Kết quả hình ảnh cho autosuggestion

Nói thật là tôi mới biết đến khái niệm Autosuggestion cách đây nửa năm, khi xem phim Mê cung chiếu trên VTV. Khi đó thấy anh cảnh sát đọc tài liệu về căn bệnh này, tôi mới lật đật đi tìm hiểu về nó, và cảm thấy khá thích thú vì không chỉ là biết thêm một kiến thức mới mà còn vì tuy là bệnh, nhưng nó chứa cả mặt tích cực và mặt tiêu cực mà ít ai biết.
Autosuggestion, dịch ra tiếng Việt là tự kỉ ám thị, là một bệnh liên quan đến tâm thần con người. "Tự kỉ" là tự bản thân mình, "ám thị" là "thôi miên, đưa người khác vào trạng thái ngủ nửa vời", thế nên tự kỉ ám thị có nghĩa là tự thôi miên bản thân, tự đưa mình vào trạng thái bị thôi miên. Căn bệnh này khác hoàn toàn với tự kỉ chứ không hoàn toàn giống nhau như mọi người vẫn lầm tưởng. Trong khi tự kỉ khiến người bệnh sống khép kín một cách bất bình thường, không có ý thức giao tiếp, nói chuyện với người xung quanh, suốt ngày ở một mình trong không gian hạn hẹp, thì người mắc bệnh tự kỉ ám thị lại có một ý niệm, một niềm tin mãnh liệt trong tâm trí, có thể đúng hoặc không, và tự thuyết phục hoặc bắt bản thân tin vào điều đó. Ví dụ, tuy đang rất sợ hãi, nhưng bạn nghĩ mình đang vô cùng tự tin và thuyết phục bản thân mình tin vào điều đó. Hay không may, khi chứng kiến một vụ tai nạn của người thân nào đó, không phải do mình gây ra, nhưng bạn luôn hoang tưởng mình chính là người gây ra vụ tai nạn đó, và dằn vặt, thậm chí là rối loạn tâm thần. 
Tự kỉ ám thị, thường được gắn với cái tiêu cực, do đó là một căn bệnh về tâm thần, mà trong suy nghĩ của nhiều người thì bệnh nào liên quan đến tâm thần đều không tốt cho sức khoẻ cả. Ý kiến này cũng có một phần đúng khi căn bệnh này nếu gắn với sự việc tiêu cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tinh thần, suy nghĩ của người bệnh, đặc biệt là những ai có một tâm hồn mong manh, yếu đuối. Người bệnh luôn ảo tưởng mình là người gây ra chuyện này, và bị ám ảnh với điều đó, và lâu dần sự ám ảnh đó gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt là với những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Thông thường, những suy nghĩ tiêu cực đó còn là do người bệnh có vấn đề nặng về tâm thần. Ví dụ, một người có vấn đề về thần kinh thường xuyên tự nghĩ mình là đứa con bất hiếu, mà đã là người con bất hiếu thì phải hành động giống như một đứa không hiếu thảo, nhẹ là cãi cha mẹ, nặng hơn là đánh đập cha mẹ, nặng hơn nữa là giết cả cha mẹ, gia đình. Hay trong phim Mê cung, nhân vật do Doãn Quốc Đam đóng mắc bệnh tự kỉ ám thị, luôn nghĩ mình là kẻ giết người hàng loạt, nên hắn đã tiến hành bắt cóc hàng loạt cô gái, hiếp dâm rồi giết họ bằng những thủ đoạn vô cùng dã man. Có thể thấy, những suy nghĩ hoang tưởng lệch lạc mà người bệnh tự gắn cho mình đã gây ra những hậu quả hết sức đau lòng. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí của họ khi đầu óc không được ổn định mà luôn luôn rối loạn bởi những suy nghĩ vẩn vơ, không có thật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người xung quanh, vì suy cho cùng, những người xung quanh chính là những người hứng "đạn" của người bệnh, nhẹ là có thể đánh đập, mà nặng hơn nữa là cướp đi hàng loạt sinh mạng vô tội. Những phạm nhân nào mắc bệnh tự kỉ ám thị thường là những tội phạm đặc biệt nguy hiểm, do không có tâm thần ổn định nên họ có thể làm những chuyện chẳng ai ngờ tới. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu tự kỉ ám thị chưa đủ cơ sở hoặc đủ mạnh, rất có thể nó sẽ gây ra tác dụng ngược. Ví dụ, với một người đang lo lắng cho kì thi sắp tới vì họ chưa ôn bài đủ kĩ, việc nhẩm đi nhẩm lại hoặc tự thuyết phục rằng bản thân mình sẽ làm được chỉ là giải pháp ngắn hạn, nó chỉ giúp họ tự tin được một thời gian rất ngắn, sau đó khi hết tác dụng, cái chúng để lại trong lòng người bệnh là sự tự ti, bi quan hơn gấp nhiều lần trước đó.
Nhưng bên cạnh cái tiêu cực, thậm chí là kinh khủng mà tự kỉ ám thị đem lại, ngày càng có nhiều người coi đây là một phương pháp để khai phá và thúc đẩy bản thân chạm đến những giới hạn mình chưa bao giờ nghĩ tới. Ngược với cái tiêu cực ở trên, phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những suy nghĩ tích cực. Bạn nghĩ mình sẽ thành công, mình sẽ làm được, và bạn hành động giống như một người thành công vậy, đôi khi nó còn được gọi là "giả vờ thành công". Bạn có một niềm tin mãnh liệt vào bản thân rằng mình là ai, mình sẽ như thế nào và bạn làm mọi cách, hành động giống như hình mẫu tương lai bạn muốn trở thành, thì không sớm thì muộn, bạn cũng sẽ trở thành mẫu người bạn mong muốn. Giống như việc ở mặt tiêu cực, người bệnh nghĩ mình là kẻ giết người hàng loạt và họ sẽ bắt cóc những người vô tội và coi giết người như một trò chơi thì ở mặt tích cực này cũng vậy, người bệnh tự thuyết phục bản thân tin vào điều gì đó, mặc dù có thể không phải là sự thật, nhưng miễn là suy nghĩ đó phải tích cực, chắc chắn bạn sẽ đạt được điều bạn muốn vào một ngày nào đó. Trên thế giới đã có nhiều tấm gương đạt được thành công nhờ vào phương pháp tự kỉ ám thị, mà tiêu biểu đó là câu chuyện của nhà vô địch đánh golf Mỹ Tiger Wood. Ông kể lại rằng suốt thời gian bị ngồi tù trong cuộc chiến tranh với Triều Tiên, ông luôn nghĩ mình là nhà vô địch đánh golf, và khi ra tù, ông đã trở thành nhà vô địch đánh golf của thế giới trong những giải lớn nhỏ. Có thể thấy, tự kỉ ám thị trong trường hợp này giống như việc bạn diễn tập lại tinh thần của mình, và điều này giúp bạn nhận thức được bức tranh tổng thể của vấn đề, từ đó biết phải làm thế nào để thành công, hay nói cách khác, tự kỉ ám thị trả lời câu hỏi: "Bạn là ai và bạn muốn gì?"
Tự kỉ ám thị có thể đưa bạn vươn tới thành công hoặc đẩy bạn xuống vực thẳm, có thể khiến bạn trở thành một người hoàn hảo hoặc trở thành một kẻ có vấn đề về nhận thức và thần kinh, và có thể gây ra hai tác dụng tích cực và tiêu cực cùng một lúc. Nếu bạn suy nghĩ tiêu cực và thuyết phục bản thân mình tin vào điều đó, cái bạn nhận được sẽ không bao giờ là tích cực. Nhưng nếu suy nghĩ tích cực mà chưa đủ mạnh, cái bạn nhận được lại là sự tiêu cực, thậm chí có phần tồi tệ hơn. Cái bạn cần là một suy nghĩ tích cực và một niềm tin đủ mạnh, từ đó bạn sẽ hành động giống như người bạn muốn trở thành, biết phải làm gì và luôn tin tưởng, lạc quan trên con đường mình đã chọn. Tự kỉ ám thị là một căn bệnh, nhưng ở một góc độ nào đó, nó có vai trò vô cùng to lớn đến cách bạn suy nghĩ và đánh giá về mọi điều, đến cách bạn hiện thực hoá ý tưởng của mình.