Bài viết cũ về một số đầu truyện của Batman:
Xin được dành một phút để tri ân tiền bối /Co/micssioner Stan, tác giả của rất nhiều bài viết hay về comic, trong đó có bài giới thiệu truyền cảm hứng về Frank Miller và bài review TDKR (khiến cho lời tri ân này không thể nào phù hợp hơn). Được tin anh sắp rời cộng đồng, em xin chúc anh thành công trong sự nghiệp sắp tới và mong rằng cộng đồng sau khi mất đi một người anh cả sẽ vẫn thịnh vượng để không một kỵ sĩ bóng đêm nào phải tái xuất.
Ra đời cách đây hơn 30 năm, THE DARK KNIGHT RETURNS của Frank Miller, khúc ca bi tráng của kỵ sĩ bóng đêm vẫn sống mãi với thời gian, được độc giả lẫn giới chuyên môn đồng lòng công nhận là một trong những graphic novel có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Hôm nay, tôi tìm về phong cách rề trô và sẽ cố gắng mổ xẻ thiên truyện này sao cho xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Hy vọng rằng dù mới chỉ chạm đến đỉnh của tảng băng trôi, bài viết vẫn đủ khiến bạn trân quý, thấu hiểu hơn bộ truyện, và như thế là đủ với tôi.

Frank Miller và The Dark Knight Returns

Khi Comics Code Authority ra đời vào thập niên 1950, một Batman đen tối nguyên bản đã được phơi sáng theo cấp số cộng cho đến nửa sau thập niên 1960, khi độc giả lẫn lộn giữa thám tử/kẻ tư hình đen tối của Dennis O'Neil và Neal Adams với hình tượng khôi hài của cố diễn viên Adam West. Và bộ sậu DC Comics cho rằng nếu không thay đổi, Batman sẽ sớm lỗi thời và không có tính đột phá. Sau hai cú hit DAREDEVIL: BORN AGAIN RONIN, Frank Miller đã được biên tập viên Dick Giordano chọn mặt gửi vàng để viết nên THE DARK KNIGHT RETURNS, với mục đích đưa Batman về một phiên bản "thực tế và gần gũi" hơn, đồng thời chuyển hướng nhân vật sang hình tượng "đen tối và có chiều sâu". Và phần còn lại đã thuộc về lịch sử.
("Thực tế và gần gũi hơn" ở đây, theo ý tôi, là thoát ly khỏi những cuộc phiêu lưu phi hiện thực của thời Silver Age. Tôi không đánh đồng giữa "thực tế" và "đen tối" vì nó là hai phạm trù tách biệt. Frank Miller cùng bộ sậu DC Comics chỉ ăn theo thuở ở theo thời mà thôi).
Batman nguyên bản (1939) là một kẻ tư hình đen tối và giết người như ngóe. Họa sĩ Alex Ross minh họa.
Batman thời Dennis O'Neil/Neal Adams. Ngầu như James Bond!
Trước khi có được tên tuổi trên đại lộ danh vọng của giới comic, Frank Miller xuất thân khiêm tốn ở vị trí họa sĩ, và TDKR là một trong những tác phẩm đầu tay của ông tại DC. Tuy vậy, nội dung của thiên truyện sâu sắc, lôi cuốn và giàu lớp lang đến nỗi nhiều người quên mất đi sự thật trên. Đảm nhận trọng trách "gần gũi hóa" Batman, Miller vay mượn một số chất liệu hiện thực, tiêu biểu như thực trạng hủ bại của New York thập niên 1980 và hình tượng Dirty Harry trong phim Sudden Impact (1983). Ban đầu chỉ dự tính là một one-shot, TDKR dần dần mở rộng đến bốn issue, và ngạc nhiên thay là chất lượng của chúng không hề có dấu hiệu sụt giảm. Cái kết mở mà Miller vẽ ra thật viên mãn và tròn vai, để lại bao hoài niệm và nguồn cảm hứng (cả tốt lẫn xấu) cho hàng thế hệ viết truyện sau này.
(Còn thực hư thế nào thì bạn hãy đọc tiếp phần sau nhé!)
Chân dung Frank Miller.
Mẫu mua báo dài hạn (subscription) của TDKR vào thời điểm ra mắt.
Bốn issue của TDKR, bao gồm (theo thứ tự xuất bản): The Dark Knight Returns, The Dark Knight Triumphant, Hunt the Dark Knight The Dark Knight Falls.
Về phần minh họa, artwork của Frank Miller trong TDKR nói riêng khá kén chọn, nhưng một khi bị hớp hồn, bạn sẽ khó lòng cưỡng lại được. Nét vẽ đậm chất noir của ông cùng sự phối màu đặc sắc của họa sĩ Lynn Varley tạo nên bầu không khí nặng nề, nghiêm trọng, phù hợp với tông của bộ truyện. Có lẽ vì thế mà bộ truyện cũng đã ra mắt phiên bản noir. Đó là chưa kể đến những hình ảnh đầy tính biểu tượng của kỵ sĩ bóng đêm, như cách ông xé ngang màn đêm và tia sét một cách đầy uy lực trong bìa truyện trên. 
Hình ảnh Batman đu trên sợi dây và gác canh Gotham từ trên xuống thật ám ảnh.
Batman cùng Robin Carrie Kelley. Nhiều ý kiến cho rằng đây mới là một Batsuit lý tưởng, và nó cũng đã được bước ra khỏi những trang truyện nhờ Zack Snyder trong Batman v Superman: Dawn of Justice.
Bìa truyện BATMAN NOIR: THE DARK KNIGHT RETURNS. Batman trông đáng sợ gấp bội lần.
Không những thế, có nhiều chi tiết mà Miller xử lý rất thông minh và tinh tế trong TDKR. Tiêu biểu trong số đó là khoảnh khắc Batman tái xuất trong một đêm mưa gió. Đó không chỉ là cơn mưa xóa tan không khí oi bức của Gotham mà còn là làn nước rửa tội, khiến kỵ sĩ bóng đêm như trẻ đi 25, 30 tuổi, tưởng như mới chỉ ngày hôm qua. Cùng với đó, những tia sét rạch ngang bầu trời đêm trước mỗi chiến công của Batman báo hiệu cho một sự tái xuất đầy vinh hiển của người anh hùng áo vải. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hình ảnh một con chim ưng vồ mồi, tượng trưng cho việc Superman dọa sẽ bắt giữ Bruce Wayne và báo hiệu cho kết cục giữa hai người... 
Những tình tiết thật như phim trong TDKR.
Cơn mưa chảy trên ngực kỵ sĩ bóng đêm là làn nước rửa tội, khiến ông như trẻ đi 25, 30 tuổi, tưởng như mới chỉ ngày hôm qua.
Bruce Wayne lao mình vào cái chết một cách bất cần đời, nhưng cuối cùng lại thoát ra toàn mạng. Giả thuyết của tôi là khi Bruce Wayne nói "Đây sẽ là một cái chết viên mãn...", câu trả lời "... nhưng không đủ toại nguyện" chính là của Batman, và đến cuối cùng, Batman mới là người sống sót, giống với cái kết.
Sự chuyển tiếp tinh tế giữa quốc kỳ nước Mỹ với biểu tượng trên ngực Superman.
Hình ảnh một con chim ưng vồ mồi, tượng trưng cho việc Superman dọa sẽ bắt giữ Bruce Wayne và báo hiệu cho kết cục giữa hai người...
Tuy cách tân phương pháp kể chuyện nhưng Miller cũng giới hạn các trang truyện trong bố cục 4 x 4 cứng nhắc, giống với tác phẩm WATCHMEN cùng thời sử dụng cấu trúc 3 x 3. Ông còn tạo hình các khung truyện như màn hình TV để lồng ghép truyền thông – thời sự và bình luận xã hội – vào trong diễn biến câu chuyện. Dõi theo hành trình của kỵ sĩ bóng đêm là một luồng dư luận phân cực, người khen hết lời, kẻ chê thậm tệ. Cách mà Frank Miller ứng dụng sức mạnh của truyền thông là một trong những thế mạnh của TDKR mà sau này chỉ một số ít đầu truyện khác về Batman nói riêng đạt được, tiêu biểu như YEAR 100 WHITE KNIGHT.
Bố cục 4 x 4 được thấy rõ trong một trang truyện của THE DARK KNIGHT RETURNS, trong đó có 7 khung hình ở hai hàng trên cùng được nhập lại thành một bức hình tổng thể. Các khung hình còn lại đều được tạo hình như màn hình TV, đan xen thời sự và bình luận xã hội.
Một trang truyện của WHITE KNIGHT. Tuy không có cấu trúc chia khung truyện nghiêm ngặt như TDKR nhưng phần bình luận xã hội của nó (chủ yếu vẫn là về Batman) phần nào có chiều sâu hơn và cũng được chăm chút hơn.
Một điều thú vị nữa là nhờ người vợ Lynn Varley truyền cảm hứng, Frank Miller đã sáng tạo ra cả một hệ thống từ lóng cho băng Mutant mà ít ai để ý đến. Nhưng để giảm dung lượng bài viết, tôi chỉ giải mã một số từ lóng trong phần ghi chú ở dưới cùng [1].

Thời thế tạo anh hùng

Thời thế tạo anh hùng, và TDKR cũng không nằm ngoại lệ. Chú ý rằng thiên truyện lần đầu ra mắt độc giả vào năm 1985, khi Chiến Tranh Lạnh đang leo thang cực độ. Do vậy, xuyên suốt bốn issue của TDKR luôn là những lời cảnh báo và nỗi sợ vô hình về hiểm họa chiến tranh hạt nhân, mà đỉnh điểm là phát súng đầu tiên đến từ phe Xô Viết, Coldbringer, vào một quốc gia Mỹ La Tinh giả tưởng là Corto Maltese. Hậu quả của cuộc tấn công là Mỹ chìm vào bóng tối trong hơn một tuần, mùa đông đến sớm hơn thường lệ, nạn đói và bạo loạn diễn ra khắp nơi ... và kết cục là một đám mây muội than sẽ ngự trị tầng bình lưu, che khuất Mặt Trời và đưa nước Mỹ về kỷ băng hà. Đó là lời tiên tri, lời cảnh tỉnh của Frank Miller dành cho thập niên 1990 nếu con người tiếp tục đi ngược lại lý trí của nhân loại và tự nhiên. 
Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8-8-1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên Trái Đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Damocles, về lý thuyết có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá hủy thế thăng bằng của hệ Mặt Trời. Không có một ngành khoa học hay công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như ngành công nghiệp hạt nhân kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm, không có một đứa con nào của tài năng con người lại có một tầm quan trọng quyết định đến như vậy đối với vận mệnh thế giới. [...]
Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên Trái Đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã phải trải qua bốn kỷ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Trong thời đại hoàng kim này của khoa học, trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp, chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó. (Gabriel García Márquez)
Đồng hồ ngày tận thế (Doomsday Clock).
Do vậy, việc THE DARK KNIGHT RETURNS đứng cùng WATCHMEN trên danh hiệu graphic novel có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cán cân sức mạnh của cả hai thế giới đều được "cân bằng" bởi một siêu anh hùng gần như toàn năng, nhưng cuối cùng họ đều không đạt được sự kỳ vọng. Hậu quả của Chiến Tranh Lạnh trong cả hai bộ truyện, dù là gián tiếp hay trực tiếp, cũng thật khôn lường. Hai tâm hồn đồng điệu – Frank Miller và Alan Moore – đã nói thay triệu linh hồn thổn thức khác, rằng hãy thôi bàng quan trước ngày tận thế mang tên chiến tranh hạt nhân trong một thế giới không có Superman, Batman hay Dr. Manhattan để cứu rỗi nhân loại
Đóng bài thơ như cái cọc vào đời để chống nước trôi xuôi
Làm cho mọi người nghe được cái vô hình này: thời gian họ sống.
Anh phải làm cho thời đại đến sớm hơn là nó đến
Anh là gió đưa hương, nhưng chính ra anh lại phải là hương.
(Trích Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ... – Chế Lan Viên)
Nếu WATCHMEN phá dỡ và phần nào hạ thấp hình tượng siêu anh hùng thì TDKR tôn tạo và hình tượng hóa nó. Cả hai đều góp phần bộc lộ tiềm năng thực sự của địa hạt comic, khiến đại đa số phải suy ngẫm lại bản chất của siêu anh hùng và chủ nghĩa siêu anh hùng qua lăng kính đen tối và trưởng thành hơn, tạo tiền đề cho việc mở ra Thời kỳ hiện đại của comic, hay còn gọi là Thời đại đen tối
THE DARK KNIGHT RETURNS WATCHMEN.

Xã hội nước Mỹ trong The Dark Knight Returns

Sinh ra trong một thời đại đầy biến động, THE DARK KNIGHT RETURNS phác họa một xã hội cực đoan không tưởng, mang trong mình những dòng huyết lệ của thời đại. Bằng văn phong phê phán hiện thực, Frank Miller đã bóc trần nhiều mặt trái của xã hội: chửi thề, mại dâm, hiếp dâm, phân biệt chủng tộc/người đồng tính, cướp bóc, giết chóc (không chừa nữ tu và trẻ nhỏ) ... và đặc biệt là hiểm họa hạt nhân. Tất cả đều chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong TDKR, đôi khi còn được khắc họa trong hơn một trang truyện một cách vô thưởng vô phạt, đủ để biến những sát nhân nguy hiểm nhất của Batman thời Silver Age trở thành trò đùa [3]. May mắn thay, một xã hội đen tối và tàn khốc như vậy đã không thành hiện thực với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trong những năm 90 và sau này.
Thời sự cho rằng đợt nóng kỷ lục là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tội phạm tăng cao.
Tỷ lệ giết người ở thành phố New York theo từng năm. Nguồn: Wikipedia. "Cứ mỗi 22 phút có một vụ giết người" ("You give us 22 minutes, we’ll give you a homicide").
Một người phụ nữ phát nổ ở ga tàu. Truyền thông đưa bản tin này rất chớp nhoáng và thiếu chi tiết.
Người đàn ông nổ súng ở rạp chiếu phim ... người lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hành động anh dũng như trên, đó là những tia sáng le lói mà đáng quý trong một thế giới tội lỗi như Gotham trong TDKR.
Thứ tồi tệ hơn cả máu và súng đạn trong TDKR hẳn là giới truyền thông nông cạn, trụy lạc và mang tính định hướng. Tin tức thời sự chính thống được thay thế bằng những tin giải trí mì ăn liền và xì căng đan trong giới showbiz. Đến cả những tin tức nóng hổi về tình hình Chiến Tranh Lạnh tuy nhiều lần được nhắc đến nhưng cũng hiếm khi chiếm quá 1, 2 trên 16 khung hình trong một trang truyện. Sự tái xuất của Batman, cũng như những vấn đề xã hội khác, đều chỉ được định hình bằng những cuộc trưng cầu dân ý nhỏ, kết hợp với những lời bình luận cảm tính không kém. Lần đầu tiên, sự thật khách quan lại thua cuộc trước ý kiến chủ quan, thật phù phiếm và đáng buồn.
Truyền thông tranh cãi về sự tái xuất của Batman. Cuộc tranh luận đa phần mang tính cảm tính và đến cuối chuyển hướng sang công kích cá nhân và xúc phạm thân thể, thật lố bịch và nực cười.
Sự cảnh tỉnh về hậu quả khôn lường của bom hạt nhân liên tục bị ngắt quãng bởi những câu hỏi vô thưởng vô phạt: "Bạn đã ở đâu trong thời gian cúp điện?" hay mặc gì trong những ngày này?
Truyền thông qua ngòi bút của Frank Miller có nhiều mặt trái, nhưng cũng thật đáng gờm và phức tạp, thể hiện qua các cuộc tranh luận xã hội đa chiều. Chúng vẫn cảm tính, nhưng cũng đủ khiến độc giả tự đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Batman có là một anh hùng? Nhưng ngay cả Batman còn phủ nhận điều đó. Liệu việc Batman tái xuất có là ánh sáng cuối đường hầm? Nó có dụng ý tốt và gặt hái nhiều kết quả, nhưng vô hình trung lại thu hút nhiều hành động bạo lực hơn và trên hết là mang lại Joker. Mượn sức mạnh của truyền thông, Frank Miller đã đặt ra nhiều câu hỏi không thể trả lời chỉ trong vài lần tranh luận nảy lửa cả trong comic lẫn đời thực, và chúng ta sẽ tự rút ra lời giải đáp khi đọc đến cuối bộ truyện.
Batman bị công kích bởi bác sĩ tâm lý Wolper. Nực cười thay, hắn cho rằng Batman nên chịu trách nhiệm cho bất kỳ mạng sống nào bị tước đoạt bởi băng Mutant, trong khi chúng ra đời sau khi Batman rửa tay gác kiếm và vẫn hoành hành ác liệt trước lúc ông tái xuất.
Bên cạnh đó, TDKR còn vẽ ra vùng đạo đức màu xám, trắng đen lẫn lộn, nơi anh hùng không hẳn toàn thiện và ác nhân không chỉ là những thằng cô hồn tự phụ. Chúng còn là truyền thông và chính quyền hủ bại. Từ trung ương đến địa phương, chính khách thì hèn nhát, vô dụng và đùn đẩy trách nhiệm. Cảnh sát thì suy đồi và không đủ khả năng đương đầu với tội phạm hay bảo vệ thường dân. Việc trị liệu tâm lý gần như vô nghĩa và còn đổ thêm dầu vào lửa. Tất nhiên, những điều tiêu cực này chỉ là một mặt của cuộc sống, nhưng cũng đáng để chúng ta lưu tâm. Việc Miller mượn những chất liệu ngoài đời thực, chẳng hạn như tổng thống Mỹ Ronald Reagan và người dẫn chương trình David Letterman càng cho thấy rõ thái độ phê phán hiện thực của ông. Và đến hồi kết, kỵ sĩ bóng đêm nhận ra rằng "mặt xấu của thế giới không chỉ là tội ác.
Từ trung ương đến địa phương, chính khách thì hèn nhát, vô dụng và đùn đẩy trách nhiệm. Tổng thống đùn đẩy cho thống đốc, thống đốc đùn đẩy cho thị trưởng, thị trưởng lại đùn đẩy cho vị ủy viên vừa mới bổ nhiệm. Đáng chú ý rằng Ellen Yindel chỉ được bổ nhiệm vì lập trường phản đối của cô với Batman, khiến cô phần nào trở thành bù nhìn trong mắt chính quyền Gotham.
Một vị tướng đã tự sát vì cảm thấy tội lỗi với việc mình bán vũ khí cho băng Mutant.
Một chi tiết nhỏ cho thấy sự phân biệt chủng tộc của xã hội Mỹ thập niên 1980: "Da màu thì miễn". Đáng buồn hơn là sự lựa chọn tân ủy viên, một vị trí đức cao trọng vọng lại dựa trên cơ cấu và lợi ích nhóm.
Việc trị liệu tâm lý gần như vô dụng, với hai bằng chứng sống là Two-face và Joker. Nếu Two-face chịu trách nhiệm cho cái chết của bốn tên tội phạm thì Joker trực tiếp giết chết hàng trăm khán giả trên trường quay và hàng chục người dân vô tội khác trên khu vui chơi.
Trước một xã hội không biết phải trái đúng sai, các siêu anh hùng bị ép phải tuân phục hoặc quy ẩn bởi chính quyền. Wonder Woman trở về Themyscira. Green Lantern bẵng đi du hành các vì sao. Superman thỏa hiệp và trở thành con tốt cho nước Mỹ, đổi lấy an nguy cho đồng minh. Bạn có để ý rằng trong TDKR, Superman chưa bao giờ được chỉ đích danh? Lần đầu anh xuất hiện, một người dẫn chương trình đã nhắc đến "thứ gì đó mạnh hơn đầu tàu xe lửa", nhưng rồi bị chặn lại bởi câu nói "Chúng ta không muốn dây dưa với FCC (một cơ quan có thẩm quyền) đâu..." Khi một phóng viên đặt ra câu hỏi tại sao quân đội lại di tản Hẻm Tội Phạm và thắc mắc liệu đây là nỗ lực của họ để bắt giữ Batman, cô đã bị chặn họng trước khi kịp chỉ đích danh người đàn ông thép. Rất có thể chính quyền Mỹ trong TDKR đã và đang âm mưu xóa bỏ cái tên Superman khỏi lịch sử và giữ ông làm đặc vụ riêng.
Lần đầu Superman xuất hiện, một người dẫn chương trình đã nhắc đến "thứ gì đó mạnh hơn đầu tàu xe lửa", nhưng rồi bị chặn lại bởi câu nói "Chúng ta không muốn dây dưa với FCC (một cơ quan có thẩm quyền) đâu...".

Khi một phóng viên đặt ra câu hỏi tại sao quân đội lại di tản Hẻm Tội Phạm và thắc mắc liệu đây là nỗ lực của họ để bắt giữ Batman, cô đã bị chặn họng trước khi kịp chỉ đích danh người đàn ông thép.
Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại người Mỹ gốc Phi đã nói "Chúng ta sẽ phải ân hận trong thế hệ này, không chỉ vì lời nói và việc làm xấu xa của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt." Với một xã hội hủ bại như trong TDKR, việc Batman tái xuất để lập lại trật tự ở Gotham là điều tất yếu. Nhưng liệu nó có phải là điều tốt? Hãy cùng tôi tìm hiểu trong những phần sau nhé.

Sự tái xuất của kỵ sĩ bóng đêm

Sau này, tờ Daily Planet đã ra một bài báo hoài niệm về thời đại hoàng kim của các siêu anh hùng."Họ bàn tán về một người đàn ông thép. Một nữ vương người Amazon. Nhưng họ không bao giờ nhắc đến phần tử xấu tính kia. Kẻ không thể bay hay uốn cong sắt thép bằng tay trần. Kẻ làm mọi người sợ chết khiếp và cười vào mặt tất cả chúng ta vì sự nhát cấy. Không, họ không bao giờ nhắc đến ông ta." Đến đây, hẳn độc giả đã mường tượng ra một Batman có tuổi và đã quy ẩn.
Dựa vào lời độc thoại nội tâm của Superman, ta biết được rằng JLA đã bị điều trần bởi chính phủ Mỹ. Kết cục là họ bị buộc phải rửa tay gác kiếm hoặc tuân phục chính quyền. Wonder Woman trở về Themyscira. Green Lantern bẵng đi du hành các vì sao. Superman thỏa hiệp và trở thành con tốt cho nước Mỹ, đổi lấy an nguy cho đồng minh. Riêng Batman cười vào mặt những kẻ dám đe dọa đến quyền lợi của mình, một nụ cười đáng sợ có khả năng làm người đàn ông thép phải sởn gai ốc.
"Họ bàn tán về một người đàn ông thép. Một nữ vương người Amazon. Nhưng họ không bao giờ nhắc đến phần tử xấu tính kia. Kẻ không thể bay hay uốn cong sắt thép bằng tay trần. Kẻ làm mọi người sợ chết khiếp và cười vào mặt tất cả chúng ta vì sự nhát cấy. Không, họ không bao giờ nhắc đến ông ta. Nhắc đến tên ông thôi và mặt của Dibny sẽ chùng đến mức cằm của anh ta chạm vào mặt bàn. Không một ai trong số họ muốn nghe kể về Batman. Liệu ông ta đã bị ám sát một cách bí mật? Hay ông ấy chỉ cho rằng chúng ta không đáng để cứu rỗi? Câu hỏi bay theo chiều gió trong một hai khoảnh khắc, rồi Jones đãi mọi người và chính anh một chầu. Họ lại tiếp tục trò chuyện. Về những ngày xưa cũ. Những ngày tháng huy hoàng. Họ nhớ mãi. Họ từng có mặt ở đó. Giữa dòng sự kiện. Hồi đó. Tưởng như mới ngày hôm qua. Chúng ta có những siêu anh hùng." (Truth to Power, James Olsen).
Bruce Wayne, nay đã 55 tuổi [2], đã miễn cưỡng từ bỏ danh hiệu Batman sau cái chết của Jason Todd 10 năm về trước. Cùng với đó, ông đã ly gián với Dick Grayson hơn 7 năm và còn chưa bao giờ gặp Tim Drake. Nỗi đau tinh thần quá lớn đã khiến ông dằn vặt và buông xuôi tất cả. Ngay từ đầu truyện, độc giả được thấy một Bruce Wayne bất cần đời, bị ám ảnh bởi cái chết của những người thân yêu, xa cách với cả Alfred và Jim Gordon, lao thẳng vào cái chết bất cứ khi nào có thể và luôn tự hỏi liệu đây sẽ là một cái chết viên mãn. Bruce Wayne giờ chỉ còn là bóng ma của thời đại cũ, một chiếc tàu Người Hà Lan Bay, sống vất vưởng qua ngày và ẩn mình chờ chết.
Tôi phải đi một ngày đã tận
Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi
Tôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm
Anh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi
Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá
Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly
Tôi để lại không mang theo gì cả
Thật nhẹ nhàng, như gió, lúc ra đi
(Không đề 1 – Bế Kiến Quốc)
Cuộc trò chuyện giữa Bruce Wayne với ủy viên James Gordon hé lộ cho chúng ta về số phận của Dick Grayson và Jason Todd. "Ta giờ chỉ còn là một con zombie, một chiếc tàu Người Hà Lan Bay, một người chết, từ 10 năm trước..." Nhìn ông bước đi đầy khổ tâm trên đường phố Gotham, tôi lại nhớ đến lời bài hát Viva la Vida của Coldplay, rằng "Ta đã từng thống trị cả thế giới. Biển cả dậy sóng khi nghe hiệu lệnh của ta. Bây giờ vào lúc bình minh ta trơ trọi một mình. Dạo trên những nẻo đường từng thuộc về mình." 
Batman đứng bên Hẻm Tội Phạm và đối mặt với chủng tội phạm mới từ sau Joe Chill. Nhưng ông không có vẻ gì là sợ sệt, trái lại còn "thèm" được đối đầu với hai tên này. Người ta nói đừng dây vào một kẻ không sợ chết, vì hắn không còn gì để mất. Chắc hẳn hai tên Mutant này biết được chân lý ấy nên đã thoát thân để bảo toàn tính mạng.
"Tôi sẽ không cho hắn tự do. Tôi đã hứa danh dự. Với Jason. Không bao giờ. Không bao giờ nữa."
Xuyên suốt nửa đầu issue đầu tiên, đi cùng với sự khủng hoảng nhân dạng của vị tỷ phú trạc ngoại ngũ tuần là khát vọng được tự do của nhân dạng kỵ sĩ bóng đêm trước thế sự xoay vần. Ở đây, tôi nhấn mạnh chữ nhân dạng, do TDKR có dụng ý cho rằng Batman là một cá thể độc lập với Bruce Wayne, cậu bé 10 tuổi năm nào đã chết trong làn đạn ở hẻm Tội Phạm để Batman được sống. Bruce Wayne nghĩ rằng mục đích tồn tại của nhân dạng kia chỉ là báo thù, nhưng việc Batman tự nguyện tái xuất trong một đêm mưa bão cho thấy mục đích của hắn lớn lao và vĩ đại hơn thế. Nó chỉ có thể được cân đo đong đếm bằng mưa gầm sấm động, một lời tuyên thệ đanh thép rằng một kỵ sĩ bóng đêm đã tái xuất lập lại trật tự, thượng tôn công lý, cũng là một dụng ý nghệ thuật tài tình của Frank Miller.
Chắc chắn rằng anh ta mang trong mình một trọng trách, nhưng nó không phải là báo thù. Bruce không theo đuổi việc trả thù rửa hận... Anh ấy vĩ đại hơn thế; anh ta cao quý hơn vậy. Anh muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nơi mà một Bruce Wayne trẻ tuổi sẽ không trở thành nạn nhân... Nói cách khác, anh hành hiệp để một ngày trở nên thừa thãi. Batman là vị anh hùng ước rằng mình không cần phải tồn tại. (Frank Miller)
Nhân dạng Batman điều khiển Bruce Wayne, khiến ông mộng du và còn cạo râu trong vô thức.
Từ chống cự, Bruce Wayne đã hoàn toàn chấp nhận nhân dạng Batman.
Sự tái xuất của kỵ sĩ bóng đêm. Có thể thấy trước mỗi chiến công của ông đều có một cảnh tượng mưa gầm sấm động, với cao trào là hình tượng xé ngang màn đêm quen thuộc.
Do vậy, Two-face là một phản diện thiết yếu cho issue đầu tiên của TDKR. Dù trải qua những cuộc phẫu thuật chỉnh hình và trị liệu tâm lý tầm cỡ thế giới, hắn vẫn không thể giấu được bản chất xấu xa bên trong. Đối mặt với cựu thù, Batman nhìn thấy "ảnh phản chiếu" của chính mình và nhận ra điều tương tự: giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Nhờ đó, ông xóa tan đi mọi nghi ngờ về danh phận và tái xuất dưới vai trò kỵ sĩ bóng đêm một cách toàn vẹn. 
Batman đối đầu với Two-face.
Nhưng cái chết, tội lỗi và nỗi ám ảnh vẫn chưa buông tha hẳn cho kỵ sĩ bóng đêm. Vào giây phút cận kề cái chết dưới tay thủ lĩnh băng Mutants, ông nhớ về chú khỉ con Dick Grayson và những cuộc phiêu lưu kỳ thú đậm chất Thời Đại Bạc của họ. Tuy nhiên, Batman không còn Robin nào bên cạnh, và may mắn cũng không còn về phe ông. Lúc này, không phải những vết thương chí mạng hay tuổi cao sức yếu mà kỷ niệm mới là thứ (suýt) làm ông gục ngã. Ta như cảm nhận nỗi buồn thương khôn tả trong tâm can người anh hùng áo vải qua lời văn từng trải của Frank Miller. Mãi khi được cứu cánh, trên chiếc Batmobile, ông vẫn thốt ra một câu nói đầy tính hoài niệm và thi vị: "Dick gọi nó là Batmobile." 
Tôi là ai và tôi đã là ai?
Hỏi ký ức có bao giờ trở lại?
Thấy phận người như đóm lửa giữa phong ba
Đời nuôi ta trí sáng, vóc mượt mà
Đời như đuốc cháy qua thành cát bụi.
(Trích Calmly we walk through this April’s day – Delmore Schwartz, Vũ Nguyên dịch)
Vào giây phút cận kề cái chết dưới tay thủ lĩnh băng Mutants, trải nghiệm cận tử của kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy. Như một lẽ tất yếu, ông nhớ về chú khỉ con Dick Grayson và những cuộc phiêu lưu kỳ thú đậm chất Thời Đại Bạc của họ, những lần Dick lún sâu vào cuộc tuần tra mà rơi vào tay địch, đến nỗi Two-face giễu nhại cậu là "cậu bé con tin". May mắn thay, vào phút 89, Carrie Kelley đã kịp thời cứu cánh.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Thomas Wayne trong phần phim The Dark Knight Rises: "Tại sao chúng ta vấp ngã, Bruce? Để có thể học cách nâng đỡ bản thân." Tôi cũng tin rằng Batman chỉ thực sự tái sinh sau khi dành chiến thắng thuyết phục cả về trí tuệ lẫn sức mạnh trước tên thủ lĩnh băng Mutant (chắc hẳn đó là lý do mà issue tương ứng mang tên Kỵ Sĩ Bóng Đêm Chiến Thắng – The Dark Knight Triumphant).
"Tại sao chúng ta vấp ngã, Bruce? Để có thể học cách nâng đỡ bản thân." ("Why do we fall, Bruce? So we can learn to pick ourselves up again.")
Batman đứng oai vệ trước mớ thịt thừa từng là thủ lĩnh băng Mutant.

Hình tượng hóa kỵ sĩ bóng đêm

Xuyên suốt TDKR, độc giả được chứng kiến một kỵ sĩ bóng đêm kiên cường bất khuất đối mặt với mọi cạm bẫy trong một thế giới hỗn loạn và vượt qua nó một cách phi thường, liên tục cường hóa ông lên một tầm cao mới của sức mạnh con người: Two-face, băng Mutant, Joker và Superman. Ông là một chiến binh quả cảm với mục đích độc tôn là chiến thắng áp bức, bất công mà không có bất kỳ một mối ưu tiên nào khác, ngay cả đời tư hay dục vọng cá nhân. "Thế giới chỉ có ý nghĩa khi anh ép buộc nó phải thế." TDKR đã gần như định nghĩa lại Batman trong mắt độc giả: một anh hùng áo vải văn võ song toàn với lập trường và mục đích vững chắc, không thể bị khuất phục và thỏa hiệp. Có thể nói, trước Miller, không có một Miller nào cả; sau Miller, có rất nhiều Miller! 
Batman đối đầu với Joker. Chú ý rằng tuy Batman bẻ cổ Joker trước nhưng ông không có ý định giết hắn. Joker chết do hắn tự kết thúc chính mình.
Batman chiến thắng thủ lĩnh băng Mutant.
Nói vậy không có nghĩa là Batman bật hào quang nhân vật chính và bất khả chiến bại! Tuy vậy, ông không bao giờ đánh mất lý trí và mất cảnh giác, có thể nói là tiên liệu trước mọi việc. Có ai không rùng mình trước hai câu nói lạnh lùng "Đây không phải là một hố bùn. Đây là bàn phẫu thuật, và chính ta là bác sĩ" và "Trong nhiều năm tới, vào những thời khắc riêng tư nhất, tôi muốn anh nhớ về người đàn ông đã đánh bại mình"? Đơn cử như trước thảm họa hạt nhân, ông biết được sự cúp điện toàn nước Mỹ là do xung điện từ (EMP) từ quả bom của phe Sô Viết và ngay lập tức đề ra biện pháp đối phó. Nhanh trí dùng ngựa làm phương tiện di chuyển, ông tức tốc phi thẳng ra Gotham để lập lại trật tự trên bờ vực bạo loạn. 
Batman đại diện cho tất cả chúng ta... Anh là cơn thịnh nộ của chúng ta trước sự bất công... Anh chiến đấu đơn độc, như chúng ta thèm muốn, trước một hệ thống lụi bại chỉ biết áp bức và bóc lột... Anh là cậu bé đau khổ ấy, người soi rọi mọi ngõ ngách u tối của tâm hồn con người để mang lại cân bằng cho thế giới (đạo diễn Zack Snyder, nhân ngày Batman Day).
Batman dùng ngựa làm phương tiện di chuyển, tức tốc phi thẳng ra Gotham cùng với binh đoàn S.O.B. (Sons of Batman) để lập lại trật tự trên bờ vực bạo loạn. 
Tối nay, ta là luật, luật là ta!
Lúc này, để hình tượng hóa Batman, Frank Miller đã so sánh kỵ sĩ bóng đêm với tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, người mà nhiều thuyết âm mưu cho rằng ông để mặc cho trận Trân Châu Cảng diễn ra và hy sinh tính mạng của hàng ngàn người Mỹ vô tội, cốt để khơi dậy lòng yêu nước quả cảm trong nhân dân, biến nước Mỹ trở thành một nhân tố quan trọng trong Thế Chiến II và cứu sống hàng triệu người. Điều quan trọng là liệu chúng ta có đủ tư cách để phán xét quyết định của cố tổng thống hay của Batman? Sau tất cả, liệu Batman có là một anh hùng? Frank Miller đã trả lời câu hỏi đó qua sự thần phục của tân ủy viên Yindel: "Ông ta quá vĩ đại."
Sau khi mắt thấy tai nghe ý chí xả thân cầu đạo của Batman, tân ủy viên Ellen Yindel đã tức tốc hạ lệnh lui binh mà không thốt lên được gì ngoài câu "Ông ta... quá vĩ đại..."
Đến cuối con đường, Batman đã thành công đánh bại thủ lĩnh băng Mutant, thắng được lòng tin của tân ủy viên Yindel, phỉ nhổ vào mặt Joker và chính quyền Mỹ thủ cựu, đồng thời dám thách thức người đàn ông thép, một điều chưa hề có tiền lệ. "Trong nhiều năm tới, vào những thời khắc riêng tư nhất, tôi muốn anh nhớ về người đàn ông đã đánh bại mình." Như đã nói, cái kết mở mà Miller vẽ ra thật viên mãn và tròn vai: Những gì còn sót lại của Bruce Wayne: trang viên, tài sản kếch xù và quản gia Alfred đều đã mất. Batman đã sống sót và truyền cảm hứng cho hàng thế hệ sau. Ý chí của kỵ sĩ bóng đêm đã thắng, ông không còn là một bóng ma truyền miệng mà đã nâng tầm thành một huyền thoại, sự tái sinh của ý chí chiến đấu quật cường Mỹ. "Đây sẽ là một cuộc sống tốt đẹp. Đủ để toại nguyện."
Batman tập hợp đội quân SOB để lập lại trật tự ở một thế giới bị lụi bại bởi những thế lực tệ hơn cả phường trộm cắp và quân giết người, đó là sự suy đồi đạo đức và hủ bại chính trị. "Đây sẽ là một cuộc sống tốt đẹp. Đủ để toại nguyện."
Một dấu chấm bất mãn của TDKR trong xây dựng nhân vật là Bruce Wayne gần như bàng quan với các mối quan hệ xã hội, ngay cả với quản gia Alfred kính yêu và ủy viên James Gordon, mà chỉ tập trung vào cuộc chiến chống tội phạm. Sức hút, sự khôi hài và cái duyên của một Bruce Wayne thời trẻ đã bị thay thế bởi cơn thịnh nộ và sự u uất của Batman. Tuy không vượt qua ranh giới giết chóc nhưng không thể phủ nhận rằng kỵ sĩ bóng đêm của Frank Miller rất bạo lực và tàn nhẫn, ở một mức độ mà các Bat-đồ lâu năm thời đó hoàn toàn không nhận ra. Đây không chỉ là một nhược điểm của TDKR mà còn là bổn cũ soạn lại của phần lớn đầu truyện về Batman sau này.
Bruce Wayne bàng quan trước câu đùa của Alfred.
Batman không giết, ông chỉ đánh tội phạm thừa sống thiếu chết mà thôi!
Sau đó, Batman còn đe dọa đến mạng sống của một nhân chứng tiềm năng. Sự bạo lực của ông đã thu hút sự chú ý của truyền thông và chia cắt dư luận làm hai nửa, kẻ chê hết lời, người khen không ngớt.
Batman treo người trên con gargoyle, đe dọa đến cả mạng sống của tên tội phạm.
Batman dùng xe tăng và vũ khí hạng nặng để chế ngự băng Mutant.
"Đây không phải là một hố bùn. Đây là bàn phẫu thuật, và chính ta là bác sĩ"
Batman dùng súng để thị uy tội phạm (take that Samurice).
Ngay cả với Joker, tuy định bụng rằng phải ngăn chặn hắn để báo thù cho những nạn nhân xấu số nhưng cuối cùng Batman đã không thể phản bội nguyên tắc đạo đức của bản thân. Cuối cùng, Joker tự bẻ cổ và kết liễu chính mình chỉ để người anh hùng bị vu cáo.
Đen tối là thế nhưng ngay cả TDKR cũng có vài khoảnh khắc ấm lòng, đơn cử như những giây phút thân mật hiếm hoi giữa Batman với chiến binh nhí Carrie Kelley. 
Batman trấn an chiến binh nhí sau giây phút quả cảm của bé.
Batman ôm Carrie Kelley vào lòng. Theo tôi, biểu cảm tỏ-ra-nghiêm-túc-nhưng-ẩn-sâu-bên-trong-là-lòng-yêu-thương-vô-điều-kiện trên mặt Bruce Wayne là vô giá!

Chủ nghĩa khách quan trong The Dark Knight Returns

Mượn hình tượng Batman, Frank Miller đã truyền bá và tôn vinh chủ nghĩa khách quan (objectivism), do văn hào người Mỹ gốc Nga Ayn Rand [4] phát triển. Thật vậy, theo Miller, ông "bị lôi cuốn bởi ý tưởng của Rand lần này đến lần khác... bà ấy đã đoạt lấy số phận của nhân loại khỏi tay của một 'Anh Cả' [5] tiện lợi và trao nó vào tay của mỗi cá nhân." Để minh họa rõ hơn, tôi sẽ đề cập đến một tuyệt tác của Ayn Rand – tiểu thuyết Suối Nguồn – cũng là một cuốn sách được biết đến rộng rãi bởi độc giả Việt Nam. 
Tiểu thuyết Suối Nguồn, phiên bản xuất bản tại Việt Nam (nguồn ảnh: reviewsach.net)
Suối Nguồn theo chân Howard Roark, một kiến trúc sư trẻ có nhiều ý tưởng canh tân nhưng luôn bị giới hạn bởi công đoàn thủ cựu. Tuy nhiên, ông quyết chọn cho mình con đường tranh đấu dù đầy chông gai hơn là phải đem đam mê và quan điểm của mình ra thỏa hiệp. Trong mắt Rand và Miller, Howard Roark và Batman là những người đàn ông lý tưởng, không màng chướng ngại vật mà quyết đạt được mục tiêu của bản thân, dù điều đó có thể gây xung đột với những người khác, nhất là những "kẻ sống thứ sinh". Một anh hùng, theo Ayn Rand, phải là một người theo chủ nghĩa cá nhân cấp tiến, thông minh tài tình hơn bất kỳ ai và bất khuất trước con tạo xoay vần. 
Không những bất khuất trước những chướng ngại vật trên đường đến vinh quang, Batman còn vượt qua nỗi khổ tâm sau cái chết của Jason Todd mà lạnh lùng nói "Cuộc chiến phải tiếp diễn."
Nói như thế không có nghĩa là chủ nghĩa khách quan phê phán ba chữ "tử vì đạo" hay phản bác chủ nghĩa vị nhân sinh. Cũng trong Suối Nguồn, Ayn Rand viết “Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra.” Nói cách khác, vị nhân sinh không đồng nghĩa với việc đánh mất cái tôi của chính mình. Văn hào người Mỹ gốc Nga cho rằng chỉ khi đáp ứng được lợi ích cá nhân, chúng ta mới mong được hạnh phúc và đủ khả năng thay đổi thế giới xung quanh.
Dù đồng ý với chủ nghĩa khách quan hay không, bạn cũng khó có thể phủ nhận rằng Frank Miller đã áp dụng nhuần nhị nó vào TDKR. Xuyên suốt bộ truyện, Batman không ngại sử dụng bạo lực hay thủ đoạn với cả tội phạm lẫn cảnh sát, miễn là đạt được mục đích của mình. Đã thế, ông còn liên tục phá luật và thách thức thế lực cầm quyền, cuối cùng hiên ngang tuyên bố ta là luật, luật là ta. Cuộc thánh chiến bất khuất của ông đã gặt hái được nhiều kết quả tốt, với đỉnh điểm là cứu rỗi Gotham trước thảm họa hạt nhân, một điều mà không bang nào của nước Mỹ đạt đến. Trong mắt Miller, kỵ sĩ bóng đêm không chỉ là thứ mà Gotham xứng đáng có, ông còn là người mà một thế giới biến động như nước Mỹ thập niên 1980 cần đến, một anh hùng đích thực của Ayn Rand.
"Tối nay, chúng ta đại diện cho luật pháp. Tối nay, ta là luật pháp."
Do đó, trận tử chiến giữa Batman với Superman không chỉ là một plot device tầm thường mà còn là sự xung đột tất yếu về lý tưởng, giữa chủ nghĩa khách quan và chủ nghĩa tập thể. Trong mắt kỵ sĩ bóng đêm, Superman là một con người mâu thuẫn: không có cái tôi, hy sinh lợi ích cá nhân cho những người lạ mặt và hạ mình thỏa hiệp với thế lực thủ cựu (dù rằng với lý do chính đáng). "Không ai có thể khiến anh làm bất cứ thứ gì anh không muốn, Clark." Với người đàn ông thép, Batman là một phần tử ngoài vòng pháp luật chỉ biết đến bản thân và cuộc thánh chiến, do đó phải bị ngăn chặn. Cuộc chiến giữa hai người là để trả lời cho câu hỏi triệu đô "Điều gì sẽ xảy ra khi một thế lực bất khả xâm phạm đương đầu với một vật thể bất di bất dịch?
Trận tử chiến giữa Superman với Batman. "Trong nhiều năm tới, vào những thời khắc riêng tư nhất, tôi muốn anh nhớ về người đàn ông đã đánh bại mình."
Cuối cùng, có lẽ để tránh gây tranh cãi, Frank Miller đã không cho bất kỳ ai thắng, vì Superman, người anh hùng quả cảm chưa kịp hồi sức sau khi ngăn chặn thảm họa hạt nhân, không hề trực tiếp tham chiến và Batman phủ phục bất khả kháng do cơn đau tim. Đó cũng nên là lời phản pháo cho bất kỳ ai ảo tưởng rằng Batman thực sự có thể thắng Superman một cách công bằng. 
Đây cũng là một bằng chứng cho thấy Frank Miller, trùng hợp thay là tác giả của SUPERMAN: YEAR ONE, không hề ghét bỏ người đàn ông thép. Mỗi lần vị anh hùng xuất hiện là lần đó trời quang mây tạnh, tràn ngập hy vọng. Trong suốt trận đánh, Superman luôn cố gắng lý lẽ với Batman để giảng hòa mà gần như không chống cự, dù ông hoàn toàn có thể chế ngự đối thủ một cách dễ dàng. Tưởng như Batman đã qua đời, Superman đã canh giữ xác của người bạn mà mạo hiểm mối quan hệ của mình với chính quyền, không để một người lính nào đụng đến linh cữu của Bruce. Đến cuối truyện, ông đã để cho Batman yên và tạm biệt Carrie Kelley cùng độc giả với một cái nháy mắt và nụ cười tươi hình tượng, mà sau này chúng ta có cơ hội được thấy lại trong SUPERMAN: WHATEVER HAPPENED TO THE MAN OF TOMORROW
Trong sự hiện diện của Superman, trời quang mây tạnh, bướm và hoa đua nhau khoe sắc, bầu trời sắc xanh tràn ngập hy vọng.
Đến cuối truyện, Superman đã để cho Batman yên và tạm biệt Carrie Kelley cùng độc giả với một cái nháy mắt và nụ cười tươi hình tượng, mà sau này chúng ta có cơ hội được thấy lại trong SUPERMAN: WHATEVER HAPPENED TO THE MAN OF TOMORROW. 
Tưởng như Batman đã qua đời, Superman đã canh giữ xác của người bạn mà mạo hiểm mối quan hệ của mình với chính quyền, không để một người lính nào đụng đến linh cữu của Bruce. Tôi tin rằng đây cũng là lúc nhân dạng Bruce Wayne qua đời, khi hai sợi tơ mành níu kéo ông là trang viên và vị quản gia đáng kính Alfred đều đã đi vào dĩ vãng.

Di sản

Không thể chối cãi sự thật rằng TDKR đã và đang là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của DC Comics nói riêng và giới comic nói chung, với số phiên bản và số lần tái bản ít tác phẩm nào sánh được. Nó cũng đã nhiều lần được nhắc đến và tri ân trong văn hóa đại chúng. Phong cách đen tối của kỵ sĩ bóng đêm trong TDKR là bàn đạp/nguồn cảm hứng cho hai phần phim của đạo diễn Tim Burton và trilogy The Dark Knight thần thánh của đạo diễn Christopher Nolan, khi dư luận đã kịp thích nghi, thân quen với một Batman đen tối và u uất. Đáng chú ý nhất là năm 2016, hình tượng kỵ sĩ bóng đêm của Frank Miller đã được hiện thực hóa bởi đạo diễn Zack Snyder trong phần phim Batman v Superman: Dawn of Justice. Bản thân TDKR cũng đã được chuyển thể thành hai phần phim hoạt họa cùng tên, với chất lượng xứng tầm với nguyên tác và cũng rất đáng xem.
Lilo & Stitch (2002).
Easter Egg của TDKR trong phần phim Batman v Superman: Dawn of Justice.
Thành công là thế nhưng thiên truyện của Frank Miller, dù là một tác phẩm elseworld, vô hình trung làm lu mờ hình tượng Batman hài hước, tươi sáng của Thời Đại Bạc và ảnh hưởng mạnh đến Batman mãi sau này. Độc giả hiện đại đòi hỏi một Batman thực tế, "đen tối và có chiều sâu" hơn như kỵ sĩ bóng đêm U60 của TDKR. Không lâu sau năm 1985, thế giới đón nhận tác phẩm THE KILLING JOKE của Alan Moore và Brian Bolland cùng với phim Batman (1989). Cả hai đều xây dựng một câu chuyện đen tối, ly kỳ về Batman, mẫu số chung sớm lọt vào mắt xanh của bộ sậu DC Comics. Như một điều tất yếu, xu hướng hiện thực hóa, đen tối hóa Batman ra đời. 
Như chiều lòng một đứa trẻ quấy khóc, DC liên tục cho ra những đầu truyện Batman đen tối và đau thương, bắt đầu từ A DEATH IN THE FAMILY, một bộ truyện sinh ra để xử tử Jason Todd, một thiếu niên vô tội chỉ để thỏa lòng độc giả. Qua thời gian, Bruce Wayne liên tục chịu chấn thương thể chất và tâm lý một cách vô tội vạ: liên lụy đến Barbara, làm cô bị liệt hai chân; bị Bane bẻ gãy xương sống; Gotham trở thành "chốn không người" và tưởng chừng không thể cứu rỗi; đối mặt với bóng ma của quá khứ, Jason Todd, giờ là phản diện Red Hood; tận mắt và bất lực chứng kiến Tim Drake trở thành trẻ mồ côi ... Tấn bi kịch đó đủ để khiến cho người đàn ông thép cũng phải gục ngã...
Qua thời gian, Batman liên tục chịu chấn thương thể chất và tâm lý một cách vô tội vạ: liên lụy đến Barbara, làm cô bị liệt hai chân; bị Bane bẻ gãy xương sống và Azreal thừa cơ mạo danh; Gotham trở thành "chốn không người" và tưởng chừng không thể cứu rỗi; đối mặt với bóng ma của quá khứ, Jason Todd, giờ là phản diện Red Hood; tận mắt và bất lực chứng kiến Tim Drake trở thành trẻ mồ côi ... Tấn bi kịch đó đủ để khiến cho người đàn ông thép cũng phải gục ngã... (52 #30)
Tất nhiên, đen tối chỉ là một gia vị, không thể là thước đo về nội dung của bất kỳ tác phẩm văn học nào. Do đó, chất lượng của các đầu truyện Batman hậu-Miller trở nên thượng vàng hạ cám. Frank Miller đã tạo nên một tuyệt tác, một hình tượng kỵ sĩ bóng đêm thuyết phục và giàu cảm xúc, nhưng những gì ông viết nên chỉ phù hợp trong một bối cảnh hết sức cụ thể, với một thời đại nhất định mà thôi. Vì thế, mọi nỗ lực nhào nặn, "hiện thực hóa" Batman theo Miller mỉa mai thay lại khiến Batman kém thực tế và gần gũi hơn. 
Ngoài ra, TDKR còn thay đổi mối quan hệ giữa Superman với Batman theo chiều hướng tiêu cực là bạn-thù, đồng thời sản sinh ra một bộ phận không nhỏ ảo tưởng rằng Batman có thể chiến thắng Superman một cách thuyết phục.
(Trong họa có may, nhờ có TDKR mà chúng ta được hưởng sái saga Batman của Grant Morrison và Murphyverse!)
Nhưng sau tất cả, đó không bao giờ là lỗi của Miller. Và có lẽ không ai hiểu điều đó hơn nhà văn comic Kurt Busiek (ASTRO CITY, MARVEL, SUPERMAN: SECRET IDENTITY). Sau đây, tôi xin dịch toàn bộ những ý kiến của ông thay lời muốn nói vì không thể múa rìu qua mắt thợ:
"Nhiều người đọc THE DARK KNIGHT RETURNS và thích thú với một Batman già dặn, lập dị, bạo lực và u uất đến mức một Batman trẻ tuổi cũng phải lập dị, bạo lực và u uất như vậy mới vừa lòng họ. Đó không phải là lỗi của Miller. Ông đã viết (và vẽ) nên một cuốn sách tuyệt vời. 
Nhưng bài học mà mọi người rút ra từ đó, như mọi khi, là cái ý nghĩa nông cạn và nghèo nàn nhất có thể. Cũng như khi một trong những bài học của MARVELS là "hãy làm thêm nhiều bìa nhựa hơn." Những lời độc thoại nội tâm của một Batman già dặn, cáu kỉnh trở thành những lời thoại rỗng tuếch của một Batman non trẻ, cáu kỉnh, thay cho sự khôn ngoan và óc hài hước khi xưa. Còn những năm tháng mai danh ẩn tích gượng ép dài đằng đẵng để tạo ra sự u uất đó thì bị bỏ qua. Batman trở nên đơn giản hơn.
"Tuy nhiên, một Batman non trẻ, u uất lại rất nổi tiếng và tồn tại trong nhiều năm liền. Tôi chỉ không nghĩ đó là đích đến [của Frank Miller]. Ít ra, đối với tôi, tôi muốn có một Batman phức tạp và giàu lớp lang hơn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chưa bao giờ được thấy lại hình tượng đó. Nhưng mỗi lần người ta cho chúng ta thấy một Batman quái gở luôn cố gắng đẩy người thân lẫn bạn bè thân cận ra xa, tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với Bruce Wayne, nhân dạng quyến rũ, nhã nhặn mà Batman luôn có thể dùng để cải trang THEO Ý MUỐN. Ngay cả khi Batman trở nên lập dị hơn theo nhịp sinh học trong ngày, tại sao anh ta không sử dụng những kỹ năng của Bruce để ngưng xa cách bạn bè? Bruce quyến rũ, thông minh, đầy tính thuyết phục và giàu khả năng hướng người khác chạm tới đích đến mà anh muốn cho họ thấy. Đó là những kỹ năng hữu dụng... "
... Và khi Batman được lột tả như một người cáu kỉnh không thể tương hợp với cả những người quen thân từ lâu, rồi biện minh là hợp tác gây phản tác dụng, tôi không nghĩ điều đó khiến anh ta quyền lực hơn, tôi nghĩ nó làm anh trông thật ngu ngốc. Anh ấy có thể dễ dàng sử dụng những công cụ khiến anh không trở nên vô tích sự khi phải làm việc nhóm. Bạn có thể nghĩ rằng anh sẽ dùng nó để tới được đỉnh vinh quang mà anh mong ngóng. Nhưng thay vào đó, người ta thường xây dựng Batman theo một ông già cô độc, chua cay và đã mất đi nhiều kỹ năng xã hội, hay là theo Rorschach, một phần tử phản xã hội. Tôi muốn được thấy một Batman có thể tháo ngòi nổ một bãi mìn chỉ bằng lời nói VÀ hạ gục đám tội phạm chỉ bằng hai bàn tay trắng (có mang găng), vì đơn giản là anh ấy tuyệt vời như thế. Chắc chắn rằng hình tượng Batman trong THE DARK KNIGHT RETURNS có lý do để bào chữa. Tôi không biết tại sao họ lại mô phỏng một Batman non trẻ theo đó."
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự xuống cấp của những tác phẩm tiền truyện và hậu truyện của TDKR sau này đã phần nào hạ thấp thanh danh của nó. Quả là tình chỉ đẹp khi còn dang dở. 
Nhưng sau tất cả, trong nhiều năm tới, vào những thời khắc riêng tư nhất, chúng ta hoàn toàn có thể tận hưởng thiên truyện và chân giá trị của nó một cách độc lập, với niềm tin rằng trong thời điểm đen tối nhất của cuộc đời, dù phải tốn 1 ngày hay 10 năm, chúng ta vẫn sẽ tái sinh trong vinh hiển và tự sống cho mình một cuộc đời đủ mãn nguyện.

Một chiều mưa ở Huế.
Phan Tại Tính Trí.

[1] Một số từ lóng của băng Mutant trong TDKR:
– Ace (động từ): buông bỏ. VD: Aced the coat, now I'm freezing (Vừa mới vứt cái áo mà giờ lạnh cóng hết cả lên).
– Aces (trạng từ): khẳng định (có tính mỉa mai). VD: Stepped in dog poop. Aces (Vừa đạp phân chó. Vui quá).
– Balls (trạng từ): vô cùng. VD: Don say he balls rad, me say he balls nasty (Don bảo hắn.
– Billy: 1. (tính từ): điên rồ. VD: Dang clerk gone billy (Mẹ nó, hắn điên rồi). 2. (động từ): tăng. VD: Figure they didn't billy up the price of the MBTA last month (Hóa ra tháng trước họ chưa tăng giá MBTA).
– (Licken) Chegs (danh từ) = "chicken legs": một từ có nghĩa xấu dùng để chỉ một người phụ nữ. VD: Licken chegs nasty (Con này thú vị đấy).
– Don't shiv: đừng sợ sệt/sợ nhúng chàm. Đây có thể là từ ghép của "don't give a sh*t" (đếch quan tâm). VD: You better do your homework or you'll be grounded. I don't shiv, kiddo (Làm bài tập hoặc bị cấm túc. Tao không ngại cho roi cho vọt đâu nhóc).
– Dusted (tính từ): bị hạ gục, hít khói. VD: Leader dusted. Batman peg leader (Bang chủ bị hạ gục bởi Batman rồi).
– Figure... (trạng  từ): mang tính khẳng định (ý mỉa mai). VD: Figure I like walking all the way home in the rain with no umbrella. I figure (Hóa ra tôi không thích đi bộ một mạch về nhà trong mưa khi không có ô. Hóa ra vậy). 
– Street pizza (danh từ): xác người bầy nhầy còn sót lại. VD: That mountain trail was dangerous, one wrong step and you're street pizza (Cái đường mòn lên núi đó nguy hiểm lắm, thử bước nhầm là thành pizza trét bên vệ đường ngay).
– Slicer-Dicer (danh từ): những kẻ cắt và xắt. Đây là các thành viên lâu năm của băng Mutant, chúng đã chứng tỏ năng lực của bản thân bằng việc giết người. Ví dụ: We slicer-dicers! We don't shiv! (Bọn tao cắt và xắt! Bọn tao không sun vòi đâu!).
– Spud (danh từ): cấp dưới hoặc thành viên chưa chính thức của băng Mutant. Ví dụ: Spuds in front, slicer-dicers in back (lũ hạ đẳng lên trước, phe cắt xắt theo sau).
– Stick (động từ): đổ lỗi. Ví dụ: Yindel stick Mutants! (Yindel thì đổ lỗi cho băng Mutant!)
[2] Tuổi thật của ông tính từ năm ra đời là 1939.
[3] Một điều thú vị là Frank Miller, trong quá trình sáng tác TDKR, đã mượn một số thực trạng của chính thành phố mà ông đang sống là New York. 
[4] Ayn Rand (1905–1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ Nghĩa Khách Quan (objectivism) và một số tiểu thuyết như We the Living (Chúng Ta Thực Thể Sống)The Fountainhead (Suối Nguồn) và Atlas Shrugged (Người Khổng Lồ Nghiêng Vai). Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu thế chiến II, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc. Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý: lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể (collectivism) và chủ nghĩa cộng sản. Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc nguời khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực.
[5] 'Anh Cả' ('Big Brother') là một nhân vật trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Ông được coi là người lãnh đạo (hoặc các nhà độc tài bí ẩn trên thực tế hoặc là nhân vật bù nhìn) của Oceania, một nhà nước toàn trị. Trong nền văn hóa hiện đại, từ "Anh Cả" gợi nhắc đến sự lạm dụng quyền lực của chính phủ và sự mất đi quyền tự do công dân. Nguyên văn câu nói trên: "... Drawn again and again to Rand's ideas... She took the fate of humanity out of the hands of a convenient 'Big Brother', and into the hands of individuals."