Còn ai viết nhạc cho thiếu nhi?
Illustration by Pham Quang Phuc & PQT. Studios ♫ Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay Vắt cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ...
♫ Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay
Vắt cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày
Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng
Mẹ ăn cơm cho nóng mà để trâu cho con chăn (ớ) chăn trâu
Mai lúa thơm xóm thơm làng, lúa thơm lừng cả bàn tay
Là thơm nắng hôm nay khi em đưa cơm cho mẹ em đi cày. ♪
(...)
Vắt cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày
Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng
Mẹ ăn cơm cho nóng mà để trâu cho con chăn (ớ) chăn trâu
Mai lúa thơm xóm thơm làng, lúa thơm lừng cả bàn tay
Là thơm nắng hôm nay khi em đưa cơm cho mẹ em đi cày. ♪
(...)
Lời bài hát nghe thật thơ mộng đúng không? Nhưng mà, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích viết bài Đưa cơm cho mẹ đi cày này từ những năm 1970; đến nay đã gần nửa thế kỷ, những đứa trẻ đi đưa cơm ngày ấy giờ chắc cũng thành bà nội bà ngoại hết cả rồi.
Một bài hát đã "già" bằng tuổi đời một con người, đã không còn mấy liên hệ với hiện thực cuộc sống mà sao trẻ con ngày nay đâu đó vẫn hát chúng?
Có người sẽ trả lời rằng, vì đó là những bài bất hủ, sống mãi với thời gian. Nhưng tôi cho đó là một cách trả lời lạc quan thái quá. Thực tế là không còn mấy ai sáng tác nhạc cho thiếu nhi nữa, và vì thế trẻ con phải nghe lại những bài xưa cũ, xưa tới mức chúng nó không thể nào liên hệ nổi.
"Cuộc khủng hoảng" nhạc thiếu nhi
Thiếu nhi thời nay, nhất là những đứa ở thành thị, chỉ có thể mường tượng về những khái niệm như "chăn trâu", "ruộng lúa" hay "đi cày"... qua hình ảnh trên mạng và những lời kể của người lớn. Trường làng tôi đã không còn là "hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng" nữa, và ngày nay trên đường đi học cũng không có "cọ xòe ô che nắng" mà chỉ có mấy tòa nhà cao ốc che nắng mà thôi. Những chất liệu được dùng trong các sáng tác ngày xưa nay đã không còn gần gũi, trực diện nữa.
Thế nhưng, nếu muốn thiếu nhi nghe những bài hát "phù hợp với lứa tuổi", thì chỉ còn cách nghe những bài như vậy. Còn không thì, chúng nó chỉ còn cách nghe và hát những bản nhạc người lớn, nhạc nước ngoài đương thịnh hành hoặc những bản boléro về phận mồ côi éo le - lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất cuộc thi âm nhạc thiếu nhi nhằm câu traffic.
Vì sao bé Xuân Mai tuy giải nghệ từ lâu, và nay đã là mẹ hai con, mà vẫn là ca sĩ được tìm kiếm rất nhiều trên mạng và có lượt views YouTube khủng hơn Miley Cyrus hay SNSD? Đơn giản là vì ngoài Xuân Mai ra, phần đông phụ huynh Việt Nam chẳng còn mấy ai biết một cái tên nào khác. Số ca sĩ hát nhạc thiếu nhi đủ để phụ huynh và con nít nhớ mặt gọi tên e chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ca sĩ có tiếng đã ít, số lượng bài hát mới có tiếng còn ít hơn. Không phải là không có sáng tác mới, mà là sáng tác mới không đến được và không "cảm" được người nghe. Những bài hát mới vì thế cứ được viết ra nhưng rồi lại chìm nghỉm.
Lý giải điều này, nhạc sĩ Hoàng Lân đưa ra 3 nguyên nhân chính:
Một, còn thiếu bài hát hay cho các em, mặc dù số lượng sáng tác không ít, nhưng thiếu những tìm tòi sáng tạo, tác phẩm viết chung chung, đôi khi thiếu tính nghệ thuật, dễ dãi, hời hợt, ít ấn tượng cả về âm nhạc và ca từ.
Hai, còn thiếu những chương trình mới, hấp dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội diễn, còn lặp lại nhiều tiết mục bài hát ra đời đã lâu, chưa thấy bài mới, bài hay xuất hiện.
Ba, việc tuyên truyền phổ biến những tác phẩm mới chưa được chú ý đúng mức, ngay cả những tác phẩm được giải thưởng vẫn còn nằm nguyên trên giấy.
Tất nhiên cụ thể và chính xác như thế nào chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Nhưng phần lớn đều đang thống nhất với nhau rằng, một "cuộc khủng hoảng" về âm nhạc cho thiếu nhi đang diễn ra. Khiến trẻ em chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là "nhai đi nhai lại" những bài đã cũ hoặc hát những bản nhạc người lớn đương thời.
Đọc thêm:
Một góc nhìn khác
Các ban ngành đoàn thể lẫn báo đài cứ bàn mãi chuyện nhạc thiếu nhi đang chết dần và làm cách nào để cứu nó. Họ đưa ra đủ thứ nguyên do và giải pháp, từ nhân lực cho đến tiền bạc. Nhưng sao không thử nhìn vấn đề theo một góc độ khác?
Ở một đất nước có tỷ suất sinh cao như Việt Nam thì mọi thị trường cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho mẹ và bé đều đầy hứa hẹn. Mọi người có biết đứng thứ 3 trong số 10 nhân vật được người dùng Internet Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất năm 2017 theo Google Trends là ai không? Là chị Thơ Nguyễn đấy các mẹ ạ. Thơ Nguyễn là một YouTuber và target audience của Thơ Nguyễn là các bé thiếu niên nhi đồng. Thơ Nguyễn kiên trì xây dựng kênh YouTube của mình cho nhóm đối tượng này và cô thực sự đang thênh thang trên một đại lộ không có nhiều đối thủ.
Đó là một ví dụ cho thấy sức hút của các thể loại văn hóa, giải trí cho bé chưa bao giờ giảm. Các ông bố, bà mẹ sau 8 tiếng làm việc ở công ty quá mệt mỏi để chơi cùng con mình nên mở YouTube cho con mình xem. Và còn xem ai khác ngoài những nhân vật như Xuân Mai hay Thơ Nguyễn?
Nhưng Xuân Mai là câu chuyện của quá khứ và Thơ Nguyễn là câu chuyện của tương lai. Và các ban ngành đoàn thể làm nhạc thiếu nhi ở Việt Nam đang bám mãi vào câu chuyện quá khứ mà không thấy được sự chuyển dịch của hiện tại đến tương lai.
Đó là sự chuyển dịch từ government sang governance, từ mô hình quản trị tập trung, từ trên xuống sang mô hình quản trị phân tán, từ dưới lên. Sự chuyển dịch này đòi hỏi sự năng động của những private sector. Chính những cá nhân, tổ chức tư nhân sản xuất âm nhạc bên ngoài sẽ tạo ra được những bản nhạc thiếu nhi độc đáo, sáng tạo, hợp thời và thu hút công chúng.
Sự chuyển dịch này đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực và lý do nó chưa diễn ra ở lĩnh vực sản xuất âm nhạc cho thiếu nhi là vì thiếu một cú hích thật mạnh, thật lớn từ truyền thông nước nhà và sự phối hợp để giải quyết đầu ra cho các sáng tác mới mà thôi.
Chỉ cần làm được việc đó, thiếu nhi sẽ bắt đầu hát những bài hát mới hợp lứa tuổi của mình mà vẫn hợp thời.
Đọc thêm:
Thay lời kết
Dù thời nào thì âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc thiếu nhi lại càng quan trọng vì nó góp phần định hình tâm hồn của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thay vì than thở rằng trẻ con đang hát nhạc "không đúng tuổi" hoặc "không hợp thời", hãy cởi mở hơn trong tư tưởng để thấy giải pháp có thể đơn giản hơn rất nhiều.
Thay lời kết, tôi muốn để lại dưới đây hai bài hát có thể xem là một ví dụ cho sự cách tân và đổi mới trong âm nhạc thiếu nhi:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất