1. Ai sao mình vậy

Ảnh bởi
mostafa meraji
trên
Unsplash
Nhìn chung đây là tư tưởng hữu hiệu để một tập thể duy trì trật tự, lợi ích, một cách công bằng, nhưng với tư duy ngắn hạn, thậm chí là mắt nhắm mắt mở trước cái sai thì tư tưởng trên trở thành một lối ngụy biện phổ biến, có thể xếp lối nguỵ biện này vào loại nguỵ biện lợi dụng đám đông ( appeal to the people). Lối ngụy biện này đi sâu vào tiềm thức mỗi người, đè nén và mài mòn tinh thần tiến bộ, phản biện, tư duy độc lập của từng cá nhân, quá đáng hơn, đã nhiều lần câu nói này được đưa ra để bào chữa, nhẫn nhịn và thoả hiệp trước cái sai như thể ai cũng có trách nhiệm phải thản nhiên mà chia sẻ hậu quả từ cái sai của tập thể. Có thể dễ nhìn thấy lối ngụy biện này tồn tại trong văn hoá bàn nhậu toxic của người Việt. Tệ hơn, tôi từng gặp nhiều tình trạng học sinh, sinh viên ngại đưa ra ý kiến tranh luận hoặc thiếu chủ động đào sâu vấn đề bởi họ đã quen việc cố gắng đồng bộ bản thân để hoà nhập tập thể, từ đó suy ra lối ngụy biện này nuôi dưỡng sự thụ động, bảo thủ. Hoà nhập với tập thể trên tinh thần tiến bộ win-win thì hoan nghênh còn trên tinh thần bầy đàn thì thật đáng xấu hổ.

2. Bởi họ nổi tiếng nên tôi hoàn toàn tin họ

Ảnh bởi
Adrian Smith
trên
Unsplash
Hiệu ứng hào quang ( halo effect) có tác dụng với mọi người nhưng một con người tiến bộ thì nên biết gác lại phản ứng bản năng của não và giác quan. Chiếc áo không làm nên nhà tu, chúng ta nói cho cùng là yêu chuộng cái đẹp như một bản năng tiến hoá chứ không phải yêu chuộng những con người cụ thể nào cả, ví dụ như trong danh tác Thủy Hử, một tác phẩm hào hùng nói về nghĩa khí và công đạo, lần đầu đọc truyện hay xem phim chắc hẳn ai cũng thoả mãn bởi lý tưởng thay trời hành đạo của 108 anh hùng Lương Sơn nhưng xét kỹ ta lại thấy thì ra họ không hẳn là anh hùng, trong 108 người đó, có những người bị quỷ kế của một số "anh hùng" đặt vào tình thế ép buộc phải đầu quân Lương Sơn hay nói đúng hơn là bị ép vào đường cùng nên không còn nơi nào để trú thân như Dương Chí, Lư Tuấn Nghĩa, Tần Minh, An Đạo Toàn, cùng với đó, lý tưởng và hành động của Lương Sơn mang tính bộc phát, tự tung tự tác và dung túng cho những hành vi bạo lực, lỗ mãng, trộm cướp dưới cái danh anh hùng mà không có gì chứng minh rằng sự tồn tại của Lương Sơn đem lại lợi ích chung và lâu dài, có chăng chỉ dựa vào vài câu nói vẽ vời nghe có vẻ thuận tai. Hiệu ứng hào quang liên hệ trực tiếp với PR, sẽ không có gì cho tới khi PR trở thành quảng cáo lừa bịp, có thể xếp lối nguỵ biện trên vào loại nguỵ biện thiên vị ( cherry picking fallacy). Mặt khác, nạn sĩ diện lắm khi trở thành rối loạn nhân cách ái kỷ ( narcissistic personality disorder) làm nhiều người đánh bóng bản thân quá mức khiến hiệu ứng hào quang lại càng mạnh mẽ hơn từ đó sinh ra áp lực cho những người liên quan như một peer pressure, áp lực lớn quá mức khi hình ảnh trước mắt quá đẹp đẽ đến nỗi khó có thể với tới là lúc người ta chấp nhận sống, suy nghĩ và hành động dưới bản ngã của thần tượng, tiêu biểu cho hiện tượng này chính là fan cuồng. Chúng ta là những cá thể độc lập có quyền tự do phát triển bản thân và có bản sắc riêng nên đừng quá tin tưởng, thần tượng rồi phụ thuộc vào bất kỳ ai.

3. Người lớn luôn đúng

<i>Nguồn: Nomad's mind</i>
Nguồn: Nomad's mind
Phần nào tư duy này đến từ truyền thống pha lẫn thượng đẳng thế hệ, sự phóng đại cái tôi mình lên quá mức kéo theo với sự cường điệu hoá nỗi khổ và thành tựu của bản thân làm nhiều người không nhìn nhận đúng đắn hoàn cảnh của thế hệ tiếp theo. Sự áp đặt suy nghĩ bản thân lên thế hệ Gen Z hiện nay là một minh chứng sống cho hiện tượng này, Gen Z thường bị hiểu là một thế hệ lười biếng, ích kỷ, không có trách nhiệm. Nhưng chúng ta nên nhìn lại, xã hội cần có tiến bộ, hôm nay là hôm nay chứ không phải năm hay mười năm trước, thay vì cứ nhìn chằm chằm và lên án lỗi sai của một số cá nhân Gen Z, tại sao chúng ta không nhìn nhận lại mối quan hệ lao động và môi trường lao động có thực sự công bằng và thân thiện để Gen Z có thể đồng ý cống hiến hay không, tại sao không thừa nhận thế hệ sau này có ý thức và mong muốn cải thiện về các vấn đề bản thân và xã hội rất tốt, cộng với đó là họ có kiến thức nền tảng hợp thời, tư duy nhanh nhạy, sức trẻ năng động. Thay vì nhìn lại bản thân, tạo điều kiện tốt và định hướng cho thế hệ tương lai cũng như cải thiện các vấn đề tồn đọng trong xã hội thì nhiều người lại quy chụp những mặt xấu của xã hội hiện tại lên người Gen Z, trong khi chính bản thân họ cũng là một phần và thậm chí chịu trách nhiệm trực tiếp cho cái xã hội mà thế hệ cũ đã kiến tạo như hôm nay.

4. Tích cực độc hại

<i>Nguồn: OurMindfulLife.com</i>
Nguồn: OurMindfulLife.com
Tôi nhiều lần phải cân nhắc bản thân khi muốn bày tỏ những vấn đề cần tranh luận, khi bóc tách vấn đề thì đương nhiên sẽ động chạm tới mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực nhưng khi đưa ra các luận điểm và luận cứ xung quanh mặt tiêu cực, tôi thường bị chụp mũ là một cá nhân cổ xúy tiêu cực. Vấn đề nằm ở chỗ việc nhìn nhận và tranh luận hai mặt vấn đề nhằm đưa ra giải pháp và việc tính cách cá nhân tiêu cực khác nhau hẳn. Tính cách sợ đối diện trực tiếp với vấn đề, cộng với đó là hiệu ứng quá lớn từ sách self help, làn sóng cổ động sống tích cực, ám ảnh thành tích, toxic productivity và nhu cầu thoả mãn cái tôi làm con người ta thần thánh hoá khái niệm “tích cực”. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng cuộc đời không chỉ có màu hồng. Thừa nhận, đào sâu, sửa lỗi mới chính là cách duy trì tích cực và tiến bộ chứ không nên tự xoa dịu bằng những câu nói, lý do, lý luận sáo rỗng hay tự ám thị “mình tích cực” hay né tránh tranh luận, bảo vệ cái tôi quá mức hay gồng mình lên để cố tỏ ra là một người tích cực.