Kết quả hình ảnh cho jackson pollock art

Theo nhà sử học Ian Morris thì các nền văn minh trên trong suốt chiều dài lịch sử đều đi theo một khuôn mẫu nhất định: đó là khi họ phát triển đến một trình độ rực rỡ thì đều sụp đổ. Các nền văn minh đi những bước đầu tiên là người Ai Cập, người Babylon và Assyrian. Họ đã tạo ra những đế chế hùng mạnh vĩ đại dựa trên việc sản xuất từ các dòng sông lớn, và các sa mạc thì như những bức tường vĩ đại bảo vệ khỏi sự dòm ngó của ngoại tộc, vì thế Trung Đông là những người đầu tiên thống trị thế giới. Nhưng rồi các nền văn minh đó sáng tạo ra thuyền lớn có thể dong buồm ra biển khơi, và công nghệ của họ đã dịch chuyển cán cân quyền lực, tạo điều kiện cho các đế chế ở vùng Địa Trung Hải phát triển rực rỡ, đầu tiên là Hy Lạp cổ đại, rồi sau đó là nền văn minh Carthage, rồi đến La Mã hoàn toàn làm chủ Địa Trung Hải và trở thành sức mạnh vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm đó. Lại một lần nữa công nghệ đã giúp xóa bỏ lợi thế về mặt địa lý, năng suất trồng lúa tăng phi mã, các cối xay nước bắt đầu được dùng để thay thế con người trong công việc nặng nhọc, và cán cân quyền lực dần chuyển về phía Trung Hoa và cùng với đó là người Hồi cũng dần lấy được vị thế của mình do họ nằm trên các vị trí trọng yếu của con đường giao thương Trung Hoa và châu Âu. Tiếp sau đó là thời Trung Đại mà ở thế kỉ 19 người ta gọi là Thời đại Đen tối (Dark Ages) sau khi đế quốc La Mã suy tàn.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance) được coi là cầu nối giữa Trung đại và Hiện đại với sự lên ngôi của lý tính, mà theo Immanuel Kant thì nhờ vào lý tính ấy mà chúng ta có được cái tri thức về thế giới này, mà tri thức của thế giới này thì dựa trên kinh nghiệm, cho nên kinh nghiệm là nền tảng của tất cả tri thức của chúng ta. Vào thời đại đó thì khoa học tự nhiên, đặc biệt là các môn dựa trên toán học đều rất tôn quý, bởi vì nó đem tới tri thức không dựa trên sự tưởng tượng, và khoa học là thứ niềm tin đang dần được thay thế cho các tôn giáo, và nó tượng trưng cho sự tiến bộ và phát triển. Nghệ thuật của thời kì Phục hưng đặt con người làm trung tâm, đặt điểm nhìn vào mắt con người và dùng những quy tắc và lý tính để vẽ các vật thể xa gần để tái tạo cái gọi là thực tại và mọi thứ muốn được nói lên đều phải thể hiện trên bức tranh.
Thế nhưng sau khi đi qua hai cuộc đại chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người, đặc biệt là sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, người ta mới quay lại hồ nghi và đặt câu hỏi thế nào là lý tính, thế nào là tiến bộ? Tại sao người ta luôn ca ngợi lý tính và khoa học mà chính những thứ như lý tính và  khoa học lại gây ra được những thảm họa khủng khiếp cho toàn nhân loại? Liệu có khoa học có thể mang tính phi chính trị không? Đó chính là những nền móng đầu tiên cho cái gọi là Hoàn cảnh hậu hiện đại và Francois Lyotard qua phương pháp ngữ dụng học thì cho rằng thế giới chúng ta tồn tại nhờ vào các trò chơi ngôn ngữ, và đã là trò chơi thì phải có luật chơi cũng như người thắng cuộc. Cho đến đầu thế kỉ 20 thì phe thắng cuộc vẫn là lý tính và khoa học. Nghệ thuật tiền phong (avant-garde) làm cho cả giới phê bình và công chúng phải phẫn nộ. Trào lưu nghệ thuật tiền phong gắn liền với các nghệ sĩ có khuynh hướng thể nghiệm. Định nghĩa là do các nghệ sĩ vị lai Ý (Italian Futurism),  phong trào Dada và chủ nghĩa siêu thực.
Tuyên ngôn của chủ nghĩa vị lai Ý rất khiêu khích. Nhiệm vụ của nghệ thuật là khiêu khích tất cả mọi thứ kể cả những thứ thiêng liêng nhất. Các nghệ sĩ vị lai Ý ẵn sàng đập phá những thứ được xem như là chuẩn mực nhất, đạo đức nhất như viện bảo tàng, phòng triển lãm, viện hàn lâm. Những cái gì mà quá khứ cho là đẹp thì nghệ thuật hoàn toàn được quyền phỉ báng, và thay vào đó nó nên đi tìm cảm hứng về cái đẹp ở trong đời sống hiện đại chứ không nên ngoái nhìn về quá khứ. Cho nên chủ nghĩa vị lai ý cực kì say mê những thứ liên quan đến kĩ thuật. Nó cho rằng cách duy nhất để tẩy rửa thế giới này là bạo lực, là chiến tranh, là tốc độ và biểu tượng của nó là các chiếc xe hơi. Filippo Tommaso Marinetti người sáng lập chủ nghĩa vị lai Ý, trong tuyên ngôn của chủ nghĩa vị lai đã tuyên bố rằng vẻ đẹp kì vĩ của thời đại mới là vẻ đẹp của tốc độ: 

một cái xe hơi với những ống xả bóng loáng ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ chạy hết tốc lực trên đường cũng là cái đẹp của thời kì hiện đại.

“Cityscape”, by Tullio Crali.
Trường phái Dada là một phong trào nghệ thuật xuất phát từ Zurich,Thụy Sĩ đầu thế kỷ 20. Dada có nghĩa là gì? Dada là không gì cả. Cách để người ta đặt tên cho nó cũng vô nghĩa không kém: ông họa sĩ người Đức Richard Huelsenbeck đã phi một con dao rọc giấy cắm vào quyển từ điển và nó trúng vào ngay từ Dada. Dada xô đổ tất cả những định nghĩa đi trước về nghệ thuật... Ông Tzara nói: "Một tác phẩm nghệ thuật không nên chứa đựng cái đẹp bởi vì cái đẹp đã chết.". Dada chối bỏ logic, phủ nhận ký ức, đánh đổ giá trị, từ chối những lời tiên tri, xóa tan tương lai, Dada là tự do, Dada là kỳ quặc. Đối với Dada, chỉ có một thứ duy nhất đáng nhòm mắt đến:
CUỘC ĐỜI. Các nhà thơ theo phong trào Dada có thể cắt các con chữ trong một tờ báo rồi xóc lên, nhặt các con chữ vào để tạo ra thơ, hay thơ hình vương miện, hình giọt nước, hay một tác phẩm tiêu biểu nhất là “The Fountain” của Marchel Duchamp, khi ông lấy một cái bồn tiểu, kí tên vào đó và mang đi trưng bày.
Chủ nghĩa siêu thực theo định nghĩa của Andre Breton là tính tự động hóa của tâm trí, mà bằng cách nào đó người ta có thể thể hiện ra bằng ngôn từ, bằng phương tiện chữ viết hay bất kì dạng thức nào khác—cách hoạt động của tư duy mà thiếu vắng đi tất cả các sự kiểm soát của lý tính, đặc biệt là mỹ học hay tính đạo đức. Tính cách tân của nó nằm ở tinh thần hoàn toàn không thỏa hiệp (complete nonconformist), đó là tinh thần nghệ thuật của các nghệ sĩ tiền phong và với tinh thần không thỏa hiệp đó thì nhiệm vụ của nghệ thuật bây giờ là phải phá vỡ các thiết lập về thế giới này. Chủ nghĩa siêu thực làm cho hội họa và thơ ca gần như thay đổi về chất, riêng trong lĩnh vực thơ ca thì những nhà thơ lớn của thế kỷ 20 đều phải một lần đặt chân đến bến bờ siêu thực, trong đó có thể kể đến Philippe Soupault, Paul Éluard, Robert Desnos và Louis Aragon.. Chủ nghĩa siêu thực không cho phép những ai say mê với nó lại bỏ dở khi họ thích. Tất cả đều nhằm tin rằng nó tác động lên lý trí theo cách của những chất ma túy; cũng như những chất này, nó tạo nên một trạng thái nhu cầu nhất định và có thể đẩy con người tới những cuộc nổi loạn khủng khiếp. Nếu như ở thế kỉ 19 thì văn học và thơ ca hiện thực, với sự duy lý tuyệt đối là thị hiếu, chỉ cho phép xem xét các sự kiện thuộc riêng kinh nghiệm của ta. Dưới màu sắc văn minh, dưới cái cớ tiến bộ, người ta trừ bỏ khỏi tâm trí mọi thứ tưởng tượng, mọi thứ mê tín dị đoan dù là sai hay đúng. Toàn bộ truyền thống của tiểu thuyết thế kỉ 19 đặt niềm tin vào tiểu thuyết mang tới một thế giới giống như bên ngoài, và nó gợi ra một ảo cảnh đấy là nơi cuộc sống mà mình phải theo. Ta có những cái so sánh tiểu thuyết hiện thực thế kỉ 19 như tấm gương nghênh ngang đi giữa đường lớn và nó đem đến cho người ta sự yên tâm. Chủ nghĩa hiện thực vào khoảng giữa 1500-1900 hiện thực luôn là dòng chính trong mọi nền văn hóa và nó gắn với một cái quy chiếu ổn định: nó phục vụ mối quan tâm của các nhóm thống trị nối tiếp nhau, và tất cả thống trị này, theo cách khác nhau đều phụ thuộc vào quyền lực của giai cấp tư bản. Lyotard chất vấn chủ nghĩa hiện thực bằng câu hỏi: “Chủ nghĩa hiện thực chỉ có thể định nghĩa bằng chủ ý của nó trong việc lảng tránh câu hỏi có hay không cái gọi là hiện thực trong nghệ thuật?” Chủ nghĩa hiện thực luôn tạo ra những phản chiếu một cái thực tại tĩnh, cái quy chiếu của nó làm ta luôn thấy đó là một thực tại ổn định và không bị trượt nghĩa, đó là lí do tại sao nó hay bị lạm dụng bởi các chế độ toàn trị. Chủ nghĩa hiện thực luôn muốn tạo ra những cái “giống như thật”, và các họa sĩ hiện thực thế kỉ 15-16 đều muốn tranh của họ đạt đến hiệu ứng đó, từ màu sắc, cách thể hiện ánh sáng cho tới bút pháp. Ví dụ như trước khi máy ảnh ra đời thì tranh của Rembrandt và Vermeer đạt đến khả năng miêu tả ánh sáng bóng tối cực kì tinh tế. Bức tranh Đức mẹ đồng trinh trong hang đá của Leonardo da Vinci mà được xem ở bảo tàng Louvre sẽ cảm thấy được tính chứng thực của nó—bởi vì nó là bức tranh thật, thế nên nó đẹp.

Còn bây giờ quay lại với phong trào nghệ thuật tiền phong (avant-garde) mà nhiệm vụ của nó là khiêu khích, là cái trác tuyệt của mâu thuẫn giữa cái mà ta có thể cảm nhận được và cái mà ta trình bày ra được. Nếu như ngôn ngữ có thể làm hết tất cả mọi thứ thì cần gì nghệ thuật nữa? Cái trác tuyệt là cái mà luôn luôn thách thức cái mà ta có thể hình dung về nó và cái mà ta có thể trình bày nó ra được hay không.   Như đã nói ở trên thì phong trào nghệ thuật tiền phong gắn liền với các hình thức thể nghiệm. Nhưng như thế nào là thể nghiệm? Đó là việc thể hiện mỹ học thông qua các hình thức bên ngoài các loại hình chính thống. Ta thường nghe đến nhạc thể nghiệm, sân khấu thể nghiệm, phim thể nghiệm… trong khi phong trào nghệ thuật tiền phong định nghĩa của nó rộng rãi hơn và nó có thể chỉ đơn giản là thể hiện các ý niệm nghệ thuật khiêu khích bằng các hình thức và kĩ thuật truyền thống. Một trong những tác phẩm có thể lấy làm ví dụ là bức ảnh “Đái vào Chúa” của nhiếp ảnh gia Andres Serrano. Bức ảnh được thực hiện bằng cách ngâm tượng Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút vào trong một cái bình thủy tinh đựng dung dịch màu vàng mà Serrano nói rằng đó là nước tiểu của chính ông và dùng kĩ thuật “casting” trong nhiếp ảnh để tạo ra màu sắc và hiệu ứng như thế.

“The Comedian”, tác phẩm của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan được tạo ra bằng cách dùng băng dính dán một quả chuối lên tường phòng triển lãm và bán nó với giác 120.000 USD. Một người đến tham quan đã làm nó thêm phần phi lí bằng cách bóc quả chuối/tác phẩm và ăn ngay tại đó. Nó như một liều thuốc kích dục với những người tin rằng nghệ thuật ý niệm toàn những trò nhảm nhí. Nhưng tác phẩm của Cattelan đã đặt cho người ta câu hỏi rằng, liệu một người nghệ sĩ có thể nhặt mấy thứ linh tinh ngoài cửa hàng tạp hóa rồi la làng rằng đây là Nghệ thuật, hãy chiêm ngưỡng đi, không phải là trò nhảm nhí?
Nhưng thực tế tất cả những gì mà những người đó nhìn thấy là CÁC BỨC ẢNH CHỤP LẠI HÌNH QUẢ CHUỐI ĐƯỢC DÁN TRÊN TƯỜNG chứ không phải là được nhìn thấy trực tiếp. Nhưng mà như thế thì sao? Các bức ảnh mà khiến cho người ta tưởng rằng đấy là hiện thực lại chẳng có chút hiện thực nào đó, nó là cái hiện thực đã bị lấy ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của nó, bị cắt lát và liên tục bị trượt nghĩa đi. Như John Berger nói thì chiếc máy ảnh chia nhỏ các hình ảnh theo từng khoảnh khắc khác nhau và qua đó phá tan ý tưởng rằng hình ảnh là điều gì đó phi thời gian... Khi chụp lại một bức tranh, chiếc máy ảnh (có tác dụng) nhân bản một cách có chủ ý tác phẩm lên vô số lần, theo đó tàn phá luôn tính độc bản của hình ảnh (nghĩa) trong bức tranh. Hay nói chính xác hơn, nghĩa của bức tranh đã bị nhân lên, bị chia nhỏ làm nhiều mảnh nghĩa khác nhau. Bởi một tác phẩm nghệ thuật có thể được nhân bản nhiều lần, trong thời đại truyền thông ai cũng có thể sử dụng chúng vào mục đích riêng, nhưng nó vẫn được dùng để nâng đỡ cái ảo giác rằng thứ mà mình đang nhìn thấy chính là hiện thực duy nhất và toàn vẹn, một hình thức chứng thực cao nhất. Hành động ăn quả chuối được trưng bày của người nghệ sĩ thực hành nghệ thuật trình hiện đã bị tầm thường hóa, dung tục hóa thành một chuỗi các hình ảnh phi-nghệ-thuật, nhảm nhí. Nhưng chính người chủ sở hữu tác phẩm đó đã tuyên bố rằng người ăn nó không hề phá hoại tác phẩm, bởi vì cái mà họ thể hiện ra đó là ý niệm về quả chuối chứ không phải quả chuối thực sự. Theo cách thông thường, người ta khi xem triển lãm chỉ nhìn tác phẩm với tư cách là thành quả cuối cùng, còn với nghệ thuật thể nghiệm, tiến trình tạo ra tác phẩm bản thân nó cũng là một phần của cái mỹ cảm.
Năm 1991, Felix Gonzalez-Torres đã sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tên “Không đề” (Chân dung của Ross ở L.A), và nó là một đống kẹo cứng. Mỗi người khách tham quan có thể lấy một viên kẹo để ăn. Đầu tiên mọi thứ nghe có vẻ nhảm nhí đúng không? Tác phẩm này có thể được sắp đặt ở bất cứ phòng triển lãm nào miễn là nó đạt được một số nguyên tắc. Điều quan trọng nhất là đống kẹo phải nặng 125 pound (khoảng 79,3kg).
Kết quả hình ảnh cho Gonzalez-Torres

175 là trọng lượng lúc còn khỏe của người phối ngẫu của Gonzalez-Torres, Ross Laycock. Anh này đã bị chết vì AIDS.
Gonzalez-Torres là người theo Kitô giáo, và hành động lấy kẹo trong tôn giáo của anh mang ý nghĩa của các Bí tích Thánh thể. Những người tham quan lấy đi một phần “sự ngọt ngào” của Ross trong khi tham gia vào quá trình tiêu hao và cái chết đau đớn của anh.
Ý định dùng kẹo ngọt còn mang cả màu sắc chính trị. Vào năm 1991, các quỹ công cho nghệ thuật và cho nghiên cứu AIDS đều là những đề tài nóng bỏng. Những người nghệ sĩ đồng tính nam dương tính với HIV đều bị nhắm vào trong quá trình kiểm duyệt. Gonzalez-Torres muốn tiếng nói của mình được lắng nghe, và logic của “Không đề” (Chân dung của Ross ở L.A) là người ta không thể kiểm duyệt được những viên kẹo miễn phí mà không làm gì quá lố. Khả năng nhân bản của tác phẩm khiến nó trở nên bất diệt. Trực giác của Gonzalez-Torres khiến chúng ta có cảm giác rằng anh có một cái nhìn nghệ thuật tiền phong đi trước thời đại khi phải đối đầu với bệnh AIDS hơn là với cộng đồng mạng.
Đáng tiếc là anh cũng đã rời xa chúng ta do hội chứng AIDS. Nhưng chính tác phẩm làm từ kẹo của Gonzalez-Torres cũng đã thể hiện cho chúng ta nhiều điều. Điểm mấu chốt của nghệ thuật ý niệm là kể chuyện - bạn có thể kể một câu chuyện không dùng lời hoặc hình ảnh chân thực hay đến mức nào? Và chính người xem triển lãm có thể tham gia thực hành nghệ thuật ở mức độ nào.
References:
The Founding and Manifesto of Futurism by F. T. Marinetti.
Way of Seeing by John Berger.
What Does Italian Futurism Have To Do With Cyberpunk? by Carolina S.
Answering the question: what is the postmodern? by Jean-Francois Lyotard