Khi thực hiện các bài viết về chủ đề "Quản lý tài chính cá nhân", mình cũng đã suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều về những gì mình nêu ra. Bởi vì hành trình quản lý tài chính cá nhân là một hành trình dài và không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bản thân mình cũng mới đi được một đoạn ngắn thôi nên cũng chỉ viết dựa trên những gì mình đã đi qua và nghiệm lại. Gần đây nhất mình nhận được hai câu hỏi khá là "hóc búa", khiến mình phải đi chậm lại, suy nghĩ sâu hơn, tự trả lời được những câu hỏi này rồi mới đi tiếp. Hai câu hỏi đó là:
1. Đã áp dụng thành công chưa mà phát biểu như thật? Hay chỉ chém gió từ lý thuyết của người khác? 2. Tại sao có những người giàu, tài sản kếch xù mà họ có áp dụng quản lý tài chính cá nhân không? hay đó chỉ là lý thuyết để ngụy biện và rủ ngủ cho người nghèo?
Trước khi đọc câu trả lời của mình ở bên dưới, bạn đọc có thể tự suy nghĩ câu trả lời cho 2 câu hỏi này được không? Bạn muốn học cách quản lý tài chính cá nhân, trước tiên bạn phải tin rằng nó có hiệu quả. Còn nếu bạn không có câu trả lời, không có đủ niềm tin, cho rằng nó chỉ là lý thuyết ngụy biện và ru ngủ, bạn không cần học, không cần hiểu vì chỉ tổ làm mất thời gian của bạn mà thôi.

1. Hiệu quả của việc áp dụng lý thuyết quản lý tài chính cá nhân

Câu này mình xin trả lời ngắn gọn như sau: Mục tiêu của việc áp dụng lý thuyết quản lý tài chính cá nhân là giúp mình thay đổi suy nghĩ về tiền bạc, thói quen chi tiêu, phương pháp quản lý dòng tiền để những điều này trở nên tốt hơn, giúp mình yên tâm hơn về sức khỏe tài chính của bản thân, để từ đó tập trung hơn cho những việc khác.
Về mục tiêu này, mình thấy những điều mình đang làm là có hiệu quả:
+ Mỗi tháng tiết kiệm được số tiền ổn định hơn. Hồi mới đầu việc tiết kiệm rất khó khăn và khiến mình thấy áp lực. Nhưng sau một thời gian duy trì thói quen này thì mình không còn cảm thấy áp lực nữa, lại rất dễ dàng đạt được mục tiêu tiết kiệm.
+ Mình bớt chi tiêu theo cảm hứng và có kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn. Đây là một sự cải thiện đáng kể, bởi trước đây gần như mình không có kế hoạch chi tiêu trong các khoản chi hàng ngày. Lúc đầu mình cũng băn khoăn là sao chi tiêu hàng ngày còn phải kế hoạch, phân loại, chi li tính toán làm gì? Nhưng nhờ việc phân loại, lên kế hoạch, mình có thể khoanh vùng được mức chi tiêu cho các đối tượng, các thói quen, nhu cầu, để từ đó tránh bị chi tiêu vượt quá ngân sách, không bị tình trạng lấy khoản này bù cho khoản kia. Điều này giúp mình dần trở nên thoải mái, mạnh dạn hơn trong các quyết định chi tiêu hoặc sẵn sàng nói không với những khoản chi vượt quá ngân sách.
+ Các quỹ dự phòng luôn sẵn sàng. Đây là thứ mà trước đây mình không có. Khi chưa chủ động bảo hiểm cho chính bản thân mình, mình cảm thấy mọi thứ rất mong manh, dễ bị đứt gãy bất cứ khi nào. Ở tuổi 3x (nhất là sau 35), sức khỏe đã thay đổi nhiều so với hồi 25-30. Thêm vào đó là khó khăn hơn trong việc phải thay đổi môi trường làm việc, cân nhắc nhiều hơn với mỗi quyết định lớn mà ảnh hưởng tới thu nhập, bởi mang theo áp lực về gia đình. Khi có quỹ dự phòng, mình có thể thoải mái hơn về tâm lý và thời gian nên cũng cảm thấy tự tin hơn, dễ đưa ra quyết định hơn. Điều này giúp mình cải thiện rất nhiều về tinh thần, thái độ làm việc.
+ Mình chưa nói tới khía cạnh "đầu tư", mà chỉ đang thuần túy là "quản lý". Mình cho rằng phải quản lý tốt, xây dựng nền tảng vững chắc thì đầu tư mới có hiệu quả. Nóng vội đầu tư trong khi chưa có nền tảng tài chính, thiếu kiến thức thì sẽ không bền và khó để thành công hơn. Trong đầu tư thì luôn có rủi ro. Và sẽ rủi ro hơn nữa nếu khoản tiền dùng cho đầu tư không phải tiền nhàn rỗi, không có nền tảng về kiến thức, kỷ luật trong tài chính.
Vậy nên các lý thuyết về quản lý tài chính cá nhân đã giúp mình thay đổi được nhiều thứ. Những sự thay đổi đó cũng tốt hơn so với trước đây. Mình thấy chỉ cần mỗi ngày tốt hơn một chút là được. Trong quản lý tài chính cá nhân, mình thấy nhấn mạnh nhất ở hai từ "thói quen". Muốn thay đổi thói quen đã có hoặc chủ động tạo một thói quen mới, chúng ta buộc phải học được tính "kiên nhẫn" và "kỷ luật". Không thể làm tốt 1 tuần, 1 tháng rồi sau đó không làm nữa. Như thế cũng chẳng cải thiện được gì. Mình làm vì bản thân mình nên cứ mạnh dạn áp dụng thứ gì giúp mình tốt hơn là được.

2. Người giàu có dùng lý thuyết này không?

Trước đây mình hay tự hỏi: Thế nào là giàu có? Liệu có phải cứ có nhiều tiền, tài sản kếch sù là giàu có hay không? Và điều gì giúp mình nhận ra đâu là một người giàu có thực sự?
Vẫn những câu hỏi này, trước đây mình nghĩ đơn giản là: Có nhiều tài sản thì là giàu. Bởi tài sản giúp tạo ra thu nhập thụ động, không làm mà vẫn có tiền.
Sau này mình nhận ra: không hẳn là như vậy. Có người được thừa kế tài sản kếch sù mà vẫn nghèo đi đấy thôi, tại sao thế? Hay có những người từng kiếm tiền rất rất nhiều rồi vẫn trở thành "nghèo" tới mức phải tuyên bố phá sản đó thôi? một số ví dụ tiêu biểu là Mike Tyson từng có hàng trăm triệu USD nhưng sau đó vẫn phải tuyên bố phá sản vào năm 2003. Mình vẫn nhớ lời dạy của các cụ: "Miệng ăn núi lở". Nếu không kiểm soát chi tiêu, sẽ chẳng bao giờ là đủ. Rất nhiều người vô cùng giàu có cuối cùng tài sản của họ cũng bay hết chỉ vì con cái tiêu xài hoang phí.
Nếu chỉ chăm chăm so sánh về tài sản, về thu nhập thì vô cùng lắm. Với người này kiếm 50 triệu/tháng là cao, nhưng sẽ chẳng là gì với những người kiếm 10k usd/tháng, hoặc cả triệu usd/năm. Nhưng mình thấy vẫn có những tiêu chí để đánh giá 1 người có giàu hay không, và mức độ giàu có của họ. Tiêu chí đó là:
+ Tư duy và cách họ quản lý tiền. Cách quản lý và sử dụng tiền ở mức 10 triệu đ/tháng với mức 100 triệu đ/tháng rất khác nhau. Một câu hỏi rất phổ biến để xem một người có khả năng giàu tới đâu là hỏi họ cách sử dụng một số tiền lớn như thế nào. Kiểu như: Nếu bạn được đầu tư 1 triệu usd thì bạn sẽ làm gì với số tiền đó? Tùy số tiền mà họ sử dụng hiệu quả sẽ có thể đánh giá được khả năng "giàu có" của họ tới đâu.
+ Khả năng kiểm soát dòng tiền. Yếu tố dòng tiền luôn là yếu tố quan trọng để đánh giá sự vững mạnh về tài chính và đánh giá sự giàu có. Vẫn có trường hợp sở hữu nhiều tài sản nhưng vẫn lâm vào cảnh nợ nần bởi vì tài sản đó không thanh khoản được, dòng tiền vẫn âm. Bạn có hình dung được điều này không? Kiểu như bạn sở hữu bất động sản (nhà, căn hộ cho thuê), nhưng không có khách thuê, hoặc lượng khách thuê không đủ bù chi phí vận hành, cũng không bán được (bởi bán lúc đó không có khách mua hoặc phải bán với giá rất thấp, lỗ vốn).
Vậy nên để trở thành giàu có và duy trì sự giàu có, người ta phải luôn luôn học cách quản lý tiền bạc. Tiền càng nhiều thì càng khó quản lý. Có người bảo: "Giờ có chục tỷ gửi tiết kiệm, chỉ cần hưởng lãi mỗi tháng thôi cũng đủ sống". Điều này liệu có đúng? Liệu họ có chịu ngồi yên với số tiền 10 tỷ trong tài khoản tiết kiệm không? Liệu họ có được yên tĩnh không - khi người ta biết bạn có số tiền lớn đến vậy? Nếu không biết cách kỷ luật bản thân trong chi tiêu, không có kiến thức tài chính để sử dụng tiền hợp lý, không có đủ dũng cảm nói không với những thứ lãng phí, liệu họ có giữ được số tiền lớn và khiến nó ngày càng tăng lên không?
Với cả tiền của ai người đó giữ. Người khác kiếm được tiền hay mất tiền thì ta cũng chẳng được gì. Đó là chưa kể trong kinh doanh, nếu đối thủ giàu lên thì ta sẽ nghèo đi. Bởi quy luật cạnh tranh là tất yếu. Có cạnh tranh thì mới có sinh tồn và phát triển. Tự ta phải lo thân ta thôi. Sự ngụy biện và ru ngủ lớn nhất có lẽ là "ta không cần phải học cách quản lý tài chính, bởi nó lý thuyết suông và không có cũng chẳng sao". Ngày hôm nay ta kiếm được 10 triệu đ/tháng, ta có khả năng quản lý 10 triệu đ. Nhưng nếu không học cách quản lý, không mở mang tư duy, lấy gì đảm bảo ta có khả năng quản lý 50 triệu đ/tháng? Lấy gì bảo đảm ta có thể gìn giữ được tài sản thừa kế mà ông bà cha mẹ dành cả đời mới có được? Hay đến khi có tiền trong tay mới học cách quản lý tiền? Nghe khá giống câu nói: "Nước đến chân mới nhảy" lắm đấy.
07/10/2023
duongAQ