là vì bạn chưa biết phải giúp họ như thế nào? Chính vì thể, hãy cố gắng học hỏi, bổ sung những kiến thức. Đặc biệt, những kiến thức trong những trường hợp khẩn cấp trong tương lai, để bản thân tự tin hơn khi giúp đỡ người khác.
4. Có cảm giác tội lỗi khi không giúp đỡ người khác cũng là động lực để chúng ta có thể giúp đỡ mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta cảm thấy trân trọng sự sống của bản thân và người khác, chính vì thế giới trẻ cần rèn luyện tính thấu hiểu, cảm thông và biết ơn này để dễ dàng hơn trong việc giúp đỡ những người cần sự trợ giúp
5. Từ điều số 4, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi người xứng đáng được giúp đỡ. Khi nghĩ rằng ai đó xứng đang nhận được sự giúp đỡ, chúng ta sẽ sẵn lòng giúp đỡ họ. Giả sự trên đường phố, có một vài người vô gia cư, nếu ta nghĩ rằng những người vô gia cư này thật sự khó khăn, thiếu thốn, ta sẽ rộng tay cho tiền họ. Ngược lại, nếu chúng ta mặc định suy nghĩ rằng, những người vô ga cư này đang lợi dựng lòng tốt của người khác mà lừa tiền của họ, thì bạn sẽ lướt qua những người vô gia cư này. Thế nên, suy nghĩ của bạn có vai trò cực kỳ quan trọng với quyết định hành động của bạn.
6. Xây dựng thói quen kiến tạo tâm trạng tốt mỗi ngày. Điều này đã được thực tế chứng minh, khi bạn có tâm trạng tốt, bạn sẽ thường làm nhiều việc tốt hơn. Chính vì thế, hãy làm những điều khiến tâm trạng bạn tốt hơn như việc nghe một bản nhạc yêu thích, đọc một cuốn sách,... mỗi ngày. Những điều nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến tâm trạng mỗi ngày. Đặc biệt, khi hình thành thói quen giúp đỡ người khác bạn sẽ có một niềm tự hào với bản thân khi giúp đỡ ai đó. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy giúp đỡ mội người là một trong những niềm vui của bản thân.
7. Và cuối cùng, hãy thử đặt mình vào vị trí của người cần giúp đỡ. Bạn có thể là người thực hiện hành vi của hiệu ứng bàng quan, nhưng bạn cũng sẽ có thể là nạn nhân của hiệu ứng này. Giả sử, bạn sẽ như thế nào nếu một ngày bạn rơi vào tình huống rất cần sự giúp đỡ của xã hội nhưng chỉ nhận lại là ánh mắt thờ ơ, vô cảm. Chính vì thế, để hạn chế hiệu ứng người qua đường này, không chỉ cần nỗ lực của một cá nhân mà còn nhờ sự hợp lực và nhận thức của toàn xã hội.
Bản thân mình, nhiều lúc đã rơi vào hiệu ứng bàng quan trước sự khó khăn của người khác. Đối với trường hợp nhẹ do bản thân nghĩ sẽ có ai đó giúp họ. Đối với trường hợp cấp bách thì bản thân lại sợ bị liên lụy, rắc rối. Thế nhưng, qua việc tìm hiểu về hiệu ứng và biết được cách để có thể giúp đỡ người khác, mình đã mạnh dạn hơn. Và đặc biệt, mỗi lần giúp đỡ được ai đó thoát khỏi khó khăn, bản thân mình tin rằng đó một điều mà bản thân mình có thể tự hào, một điều khiến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn.