Bài viết cũ về một số đầu truyện của Batman:
"Chào. Tôi đến để nói chuyện.
Gần đây tôi đã suy nghĩ. Về anh và tôi. Về điều sẽ xảy ra với chúng ta, vào phút cuối.
Chúng ta sẽ giết chết lẫn nhau, phải không?
Có thể anh sẽ giết tôi. Có thể tôi sẽ giết anh. Có thể sớm. Có thể muộn."
Batman: The Killing Joke là một graphic novel one-shot được sáng tác bởi bộ đôi tác giả - họa sĩ người Anh Alan Moore và Brian Bolland. Nhìn vào tiêu đề, độc giả cũng có thể đoán được phản diện chính trong truyện là Joker. Tuy nhiên, The Killing Joke không hề kể về cuộc đụng độ một mất một còn hay màn đấu trí bất phân thắng bại nào giữa cặp đôi hoàn cảnh này mà chỉ viết nên một ngày rượt đuổi "như bao ngày" giữa hai người họ, khi Joker thoát khỏi Arkham Asylum [một lần nữa] và Batman phải ngăn chặn hắn. Dù đơn giản, đây vẫn là một câu chuyện có tầm ảnh hưởng lớn, định nghĩa tuyệt đối mối quan hệ giữa Hoàng tử hề của giới tội phạm với Kỵ sĩ bóng đêm: "Tại sao hai con người có thể ghét nhau đến nhường ấy trong khi không biết danh tính của nhau?". Không chỉ mổ xẻ tâm lý của hai nhân vật đen tối và phức tạp này, bộ truyện còn cung cấp cho bạn đọc nguồn gốc xuất thân của Joker, một điều chưa hề có tiền lệ, và một tai nạn sẽ thay đổi Barbara Gordon (Batgirl) mãi mãi. Xuất bản lần đầu vào năm 1988, cùng với những đầu truyện đen tối đương thời là Watchmen Batman: The Dark Knight Returns, Batman: The Killing Joke đã thổi một làn gió mới vào giới comic nói chung và DC Comics nói riêng, phá vỡ định kiến "comic phải tươi sáng và đầy hy vọng", là xúc tác khiến cho "truyện comic trưởng thành".
Batman: The Killing Joke – Graphic Novelty²
Hình: Batman: The Killing Joke, phiên bản deluxe.
HAI GÃ NGƯỜI ANH "ĐIÊN RỒ": ALAN MOORE VÀ BRIAN BOLLAND
Có lẽ không ai không biết tác giả, "thầy phù thủy tự phong" Alan Moore. Không tự nhiên mà ông được mệnh danh là "tác giả comic xuất sắc nhất mọi thời đại": tác phẩm của Alan Moore có nội dung giàu chiều sâu, nhiều lớp lang, phong phú về mặt ngôn ngữ và bao quát nhiều vấn đề chính trị và xã hội, kết hợp với cách sắp xếp, hòa phối hình vẽ và khung hình một cách tỉ mỉ, một điều độc nhất vô nhị ở comic. Điều đó yêu cầu sự phối hợp ăn ý và nỗ lực ngang tài ngang sức đến từ phía họa sĩ, mà Brian Bolland đã không khiến chúng ta thất vọng. Không chỉ tạo ra những khung hình đối xứng, có tính chuyển tiếp và cài cắm những chi tiết làm điềm báo cho tương lai, trong bản cập nhật mới, ông đã tô màu lại toàn bộ truyện, những tông màu trở thành công cụ để ông kể chuyện thay cho hình ảnh và hộp thoại một cách tài tình. Một tác phẩm mà tác giả của nó dày công tỉ mỉ sáng tác và nắm rõ như lòng bàn tay, dù chỉ ngắn ngủi (trong trường hợp The Killing Joke) luôn là một kiệt tác, một "số độc đắc" trong lòng người đọc. "Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm" (Lev Tolstoy).
Cartoonist Pics on Twitter:
Hình: Alan Moore và Brian Bolland.
Batman The Killing Joke
Hình: Những pha chơi chữ hay của Alan Moore (nguồn: bản dịch của vietcomic.net). Ở đây "bàn trà" dịch từ "coffee table", mà dịch ra phải là "bàn cà phê", là loại bàn thấp kê ở phòng tiếp khách, ý chỉ Barbara đang nằm thấp và được đặt trong phòng khách.
Và bạn có biết ý tưởng của The Killing Joke không đến từ Alan Moore (thậm chí Moore không coi đó là một tác phẩm hay trong sự nghiệp), mà từ cộng sự của ông? Trong một cuộc phỏng vấn, Brian Bolland bộc bạch rằng "vào lúc mà Alan hoàn thành bộ truyện Watchmen, ông ấy đã bất hòa với DC ở một chừng mực nhất định... [1] về sau, ông chỉ đồng ý viết Killing Joke như một thiện ý dành cho tôi". Và để bày tỏ lòng kính trọng với thầy phù thủy tự phong, sau The Killing Joke, họa sĩ người Anh không bao giờ hợp tác với các tác giả khác trong sự nghiệp của mình, bởi vì "khi bạn đã làm việc với người giỏi nhất, có làm gì tiếp đi nữa cũng chỉ là đi lùi". Hai nghệ sĩ chuyên tâm sáng tác một tác phẩm nghệ thuật thuần túy "vị nghệ thuật", đó là câu chuyện hiếm có và đáng trân trọng trong ngành comic "mì ăn liền" thời bấy giờ.
Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ.
TẤN BI KỊCH MANG TÊN THE KILLING JOKE: CHỈ LÀ MỘT NGÀY TỒI TỆ!
Câu chuyện bắt đầu ở Arkham Asylum vào một ngày mưa tầm tã. Batman đến đó để bàn luận với Joker về kết cục của trận chiến dai dẳng giữa hai người họ, chỉ để nhận ra rằng hắn đã trốn thoát. Trong lúc đó, Joker chiếm hữu một rạp xiếc làm nơi thực hiện tội ác sắp tới của mình. Hơn cả thế, hắn muốn bào chữa rằng trước khi trở thành phản diện, hắn từng là một người tốt, hay ít nhất là một người bình thường, "nhân chi sơ bất khả thiện" mà! Điều mà hắn phải chứng minh là chỉ cần "một ngày tồi tệ", bất kỳ người tỉnh táo nào cũng có thể trở thành kẻ điên rồ! Đến trước cửa nhà vị ủy viên chính trực James Gordon, Joker bắn qua xương sống của Barbara và làm cô tê liệt hoàn toàn sau này [2]. Sau đó, hắn bắt cóc ông Gordon và đưa đến rạp xiếc. Ở đây, ngoài việc tiêm cho Gordon LSD (một thuốc gây ảo giác), Joker còn tạo nỗ lực "điên" hóa ông bằng việc cho ông thấy ... ảnh khỏa thân của chính con mình quằn quại trong cơn đau sau tai nạn, sau đó lột đồ rồi nhốt ông trong lồng kín, phô bày và nhạo báng ủy viên cho đám hề bên cạnh.
Hình: Batman đi đến Arkham Asylum.
Hình: Thảm kịch xảy đến với Barbara Gordon. Màu vàng sắc áo thực sự rất nổi bật với những gam màu lạnh hơn bên cạnh, làm nhấn mạnh cảnh tượng khủng khiếp này.
Hình: Joker len lỏi vào ý thức của James Gordon với nỗ lực "điên" hóa người đàn ông này.
Vậy tại sao phải là "một ngày tồi tệ" để khiến ai đó bị điên? Chúng ta hẳn đều biết Joker có một quá khứ đầy chấn thương tâm lý và bi kịch, một sự kiện tồi tệ đến mức thay đổi hắn mãi mãi, đó chính là "một ngày tồi tệ"! Nhưng không ai quan tâm về chi tiết của quá khứ đó, chỉ cần biết hắn tồn tại để làm một Moriarty ngang tài ngang sức với thám tử đại tài. Đến cả hắn cũng không quan tâm, vì hắn trở nên điên để trốn tránh quá khứ đau thương, "một ngày tồi tệ" của mình kia mà! Trong bộ phim The Dark Knight, khi thì tên hề có người bố bạo hành gia đình, khi thì vợ hắn gặp tai nạn, tuy mâu thuẫn nhưng đó cũng là chủ đích nghệ thuật của phim. "Nếu có một quá khứ thì tao muốn cho nó nhiều lựa chọn!". Trong Batman: Arkham Asylum, A Serious House on Serious Earth, Grant Morrison cũng đã nâng sự vô định về quá khứ và nhân cách của Joker lên một tầm cao mới: tác giả người Scotland miêu tả rằng Joker tự làm mới bản thân, tức là tạo ra bản ngã mới mỗi ngày mà không có một nhân cách thực sự để đạt được trạng thái "siêu tỉnh táo" (super-sanity).
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Hình: Chi tiết mà tôi đã đề cập trong Batman: Arkham Asylum, A Serious House on Serious Earth.
Hình: Trong sự kiện Darkseid War của thời kỳ New 52, Batman đã được ngồi lên chiếc ghế Mobius, thần vật đầy quyền năng với khả năng giúp chủ nhân của nó sở hữu nguồn tri thức khổng lồ. Batman đã hỏi chiếc ghế về danh tính của Joker, nhưng nó không trả lời cụ thể mà chỉ đưa ra đáp án "Có đến ba Joker", dẫn đến sự ra đời của đầu truyện Batman: Three Joker sắp tới của Geoff Johns/Jason Fabok.
Tạm thời chúng ta biết được hắn đau khổ và dằn vặt nên cũng muốn người khác khổ đau và chịu đựng, hắn nhắm vào ông Gordon vì ông là một người tốt chưa biến chất ở thành phố tội lỗi. Nhưng tại sao lại đả thương Barbara? Tác giả sẽ cung cấp câu trả lời bằng tiểu sử xuất thân của hắn, câu chuyện này được hồi tưởng xuyên suốt quá trình gây ra tội ác của Joker. Việc tạo ra một khởi đầu cho Joker, lúc mà hắn chưa tuyệt vọng và từ bỏ bản ngã tốt đẹp của bản thân, lúc mà hắn còn là một người "bình thường" mà Kỵ Sĩ Bóng Đêm thề sẽ bảo vệ là một điểm sáng, giúp nhân cách hóa tên hề và phần nào hợp lý hóa, bình thường hóa tấn bi kịch mà hắn gây ra cho ông Gordon.
Được chuyển thể và lấy cảm hứng từ câu chuyện "The Man Behind the Red Hood!" năm 1951, quá khứ của Joker trong The Killing Joke chúng ta thấy được Hoàng tử hề của giới tội phạm vốn là một kỹ sư vô danh tại một công ty hóa chất, người bỏ việc để theo đuổi con đường hài độc thoại nhưng thất bại hoàn toàn và không thể chu cấp cho người vợ đang mang thai. Khi về nhà, hắn tuyệt vọng đến mức nổi nóng với người vợ rồi lại đau khổ vì sự nhu nhược, nỗi bất lực của mình. Đọc đến đây, chúng ta thấy được một bi kịch. Không biết các bạn nghĩ sao, nhưng theo tôi, một người đàn ông không thể chăm lo chu toàn cho tổ ấm của mình là một người thất bại, không chỉ về tài chính mà còn về danh dự. 
Hình: Cảnh hồi tưởng đầu tiên (1).
Tông màu trắng đen của dòng hồi tưởng càng bi kịch hóa nỗi đau này. Tuy nhiên, một số ít sự vật như những con tôm lại được tô màu đỏ, màu tượng trưng cho điềm báo chuyện chẳng lành, cũng là màu của chiếc mũ mà Joker đội lên ngay lúc rơi vào bồn hóa chất. Hai khung tranh cuối cùng có tính chuyển tiếp với nhau, một bên thể hiện quá khứ đau khổ nhưng còn le lói một tia sáng là nụ cười của người vợ, còn một bên là hiện tại trông vui tươi vì có đến hai tên hề (!), nhưng lại ẩn chứa nỗi "trăm năm cô đơn". Thủ pháp "điệp khung hình" này nhấn mạnh quá khứ bi thương của Joker, giúp chúng ta phần nào đồng cảm với hắn ở hiện tại, dù cho hắn đang gây ra một tội ác tày trời với bố con ông ủy viên thành phố.
Hình: Cảnh hồi tưởng đầu tiên (2).
Trong cảnh hồi tưởng tiếp theo, chúng ta thấy tên hài kịch gia câu kết với hai tên tội phạm vô danh khác để cướp bóc công ty cũ của hắn, lấy tiền đó sống đời đời với vợ con, chứng minh mình là một người chồng tốt và một người bố thương con. Sắc đỏ của những sự vật xung quanh đã dần mãnh liệt hơn, mà đỉnh điểm là chiếc mũ Red Hood ở cuối trang thứ nhất, có thể coi đó là khởi đầu của mọi bi kịch. “Màu sắc, cũng giống như chi tiết, thay đổi theo những chuyển biến của cảm xúc” (Pablo Picasso). Ngoài màu đỏ, một điềm báo nữa cho sự chuyển mình của hài kịch gia thất bại trong dòng hồi tưởng này là câu nói "Chẳng có gì sẽ trở lại như xưa...".
Hình: Cảnh hồi tưởng thứ hai.
Rồi chẳng chóng thì chày, Joker nhận được tin người vợ mang thai của mình, ngôi sao hy vọng duy nhất trong đời khiến hắn bất chấp tất cả đã ... chết, vì một tai nạn "triệu lần có một". Đến đây, chúng ta lại thấy được một bi kịch của hắn, đó là mất đi người mình thương yêu, mỗi ngày từ đây sẽ là 10.000 năm. Bất thần và sốc nặng, hắn trở lại bàn và muốn rút chân ra khỏi vụ cướp bóc, nhưng những người mà hắn cho là bạn không thèm đếm xỉa đến bi kịch này. Sự gian xảo thể hiện qua khuôn mặt chúng làm chúng ta liên tưởng đến sự nghiệt ngã và bất công của cuộc đời đã ập đến tên hề. Trong khung tranh cuối cùng, sự ngó nhìn đầy khinh bỉ và nụ cười đểu của hai con người kề cận tương phản với cử chỉ ôm đầu gục khóc càng làm nổi bật tấn bi kịch. Và tất nhiên, tông màu noir đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Mọi thứ trông thật vô hồn, ma mị và bí hiểm trong nỗi thống khổ của một con người thuộc xã hội vô cảm.
Hình: Một cảnh hồi tưởng.
Và tất nhiên, mọi thứ dẫn về kết cục mà ai cũng biết: Cuộc cướp bóc bị thất bại, lũ tội phạm bị phát hiện và bắn chết bởi cảnh sát, riêng "Red Hood" còn trụ lại tới khi Batman đến "hù dọa" làm hắn rơi xuống bồn hóa chất và biến chất thành Joker. Tiếng cười vỹ thanh trong khung tranh cuối vừa bi vừa hài, đó là sự cứu rỗi, lối thoát cho sự thống khổ đương thời của gã hề, đồng thời là sự giễu nhại quay lưng của hắn với xã hội. Chỉ trong "một ngày tồi tệ", hắn bị tước mất đam mê nghề nghiệp, một gia đình êm ấm và cuối cùng là danh phận. Bị dồn đến đường cùng, hắn cười vang như anh Chí năm xưa gào thét "Ai cho tao lương thiện!". Suy cho cùng, cả hai đều không còn gì để mất, sống chết mặc kệ, điều đó khiến họ trở nên nguy hiểm hơn cả. Trong khi Chí Phèo quyết định đồ sát Bá Kiến và kết liễu đời mình, Joker chọn gieo rắc cái chết cho nhân loại, tất cả chỉ vì "một ngày tồi tệ".
Vậy tại sao phải là một tên hề mà không phải cái gì khác? Vì sau khi mất tất cả trong cuộc sống, Joker nhận ra đời chỉ là một trò đùa, chẳng có ý nghĩa sống gì sất, chỉ là người ta gán những giá trị ảo tưởng để tự huyễn hoặc, lừa dối chính mình. "Mày phải cố gắng giả bộ rằng cuộc sống này còn có ý nghĩa, rằng có một vài điểm cốt yếu cho cả đời đấu tranh. Chúa ơi, mày làm tao buồn nôn!". Cười nhạo là phương cách sống mà hắn cho rằng là tỉnh táo, còn mọi phương án khác đều là điên rồ trong một thế giới "tâm thần". Nói cách khác, ai cũng đang khoác lên mình bộ đồ chú hề, một chiếc mặt nạ giả tạo, nhưng chỉ có Joker mới đủ khả năng sống thật với điều đó và chọn nhân cách "hề" làm bản ngã của chính mình. "Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau!". Hoặc ít ra là hắn nghĩ như vậy...
Với chúng nó, mày chỉ là một thằng lập dị như tao mà thôi! Bây giờ chúng cần mày, nhưng khi không cần, chúng sẽ xua đuổi mày như thể lánh xa một thằng hủi vậy! Nghe này, đạo đức và luật lệ của chúng chỉ là những trò đùa dở ẹc mà thôi. Bị lãng quên ngay khi có sự cố xảy ra. Chúng chỉ giả tạo như cái nơi chất chứa chúng mà thôi. Tao nói cho mày biết. Khi gặp sự cố, những… những con người văn minh, chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau. Mày thấy chứ, tao không phải quái vật. Tao chỉ đi trước thời đại mà thôi (phim The Dark Knight).
Nhưng bạn ơi, tôi không định cổ xúy cho Joker đâu. Trái lại, tôi sẽ vạch trần tư tưởng lệch lạc hắn ngay bây giờ. Trước hết, tại sao hắn nhắm vào Barbara? Vì cô ấy là gia đình của Gordon, mà tổ ấm là thứ mà hắn đã mất đi trong "một ngày tồi tệ". Nhưng khi hắn gây ra cho ông ủy viên "ngày tồi tệ" như thế, Gordon không hề hóa điên, vì ông không yếu lòng như hắn. Sau tấn bi kịch mà Joker gây ra, James Gordon vẫn đủ tỉnh táo và chính trực để nói với Batman rằng Joker phải được xử lý theo pháp luật. Đến cả Barbara sau khi bị liệt và ngồi xe lăn vẫn mạnh mẽ, trở thành một chuyên gia công nghệ yểm trợ cho các anh hùng và lấy mật danh là Oracle. Ví dụ tường minh nhất là Bruce Wayne. Anh cũng từng có "một ngày tồi tệ", ngày mà anh mất đi gia đình là bố mẹ mình bởi một tên cướp đường vô danh như Joker. Sự mất mát ấy buộc một đứa trẻ 10 tuổi phải trưởng thành và còn ám ảnh anh mãi đến sau này. Nói như Grant Morrison, "Nếu Bruce Wayne không trở thành Batman, anh ta đã chết mòn bởi cơn giận dữ từ lâu lắm rồi". Nhưng khác với Joker, anh vực dậy khỏi nghịch cảnh và tự cho mình mục đích sống, trên hết là hướng đến cái thiện. Bốn con người, một nghịch cảnh, hai con đường. Nói cách khác, Joker đã sai một cách thảm bại và đáng khinh thường, và hắn chỉ kiếm cớ để che lấp sự thất bại của bản thân. Hắn nghĩ mọi thứ là trò đùa và hắn là người duy nhất hiểu được câu chốt, nhưng cuối cùng chính hắn là trò đùa.
(Đương nhiên là không nên cổ xúy cho Joker, và tình cảnh của hắn không mang tính thực tế, nhưng việc phán xét hắn lại tạo thêm một mâu thuẫn: Chúng ta đã chứng kiến một số cựu binh vì bất đồng với thời cuộc và nghe theo những lời tuyên truyền gian dối mà trở thành phản động; những con người làm ăn lương thiện nhưng lại chạy theo tiếng gọi của cơm áo gạo tiền mà vứt đi cái tâm nghề nghiệp; các bác sĩ vì cảm thấy lương bổng không đủ sống mà vứt đi y đức... Nhân chi sơ bất khả thiện, nhưng phải chăng bất kỳ ai, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng có thể bị tha hóa như Joker? Hay chỉ có một số người trong thâm tâm họ mang cái xấu tiềm tàng, chỉ cần một cú hích để kích hoạt? Suy cho cùng, câu nói của Harvey Dent trong The Dark Knight không thể thích hợp hơn, "Chết như một anh hùng, hoặc sống đủ lâu để chứng kiến bản thân trở thành phản diện").
Không có mô tả ảnh.
Hình: Barbara cười vào mặt Joker trong sự kiện Joker War,
Đó sẽ không là một ngày "như bao ngày" nếu Batman không đến kịp lúc để cứu Gordon và bắt giữ Joker, một chi tiết tưởng chừng như sáo rỗng trong comic. Ngoài những triết lý theo chủ nghĩa hư vô của Joker mà tôi cho là ngụy biện và không muốn cảm nhận, cuộc đụng độ của hai người vẫn còn một chi tiết thú vị, đó là một truyện cười ở hồi kết (thỏa mãn tiêu đề The Killing Joke)! Đó không phải là một câu truyện cười bình thường, nó chọc cười được cả Batman, một nhân vật vốn nghiêm túc và đạo mạo trong vũ trụ DC, và nó sẽ gói gọn toàn bộ ý nghĩa của bộ truyện. 
Hình: Batman rượt đuổi Joker.
Hình: Joker phát biểu, thuyết phục Batman rằng đời chỉ là một trò đùa tàn ác và loạn trí.
Hình: Batman rượt đuổi Joker. Ở đây tại sao Batman nói "Vì tao đã nghe trò đùa đó một lần và không thấy buồn cười khi nghe lần đầu"? Trò đùa ở đây là nỗi đau mất gia đình, với Joker đó là thứ gây cười vì hắn phải tỏ ra vui tính để khỏa lấp nỗi đau, còn Batman trải nghiệm nỗi đau đó không bằng nụ cười mà bằng nhân cách Batman.
TRUYỆN CƯỜI BỎ NGỎ GIỮA BATMAN VỚI JOKER
"Có hai gã nọ ở một nhà thương điên và vào một buổi tối, tối đó chúng thấy rằng mình không muốn sống trong một nhà thương điên nữa. Chúng quyết định rằng mình sẽ bỏ trốn! Và rồi, chúng leo lên mái nhà, và ở đó, chỉ ngang qua khe hẹp này, chúng nhìn thấy những nóc nhà khu phố thị, trải dài dưới ánh trăng, trải dài đến tự do. Tên thứ nhất này, hắn nhảy ngay qua đó, không thành vấn đề. Nhưng bạn hắn, bạn hắn không dám thực hiện bước nhảy. Mày thấy đó... Hắn sợ mình sẽ rơi. Và rồi tên thứ nhất có một ý tưởng... Hắn bảo "Này! Tao có mang theo mình một cây đèn pin! Tao sẽ chiếu sáng nó qua khe hẹp giữa những tòa nhà này. Mày có thể bước qua chùm tia sángqua bên này với tao!" N-Nhưng tên thứ hai chỉ lắc đầu. Hắn b-bảo... Hắn bảo "M-Mày nghĩ tao bị gì? Điên chắc? Mày sẽ tắt nó đi khi tao đi được nửa đường!"
Hình: Trò đùa của Joker.
Đọc lướt qua thì đây có vẻ là một câu truyện cười vô thưởng vô phạt, ít ai có thể hiểu được nó sau khi đọc lần đầu. Đó cũng là một chi tiết gây tranh cãi ở bộ truyện này xuyên suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, hồi kết của The Killing Joke lại cho chúng ta thấy cảnh Batman hiểu ra câu chốt hạ và cười vang cùng Joker, trong khi hắn là người đã mưu sát Jason Todd, chụp ảnh Barbara khi cô đang khỏa thân, nằm quằn quại trong cơn đau thấu xương và còn đưa những tấm ảnh đó cho người cha Jim Gordon tội nghiệp coi. Có gì mâu thuẫn ở ngòi bút của nhà văn đại tài Alan Moore?
Như chúng ta đã biết, các tác phẩm của thầy phù thủy người Anh đều giàu ẩn ý và ẩn chứa nhiều lớp lang, trò đùa chết người này cũng không là ngoại lệ. Trước hết, hai kẻ tâm thần ở đây chỉ Batman và Joker. Họ chỉ cách nhau một khe hẹp, tức là chỉ khác nhau ở làn ranh đạo đức. Tạm bỏ qua mặt triết học, chúng ta đã khắc sâu trong tâm trí rằng họ rất khác nhau: Batman là anh hùng, là biểu tượng của bóng đêm nhưng lại nhân danh công lý; Joker là phản diện, là biểu tượng của niềm vui nhưng ẩn sâu bên trong là tội ác. Họ đều từng có "một ngày tồi tệ" nhưng chọn hai cách giải quyết ngược nhau: Bruce Wayne vượt qua bóng tối là nỗi sợ hãi thuở ấu thơ, còn nghệ sĩ hài vô danh gục ngã trước bóng tối và trở nên điên rồ. Dù vậy, việc Batman ăn mặc như con dơi và tự cho mình cái quyền đập tội phạm ra bã cũng không có gì là tỉnh táo cả. Chính vì thế, tuy đối lập nhau nhưng về mặt tâm lý, họ như ảnh với vật, như hình với bóng, như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời dù "không biết danh phận của nhau" đi chăng nữa. Đó là một lý do khiến truyện cười trên trở nên thích hợp và xác đáng.
Hình: Batman cười với Joker.
Vậy thì danh tính cụ thể của hai gã điên trong câu chuyện là gì? Có người cho rằng Joker là gã thứ nhất đã nhảy qua nóc nhà, và Batman là gã còn lại. Họ từng sống chung một thế giới, đó là nơi chốn của những người tỉnh táo và bình thường như ủy viên Gordon. Sau khi nghe xong câu chuyện, Batman bật cười vì thấy chính mình là kẻ bị mắc kẹt với Joker, và dù hắn điên đến mức đòi xây cây cầu ánh sáng thì Batman cũng nên để Joker yên. "Nếu Joker biến mất giống như việc đèn bị tắt thì chắc chắn một điều, Batman sẽ không còn là Batman" (DC Vietnam). Nói như Joker trong The Dark Knight: "You complete me!".
Video: Khoảnh khắc đáng nhớ của The Dark Knight: You complete me!
Tuy đây là cái kết mở, tôi lại thiên về giả thiết ngược lại hơn, rằng Batman mới là người đã "thoát khỏi trại thương điên", hay thực tế hơn, anh đã thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo phải kết liễu Joker. Do đó, anh muốn quay lại giúp đỡ kẻ thù của mình để cả hai không kết thúc lẫn nhau. Tuy nhiên, ngoài đời thực, chúng ta đều biết những kẻ như Joker thuộc loại vô phương cứu chữa, không thể tái hội nhập xã hội và phải bị loại bỏ. Bản thân Joker cũng không muốn được cứu rỗi, vì hắn trở nên điên rồ để trốn tránh thực tại và không muốn nhớ lại quá khứ bi thảm. "Khi cả thế giới trở nên điên rồ thì nơi an toàn để ẩn náu là đâu? Sự điên rồ". Tuy nhiên, sau những gì hắn gây ra cho Barbara, cho Gordon, cho Jason và cho Gotham, Batman vẫn không đếm xỉa mà vẫn tin vào một cơ hội nhỏ nhoi có thể cải tạo Joker, một "cây cầu ánh sáng", thứ chỉ có kẻ điên mới tin vào. Trước khi bật cười một cách lạnh lùng và vô nhân tính sau những tấn thảm kịch mà mình đã gây ra, Hoàng tử hề đã đáp lại bằng một câu chốt sâu cay, nó không chỉ thể hiện rằng Joker không tin vào mớ bòng bong mà Batman vẽ ra mà còn mang hàm ý rộng hơn: "Tại sao một kẻ điên lại muốn giúp đỡ kẻ điên khác?". 
(Và nó còn hài hước ở chỗ Joker điên đến mức nghĩ rằng điểm gây cười của câu truyện cười này là lòng tin, chứ không phải cây cầu bằng ánh sáng!)
Công bằng mà nói, Batman cũng rất điên khi đối mặt với nỗi đau mồ côi bằng việc cải trang thành dơi. Hiểu được Joker đang nói kháy mình, anh cười sảng khoái cùng hắn và nhận ra sự vô lý, ngu xuẩn trong mối quan hệ cộng sinh này. Cả hai có thể thay phiên nhau trong câu truyện cười trên mà không làm mất tính xác đáng của nó, vì họ đều không thể tin tưởng lẫn nhau để đạt đến thỏa thuận chung và kết thúc tình trạng trói buộc nhau trong một vòng tròn bạo lực, một trận chiến điên rồ không hồi kết.
Batman vs Joker - Two Sides, Same Coin on Student Show
Hình: Batman và Joker, hai mặt của một đồng xu (nguồn: Internet).
Và câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Một chi tiết đáng nói ở hình trên là Batman dường như với tay tới "bóp cổ" Joker, và sau đó chúng ta không nhìn thấy tiếng cười của Joker nữa mà chỉ còn vang vọng tiếng của Batman. Tia sáng ngăn cách hai người cũng đã biến mất trong khung tranh cuối cùng ở hình dưới, cho thấy Batman đã thật sự "tắt cây cầu ánh sáng". Liệu Batman đã... giết Joker vì nhận thấy tên tội phạm này thực sự không thể cứu rỗi và phải loại bỏ hắn khỏi xã hội, tương tự The Dark Knight Returns, sau những điều hắn làm cho gia đình ông Gordon tội nghiệp? Suy cho cùng, ý nghĩa của tiêu đề bộ truyện là trò đùa chết người mà! Hay anh để cho hắn sống thêm một ngày để không vi phạm quy tắc đạo đức duy nhất của riêng mình, tuy điều đó đồng nghĩa với việc để hắn tiếp tục gây thương đau như hôm nay?
Cuộc tranh luận trên có vẻ ngớ ngẩn, vì trong comic có ai mà chết? Tuy nhiên, đó là một đề tài bàn luận rất sôi nổi trong giới comic, thu hút sự chú ý của nhà văn đại tài Grant Morrison (Son of Batman, Batman R.I.P.) và chính bộ đôi tác giả. Trong khi Brian Bolland tỏ ra lấp lửng về hồi kết của bộ truyện còn chủ đích của Alan Moore chỉ là để cho hai nhân vật cười vào tình cảnh ngặt nghèo và lố bịch của mình, Morrison cho rằng nét vẽ của họa sĩ người Anh thể hiện thay lời nói rằng Batman đã bóp cổ Joker...
r/DCcomics - [Comic Excerpt] Joker talking about The Killing Joke with Damian (Batman and Robin #15 - Death of the Family tie in)
Hình: Joker kể về sự kiện The Killing Joke với Damian Wayne trong sự kiện Death in the Family.
Cá nhân tôi nghĩ đây là một vấn đề chủ quan và bạn đọc có thể phát huy trí tưởng tượng của riêng mình cho cái kết mở này. Suy cho cùng, "Mỗi tác phẩm văn học là một cuộc xổ số mà số độc đắc luôn có trong lòng độc giả", nếu tác giả có quyền chèo lái tác phẩm của mình thì độc giả cũng có quyền quyết định "số phận" của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng xin trình bày ý nghĩ của bản thân là Batman không giết Joker. Sau đây tôi sẽ đưa ra ba lý do. Hãy bỏ qua yếu tố "trong comic không có ai chết", do đây là một bộ elseworld, việc đưa The Killing Joke vào dòng thời gian chính không thay đổi tính chất độc lập của nó vì một câu chuyện có thể rẽ nhánh ra nhiều dòng thời gian khác, tương ứng với các Earth khác trong đa vũ trụ. 
Thứ nhất, Batman dường như chỉ đưa người về trước và đặt tay lên vai của Joker, đó là một cử chỉ hoàn toàn bình thường khi hai người đang cười. 
Thứ hai, việc Batman giết Joker sẽ chỉ chứng minh rằng Joker đúng, rằng "một ngày tồi tệ" có thể biến Batman trở thành một kẻ giết người, xóa bỏ đi la bàn đạo đức của chính mình, trong khi ở trong nhà chơi, Batman đã kinh qua hàng loạt thử thách và cạm bẫy chỉ để phủ nhận luận điểm của Joker. Suy cho cùng, Batman tỏ ý muốn cải tạo Joker cũng là vì tin rằng "Ai cũng xứng đáng được cứu rỗi". Nếu Batman giết Joker, Bruce Wayne sẽ không khác gì tên tội phạm đã gây ra sang chấn thuở thơ ấu, và anh hẳn đã rất tuyệt vọng vì không thể cứu rỗi tên tội phạm này, như cách mà anh không thể cứu bố mẹ mình. Gotham thua cuộc vì mất đi người bảo hộ gác canh, còn Joker sẽ thắng cuộc.
Thứ ba, bạn có để ý khung tranh đầu tiên và cuối cùng của cả bộ truyện đều giống nhau? Chúng đều là cảnh mưa rơi tầm tã trên vệ đường. Như tôi đã nói, bộ truyện này chỉ viết về một cuộc rượt đuổi "mèo vờn chuột" thường ngày của Batman và Joker. Do vậy, sự trùng hợp trên có thể diễn giải là Batman để Joker sống ở kết cục, chỉ để hắn tiếp tục đi gieo rắc tội ác trong "một ngày tồi tệ" khác như hôm nay, và chúng ta quay lại mở đầu.
LỜI KẾT
Sở hữu nhiều lớp lang và tầng nghĩa như vậy từ phù thủy Alan Moore cùng với bàn tay minh họa tài ba của Brian Bolland, không ngạc nhiên rằng đây là một trong những đầu truyện Batman được ưa thích nhất mọi thời đại, tuy nó không được tác giả ưa thích cho lắm (ông ấy bất cần đời và ghét bỏ mọi thứ, nên điều đó cũng dễ hiểu). Nhiều nhà phê bình và phản biện cũng cho rằng đây là một trong những câu chuyện tối hậu về Joker, góp phần định hình hình tượng của kẻ phản diện nguy hiểm nhất của Kỵ sĩ bóng đêm sau này trong mắt độc giả hiện đại. Ngoài việc nhận được giải Eisner (1989) và danh hiệu bán chạy nhất của Thời báo New York (2009), The Killing Joke còn ảnh hưởng đến các tác phẩm comic và điện ảnh [3], mà tiêu biểu nhất là phần phim The Dark Knight. Gần đây, nó cũng đã được chuyển thể thành phim hoạt họa cùng tên [4].
Người Dơi: Sát Thủ Joke - Batman: The Killing Joke
Hình: Phim hoạt họa cùng tên.
Cá nhân mà nói, tôi sẽ không giới thiệu The Killing Joke cho những người mới tiếp cận với Batman, vì nó kể về Joker nhiều hơn. Hơn nữa, nó quá đen tối, ngay cả với một đầu truyện DC. Chính Alan Moore cũng nói rằng "Tôi nghĩ nó [The Killing Joke] đặt quá nhiều sức nặng lên những nhân vật chưa bao giờ phải nâng đỡ chúng. Nó quá kinh tởm và bạo lực về mặt thể xác...". Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những đầu truyện đáng đọc nhất của Kỵ sĩ bóng đêm và của Hoàng tử hề của giới tội phạm nữa. Theo tôi, nếu muốn tậu cho mình tác phẩm này, bạn nên đầu tư phiên bản Deluxe, vốn chuyên dùng cho những đầu truyện kinh điển để có được trải nghiệm tốt nhất. Ra đời sau hơn hai thập kỷ so với bản gốc, phiên bản này ưu việt ở chỗ được họa sĩ tô màu lại hoàn toàn (theo tầm nhìn nguyên bản của ông) bằng gam màu ảm đạm, đen tối và thực tế hơn so với bản gốc. Tôi có phần thiên vị bản mới hơn, phần vì sở hữu nó, phần vì yêu thích lựa chọn màu sắc của Brian Bolland trong những chi tiết mà tôi đã nhắc đến. Một lý do nhỏ khác là bộ truyện này rất mỏng, bản bìa mềm sẽ rất mỏng manh và khó đọc trên bàn làm việc. Nếu bạn thực sự yêu thích đầu truyện này thì hãy đừng ngần ngại mà tậu cho mình phiên bản Absolute!
Hình: Phiên bản Absolute của The Killing Joke (nguồn: Comic Collectors VN).
(Đó là chưa kể đây là một tác phẩm "nghệ thuật vị nghệ thuật", còn tôi thì thích những đầu truyện đánh vào cảm xúc nhiều hơn, như trilogy của Jeph Loeb - Tim Sale).
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây và chúc mọi người không gặp phải "một ngày tồi tệ", và nếu có thì cũng đừng yếu lòng như Joker mà mạnh mẽ kiên cường và vững vàng vào lý tưởng sống như Batman nhé ;) 
Batman / Robert Pattinson art By Bosslogic | The new batman ...
Hình: Fan art của BossLogic.

[2] Có ý kiến cho rằng việc làm cho Barbara tàn tật mang tính "trọng nam khinh nữ": tuy là một nhân vật thú vị nhưng trong câu chuyện này, cô ấy chỉ đóng một vai nhỏ, một công cụ để thúc đẩy Batman và Gordon. Dù được cho phép viết nhưng sau này khi nghĩ về bi kịch ấy, Alan Moore đã bày tỏ sự hối hận và thương tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là một ý kiến "tiêu chuẩn kép" vì Jason Todd cũng từng bị hại bởi Joker, điều đó cũng gây ảnh hưởng tâm lý tinh thần lớn đối với Batman nhưng không có sự "gây tranh cãi" nào ở đây cả.
[3] Đạo diễn Tim Burton của hai phần phim Batman (1989) và Batman Returns (1992) chỉ ... đọc mỗi bộ truyện này làm nguồn cảm hứng. "Tôi yêu The Killing Joke... Đó là đầu truyện ưa thích của tôi. Là cuốn comic đầu tiên mà tôi từng yêu quý" - ông nói.
[4] Khuyến khích bạn đọc comic trước rồi hẵng xem phim, vì ngoài việc cắt giảm vài chi tiết quan trọng, nó còn thêm vào cảnh hồi tưởng mang tính lãng mạn giữa Batman với Batgirl ở đầu phim như một nỗ lực bù đắp cho sự thiếu "đất diễn" của Barbara trong đầu truyện gốc, nhưng hóa ra lại thừa thãi. Một điều nữa là trò đùa ở cuối phim, vì chuyển thể từ truyện nên họ đã cắt tiếng cười của Joker ở cuối, vô hình trung nói lên rằng Batman đã giết Joker, trong khi đây là cái kết mở. Phải công nhận, comic có thể làm được nhiều thứ mà những phương tiện giải trí khác không làm được...