Với 2,5 triệu tỷ byte dữ liệu được tạo ra mỗi ngày và đang không ngừng tăng lên theo cấp số nhân, Big Data thực sự là nguồn tài nguyên khổng lồ đầy tiềm năng, bỏ xa giá trị của các nguồn tài nguyên khác như vàng hay dầu mỏ. Với Big Data, sân chơi còn đang rộng mở đối với tất cả những ai có khát vọng tạo đột phá trên dòng chảy của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.  Những ứng dụng của Big Data trên mọi khía cạnh liên tục tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thế giới. Vì vậy, việc hiểu và nắm bắt được khả năng khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ này chính là nắm giữ trong tay cơ hội để “biến mọi thứ thành vàng” trong thời đại ngày nay.


  Big Data (dữ liệu lớn) là thuật ngữ dùng để mô tả các bộ dữ liệu có kích thước rất lớn và phức tạp, bao gồm các dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc hoặc được cấu trúc không đầy đủ, mà mỗi dữ liệu trong đó đều có thể được sử dụng để khai thác thành các thông tin chi tiết. Những tập dữ liệu này thường có khả năng phát triển nhanh, rất khó thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích với các công cụ thống kê hay ứng dụng cơ sở dữ liệu truyền thống.
Theo nhà phân tích Doug Laney của hãng META Group (bây giờ chính là công ty nghiên cứu Gartner) vào năm 2001 đã đưa ra mô hình 3V- 3 đặc trưng nổi bật của Big Data, bao gồm:
+ Volume: độ lớn của dữ liệu
+ Variety: độ da dạng của dữ liệu
 + Velocity: tốc độ mà dữ liệu cần được xử lý và phân tích.
Giờ đây, mô hình “3V” này ngày càng được hoàn thiện và mở rộng lên thành “5V” (thêm Veracity- tính xác thực và Value- giá trị to lớn tiềm ẩn trong bộ dữ liệu khổng lồ).
 










Từ mô hình “3V” mở rộng sang mô hình “5V”
Big Data đang mang đến thay đổi cho chúng ta mỗi ngày
  Nếu có 1 tài khoản facebook cá nhân thì chỉ trong 100 like đầu tiên, facebook đã có trong tay đầy đủ dữ liệu về thông tin, các mối quan hệ, sở thích cá nhân,… của bản thân chúng ta. Ở vai trò của một khách hàng, khi mua sắm online trên các trang thương mại điện tử như eBay, Amazon,... chắc hẳn bạn cũng quen với việc những trang web này đưa ra những sản phẩm gợi ý tiếp theo cho bạn. Khi xem điện thoại, nó sẽ gợi ý cho bạn mua thêm ốp lưng, pin dự phòng; hoặc khi bạn tìm kiểm thông tin về máy tính sẽ có thêm sản phẩm liên quan như bao đựng laptop, miếng dán màn hình hay lót bàn phím,…
Nhìn chung, 3 lợi ích cơ bản mà Big Data có thể mang lại gồm: cắt giảm chi phí; tối ưu hóa sản phẩm; đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn.
Big Data trong khía cạnh kinh tế - tài chính
*Kinh tế - kinh doanh
“Dữ liệu đang trở thành nguyên liệu mới của kinh doanh." - Craig Mundie, Cố vấn cao cấp cho Giám đốc điều hành tại Microsoft.
“Không có dữ liệu lớn, bạn bị mù và điếc khi đang ở giữa đường cao tốc” - Geoffrey Moore- nhà tư vấn và quản lý người Mỹ.
Big Data chính là chìa khóa giải mã định hướng tương lai cho mỗi doanh nghiệp khi họ biết thu thập và khai thác lượng dữ liệu khổng lồ mà các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với trang web của mình.
Thứ nhất: dự báo nhu cầu sản phẩm. Việc khai thác dữ liệu lớn từ thói quen mua hàng, thời tiết, văn hóa tiêu dùng, tình hình chính trị,…giúp các công ty dự đoán được tại từng khu vực khác nhau, sản phẩm nào sẽ có nhu cầu cao trong thời gian tới, tạo thế chủ động cho mình trong các chiến dịch cạnh tranh.
Thứ hai: tối ưu giá cả. Thông qua nguồn dữ liệu lớn, nhà cung cấp có thể phân tích, so sánh các số liệu trong quá khứ, so sánh với các trang web bán hàng khác để đưa đến cho khách hàng giá cả hợp lý, những chiến dịch giảm giá, chiết khấu mang tính cạnh tranh của sản phẩm như Black Friday online, ngày 11/11, ngày 12/12,..
Thứ ba: phân tích khách hàng mục tiêu. Big Data sẽ đảm đương nhiệm vụ phác họa được bức chân dung về mỗi người tiêu dùng số hóa dựa trên dữ liệu mạng xã hội khi dữ liệu này có liên quan đến BI (Business Intelligence) hay dữ liệu thu thập từ những thông tin giao dịch khách hàng truyền thống. Phân tích tâm lý cho phép doanh nghiệp biết nhu cầu khách hàng, sự quan tâm của khách hàng về sản phẩm của họ, những gì khách hàng thích và không thích,.. Từ đó doanh nghiệp sẽ đưa ra những quảng cáo và ưu đãi phù hợp với đối tượng khách hàng, nhắm đến các đối tượng khách hàng tiềm năng.
Thứ tư: phân tích hoạt động. Phân tích Big Data về hoạt động doanh nghiệp, quản lý tài sản sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, vận hành linh hoạt các chiến lược kinh doanh và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên doanh nghiệp, nâng cao hiệu suất làm việc.
Thứ năm: phân tích rủi ro. Những phân tích mang tính dự đoán được thực hiện bởi Big Data giúp doanh nghiệp cập nhật liên tục những diễn biến mới trong ngành và môi trường xung quanh. Từ đó, tạo ra các mô hình tiên đoán giúp đưa ra quyết định đúng đắn.
Tất cả những con số và tiềm năng không giới hạn của Big Data cho thấy thách thức đặt ra với các doanh nghiệp, tổ chức để bắt kịp cuộc cách mạng này. Tùy thuộc vào đặc thù hoạt động, doanh nghiệp có thể tập trung vào việc thu thập và khai thác dữ liệu liên quan đến quy trình kinh doanh, sản xuất, dữ liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hay dữ liệu khách hàng.
Hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald, đã bỏ ra 300 triệu USD mua lại một startup về dữ liệu lớn của Israel chuyên về phân tích hành vi người dùng.
Coca-Cola với dữ liệu của hơn 20 triệu khách hàng trung thành đã liên tục thử nghiệm các sáng kiến nhằm tăng sự kết nối với khách hàng. Ví dụ như chương trình in tên khách hàng lên từng lon nước, tạo ra cơn sốt trên nhiều thị trường chủ chốt của hãng.
  Hay với Tesla- tập đoàn xe hơi hàng đầu thế giới từng thông báo: “Nền tảng Big Data báo cho chúng tôi biết khi nào chiếc xe đang bị lỗi để nhóm kỹ sư kịp thời hành động”. Tập đoàn này luôn thu về những dữ liệu chính xác và kịp thời nhất, cho phép họ cải thiện trải nghiệm người dùng và cạnh tranh với những hãng sản xuất ô tô khác.









McDonald’s và Tesla: 2 tập đoàn ứng dụng hiệu quả Big Data trong sản xuất- kinh doanh.
Chương trình in tên khách hàng lên từng lon nước tạo ra cơn sốt trên nhiều thị trường chủ chốt của hãng Coca - Cola nhờ xây dựng Big Data.
Các “ông lớn” trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cũng không bỏ qua sân chơi ở lĩnh vực Big Data. Điển hình như những tập đoàn như Vingroup hay Viettel đã đầu tư hàng nghìn tỉ vào các viện nghiên cứu Big Data với tham vọng làm chủ được “ xương sống của công nghệ”, nắm bắt xu thế phát triển tất yếu của thế giới.
* Hoạt động tài chính - ngân hàng
Sự gia tăng của hoạt động giao dịch tần suất cao khiến các nhà quản lý trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán phải làm việc rất nhiều để theo kịp sự mở rộng của dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc. Bằng cách sử dụng những công cụ và kỹ thuật mới của Big Data, những công ty hoạt động trong lĩnh vực thị trường vốn có thể cải thiện hoạt động giám sát giao dịch và phát hiện được những hành vi giao dịch bất thường và hành vi phạm pháp trước khi chúng được thực hiện.
Bên cạnh đó, đặc thù của hoạt động ngân hàng tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ như: hệ thống ATM, các giao dịch trực tuyến qua mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu ngành, quốc gia …Từ những dữ liệu có cấu trúc như lịch sử giao dịch, hồ sơ khách hàng tới những dữ liệu phi cấu trúc như hoạt động của khách hàng trên website, ứng dụng mobile banking hay trên mạng xã hội…, Big Data sẽ được ứng dụng để:
+ Tạo ra thông tin thống kê
+ Phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô
+ Đánh giá tác động chính sách
+ Theo dõi và dự báo thị trường tài chính
+ Đánh giá rủi ro tài chính
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã thông báo thử nghiệm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong lĩnh vực thuế và hải quan để giải quyết các bài toán nghiệp vụ phức tạp như quản lý rủi ro hay chống gian lận thuế.
Bài toán bảo mật và an ninh mạng cho 'Big Data'
Dĩ nhiên, song song với những “phép màu” thì Big Data cũng mang tới không ít rủi ro tiềm tàng, đặt ra các thách thức lớn cả về hoạt động kinh doanh và quản lý. Đặc biệt trong thời đại của dữ liệu lớn và thuật toán, chúng ta, những người tiêu dùng, lại đứng trong bóng tối của câu chuyện.
*Thâu tóm thị trường- độc quyền
  Giá trị của một sản phẩm chia thành hai phần: Giá trị sử dụng và giá trị về mặt tâm lý. Ngày nay, quyết định mua hàng của chúng ta càng dịch chuyển về giá trị tâm lý: khác biệt về giá trị sử dụng không nhiều, nhưng mẫu mã và thông điệp quảng cáo làm người dùng đánh giá chúng khác nhau. Big Data với những hiểu biết cặn kẽ về tâm lý và hành vi của người dùng, có khả năng đẩy chúng ta đến điểm cực nơi giá trị tâm lý chi phối hoàn toàn: Bạn không trả tiền cho sản phẩm, bạn trả tiền cho marketing, cho cách nó được giới thiệu. Marketing không mới, nhưng sự hiện diện của Big Data và khả năng khai thác dữ liệu lớn đưa marketing và quảng cáo lên một tầng sức mạnh mới.
Mặt khác, các công ty lớn, chẳng hạn như Facebook sử dụng dữ liệu người dùng như một quân cờ trao đổi với các doanh nghiệp khác, nhưng họ vẫn vẽ ra một kịch bản thuyết phục rằng họ đang nghiêm túc bảo vệ quyền riêng tư người dùng. Trong khi đó, mục tiêu thực sự của mạng xã hội này là tìm cách thao túng hoàn toàn các công ty đối thủ và dập tắt sự cạnh tranh.
*BigData - "mồi ngon" cho tin tặc
Dữ liệu lớn đang trở thành đích tấn công của tội phạm mạng. Đặc biệt phức tạp khi người dùng ít quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, thiếu nhận thức về nguy cơ rủi ro cũng như sự yếu kém trong quản lý và điều hành an ninh mạng, mất an toàn trong chuỗi cung ứng do sử dụng phần mềm không bản quyền trên quy mô lớn.
Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) đã có hơn 9.300 vụ tấn công mạng nhắm vào các Website của Việt Nam trong năm 2018. Trong đó, các mối đe dọa an ninh mạng gồm nhiều loại, từ làm hư hại hệ thống, gian lận ngân hàng trực tuyến, đánh cắp dữ liệu kinh doanh, ăn cắp thông tin mật, gây ra gián đoạn các dịch vụ sử dụng CNTT.
*Mất mát “vô hình”
Chúng ta đang chịu một sự mất mát, nhưng không thấy nó là vấn đề lớn, vì nó là sự mất mát vô hình: thông tin cá nhân và thói quen tiêu dùng.
Khi những doanh nghiệp lớn đầu tư vào Big Data, nghiên cứu hành vi của người dùng chẳng hạn, thì đúng là một mặt họ sẽ làm tốt hơn cho việc bán hàng của họ. Thế nhưng nếu một chủ tư nhân rất lớn trong lĩnh vực kinh tế mà nắm luôn được cả việc xã hội nghĩ gì, làm gì, định hướng được dư luận thì tác động của nó đến xã hội là cực kì lớn.
Một cái nhìn xa hơn về công nghệ khai thác và trích xuất lượng dữ liệu khổng lồ của nhân loại là liệu những dữ liệu đó sẽ được dùng vào việc gì, ai sẽ được dùng những dữ liệu lớn đó và chia sẻ các tài nguyên đó thế nào thì được gọi là công bằng. Đây là một bài toán cần được cân nhắc kỹ trong một nền kinh tế số.
Có bao giờ bạn nhận được những cuộc điện thoại gọi để "tư vấn” mua nhà, mua đất, mua bảo hiểm hay trung tâm dịch vụ nào đó dù bạn chẳng có nhu cầu? Đây là ví dụ đơn giản cho việc thông tin cá nhân của bạn đã được mua bán khắp mọi nơi một cách rầm rộ và sôi nổi.
Kết
Big Data là một bước tiến của loài người. Cũng như rất nhiều thứ con người từng nghĩ ra, Big Data là một công cụ, cũng có thể là vũ khí, tốt hay xấu tuỳ thuộc vào việc nó nằm trong tay ai và cách ta khai thác và sử dụng nó như thế nào.
Trong tương lai, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của Big Data cũng như chứng kiến cách nó thay đổi cách thức vận hành của thế giới. “Hòn đá giả kim của thế kỷ 21”, tài nguyên quý giá nhất thế giới đã xuất hiện và nhiệm vụ của chúng ta để bắt kịp dòng chảy của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 đang sôi sục trên toàn cầu này chính là mở khóa giá trị của nguồn tài nguyên khổng lồ - Big Data.
                                                                                                                           Thu Hiền
Nguồn tham khảo: