Từ bé mình đã được dạy là "phải biết tiết kiệm". Bởi vì gia cảnh khó khăn nên chẳng mấy khi có tiền tiêu vặt, đến khi có tiền, muốn tiêu gì là phải đắn đo ghê lắm. Để mua được một cuốn truyện tranh mà mình thích (hồi ấy giá tiền khoảng 5000 đồng/cuốn) là phải nhịn ăn sáng vài bữa mới đủ tiền. Người lớn họ chỉ dạy trẻ con tiết kiệm là như thế thôi, kiểu: mày muốn mua gì thì tự tiết kiệm tiền mà mua, chứ xin tiền mua là tao không cho, không có sẵn tiền đâu. Cái quan niệm "tiết kiệm" ấy gần như không được thay đổi suốt tới khi lên đại học, học xong ra trường thì vẫn vậy, chẳng được củng cố hay thay đổi là bao, bởi người ta nghĩ là mình đã được dạy rồi, mình biết rồi, có nói đi nói lại thì vẫn thế thôi: biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Nhưng câu chuyện tiết kiệm không chỉ có thế. Khi thật sự hiểu về tiết kiệm, thái độ của mình khác hẳn: Hiểu rồi, thích lắm, nói nữa đi. Vậy nên cũng muốn chém gió đôi chút về chuyện tiết kiệm trong chuỗi bài viết về quản lý tài chính cá nhân của mình. Nào, bắt đầu nhé!
Trước khi tìm hiểu về tiết kiệm thì bạn có thể đọc bài về quản lý chi tiêu của mình trước, gồm 2 bài:

Tiết kiệm - một trong 4 trụ cột chính của quản lý tài chính cá nhân

4 trụ cột ấy bao gồm: (1) Thu nhập, (2) Chi tiêu, (3) Tiết kiệm, (4) Đầu tư. Mình coi cả 4 yếu tố này quan trọng như nhau. Các yếu tố này có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau chứ không hề độc lập. Mình hay mô hình hóa 4 vấn đề này dưới dạng sơ đồ như sau:
Sơ đồ về dòng tiền mà mình vẽ ra
Sơ đồ về dòng tiền mà mình vẽ ra
Mình coi việc tiết kiệm chính là quá trình "Giữ tiền". Giữ tiền ở đây được hiểu là: mình sẽ giữ lại một khoản tiền từ thu nhập để bỏ ra ngoài quỹ chi tiêu hàng ngày (chính là phần tiêu tiền). Muốn có tiền để tiết kiệm, trước hết phải có thu nhập. Mà những chi tiêu hàng ngày cũng không thể cắt giảm được. Vậy nên muốn tiết kiệm được nhiều, mình sẽ cần phải tối ưu việc kiếm tiền, và xây dựng thói quen chi tiêu sao cho hợp lý nhất, ít lãng phí nhất có thể. Tiết kiệm cũng nhằm mục đích hỗ trợ tạo ra thu nhập và hỗ trợ việc chi tiêu hiệu quả hơn chứ không phải thuần túy cất tiền vào két. Cụ thể các mục tiêu này là:
- Bảo hiểm: ngoài việc đóng vào các quỹ bảo hiểm bắt buộc khi đi làm thì mình sẽ tự trích ra một khoản để phòng thân, Đây chính là quỹ khẩn cấp (emergency). Mục đích là để dự phòng các tình huống rủi ro như bị mất việc làm, mất thu nhập chính, hoặc bị tai nạn, ốm đau ảnh hưởng tới khả năng tạo ra thu nhập. Bởi nếu thu nhập bị thay đổi đột ngột, toàn bộ dòng tiền của mình cũng sẽ bị xáo trộn, gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý, thói quen chi tiêu và các mối quan hệ của mình. Điều này rất quan trọng nên cần có phương án dự phòng, bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro.
- Chi tiêu lớn theo kế hoạch: Đây chính là quỹ sinking. Việc này giúp mình tránh được việc phải nhịn ăn để mua một thứ gì đó lớn tiền. Nó sẽ không làm thay đổi thói quen chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày của mình, cũng không cảm thấy "xót ruột" khi tự nhiên tiêu khoản tiền lớn. Ngoài ra mình thích đầu tư vào BĐS nên không thể đầu tư với khoản tiền nhỏ được, phải tích lũy một thời gian mới đủ tiền để đầu tư, hoặc chờ đợi thời cơ khi nó đến là có thể sẵn tiền để hành động ngay.
- Bỏ tiền vào các tài sản: Có thể hiểu đây là đầu tư. Đầu tư vừa giúp mình giữ tiền không bị mất giá trị bởi lạm phát, vừa giúp mình có thêm nguồn thu nhập thụ động. Do đó hoàn toàn có thể coi việc sở hữu tài sản cũng là một cách "tiết kiệm" rất hiệu quả trên đường dài. Chủ đề đầu tư mình sẽ nói ở bài viết khác, nên trong bài viết này mình sẽ không lan man nhiều về đầu tư nhé.

Những sai lầm khiến mình không tiết kiệm được?

1. Không có kỷ luật và mục tiêu rõ ràng
Mình tin là bất cứ ai khi đã biết cầm tiền để tiêu thì đều được bảo là "phải biết tiết kiệm". Trong dân gian còn truyền lại hẳn một câu thành ngữ: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện" để nhắc nhở người ta về ý thức tiết kiệm. Tuy nhiên biết thì biết nhưng thực tế thì lại không dễ để làm. Bản thân mình trước đây khi chưa học cách quản lý tài chính cá nhân đã từng gặp vấn đề với việc tiết kiệm, đó là cứ tích lũy được một khoản kha khá sau đó lại tiêu hết. Lý do thì muôn hình vạn trạng lắm:
+ Có tháng phải chi tiêu nhiều hơn bình thường (mà không rõ đã tiêu những gì, đến lúc cần chi tiền thì cứ phải chi thôi) => thế là lại rút bớt tiền tiết kiệm ra để tiêu.
+ Có lúc lên kế hoạch cho 1 chuyến du lịch hay mua điện thoại, thế là cũng lấy tiền tiết kiệm ra chi. Tâm lý là hết thì lại kiếm, lại tích lũy thôi.
+ Hay có ai đó hỏi vay/mượn tiền lúc họ cấp bách, mình cũng lấy tiền tiết kiệm ra cho họ vay/mượn.
Khi nhìn lại những lý do kiểu như thế này, mình nhận ra là mình đã không có mục tiêu rõ ràng trong việc tiết kiệm. Mình chỉ coi đó là một khoản tiền nhàn rỗi, có thể dùng vào bất cứ mục đích gì phát sinh tại thời điểm mình cần sử dụng. Mà như thế thì quỹ tiết kiệm này thật mong manh và vô kỷ luật, bảo sao nuôi mãi mà không lớn. Muốn các quỹ này lớn, phải có kỷ luật trong chi tiêu, trong kế hoạch sử dụng tiền, và có những mục tiêu tiết kiệm rõ ràng.
2. Tổng chi tiêu >= Tổng thu nhập thì tiết kiệm kiểu gì?
Khi mới theo dõi chi tiêu, mình nhận ra mức chi tiêu tiêu chuẩn của mình thường ở mức bằng với mức tiền lương chính. Mà lúc đó mình lại chưa có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương nên mình thấy chẳng có cách nào để có tiền dư ra mà tiết kiệm được cả. Ban đầu mình nghĩ:
+ Kêu gọi tăng lương. Lương tăng thì may ra mới dư tiền được. Nhưng thật khó để đòi hỏi công ty tăng lương trong khi mình chưa có đóng góp gì nổi bật, cũng chưa đến kỳ đánh giá hiệu quả công việc (là căn cứ để xét tăng lương) => Hướng này gần như không có cửa.
+ Chi tiêu dè xẻn hơn. Cách này nghe có vẻ hay nhưng thực tế thì không hiệu quả cho lắm, vì đến cuối tháng vẫn không dư được mấy. Lý do là tiêu dè xẻn thì tiền trong túi lại nhiều, lại tiêu nhiều hơn vào thứ khác mà mình không dự trù trước được. Tâm lý đó gọi là "có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít". Càng có nhiều tiền trong túi thì càng dễ tiêu. Mình chỉ nghiêm khắc được 1-2 ngày, hay sau khi tiêu 1 khoản tiền lớn thì xót ruột, tự nhủ phải dè xẻn hơn, nhưng vài ngày sau lại trở về trạng thái bình thường như cũ, thế mới đau.
3. Nóng vội muốn tiết kiệm được nhiều ngay lập tức
Khi biết được tầm quan trọng và các mục tiêu tiết kiệm, mình rất háo hức và muốn lấp đầy thật nhanh các quỹ dự phòng (2 quỹ Emergency và Sinking) để sớm chuyển sang giai đoạn đầu tư để có thêm thu nhập. Đây là một sai lầm mà mình thấy là "nghiêm trọng", một "bẫy tâm lý" khiến mình phải trả giá bằng vài tháng đau khổ vì tiền. Mình đặt mục tiêu tiết kiệm 30% thu nhập mỗi tháng, tự nghiêm khắc với bản thân là với 70% thu nhập thì vẫn đủ để chi tiêu, bởi trước đây mình đã từng sống tốt ở mức này rồi mà, giờ làm lại có sao đâu.
Well, có sao đấy, sao to luôn ấy.
Có 1 câu nói thế này: Khi 1 cánh cửa đã mở ra, thì cánh cửa khác đã đóng lại. Trong thói quen chi tiêu cũng vậy. Bạn đang quen chi tiêu ở mức 10 triệu/tháng rồi thì rất khó để quay trở lại mức 7 triệu/tháng (số này mình nói ví dụ cho mọi người dễ hình dung thôi nhé, chứ thực tế mức chi tiêu của mình khác con số này). Thói quen chi tiêu là một thứ gì đó rất khó để thay đổi, điều chỉnh theo hướng giảm đi. Nó thường chỉ có đi ngang hay tăng lên thôi. Nó giống như chỉ số lạm phát vậy đó. Đôi khi có lạm phát là số âm nhưng rất ít khi.
Khi cắt giảm đột ngột như vậy, có vài thứ phải tính đến:
- Mức chi tiêu tối thiểu là bao nhiêu? có phạm vào mức này không? Nếu phạm vào thì chắc chắn là không thể làm được.
- Khi cắt giảm như vậy, chúng ta sẽ phải hy sinh, đánh đổi nhiều thứ khác: ít gặp gỡ bạn bè hơn, ít ăn uống bên ngoài hơn, ít tiền để tiêu hơn, phải cân nhắc nhiều hơn trước những quyết định tiêu tiền => nó khiến chúng ta trở thành một kẻ "hà tiện" lúc nào không hay. Điều này ảnh hưởng ngay lập tức tới các mối quan hệ: bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, gia đình... Ta đâu thể tách mình ra khỏi các mối quan hệ này ngay được. Chính điều này là thứ khiến chúng ta đau đầu. Chẳng nhé rút tiền tiết kiệm ra để tiêu? Không! thế lại thành vô kỷ luật à?... => đấy, vấn đề đấy.

Thực hành tiết kiệm như thế nào?

Cũng không khó lắm đâu, chỉ cần giải quyết được 3 vấn đề khiến chúng ta không tiết kiệm được đã nêu ra ở trên:
1. Không có kỷ luật, mục tiêu => Phải kỷ luật và có mục tiêu rõ ràng.
Cái này rất cần đến mindset và cảm hứng. Mindset là tư duy đúng, kiến thức đúng về quản lý tài chính cá nhân. Bạn sẽ xác định các mục tiêu tiết kiệm rõ ràng, phân loại các quỹ và mục đích sử dụng quỹ, có các kế hoạch chi tiêu cho 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm để từ đó định vị được mức tiết kiệm cần có mỗi tháng là bao nhiêu. Không phải là 1 con số vô lý, không có cơ sở, mà cần có kế hoạch và ước tính được.
Cảm hứng chính là thứ giúp chúng ta duy trì được kỷ luật. Bạn có những tấm gương, có những người trợ giúp, có những khát khao thoát nghèo mãnh liệt... => đó là thứ giúp bạn có thể nghiêm khắc với bản thân trên đường dài. Chứ đi 1 mình, lúc vui buồn không biết chia sẻ với ai, lúc tâm lý bất ổn cũng không có ai để xả, để hướng dẫn mình, thì lúc đó rất khó để kỷ luật bản thân được.
2. Tổng chi tiêu lớn hơn Tổng thu nhập => Tiết kiệm trước, chi tiêu sau.
Đây chính là "bí quyết" giúp bạn đảm bảo Tổng thu nhập > Tổng chi tiêu. Bởi bạn đã chủ động cắt giảm chi tiêu từ trong trứng nước, từ trước khi mình phải nghĩ đến chuyện tiêu tiền.
Bạn tạo ra một mức "thu nhập sau tiết kiệm", mức này thấp hơn thu nhập thực tế của bạn, tuy nhiên nó sẽ là số tiền có thực trong các ví của bạn. Chính điều này tạo ra một bẫy tâm lý khác có lợi hơn: Bạn sẽ được phép chi tiêu hết số này mà không áy náy gì.
Vấn đề là mức tiết kiệm bao nhiêu thì tốt?
3. Nóng vội => không nóng vội
Tiết kiệm cũng là 1 thói quen cần được rèn luyện. Trong chuyện giữ tiền và tiêu tiền, chúng ta sẽ xoay quanh việc giảm bớt các thói quen xấu, mất tiền, mà thay bằng các thói quen tốt giúp giữ được tiền, có lợi cho vòng quay tiền (hay còn gọi với thuật ngữ Dòng tiền).
Để xây dựng thói quen, điều quan trọng là duy trì nó trong 1 thời gian đủ dài và diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian ấy. Đừng vội nghĩ tới số tiền có thể tiết kiệm được mà hãy nghĩ tới thói quen tiết kiệm mà mình xây dựng được.
Bản thân mình rút ra kinh nghiệm là trong giai đoạn đầu chúng ta sẽ duy trì ở mức tiết kiệm từ 5-10% trong vòng 1-2 tháng đầu. Từ tháng thứ 3 trở đi có thể tùy theo điều kiện mới để cân nhắc: duy trì hay tăng dần mức tiết kiệm. Tức là mức tiết kiệm sẽ điều chỉnh dần dựa trên việc điều chỉnh thói quen chi tiêu, dựa trên điều chỉnh mức thu nhập để đưa ra một tỷ lệ hợp lý. Quan trọng là bạn sẽ giữ mức tỷ lệ này đều và tránh bị giảm (chỉ tăng lên nếu có thể). Hình dung việc này giống như bạn đi tập gym vậy. Mới đầu đừng vội nâng mức tạ vượt quá khả năng. Phải xác định khả năng của mình còn yếu, còn thấp để tìm mức phù hợp. Sau khi quen dần rồi thì PHẢI nâng mức tạ lên, chứ đừng đứng im mãi.

Tổng kết

Có 1 nguyên tắc mà mình thấy đúng trong mọi trường hợp, không riêng quản lý tài chính cá nhân, đó là: Để điều chỉnh thói quen, chúng ta cần có áp lực và có cơ chế kích thích hành vi tốt. Áp lực sẽ khiến chúng ta duy trì sự tập trung và kỷ luật. Cơ chế kích thích hành vi tốt giúp chúng ta có động lực để đi đường dài.
+ Áp lực cần phải phù hợp với từng cá nhân, đừng máy móc áp dụng theo người khác. Nếu quá áp lực, bạn dễ bỏ cuộc. Nếu áp lực không đủ, bạn dễ xao nhãng và không đạt hiệu quả như mong muốn.
+ Cơ chế kích thích cần phù hợp. Nếu quá nhiều, dễ khiến bạn đi sai hướng. Nếu quá ít, không đủ hấp dẫn.
Mình cũng thấy 1 vấn đề là: Chuyện chi tiêu và tiết kiệm rất khó để học được. Bởi nó mang tính cá nhân rất cao. Bạn có thể học kiến thức, kỹ năng để tăng thu nhập, bạn có thể học về đầu tư để đầu tư hiệu quả hơn, nhưng rất ít trường lớp dạy bạn cách chi tiêu hiệu quả hơn hay làm sao tiết kiệm được nhiều hơn. Vấn đề ở đây là bạn cần phải ý thức được vai trò của chúng, đừng quá mải mê theo đuổi việc gia tăng thu nhập và đầu tư. Muốn xông pha tiền tuyến thì phải xây dựng được hậu phương vững chắc trước đã.
25/09/2023
duongAQ